Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hãy tiếp tục lấy điều thiện thắng điều ác’

‘Hãy tiếp tục lấy điều thiện thắng điều ác’

‘Hãy tiếp tục lấy điều thiện thắng điều ác’

“Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy [“tiếp tục”, “NW”] lấy điều thiện thắng điều ác”.—RÔ-MA 12:21.

1. Vì sao chúng ta chắc chắn là chúng ta có thể chiến thắng điều ác?

CHÚNG TA có thể đứng vững trước sự chống đối dữ dội của những kẻ bác bỏ sự thờ phượng thật không? Chúng ta có thể đánh bại những lực lượng luôn tìm cách lôi kéo chúng ta trở về với thế gian không tin kính này không? Chúng ta có thể trả lời một cách chắc chắn cho hai câu hỏi này là: Có! Tại sao chúng ta có thể nói vậy? Bởi vì đó là điều mà sứ đồ Phao-lô đã ghi trong lá thư gửi cho các tín đồ ở thành Rô-ma. Ông viết: “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy [“tiếp tục”, NW] lấy điều thiện thắng điều ác”. (Rô-ma 12:21) Nếu chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va và nhất quyết không để thế gian chiến thắng, thì sự gian ác của thế gian sẽ không đánh bại được chúng ta. Ngoài ra, thành ngữ ‘hãy tiếp tục lấy điều thiện thắng điều ác’ cho thấy là chúng ta có thể chiến thắng nếu tiếp tục gắng sức chống lại điều ác. Chỉ những ai không đề cao cảnh giác và ngưng tranh đấu sẽ bị thất bại trước thế gian đầy gian ác và kẻ cai trị độc ác của thế gian, là Sa-tan Ma-quỉ.—1 Giăng 5:19.

2. Tại sao chúng ta xem xét vài biến cố trong cuộc đời của Nê-hê-mi?

2 Khoảng 500 năm trước thời Phao-lô, một tôi tớ của Đức Chúa Trời sống tại Giê-ru-sa-lem đã cho thấy tính chính xác của lời Phao-lô nói về việc kháng cự lại điều ác. Đó là Nê-hê-mi. Ông không những đứng vững trước sự chống đối của những người không tin kính mà còn lấy điều thiện thắng điều ác. Ông đối mặt với những tình huống khó khăn nào? Điều gì đã giúp ông thành công? Chúng ta có thể noi gương ông như thế nào? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét vài biến cố trong cuộc đời của Nê-hê-mi. *

3. Nê-hê-mi đã sống trong hoàn cảnh nào, và ông đã hoàn thành công trình nào?

3 Nê-hê-mi phục vụ tại cung Vua Ạt-ta-xét-xe của Phe-rơ-sơ. Tuy sống giữa những người không tin đạo, nhưng ông không “làm theo” thế gian thời bấy giờ. (Rô-ma 12:2) Khi biết đến nhu cầu ở Giu-đa, ông hy sinh đời sống ấm cúng, đi một cuộc hành trình dài, đầy gian nan về Giê-ru-sa-lem để gánh trách nhiệm to lớn là xây lại bức tường thành. (Rô-ma 12:1) Mặc dù là quan tổng đốc của Giê-ru-sa-lem, Nê-hê-mi hàng ngày làm việc khó nhọc vai kề vai với những người đồng hương Y-sơ-ra-ên “từ lúc rạng-đông cho đến khi sao mọc”. Kết quả là chỉ trong vòng hai tháng, công trình đó đã hoàn tất! (Nê-hê-mi 4:21; 6:15) Đó là một sự thành công đáng kể vì trong thời gian xây dựng, dân Y-sơ-ra-ên đã phải đối phó với nhiều sự chống đối. Những người chống đối Nê-hê-mi là ai, và mục tiêu của họ là gì?

