Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Chớ lấy ác trả ác cho ai”

“Chớ lấy ác trả ác cho ai”

“Chớ lấy ác trả ác cho ai”

“Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người”.​—RÔ-MA 12:17.

1. Người ta thường có khuynh hướng làm gì?

KHI một đứa trẻ bị bạn xô đẩy, thường thường nó liền đẩy lại. Đáng buồn thay, không chỉ trẻ em mới có hành động ăn miếng trả miếng đó. Nhiều người lớn cũng hành động như vậy. Khi bị người khác xúc phạm, họ muốn trả đũa. Đồng ý là đa số người lớn không xô đẩy lại theo nghĩa đen, nhưng nhiều người sẽ “đẩy lại” bằng những cách khác. Có lẽ họ đi nói xấu về người đã xúc phạm mình, hoặc tìm cách làm cho người đó thất bại. Dù dùng cách thức nào, họ đều nhắm đến cùng một mục tiêu: trả đũa.

2. (a) Tại sao tín đồ chân chính của Đấng Christ tránh khuynh hướng trả đũa? (b) Chúng ta sẽ xem xét chương nào trong sách Rô-ma và những câu hỏi nào?

2 Mặc dù khuynh hướng muốn trả đũa đã ăn sâu trong lòng con người, nhưng tín đồ chân chính của Đấng Christ chống lại khuynh hướng đó. Họ cố gắng nghe theo lời khuyên của Phao-lô: “Chớ lấy ác trả ác cho ai”. (Rô-ma 12:17) Động cơ nào thúc đẩy chúng ta sống theo tiêu chuẩn cao đó? Đặc biệt chúng ta không nên “trả ác” cho ai? Chúng ta sẽ nhận được những lợi ích nào nếu tránh trả đũa? Để trả lời những câu hỏi đó, chúng ta hãy tìm hiểu về bối cảnh của những lời Phao-lô nói, và xem làm thế nào Rô-ma chương 12 cho thấy tránh trả đũa là con đường đúng, yêu thương và khiêm nhường để đi theo. Chúng ta hãy lần lượt xem xét ba khía cạnh này.

‘Vậy, tôi khuyên anh em’

3, 4. (a) Bắt đầu từ Rô-ma chương 12, Phao-lô thảo luận về điều gì, và việc ông dùng từ “vậy” có nghĩa gì? (b) Các tín đồ Đấng Christ tại Rô-ma nên đáp lại lòng thương xót của Đức Chúa Trời như thế nào?

3 Bắt đầu từ chương 12, Phao-lô xem xét bốn vấn đề có liên quan với nhau và ảnh hưởng đến đời sống tín đồ Đấng Christ. Ông miêu tả mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Giê-hô-va, với anh em đồng đạo, với những người không tin đạo và với nhà cầm quyền. Phao-lô cho thấy có một lý do cơ bản để chống lại khuynh hướng sai lầm, kể cả việc muốn trả đũa. Ông nói: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương-xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em”. (Rô-ma 12:1) Hãy lưu ý từ “vậy”. Từ này có nghĩa là “về những điều đã trình bày”. Thật ra, Phao-lô muốn nói: ‘Về những điều tôi vừa giải thích cho anh em, tôi khuyên anh em hãy làm những điều tôi sẽ nói tiếp với anh em’. Phao-lô đã giải thích những gì cho các tín đồ tại Rô-ma?

4 Trong 11 chương đầu của lá thư, Phao-lô thảo luận về việc người Do Thái lẫn dân ngoại có cơ hội tuyệt vời để trở thành những người đồng cai trị với Đấng Christ trong Nước Trời, một hy vọng mà dân Y-sơ-ra-ên đã từ chối. (Rô-ma 11:13-36) Đặc ân quý báu đó chỉ có thể có được nhờ “sự thương-xót của Đức Chúa Trời”. Tín đồ Đấng Christ nên đáp lại lòng nhân từ bao la mà Đức Chúa Trời dành cho họ như thế nào? Họ cần có đầy lòng biết ơn sâu xa đến độ được thúc đẩy để làm những điều mà Phao-lô nói tiếp: “Anh em dâng thân-thể mình làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ-phượng phải lẽ của anh em”. (Rô-ma 12:1) Tuy nhiên, làm thế nào các tín đồ đó có thể thật sự dâng chính mình làm “của-lễ” cho Đức Chúa Trời?

