Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Điều gì hàn gắn mối bất hòa giữa các sắc tộc?

Điều gì hàn gắn mối bất hòa giữa các sắc tộc?

Điều gì hàn gắn mối bất hòa giữa các sắc tộc?

TẠI Tây Ban Nha, một trọng tài phải tạm ngưng trận bóng đá. Tại sao? Vì nhiều khán giả la hét, chửi bới một cầu thủ Cameroon đến độ người này cho biết là sẽ không đá nữa. Tại Nga, người ta thường thấy những người Phi Châu, Á Châu và Châu Mỹ La-tinh bị tấn công tàn nhẫn. Trong năm 2004, những vụ tấn công người khác chủng tộc ở nước này đã tăng 55 phần trăm, tổng cộng lên đến 394 vụ vào năm 2005. Tại Anh Quốc, trong một cuộc thăm dò ý kiến, một phần ba dân Á Châu và da đen đã cho biết là họ bị mất việc vì nạn kỳ thị chủng tộc. Đây là những trường hợp phản ánh khuynh hướng chung của cả thế giới.

Sự phân biệt sắc tộc có nhiều mức độ khác nhau—từ việc nói những lời thiếu suy nghĩ hoặc những lời sỉ nhục đến chính sách của quốc gia nhằm thanh trừ sắc tộc. * Sự phân biệt sắc tộc bắt nguồn từ đâu? Làm thế nào chúng ta có thể tránh có thái độ này? Hy vọng một ngày nào đó tất cả gia đình nhân loại sống hòa thuận với nhau là điều thực tế không? Kinh Thánh giúp chúng ta có nhận xét sâu sắc về những vấn đề này.

Đàn áp và thù ghét

Kinh Thánh nói: “Tâm-tánh loài người vẫn xấu-xa từ khi còn tuổi trẻ”. (Sáng-thế Ký 8:21) Vì thế, một vài người thích thú khi đàn áp người khác. Kinh Thánh nói thêm: “Kìa, nước mắt của kẻ bị hà-hiếp, song không ai an-ủi họ! Kẻ hà-hiếp có quyền-phép, song không ai an-ủi cho kẻ bị hà-hiếp!”—Truyền-đạo 4:1.

Kinh Thánh cũng cho thấy sự thù ghét về sắc tộc đã có từ lâu. Thí dụ, hơn 3.000 năm trước đây, một vua Pha-ra-ôn của Ê-díp-tô (Ai Cập) đã mời một người Hê-bơ-rơ là Gia-cốp và cả đại gia đình của ông đến cư ngụ tại đó. Tuy nhiên, về sau, một vua Pha-ra-ôn khác cảm thấy bị đe dọa bởi số người nhập cư đông đảo này. Lời tường thuật trong Kinh Thánh cho biết kết quả là: “Vua phán cùng dân mình rằng: Nầy, dân Y-sơ-ra-ên đông và mạnh hơn chúng ta; hè! ta hãy dùng chước khôn-ngoan đối cùng họ, kẻo họ thêm nhiều lên. . . Vậy, người Ê-díp-tô bèn đặt các kẻ đầu xâu để bắt dân Y-sơ-ra-ên làm xâu khó-nhọc”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:9-11) Vua xứ Ê-díp-tô thậm chí còn ra lệnh giết hết các bé trai mới sinh, con cháu của Gia-cốp.—Xuất Ê-díp-tô Ký 1:15, 16.

Bắt nguồn từ đâu?

Các tôn giáo trên thế giới ít khi nào giúp người ta chống lại việc phân biệt sắc tộc. Thật vậy, trong khi một vài cá nhân đã anh dũng chống lại sự đàn áp, thì tôn giáo nói chung thường đứng về phía những kẻ áp bức người khác. Đó là trường hợp tại Hoa Kỳ, nơi mà người ta dùng luật pháp và việc hành hình treo cổ để cai trị người da đen. Thêm vào đó, những luật cấm người khác sắc tộc lấy nhau có hiệu lực cho đến năm 1967. Chuyện này cũng xảy ra tại Nam Phi dưới chính sách phân biệt chủng tộc. Nơi đây, một dân tộc ít người đã dùng luật pháp để bảo vệ quyền cai trị của mình. Họ cũng đặt ra luật cấm kết hôn giữa người khác sắc tộc. Trong mỗi trường hợp đó, một số người thuộc nhóm cổ võ sự phân biệt sắc tộc là những người sùng đạo.

Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết một nguyên nhân sâu xa gây ra sự phân biệt sắc tộc. Kinh Thánh giải thích tại sao một số sắc tộc đàn áp những sắc tộc khác: “Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu-thương. Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được”. (1 Giăng 4:8, 20) Câu này cho thấy rõ nguồn gốc của sự phân biệt sắc tộc. Người ta phân biệt sắc tộc vì không biết hoặc không yêu quý Đức Chúa Trời dù họ có tự nhận mình là người sùng đạo hay không.

Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời—Nền tảng cho sự hòa hợp giữa sắc tộc

Làm thế nào việc hiểu biết và yêu quý Đức Chúa Trời dẫn đến sự hòa hợp giữa sắc tộc? Lời Đức Chúa Trời cho người ta sự hiểu biết nào giúp họ tránh làm hại những người dường như khác với mình? Kinh Thánh tiết lộ Đức Giê-hô-va là Cha của cả nhân loại khi nói rằng: “Về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra”. (1 Cô-rinh-tô 8:6) Ngoài ra, Kinh Thánh còn cho biết: “Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người”. (Công-vụ 17:26) Vì thế, tất cả mọi người thật ra đều là anh em.

Tất cả các sắc tộc có thể hãnh diện là đã được Đức Chúa Trời ban cho sự sống, nhưng tất cả họ đều có một điều hối tiếc về tổ tiên của mình. Một người viết Kinh Thánh là Phao-lô ghi lại: “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian”. Vì thế, “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 3:23; 5:12) Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời tạo ra những tạo vật muôn màu muôn vẻ—không tạo vật nào giống y như nhau. Tuy nhiên, Ngài không cho một sắc tộc nào cơ sở để cảm thấy cao trọng hơn sắc tộc khác. Thái độ phổ biến xem sắc tộc mình hay hơn sắc tộc khác đi ngược lại với những điều Kinh Thánh nói. Thật rõ ràng, sự hiểu biết chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời khuyến khích tinh thần hòa hợp giữa các sắc tộc.

Đức Chúa Trời quan tâm đến mọi dân

Một số người tự hỏi Đức Chúa Trời có khuyến khích người ta thiên vị sắc tộc khi Ngài ban ân huệ cho dân Y-sơ-ra-ên và dạy họ tách biệt với những dân khác không? (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:12) Vào một thời, Đức Chúa Trời chọn dân Y-sơ-ra-ên làm dân thuộc riêng về Ngài vì đức tin xuất sắc của tổ phụ họ là Áp-ra-ham. Chính Đức Chúa Trời trị vì dân Y-sơ-ra-ên xưa, chọn người cai trị và ban luật pháp cho họ. Trong thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên chấp nhận sự sắp đặt này, các dân tộc khác có thể thấy được sự cai trị của Đức Chúa Trời mang lại kết quả khác biệt so với sự cai trị của con người ở những xứ khác. Đức Giê-hô-va cũng dạy dân Y-sơ-ra-ên vào thời đó là cần có một của-lễ hy sinh để phục hồi mối liên lạc tốt giữa nhân loại với Ngài. Vì vậy, những gì Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên đều đem lại lợi ích cho mọi dân tộc. Điều này phù hợp với điều mà Ngài đã nói với Áp-ra-ham: “Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước”.—Sáng-thế Ký 22:18.

Ngoài ra, dân Do Thái có đặc ân được Đức Chúa Trời phán dặn và là dân tộc mà từ đó Đấng Mê-si được sinh ra. Ngay cả điều này cũng nhằm mục tiêu đem lại lợi ích cho mọi dân tộc. Phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ mà Đức Chúa Trời ban cho dân Do Thái có miêu tả một cách ấm lòng về thời kỳ mà mọi sắc tộc đều nhận được ân phước to lớn: “Nhiều nước sẽ đi đến đó, mà rằng: Hãy đến, chúng ta hãy lên núi của Đức Giê-hô-va, nơi nhà của Đức Chúa Trời Gia-cốp! Ngài sẽ dạy chúng ta về đường-lối Ngài. . . Nước nầy chẳng giá gươm lên nghịch cùng nước khác, và cũng không tập sự chiến-tranh nữa. Ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo-sợ”.—Mi-chê 4:2-4.

Tuy chính Chúa Giê-su đã rao giảng cho dân Do Thái, nhưng ngài cũng nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân”. (Ma-thi-ơ 24:14) Mọi dân tộc sẽ được nghe tin mừng. Vì thế, Đức Giê-hô-va nêu gương trọn vẹn trong việc đối xử công bằng với tất cả các sắc tộc. “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”.—Công-vụ 10:34, 35.

Những điều luật mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa cũng cho thấy là Ngài quan tâm đến mọi dân tộc. Hãy lưu ý cách Luật Pháp đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên phải cư xử với dân kiều ngụ trong xứ. Họ không những phải khoan dung mà còn phải cư xử tử tế như có ghi trong Luật Pháp: “Kẻ khách kiều-ngụ giữa các ngươi sẽ kể như kẻ đã sanh-đẻ giữa các ngươi; hãy thương-yêu người như mình, vì các ngươi đã làm khách kiều-ngụ trong xứ Ê-díp-tô”. (Lê-vi Ký 19:34) Nhiều điều luật của Đức Chúa Trời dạy dân Y-sơ-ra-ên phải tử tế với những người kiều ngụ. Vì thế, khi tổ phụ của Chúa Giê-su là Bô-ô thấy một người đàn bà dân ngoại nghèo khó đang mót lúa, ông hành động phù hợp với điều ông đã học được từ Đức Chúa Trời. Ông chắc chắn là các thợ gặt để lại nhiều lúa cho người đàn bà đó nhặt.—Ru-tơ 2:1, 10, 16.