4. Những kẻ thù của Nê-hê-mi có mục tiêu gì?

4 Những kẻ dẫn đầu cuộc chống đối là San-ba-lát, Tô-bi-gia và Ghê-sem. Họ là những người có quyền thế và sống gần Giu-đa. Vì là kẻ thù của dân Đức Chúa Trời, họ “lấy làm bất-bình vì có [Nê-hê-mi] đến đặng tìm-kiếm sự hưng-thịnh của dân Y-sơ-ra-ên”. (Nê-hê-mi 2:10, 19) Những kẻ thù của Nê-hê-mi nhất quyết làm ngưng công trình xây dựng, thậm chí dùng đến những âm mưu gian ác. Phải chăng Nê-hê-mi đã “để điều ác thắng mình”?

“Lấy làm giận-dữ”

5, 6. (a) Những kẻ thù của Nê-hê-mi phản ứng thế nào trước công việc xây dựng? (b) Tại sao Nê-hê-mi không để những kẻ chống đối làm mình sợ hãi?

5 Nê-hê-mi can đảm thúc giục dân sự mình: “Hãy đến, xây-cất các vách-thành Giê-ru-sa-lem lại”. Họ hưởng ứng: ‘Hãy xây-sửa lại!’ Nê-hê-mi nhận xét như sau: “Chúng được vững-chắc trong ý nhứt-định làm công-việc tốt-lành nầy”, nhưng những kẻ chống đối “bèn nhạo-báng và khinh-bỉ chúng tôi. Chúng nó nói rằng: Các ngươi làm chi đó? Các ngươi có ý phản-nghịch vua sao?” Nê-hê-mi không để những lời sỉ nhục và vu cáo làm mình sợ hãi. Ông nói với những kẻ chống đối đó: “Đức Chúa của các từng trời sẽ ban cho chúng ta sự hanh-thông; vì vậy, chúng ta, là tôi-tớ Ngài, sẽ chỗi dậy và xây-sửa lại”. (Nê-hê-mi 2:17-20) Nê-hê-mi cương quyết tiếp tục làm “công-việc tốt-lành nầy”.

6 Một trong những kẻ chống đối đó là San-ba-lát “lấy làm giận-dữ” và không ngừng tuôn ra những lời sỉ nhục. Ông chế nhạo: “Những người Giu-đa yếu-nhược ấy làm gì?. . . Chúng nó há có thể do đống bụi-đất mà lấy nó làm thành đá lại được sao?” Tô-bi-gia thêm vào: “Nếu có một con chồn leo lên đó, tất sẽ đánh nó sập xuống liền”. (Nê-hê-mi 4:1-3) Nê-hê-mi phản ứng thế nào?

7. Nê-hê-mi phản ứng thế nào trước lời vu cáo của những kẻ chống đối?

7 Nê-hê-mi bỏ ngoài tai lời chế nhạo. Ông nghe theo điều răn của Đức Chúa Trời và không tìm cách trả đũa. (Lê-vi Ký 19:18) Ông để vấn đề đó trong tay Đức Giê-hô-va và cầu nguyện: “Hỡi Đức Chúa Trời của chúng tôi ôi! hãy nghe; vì chúng tôi bị khinh-dể; xin hãy đổ lại sự nhục của chúng nó trên đầu của họ”. (Nê-hê-mi 4:4) Nê-hê-mi tin cậy nơi lời cam kết của Đức Giê-hô-va: “Sự báo-thù sẽ thuộc về ta, phần đối-trả sẽ qui về ta”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:35) Ngoài ra, Nê-hê-mi và dân sự tiếp tục “xây-cất vách-thành lại”. Họ không để mình bị phân tâm. Thật thế, “toàn vách-thành đều dính liền nhau và lên đến phân nửa bề cao; vì dân-sự chuyên thành làm công-việc”. (Nê-hê-mi 4:6) Những kẻ chống đối sự thờ phượng thật không thể làm ngưng công việc xây dựng! Chúng ta có thể noi theo gương Nê-hê-mi như thế nào?

8. (a) Khi bị những kẻ chống đối vu cáo, chúng ta có thể noi gương Nê-hê-mi như thế nào? (b) Xin kể kinh nghiệm của riêng bạn hoặc kinh nghiệm bạn được nghe cho thấy việc không trả đũa là điều khôn ngoan.

