Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sau-lơ gặp lại bạn cũ và kẻ thù trước kia

Sau-lơ gặp lại bạn cũ và kẻ thù trước kia

Sau-lơ gặp lại bạn cũ và kẻ thù trước kia

SAU-LƠ, người mà sau này được gọi là sứ đồ Phao-lô, hẳn cảm thấy lo ngại phần nào khi trở lại Giê-ru-sa-lem lần đầu tiên kể từ khi đổi sang đạo Đấng Christ. * Cách đây ba năm trước khi rời thành, ông ngăm đe giết các môn đồ của Chúa Giê-su. Ông được lệnh bắt giữ bất cứ tín đồ Đấng Christ nào ông tìm thấy ở Đa-mách.—Công-vụ 9:1, 2; Ga-la-ti 1:18.

Khi chính ông trở thành tín đồ Đấng Christ, Sau-lơ can đảm tuyên bố đức tin nơi Đấng Mê-si được sống lại. Vì thế, dân Do Thái ở Đa-mách muốn giết ông. (Công-vụ 9:19-25) Ông có thể nào trông mong được bạn bè cũ người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem tiếp đón niềm nở không? Tuy nhiên, đối với Sau-lơ, điều quan trọng hơn là liên lạc với các môn đồ Đấng Christ ở Giê-ru-sa-lem. Điều đó không dễ làm.

“Sau-lơ tới thành Giê-ru-sa-lem rồi, muốn hiệp với các môn-đồ; nhưng hết thảy đều nghi-sợ người, không tin là môn-đồ”. (Công-vụ 9:26) Điều đó cũng dễ hiểu. Theo thông tin mà họ được biết gần đây, ông bắt bớ các tín đồ cách tàn nhẫn. Việc ông tuyên bố mình là tín đồ Đấng Christ có vẻ như một thủ đoạn để thâm nhập hội thánh. Bởi vậy, các tín đồ ở Giê-ru-sa-lem không muốn kết thân với ông.

Tuy nhiên, có một tín đồ đã giúp Sau-lơ. Kinh Thánh cho biết Ba-na-ba đã đem người từng bắt bớ anh em “đến các sứ-đồ”, hẳn nói đến Phi-e-rơ (Sê-pha) và Gia-cơ, anh em của Chúa, báo cho họ biết về việc Sau-lơ đổi đạo và rao giảng ở Đa-mách. (Công-vụ 9:27; Ga-la-ti 1:18, 19) Kinh Thánh không cho biết làm thế nào Ba-na-ba đã tin Sau-lơ. Phải chăng hai người từng quen biết nhau, nên Ba-na-ba đã cẩn thận dò xét Sau-lơ và sau đó xác nhận ông thành thật? Hay Ba-na-ba thường liên lạc với các tín đồ ở Đa-mách, nhờ thế biết về sự thay đổi hoàn toàn của Sau-lơ? Dù thế nào, Ba-na-ba đã làm giảm đi mối hoài nghi về Sau-lơ. Do đó, Sau-lơ ở lại với sứ đồ Phi-e-rơ 15 ngày.

Mười lăm ngày ở với Phi-e-rơ

Như ông nêu rõ với các tín đồ ở Ga-la-ti, Sau-lơ đã nhận được sứ mệnh trực tiếp từ Chúa Giê-su và không cần người nào phê chuẩn. (Ga-la-ti 1:11, 12) Tuy nhiên, Sau-lơ hẳn nhận thức tầm quan trọng của việc biết rõ về thánh chức của Chúa Giê-su. Ở với Phi-e-rơ cho ông cơ hội làm điều này. (Lu-ca 24:12; 1 Cô-rinh-tô 15:3-8) Sau-lơ có nhiều điều để hỏi Phi-e-rơ và Gia-cơ, và họ cũng có những câu hỏi đặt ra cho Sau-lơ về sự hiện thấy và sứ mệnh ông nhận được.

Được cứu khỏi tay bạn bè cũ?

Ê-tiên được xem là tín đồ Đấng Christ đầu tiên tử vì đạo. Trước đó Ê-tiên đã tranh luận với những thành viên của “nhà hội của bọn được tự-do, với những người quê ở Sy-ren, người quê ở A-léc-xan-đơ, cùng người Giu-đa ở xứ Si-li-si và xứ A-si”. Giờ đây Sau-lơ “cãi với những người Hê-lê-nít”, tức người Do Thái nói tiếng Hy Lạp, can đảm làm chứng cho họ. Họ phản ứng ra sao? Họ muốn giết ông.—Công-vụ 6:9; 9:28, 29.