Chúa Giê-su dạy về lòng tử tế

Chúa Giê-su cho người ta biết về Đức Chúa Trời nhiều hơn bất cứ ai khác. Ngài chỉ cho các môn đồ biết cách tử tế với những người khác mình. Có lần ngài bắt chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri. Bà lấy làm ngạc nhiên vì người Sa-ma-ri thuộc sắc tộc mà nhiều người Do Thái ghét. Trong khi nói chuyện, Chúa Giê-su tử tế giúp bà hiểu làm thế nào bà có thể được sống đời đời.—Giăng 4:7-14.

Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta biết cách đối xử với những người thuộc các sắc tộc khác khi ngài kể một câu chuyện về người Sa-ma-ri nhân từ. Người này gặp một người Do Thái mang đầy thương tích vì bị cướp. Người Sa-ma-ri có thể lý luận: ‘Mình không cần phải giúp người Do Thái này vì dân Do Thái ghét dân mình’. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cho biết người Sa-ma-ri này có một quan điểm khác đối với người lạ. Dù có những người khác đi ngang qua, nhưng chỉ có người Sa-ma-ri “động lòng thương” và hết lòng giúp người bị thương đó. Chúa Giê-su chấm dứt câu chuyện với lời khuyên là những ai muốn được Đức Chúa Trời ban ân phước thì cũng nên làm như thế.—Lu-ca 10:30-37.

Sứ đồ Phao-lô khuyên những ai muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời phải thay đổi nhân cách và noi theo cách Ngài cư xử với loài người. Phao-lô viết: “[Hãy] lột bỏ người cũ cùng công-việc nó, mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình-tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu-biết đầy-trọn. Tại đây không còn phân-biệt người Gờ-réc hoặc người Giu-đa, người chịu cắt-bì hoặc người không chịu cắt-bì, người dã-man hoặc người Sy-the. . . Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành”.—Cô-lô-se 3:9-14.

Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời giúp người ta thay đổi?

Phải chăng sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va thật sự thay đổi cách người ta đối xử với những người thuộc sắc tộc khác? Hãy xem kinh nghiệm của một người Á Châu đến Canada sinh sống. Bà cảm thấy thất vọng vì bị phân biệt đối xử. Bà gặp Nhân Chứng Giê-hô-va và họ bắt đầu hướng dẫn bà học Kinh Thánh. Về sau, bà viết thư cám ơn họ: ‘Các anh chị là những người da trắng tử tế và nhân từ. Khi nhận thấy các anh chị không giống những người da trắng khác, tôi không biết tại sao. Tôi suy nghĩ nhiều và cuối cùng kết luận rằng các anh chị là những Nhân Chứng của Đức Chúa Trời. Chắc có điều gì hay trong Kinh Thánh. Tôi thấy tại các buổi nhóm họp có nhiều người thuộc màu da khác nhau: da trắng, da đen, đa đỏ và da vàng, nhưng lòng họ thì hợp nhất vì tất cả đều là anh em. Giờ đây, tôi hiểu ai là Đấng khiến họ trở thành những người tử tế như thế. Đó là Đức Chúa Trời của các anh chị’.

Lời Đức Chúa Trời cho biết có một thời điểm trong tương lai, “thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va”. (Ê-sai 11:9) Ngay cả bây giờ, một lời tiên tri trong Kinh Thánh đang được ứng nghiệm. Đó là một đám đông lên đến hàng triệu người từ “mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng” hợp nhất trong sự thờ phượng thật. (Khải-huyền 7:9) Họ trông mong được thấy tình yêu thương thay thế lòng ghen ghét trong một thế giới sắp đến, nơi mà ý định của Đức Giê-hô-va được thành tựu đúng như lời Ngài phán với Áp-ra-ham: “Các dân thiên-hạ sẽ. . . được phước”.—Công-vụ 3:25.

[Chú thích]

^ đ. 3 Từ “sắc tộc” miêu tả cộng đồng người có tên gọi, địa vực cư trú, ngôn ngữ, đặc điểm sinh hoạt và văn hóa riêng.

[Hình nơi trang 4, 5]

Luật Pháp của Đức Chúa Trời dạy dân Y-sơ-ra-ên yêu thương người kiều ngụ

[Hình nơi trang 5]

Chúng ta có thể học được gì qua câu chuyện về người Sa-ma-ri?

[Các hình nơi trang 6]

Đức Chúa Trời không cho một sắc tộc nào lý do để cảm thấy cao trọng hơn sắc tộc khác