8 Ngày nay, những người chống đối tại trường học, sở làm hoặc ngay cả trong gia đình có thể chế nhạo và vu khống chúng ta. Tuy nhiên, khi gặp những sự vu cáo như thế, điều tốt hơn hết là áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh sau đây: “Có kỳ nín-lặng”. (Truyền-đạo 3:1, 7) Vì thế, như Nê-hê-mi, chúng ta tránh dùng những lời mỉa mai để trả đũa. (Rô-ma 12:17) Chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời, tin cậy nơi Đấng đã cam kết với chúng ta rằng: “Ta sẽ báo-ứng”. (Rô-ma 12:19; 1 Phi-e-rơ 2:19, 20) Khi làm thế, chúng ta tránh để kẻ chống đối làm mình không tập trung được vào công việc của tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay: rao giảng tin mừng về Nước Trời và đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20) Mỗi lần đi rao giảng và không để kẻ chống đối cản trở công việc này, chúng ta bày tỏ cùng một tinh thần cương quyết như Nê-hê-mi.

‘Chúng ta sẽ giết các ngươi’

9. Những kẻ thù của Nê-hê-mi dồn dập chống đối dưới hình thức nào, và Nê-hê-mi đối phó ra sao?

9 Khi được tin là “việc tu-bổ vách-thành Giê-ru-sa-lem tấn-tới”, những kẻ chống đối sự thờ phượng thật vào thời Nê-hê-mi lấy gươm “đến hãm đánh Giê-ru-sa-lem”. Đối với dân Do Thái, tình hình rất bi quan. Phía bắc có dân Sa-ma-ri, phía đông có dân Am-môn, còn dân Ả-rập thì ở phía nam và dân Ách-đốt ở phía tây. Thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây và những người xây tường thành dường như bị kẹt lại! Họ phải làm gì? Nê-hê-mi nói: “Chúng tôi cầu-nguyện cùng Đức Chúa Trời chúng tôi”. Kẻ thù đe dọa họ: “Chúng ta. . . giết chúng nó đi, và làm cho chúng nó ngưng công”. Nê-hê-mi đối phó bằng cách chỉ định những người xây tường thành “cầm gươm, giáo, và cung” để bảo vệ thành. Thật thế, theo quan điểm loài người, nhóm dân Do Thái ít ỏi này không thể chống lại đoàn quân địch đông đảo. Tuy nhiên, Nê-hê-mi khuyến khích họ: “Chớ sợ. . . khá nhớ Chúa là một Đấng cực-đại và đáng kinh”.—Nê-hê-mi 4:7-9, 11, 13, 14.

10. (a) Điều gì khiến kẻ thù của Nê-hê-mi thình lình bỏ cuộc? (b) Nê-hê-mi đã có biện pháp nào?

10 Giờ đây tình thế thình lình đảo ngược. Kẻ thù bỏ cuộc. Tại sao? Nê-hê-mi ghi lại: “Đức Chúa Trời có bại mưu của chúng nó”. Tuy nhiên, Nê-hê-mi biết kẻ thù vẫn còn là mối đe dọa. Vì thế, ông khôn ngoan điều chỉnh cách làm việc của những người xây cất tường thành. Từ đó về sau, mỗi người “một tay thì làm công-việc, còn một tay thì cầm binh-khí mình”. Nê-hê-mi cũng chỉ định một người “thổi kèn” để báo cho những người xây cất biết khi kẻ thù tấn công. Điều quan trọng hơn hết là Nê-hê-mi cam kết với dân chúng: “Đức Chúa Trời của chúng ta sẽ chiến-đấu cho chúng ta”. (Nê-hê-mi 4:15-20) Nhờ được khuyến khích và chuẩn bị để đối phó với cuộc tấn công, những người xây tường thành tiếp tục công việc của mình. Chúng ta học được những bài học nào qua lời tường thuật này?

