Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quyển Kinh Thánh tiếng Bồ Đào Nha đầu tiên—Câu chuyện về lòng kiên trì

Quyển Kinh Thánh tiếng Bồ Đào Nha đầu tiên—Câu chuyện về lòng kiên trì

Quyển Kinh Thánh tiếng Bồ Đào Nha đầu tiên—Câu chuyện về lòng kiên trì

“AI KIÊN TRÌ chắc chắn sẽ thành công”. Phương châm này xuất hiện ở bìa trong của cuốn sách mỏng về tôn giáo do João Ferreira de Almeida viết vào thế kỷ 17. Không có câu nào khác phù hợp hơn để miêu tả về một người cống hiến đời mình cho việc dịch thuật và phát hành cuốn Kinh Thánh tiếng Bồ Đào Nha.

Almeida sinh ra vào năm 1628 tại Torre de Tavares, một làng ở miền bắc Bồ Đào Nha. Mồ côi từ thuở nhỏ, ông được người chú nuôi dạy tại Lisbon, thủ đô của Bồ Đào Nha. Chú ông là một thầy tu đạo Công Giáo. Theo truyền thống, để chuẩn bị cho Almeida làm linh mục, ông được cho học một chương trình giáo dục xuất sắc. Nhờ đó, từ khi còn rất trẻ, Almeida đã phát triển khả năng xuất chúng về ngôn ngữ.

Tuy nhiên, Almeida rất có thể sẽ không dùng năng khiếu của mình cho việc dịch thuật Kinh Thánh nếu ông tiếp tục sống ở Bồ Đào Nha. Trong khi miền bắc và miền trung của Châu Âu có được Kinh Thánh bằng tiếng bản xứ nhờ Phong Trào Cải Cách, Bồ Đào Nha vẫn còn ở dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của Tòa Án Dị Giáo của Công Giáo. Chỉ cần có một quyển Kinh Thánh tiếng bản xứ cũng đủ để một người bị đưa ra trước Tòa Án Dị Giáo. *

Dường như vì muốn thoát khỏi tình trạng hà khắc đó, Almeida đã đến sống ở Hà Lan từ khi còn rất trẻ. Không lâu sau đó, khi mới 14 tuổi, Almeida đã đi một chuyến hành trình đến Châu Á, ngang qua Batavia (hiện là Jakarta), Indonesia. Thời đó, Batavia là trung tâm hành chính của một công ty Hà Lan (Dutch East India Company) ở Đông Nam Á.

Một nhà dịch thuật ở tuổi thiếu niên

Phần cuối của chuyến hành trình đi Châu Á đã dẫn đến một bước ngoặt trong cuộc đời của Almeida. Khi đi thuyền giữa Batavia và Malacca (hiện là Melaka), phía tây Malaysia, Almeida tình cờ thấy một cuốn sách mỏng tiếng Tây Ban Nha của đạo Tin Lành có tựa đề là Diferencias de la Cristiandad (Sự khác biệt giữa các đạo theo Đấng Christ). Ngoài việc lên án những giáo lý sai lầm, cuốn sách ấy có một câu đặc biệt gây ấn tượng với chàng thanh niên Almeida: “Việc dùng ngôn ngữ không ai biết ở nhà thờ, cho dù là để tôn vinh Đức Chúa Trời, cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho người nghe vì họ không hiểu được”.—1 Cô-rinh-tô 14:9.

Almeida rút ra một kết luận rõ ràng từ câu ấy: Bí quyết để phơi bày sự sai lầm về tôn giáo là giúp mọi người hiểu được Kinh Thánh. Khi đến Malacca, ông đổi sang đạo Cải Cách Hà Lan và ngay lập tức bắt đầu dịch những phần trong các sách Phúc Âm từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Bồ Đào Nha. Ông phân phát các phần này cho “những người chân thành muốn biết lẽ thật”. *

Hai năm sau, Almeida sẵn sàng bắt đầu một công trình to lớn hơn—dịch toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp từ bản Vulgate tiếng La-tinh. Almeida hoàn tất công trình này trong vòng chưa đầy một năm, một thành tích xuất sắc của cậu bé mới 16 tuổi! Almeida dạn dĩ gửi một bản dịch của mình đến tổng đốc toàn quyền của Hà Lan ở Batavia để xin được xuất bản. Dường như Giáo Hội Cải Cách ở Batavia đã chuyển bản dịch của ông đến Amsterdam. Tuy nhiên, vị mục sư lớn tuổi có trách nhiệm về bản dịch ấy đã qua đời, và công trình của Almeida bị biến mất.

Khi giáo hội đề nghị ông sao chép một bản cho hội thánh Cải Cách ở Ceylon (hiện là Sri Lanka) vào năm 1651, Almeida phát hiện rằng bản dịch gốc được giữ ở văn khố của nhà thờ đã biến mất. Không nản lòng, bằng cách nào đó ông đã tìm được một bản—có lẽ là một trong những bản nháp ông viết lúc đầu—và năm tiếp theo, ông đã hoàn tất bản dịch (đã được chỉnh sửa) các sách Phúc Âm và Công-vụ. Hội đồng quản trị của Giáo Hội Cải Cách ở Batavia đã thưởng cho ông 30 guilder (đồng Hà Lan). Một bạn đồng nghiệp của Almeida viết: “Đây là một món tiền quá bé nhỏ so với công việc to lớn mà ông đã làm”.