5. (a) Làm thế nào một người có thể dâng chính mình làm “của-lễ” cho Đức Chúa Trời? (b) Tín đồ Đấng Christ nên để nguyên tắc nào tác động đến cách cư xử của mình?

5 Phao-lô giải thích tiếp: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. (Rô-ma 12:2) Thay vì để tinh thần của thế gian uốn nắn lối suy nghĩ, các tín đồ tại Rô-ma cần đổi mới tâm thần mình theo lối suy nghĩ của Đấng Christ. (1 Cô-rinh-tô 2:16; Phi-líp 2:5) Tất cả tín đồ chân chính của Đấng Christ, kể cả chúng ta ngày nay, nên để nguyên tắc đó tác động đến cách cư xử hàng ngày.

6. Theo cách lý luận của Phao-lô nơi Rô-ma 12:1, 2, điều gì thúc đẩy chúng ta tránh trả đũa?

6 Cách lý luận của Phao-lô nơi Rô-ma 12:1, 2 giúp chúng ta ra sao? Như các tín đồ được xức dầu ở Rô-ma, chúng ta biết ơn sâu xa vì Đức Chúa Trời tiếp tục bày tỏ lòng thương xót mỗi ngày bằng nhiều cách. Vậy, lòng tràn đầy biết ơn sẽ thúc đẩy chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời với hết sức lực, khả năng và những gì mình có. Lòng biết ơn đó cũng thôi thúc chúng ta cố gắng hết sức suy nghĩ giống như Đấng Christ, chứ không giống như thế gian. Và có lối suy nghĩ như thế sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta đối xử với người khác—cả với anh chị đồng đạo lẫn người không tin đạo. (Ga-la-ti 5:25) Thí dụ, nếu suy nghĩ giống như Đấng Christ, chúng ta cảm thấy cần phải chống lại khuynh hướng trả đũa.—1 Phi-e-rơ 2:21-23.

“Lòng yêu-thương phải cho thành-thật”

7. Sách Rô-ma chương 12 nói đến loại yêu thương nào?

7 Chúng ta giữ mình tránh lấy ác trả ác vì đó là đường lối không những đúng mà còn đầy yêu thương. Hãy lưu ý cách sứ đồ Phao-lô xem xét động cơ của tình yêu thương trong những câu tiếp. Trong sách Rô-ma, Phao-lô nhiều lần dùng từ “yêu-thương” (tiếng Hy Lạp là a·gaʹpe) khi ông nói đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ. (Rô-ma 5:5, 8; 8:35, 39) Tuy nhiên, trong chương 12, Phao-lô dùng từ a·gaʹpe theo một cách khác. Ông nói về tình yêu thương đối với người đồng loại. Sau khi nói rằng có nhiều món quà hoặc “sự ban-cho” về thiêng liêng khác nhau và một số tín đồ hiện đang nhận được những “sự ban-cho” đó, Phao-lô đề cập đến một đức tính mà tất cả tín đồ Đấng Christ cần phải vun trồng. Ông nói: “Lòng yêu-thương phải cho thành-thật”. (Rô-ma 12:4-9) Bày tỏ lòng yêu thương đối với người khác là dấu hiệu căn bản để nhận ra tín đồ chân chính của Đấng Christ. (Mác 12:28-31) Phao-lô khuyên chúng ta, các tín đồ Đấng Christ, phải bày tỏ tình yêu thương thành thật.

8. Làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ tình yêu thương thành thật?

8 Hơn nữa, Phao-lô cho thấy cách bày tỏ tình yêu thương thành thật khi ông nói: “Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành”. (Rô-ma 12:9) Hai từ “gớm” và “mến” diễn tả cảm xúc mạnh. Từ “gớm” có thể được dịch là “ghét cay ghét đắng”. Chúng ta phải ghét không những hậu quả của điều ác mà còn chính cái ác nữa. (Thi-thiên 97:10) Từ “mến” được dịch từ một động từ Hy Lạp có nghĩa đen là “dính chặt”. Một tín đồ Đấng Christ có tình yêu thương chân thật thì dính chặt, hoặc gắn liền, với phẩm chất tốt lành đến độ điều đó trở thành bản tính của người ấy.

9. Phao-lô đã nhiều lần khuyên chúng ta nên làm gì?

9 Phao-lô nhiều lần đề cập đến một cách cụ thể để thể hiện tình yêu thương. Ông nói: “Hãy chúc phước cho kẻ bắt-bớ anh em; hãy chúc phước, chớ nguyền-rủa”. “Chớ lấy ác trả ác cho ai”. “Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai”. “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác”. (Rô-ma 12:14, 17-19, 21) Lời của Phao-lô cho thấy rõ ràng về cách chúng ta nên đối xử với những người không tin đạo, ngay cả những người chống đối chúng ta.

“Hãy chúc phước cho kẻ bắt-bớ”

10. Chúng ta có thể chúc phước cho những người bắt bớ chúng ta như thế nào?

10 Làm thế nào chúng ta có thể vâng theo lời khuyên này của Phao-lô: “Hãy chúc phước cho kẻ bắt-bớ anh em”? (Rô-ma 12:14) Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi”. (Ma-thi-ơ 5:44; Lu-ca 6:27, 28) Vì thế, một cách chúng ta có thể chúc phước cho những người bắt bớ chúng ta là cầu nguyện cho họ, thưa với Đức Giê-hô-va rằng nếu một người chống đối chúng ta vì thiếu hiểu biết, thì xin Ngài mở lòng cho họ thấy lẽ thật. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Đành rằng cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho người bắt bớ chúng ta có vẻ là một điều lạ. Tuy nhiên, khi càng có lối suy nghĩ giống Đấng Christ, chúng ta càng có thể bày tỏ tình yêu thương đối với kẻ thù. (Lu-ca 23:34) Thể hiện tình yêu như thế đem lại kết quả nào?

11. (a) Qua gương của Ê-tiên, chúng ta có thể học được điều gì? (b) Như kinh nghiệm của Phao-lô cho thấy, một số người bắt bớ tín đồ Đấng Christ có thể thay đổi như thế nào?

11 Ê-tiên là người đã cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình, và lời cầu nguyện của ông đã không vô ích. Không lâu sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Ê-tiên bị những kẻ chống đối hội thánh bắt, kéo ra ngoài thành Giê-ru-sa-lem và ném đá. Trước khi chết, ông kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ!” (Công-vụ 7:58–8:1) Ngày hôm đó, một trong số những người mà Ê-tiên cầu nguyện cho là Sau-lơ, người chứng kiến và ủng hộ việc Ê-tiên bị giết. Về sau, Chúa Giê-su đã hiện ra với Sau-lơ. Người trước đây bắt bớ các tín đồ Đấng Christ giờ đây đã theo ngài và sau này trở thành sứ đồ Phao-lô, người viết lá thư gửi cho tín đồ thành Rô-ma. (Công-vụ 26:12-18) Phù hợp với lời cầu nguyện của Ê-tiên, Đức Giê-hô-va hẳn đã tha thứ cho Phao-lô về tội bắt bớ người thờ phượng Ngài. (1 Ti-mô-thê 1:12-16) Không lạ gì khi Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ: “Hãy chúc phước cho kẻ bắt-bớ anh em”! Qua kinh nghiệm của mình, ông biết một số kẻ bắt bớ có thể trở thành tôi tớ của Đức Chúa Trời. Vào thời chúng ta, một số người bắt bớ cũng đã trở thành những người tin đạo vì cách cư xử hiền hòa của tôi tớ Đức Giê-hô-va.