11. Trong những nước mà công việc Nước Trời bị cấm đoán, điều gì giúp tín đồ thật chống cự lại được điều ác? Họ “lấy điều thiện thắng điều ác” như thế nào?

11 Có những lúc tín đồ chân chính của Đấng Christ đứng trước sự chống đối đầy hung bạo. Thật vậy, tại vài nước, số người chống đối dữ dội sự thờ phượng thật hợp thành một lực lượng đông đảo. Theo quan điểm loài người, các anh chị đồng đạo của chúng ta ở những nước đó không thể chống lại được lực lượng như thế. Tuy nhiên, các anh chị ấy tin chắc rằng ‘Đức Chúa Trời sẽ chiến-đấu cho họ’. Thật vậy, những ai bị bắt bớ vì niềm tin thường cảm nghiệm được Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện của họ và Ngài làm “bại mưu” của những kẻ thù hùng mạnh. Ngay cả trong những nước mà công việc Nước Trời bị cấm đoán, tín đồ Đấng Christ tìm cách để tiếp tục rao giảng tin mừng. Giống như những người xây tường thành Giê-ru-sa-lem đã điều chỉnh cách làm việc, Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay cũng khôn ngoan điều chỉnh cách thức rao giảng khi bị tấn công. Dĩ nhiên, họ không dùng vũ khí. (2 Cô-rinh-tô 10:4) Ngay cả khi bị kẻ thù đe dọa hành hung, họ cũng không ngừng công việc rao giảng. (1 Phi-e-rơ 4:16) Ngược lại, những anh chị can đảm đó vẫn tiếp tục “lấy điều thiện thắng điều ác”.

“Hãy đến, ta sẽ gặp nhau”

12, 13. (a) Những kẻ chống đối Nê-hê-mi đã dùng mưu kế nào? (b) Tại sao Nê-hê-mi từ chối gặp những kẻ chống đối?

12 Sau khi kẻ thù của Nê-hê-mi thấy những cách tấn công trực tiếp đều thất bại, họ quay sang chống đối một cách xảo quyệt hơn. Thật vậy, họ thử ba mưu kế. Những mưu kế đó là gì?

13 Thứ nhất, kẻ thù của Nê-hê-mi cố lừa ông. Chúng bảo ông: “Hãy đến, ta sẽ gặp nhau trong một làng nào tại trũng Ô-nô”. Trũng Ô-nô tọa lạc giữa thành Giê-ru-sa-lem và Sa-ma-ri. Vì vậy, kẻ thù của Nê-hê-mi đề nghị với ông là cả hai bên gặp nhau ở giữa hai thành phố đó để giải quyết mối bất hòa. Nê-hê-mi có thể nghĩ rằng: ‘Điều này nghe cũng có lý. Đàm phán thì tốt hơn là đánh nhau’. Tuy nhiên, Nê-hê-mi từ chối. Ông giải thích: “Chúng có ý làm hại tôi”. Ông thấy rõ âm mưu của họ và không bị lừa. Ông đã bốn lần nói với những kẻ chống đối: “[Ta] xuống không đặng. Lẽ nào để công-việc dứt trong khi bỏ nó đặng đi xuống với các ngươi?” Mưu kế của kẻ thù muốn Nê-hê-mi thỏa hiệp đã thất bại. Ông chú tâm vào công việc xây dựng.—Nê-hê-mi 6:1-4.