Nếu Sau-lơ muốn giải thích sự thay đổi hoàn toàn trong đời sống ông và cố giúp những người bạn cũ hiểu rõ về Đấng Mê-si, thì đó cũng là điều tất nhiên. Thế nhưng, những người Hê-lê-nít này tỏ ra rất tức giận đối với người mà họ coi là kẻ phản bội.

Sau-lơ có ý thức ông đang ở trong tình thế nguy hiểm như thế nào không? Chúng ta biết được là trong lúc cầu nguyện ở đền thờ, ông bị ngất trí và thấy Chúa Giê-su; ngài bảo ông: “Hãy vội-vàng, lập-tức ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem; vì họ sẽ chẳng nhận lời ngươi làm chứng về ta đâu”. Sau-lơ thưa rằng: “Lạy Chúa, chính họ biết tôi từng bỏ tù những người tin Chúa và đánh đòn trong các nhà hội nữa. Lại khi Ê-tiên là kẻ làm chứng cho Chúa bị đổ máu, tôi ở đó đành lòng và giữ áo-xống những kẻ giết người”.—Công-vụ 22:17-20.

Một số người cho rằng lời đáp của Sau-lơ hàm ý ông nhận thức mối nguy hiểm. Những người khác thì nghĩ rằng ông có ý nói: ‘Tôi từng là kẻ bắt bớ giống như họ, và họ biết rõ điều này. Họ hẳn phải nghiêm túc xem xét sự đổi đạo của tôi. Tôi có thể giúp họ hiểu’. Thế nhưng, Chúa Giê-su biết rằng những người Do Thái đó sẽ không nghe lời chứng của một “kẻ bội đạo”. Ngài bảo Sau-lơ: “Hãy đi, vì ta toan sai ngươi đi đến cùng dân ngoại ở nơi xa”.—Công-vụ 22:21, 22.

Khi biết về tình trạng nguy hiểm đó, các anh em tín đồ giục Sau-lơ xuống thành phố cảng Sê-sa-rê và phái ông đi đến Tạt-sơ, thành phố quê hương ông, cuộc hành trình dài 500 kilômét. Vài năm sau, Sau-lơ mới trở về Giê-ru-sa-lem.—Công-vụ 9:30.

Sự ra đi vội vã đó có lẽ đã bảo vệ hội thánh đạo Đấng Christ. Sự hiện diện của người từng bắt bớ anh em dễ gây phản ứng mãnh liệt. Sau khi Sau-lơ đi, “Hội-thánh trong cả xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và xứ Sa-ma-ri được hưởng sự bình-an, gây-dựng và đi trong đường kính-sợ Chúa, lại nhờ Đức Thánh-Linh vùa-giúp, thì số của hội được thêm lên”.—Công-vụ 9:31.

Những bài học về sự thận trọng

Như trong thế kỷ thứ nhất, ngày nay cũng có những trường hợp chúng ta nên thận trọng. Chúng ta không cần phải nghi ngờ người lạ cách quá đáng. Tuy nhiên, đôi khi những người không có nguyên tắc đạo đức tìm cách lợi dụng dân Đức Giê-hô-va để làm lợi cho riêng mình hoặc nhằm gây tổn hại cho hội thánh. Vì thế, chúng ta nên sáng suốt để không bị những kẻ mạo danh lừa gạt.—Châm-ngôn 3:27; 2 Ti-mô-thê 3:13.

Phản ứng của Sau-lơ về việc rao giảng ở Giê-ru-sa-lem cho thấy một cách khác mà tín đồ Đấng Christ có thể thận trọng. Làm chứng trong một khu vực hay cho một số người nào đó, kể cả bạn cũ, có thể nguy hiểm, về thể chất, thiêng liêng, thậm chí đạo đức. Chúng ta nên cẩn thận, chẳng hạn như về thời điểm và nơi rao giảng.—Châm-ngôn 22:3; Ma-thi-ơ 10:16.

Chúng ta có thể tin chắc rằng tin mừng về Nước Trời sẽ được rao giảng trước khi hệ thống gian ác này chấm dứt. Sau-lơ nêu gương tốt biết bao về việc “nhân danh Chúa mà nói cách dạn-dĩ”.—Công-vụ 9:29.

[Chú thích]

^ đ. 2 Ngày nay Sau-lơ thường được biết đến là sứ đồ Phao-lô. Tuy nhiên, trong bài này, phần lớn các câu Kinh Thánh viện dẫn dùng tên Do Thái của ông là Sau-lơ.—Công-vụ 13:9.

[Hình nơi trang 16]

Khi đến Giê-ru-sa-lem, Sau-lơ dạn dĩ làm chứng cho những người Hê-lê-nít