Hãy hòa-thuận với mọi người’

12. Những lời khuyên nơi câu 9 và câu 17 của Rô-ma chương 12 liên quan với nhau như thế nào?

12 Phao-lô cho thêm lời khuyên về cách cư xử với các anh chị đồng đạo và những người không tin đạo như sau: “Chớ lấy ác trả ác cho ai”. Lời khuyên này là kết quả hợp lý của điều ông vừa nói trong câu 9; đó là: “Hãy gớm sự dữ”. Xét cho cùng, làm thế nào một người có thể nói là mình thật sự ghét sự dữ, hoặc điều ác, nếu người đó lấy ác trả ác? Hành động lấy ác trả ác là trái ngược với tình yêu thương thành thật. Phao-lô nói tiếp: “Phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người”. (Rô-ma 12:9, 17) Chúng ta có thể áp dụng lời khuyên này như thế nào?

13. Chúng ta cư xử như thế nào “trước mặt mọi người”?

13 Trước đó, trong lá thư gửi cho tín đồ thành Cô-rinh-tô, Phao-lô viết về sự bắt bớ mà các sứ đồ gặp phải. Ông viết: “Chúng tôi. . . làm trò cho thế-gian, thiên-sứ, loài người cùng xem vậy. . . Khi bị rủa-sả, chúng tôi chúc phước; khi bị bắt-bớ, chúng tôi nhịn-nhục; khi bị vu-oan, chúng tôi khuyên-dỗ”. (1 Cô-rinh-tô 4:9-13) Tương tự như vậy, trên thế giới, người ta đang quan sát tín đồ chân chính của Đấng Christ ngày nay. Khi những người chung quanh thấy những điều tốt lành mà chúng ta làm, ngay cả khi bị đối xử bất công, họ có thể hưởng ứng thông điệp của chúng ta.—1 Phi-e-rơ 2:12.

14. Chúng ta cần phải cố gắng đến mức nào để hòa thuận với mọi người?

14 Chúng ta cần phải cố gắng đến mức nào để hòa thuận với mọi người? Chúng ta phải cố gắng hết sức trong phạm vi và khả năng của mình. Phao-lô nói với các anh em tín đồ Đấng Christ: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”. (Rô-ma 12:18) “Nếu có thể được” và “hãy hết sức mình” là những thành ngữ làm rõ ý là không phải lúc nào chúng ta cũng có thể hòa thuận được với người khác. Chẳng hạn, chúng ta không vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời chỉ vì muốn hòa thuận với người khác. (Ma-thi-ơ 10:34-36; Hê-bơ-rơ 12:14) Tuy nhiên, chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm—nhưng không hòa giải các nguyên tắc công bình—để hòa thuận “với mọi người”.

“Chính mình chớ trả thù ai”

15. Rô-ma 12:19 cho chúng ta biết lý do nào để không trả đũa?

15 Phao-lô nêu ra một lý do quan trọng khác cho thấy tại sao chúng ta không nên trả đũa: Không trả đũa là cách thể hiện lòng khiêm nhường. Ông nói: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng”. (Rô-ma 12:19) Tín đồ Đấng Christ nào tìm cách trả thù là người tự phụ. Người đó tự nhận lấy vai trò của Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 7:1) Ngoài ra, khi tự trả thù, người ấy cho thấy mình thiếu đức tin nơi lời cam kết của Đức Giê-hô-va: “Ta sẽ báo-ứng”. Ngược lại, tín đồ chân chính tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ “xét lẽ công-bình cho những người đã được chọn”. (Lu-ca 18:7, 8; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-8) Họ khiêm nhường để việc phán xét những điều sai quấy trong tay Đức Chúa Trời.—Giê-rê-mi 30:23, 24; Rô-ma 1:18.

16, 17. (a) ‘Lấy những than lửa đỏ chất trên đầu người’ có nghĩa gì? (b) Bạn có biết trường hợp nào mà cách cư xử tử tế đã làm mềm lòng một người không tin đạo không? Nếu có, xin cho một thí dụ.