14. Nê-hê-mi phản ứng thế nào trước lời cáo gian của kẻ thù?

14 Thứ hai, kẻ thù của Nê-hê-mi phải dùng đến mưu kế lan truyền tin đồn thất thiệt về ông. Họ vu cho ông tội ‘toan dấy loạn’, chống lại Vua Ạt-ta-xét-xe. Một lần nữa, họ bảo Nê-hê-mi: “Hãy đến, để chúng ta nghị-luận với nhau”. Nê-hê-mi vẫn từ chối vì ông biết được ý đồ của kẻ thù. Nê-hê-mi giải thích: “Vì chúng nó muốn nhát cho chúng tôi hết thảy đều sợ-hãi; chúng nó rằng: Tay của chúng nó sẽ bị mỏi-mệt, không làm công-việc nữa”. Tuy nhiên, lần này Nê-hê-mi đã bác lời vu cáo của kẻ thù. Ông nói: “Những điều ngươi nói, chẳng có ai làm chút nào; nhưng chính trong lòng ngươi có đặt nó ra”. Ngoài ra, Nê-hê-mi cầu nguyện Đức Giê-hô-va và xin Ngài giúp đỡ: “Hãy làm cho tay tôi mạnh-mẽ”. Ông tin rằng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, ông có thể phá tan âm mưu gian ác này và xúc tiến công trình xây dựng.—Nê-hê-mi 6:5-9.

15. Tiên tri giả Sê-ma-gia đã đề nghị như thế nào, và tại sao Nê-hê-mi từ chối lời đề nghị đó?

15 Thứ ba, những kẻ thù của Nê-hê-mi dùng một kẻ phản bội người Y-sơ-ra-ên là Sê-ma-gia để khiến Nê-hê-mi vi phạm Luật Pháp của Đức Chúa Trời. Sê-ma-gia bảo Nê-hê-mi: “Chúng ta hãy gặp nhau tại trong nhà của Đức Chúa Trời, chính giữa đền-thờ, rồi chúng ta sẽ đóng các cửa đền-thờ lại; vì chúng nó sẽ đến giết ông”. Sê-ma-gia nói cho Nê-hê-mi biết là ông sắp bị ám sát nhưng ông có thể cứu mạng mình nếu trốn trong đền thờ. Tuy nhiên, Nê-hê-mi không phải là thầy tế lễ. Ông sẽ phạm tội nếu trốn trong nhà của Đức Chúa Trời. Nê-hê-mi có vi phạm Luật Pháp của Đức Chúa Trời để cố cứu mạng mình không? Ông đáp lại lời Sê-ma-gia: “Người nào như tôi đây vào trong đền-thờ mà lại được sống sao? Tôi không vào đâu”. Vì sao Nê-hê-mi không rơi vào bẫy đã gài sẵn cho ông? Bởi vì ông biết mặc dù Sê-ma-gia là người đồng hương Y-sơ-ra-ên, nhưng ‘chẳng phải Đức Chúa Trời đã sai người đến’. Xét cho cùng, một nhà tiên tri chân chính không bao giờ khuyên ông vi phạm Luật Pháp của Đức Chúa Trời. Một lần nữa, Nê-hê-mi đã không để những kẻ chống đối gian ác thắng mình. Không lâu sau đó, ông có thể ghi lại: “Vậy, ngày hai mươi lăm tháng Ê-lun, vách-thành sửa xong, hết năm mươi hai ngày”.—Nê-hê-mi 6:10-15; Dân-số Ký 1:51; 18:7.

16. (a) Chúng ta có thể xử sự thế nào với những người bạn giả dối, những người vu cáo và những anh em giả hình? (b) Bạn cho thấy bạn không thỏa hiệp niềm tin của mình trong gia đình, tại trường học hoặc nơi làm việc như thế nào?