16 Trả thù rất có thể khiến lòng của kẻ thù trở nên cứng cỏi, nhưng đối xử tử tế có thể sẽ làm mềm lòng người đó. Tại sao? Hãy lưu ý đến lời của Phao-lô viết cho tín đồ tại thành Rô-ma: “Nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người”. (Rô-ma 12:20; Châm-ngôn 25:21, 22) Điều này có nghĩa gì?

17 “Lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người” là một hình ảnh rút ra từ cách nấu chảy kim loại vào thời Kinh Thánh được viết ra. Người ta cho quặng vào lò và xếp một lớp than đỏ hừng không những ở dưới quặng mà còn ở trên nữa. Lớp than lửa chất phía trên làm nhiệt độ tăng lên để kim loại trong quặng chảy ra và tách khỏi tạp chất trong quặng. Tương tự như thế, khi đối xử tử tế với những người chống đối mình, chúng ta có thể làm lòng cứng cỏi của họ mềm đi và khuyến khích họ bày tỏ những đức tính tốt sẵn có. (2 Các Vua 6:14-23) Thật vậy, ấn tượng đầu tiên đã thu hút nhiều anh chị trong hội thánh đến với sự thờ phượng thật là vì những tôi tớ của Đức Giê-hô-va cư xử tử tế với họ.

Lý do không trả đũa

18. Tại sao không trả đũa là con đường đúng, yêu thương và khiêm nhường?

18 Khi xem xét vắn tắt Rô-ma chương 12, chúng ta thấy nhiều lý do quan trọng để tránh “lấy ác trả ác”. Thứ nhất, tránh trả đũa là con đường đúng để chúng ta đi theo. Vì Đức Giê-hô-va thương xót chúng ta, nên điều đúng và phải lẽ là chúng ta dâng mình cho Ngài và sẵn sàng vâng giữ điều răn của Ngài, kể cả việc yêu kẻ thù. Thứ hai, không lấy ác trả ác là con đường yêu thương. Khi không trả đũa và cố gắng giữ hòa thuận, chúng ta bày tỏ lòng yêu thương và hy vọng có thể giúp đỡ ngay cả những người chống đối chúng ta dữ dội trở thành những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Thứ ba, tránh lấy ác trả ác là con đường khiêm nhường. Tự trả thù là điều tự phụ và kiêu ngạo vì Đức Giê-hô-va nói: “Sự trả thù thuộc về ta”. Lời Đức Chúa Trời cũng cảnh báo: “Khi kiêu-ngạo đến, sỉ-nhục cũng đến nữa; nhưng sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng”. (Châm-ngôn 11:2) Khi khôn ngoan để sự phán xét những điều sai quấy trong tay Đức Chúa Trời, chúng ta cho thấy mình khiêm nhường.

19. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?

19 Phao-lô kết thúc cuộc thảo luận về việc chúng ta nên cư xử thế nào với người khác qua lời khuyên sau đây: “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác”. (Rô-ma 12:21) Chúng ta đối phó với những lực lượng độc ác nào ngày nay? Làm thế nào chúng ta có thể chiến thắng? Câu trả lời cho những câu hỏi này và những câu hỏi tương tự sẽ được xem xét trong bài kế tiếp.

Bạn có thể giải thích không?

• Lời khuyên nào được nêu lên nhiều lần trong Rô-ma chương 12?

• Điều gì thúc đẩy chúng ta không trả đũa?

• Nếu chúng ta không “lấy ác trả ác”, chúng ta và người khác nhận được lợi ích nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 22]

Rô-ma chương 12 miêu tả mối quan hệ giữa tín đồ Đấng Christ với

• Đức Giê-hô-va

• anh em đồng đạo

• người không tin đạo

[Hình nơi trang 23]

Trong lá thư gửi cho tín đồ ở thành Rô-ma, Phao-lô cho những lời khuyên thực tiễn

[Hình nơi trang 25]

Chúng ta có thể học được gì qua gương của môn đồ Ê-tiên?