16 Như Nê-hê-mi, chúng ta cũng có thể phải đối mặt với những người chống đối. Họ có lẽ là những người bạn giả dối, những người vu cáo và những anh em giả hình. Một số người có thể mời chúng ta thỏa hiệp. Họ có thể cố thuyết phục chúng ta rằng nếu giảm bớt một chút lòng sốt sắng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng có thể cùng lúc theo đuổi mục tiêu của thế gian. Tuy nhiên, vì đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống, chúng ta không thỏa hiệp. (Ma-thi-ơ 6:33; Lu-ca 9:57-62) Những kẻ chống đối cũng lan truyền những lời vu cáo chúng ta. Tại một số nước, chúng ta bị vu khống là mối đe dọa cho quốc gia, cũng như Nê-hê-mi bị vu cáo là chống lại vua. Một số lời vu cáo đó được đưa ra tòa và tòa án đã bác bỏ những lời vu cáo đó. Dù chuyện gì xảy ra cho mỗi trường hợp, chúng ta cầu nguyện với lòng tin chắc là Đức Giê-hô-va sẽ điều khiển sự việc theo ý của Ngài. (Phi-líp 1:7) Sự chống đối cũng có thể đến từ những người làm ra vẻ phụng sự Đức Giê-hô-va. Cũng như người đồng hương Do Thái đã cố thuyết phục Nê-hê-mi vi phạm Luật Pháp của Đức Chúa Trời để cứu mạng mình, những người trước đây là Nhân Chứng nhưng đã bội đạo có thể cố thuyết phục chúng ta thỏa hiệp bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, chúng ta không nghe những người bội đạo vì chúng ta biết việc vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời không cứu được mạng mình. Trái lại, chúng ta được cứu rỗi nhờ vâng giữ luật pháp Ngài. (1 Giăng 4:1) Đúng thế, với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể thắng bất cứ hình thức nào của sự gian ác.

Chia sẻ tin mừng dù gặp sự gian ác

17, 18. (a) Sa-tan và những kẻ theo hắn cố đạt được mục đích gì? (b) Bạn nhất quyết làm gì, và tại sao?

17 Lời Đức Chúa Trời nói về những anh em xức dầu của Đấng Christ như sau: “Chúng đã thắng [Sa-tan] bởi. . . lời làm chứng của mình”. (Khải-huyền 12:11) Vì thế, có sự liên quan trực tiếp giữa việc thắng Sa-tan—nguồn của sự gian ác—và việc rao truyền thông điệp về Nước Trời. Không lạ gì khi Sa-tan liên tiếp tấn công cả những người xức dầu còn sót lại lẫn đám đông “vô-số người” bằng cách dấy lên sự chống đối!—Khải-huyền 7:9; 12:17.

18 Như chúng ta đã thấy, sự chống đối có thể xảy ra dưới hình thức chỉ trích gay gắt, đe dọa hành hung hoặc dưới những hình thức xảo quyệt. Dù gì đi nữa, mục đích của Sa-tan luôn không thay đổi. Đó là làm ngưng công việc rao giảng. Tuy nhiên, Sa-tan sẽ thất bại một cách nhục nhã vì dân của Đức Chúa Trời noi theo gương Nê-hê-mi nhất quyết tiếp tục “lấy điều thiện thắng điều ác”. Họ làm thế bằng cách tiếp tục rao giảng tin mừng về Nước Trời cho đến khi Đức Giê-hô-va nói rằng công việc này đã hoàn tất!—Mác 13:10; Rô-ma 8:31; Phi-líp 1:27, 28.

[Chú thích]

^ đ. 2 Để biết bối cảnh của những biến cố đó, xin đọc Nê-hê-mi 1:1-4; 2:1-6, 9-20; 4:1-23; 6:1-15.

Bạn có nhớ không?

• Tôi tớ của Đức Chúa Trời thời xưa và tín đồ Đấng Christ thời nay gặp sự chống đối nào?

• Mục tiêu chính mà kẻ thù của Nê-hê-mi theo đuổi là gì, và mục tiêu của kẻ thù Đức Chúa Trời ngày nay là gì?

• Làm thế nào chúng ta ngày nay tiếp tục “lấy điều thiện thắng điều ác”?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 29]

Bài học rút ra từ sách Nê-hê-mi

Tôi tớ của Đức Chúa Trời thường bị

• chế giễu

• đe dọa

• lừa gạt

Âm mưu lừa gạt đến từ

• bạn giả dối

• người vu cáo

• anh em giả hình

Tôi tớ Đức Chúa Trời chiến thắng điều ác bằng cách

• bền lòng làm công việc Đức Chúa Trời giao phó

[Hình nơi trang 27]

Nê-hê-mi và những người cùng làm việc với ông xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem bất kể bị chống đối dữ dội

[Hình nơi trang 31]

Tín đồ chân chính của Đấng Christ không sợ hãi rao giảng tin mừng về Nước Trời