Dù không được công nhận đúng với những gì ông đã làm, Almeida vẫn kiên trì tiếp tục công việc, và đệ trình bản dịch đã chỉnh sửa trọn bộ phần Tân Ước vào năm 1654. Một lần nữa, vấn đề xuất bản Kinh Thánh lại được nêu lên, nhưng không có gì được thực hiện ngoài việc chép tay vài bản để dùng trong một số nhà thờ.

Tòa Án Dị Giáo kết án

Suốt mười năm sau đó, Almeida bận rộn trong việc làm mục sư và người truyền giáo cho Giáo Hội Cải Cách. Ông được phong chức vào năm 1656 và bắt đầu phục vụ ở Ceylon, nơi ông suýt bị voi giẫm chết. Về sau, ông phục vụ ở Ấn Độ với tư cách là một trong những người truyền giáo đầu tiên cho đạo Tin Lành ở xứ ấy.

Almeida là một người cải đạo theo Tin Lành và phục vụ cho nước ngoài. Vì thế, khi ông đến nơi có cộng đồng nói tiếng Bồ Đào Nha, họ xem ông như là kẻ bỏ đạo và phản bội. Vì ông thẳng thắn lên án sự suy đồi về đạo đức của giới giáo phẩm và phơi bày giáo lý sai lầm, nên ông thường có xung đột với các nhà truyền giáo đạo Công Giáo. Những xung đột này lên đến cao điểm vào năm 1661, khi Tòa Án Dị Giáo ở thành phố Goa, Ấn Độ, kết án tử hình Almeida vì tội dị giáo. Vì ông vắng mặt, nên họ đốt hình nộm của ông. Có lẽ vì biết tính hiếu chiến của Almeida, tổng đốc toàn quyền của Hà Lan đã gọi ông trở về Batavia một thời gian ngắn sau đó.

Almeida là một nhà truyền giáo sốt sắng, nhưng ông không bao giờ quên nhu cầu cần có một quyển Kinh Thánh tiếng Bồ Đào Nha. Thật ra, hậu quả của việc thiếu sự hiểu biết về Kinh Thánh—điều này thấy rất rõ nơi giới giáo phẩm và giáo dân—càng làm vững mạnh thêm quyết tâm của ông để dịch Kinh Thánh. Trong lời giới thiệu của một tờ giấy mỏng về tôn giáo đề năm 1668, Almeida thông báo với các độc giả rằng: “Tôi hy vọng. . . chẳng bao lâu nữa sẽ kính tặng cho các bạn một cuốn Kinh Thánh hoàn chỉnh trong tiếng mẹ đẻ. Đây là món quà cao quý và đáng giá nhất mà chưa từng có ai tặng cho các bạn”.

Mâu thuẫn giữa Almeida và Ủy Ban Phê Duyệt

Vào năm 1676, Almeida đệ trình bản thảo cuối cùng của phần Tân Ước cho hội đồng quản trị ở Batavia để họ duyệt lại. Ngay từ lúc đầu, không khí giữa Almeida và những người duyệt lại rất căng thẳng. Nhà viết tiểu sử J. L. Swellengrebel giải thích rằng các đồng nghiệp nói tiếng Hà Lan của Almeida có lẽ rất khó hiểu sắc thái ý nghĩa và phong cách viết văn của ông. Cũng có những cuộc tranh cãi về việc lựa chọn từ ngữ. Nên dịch Kinh Thánh sang tiếng Bồ Đào Nha mà người dân địa phương quen thuộc hay sang ngôn ngữ trí thức mà nhiều người cảm thấy khó hiểu? Và sau cùng, việc Almeida nóng lòng muốn nhìn thấy công trình được hoàn tất luôn là nguyên nhân dẫn đến sự tranh cãi.

Công việc tiến hành rất chậm chạp, có lẽ bởi vì sự cãi vã giữa hai bên hoặc những người duyệt lại không có hứng thú gì lắm. Bốn năm sau, những người duyệt lại vẫn còn vật lộn với các chương đầu của sách Lu-ca. Almeida cảm thấy bực mình vì sự chậm trễ này nên đã gửi một bản thảo đến Hà Lan để xuất bản mà không cho những người duyệt lại biết.

Dù hội đồng quản trị cố gắng ngăn cản việc xuất bản, phần Tân Ước của Almeida đã được in ở Amsterdam vào năm 1681, và những bản in đầu tiên đến Batavia là vào năm sau. Hãy hình dung xem Almeida phải thất vọng thế nào khi thấy bản dịch của ông đã bị những người duyệt lại ở Hà Lan sửa đổi! Vì những người đó không biết tiếng Bồ Đào Nha, Almeida nhận thấy họ đã biến nhiều chỗ trong bản dịch trở nên “luộm thuộm và mâu thuẫn với nhau đến độ làm lu mờ ý nghĩa của Thánh Linh”.

Chính phủ Hà Lan cũng không bằng lòng và ra lệnh hủy tất cả những ấn bản đó. Dù vậy, Almeida đã thuyết phục họ để lại một vài bản với điều kiện là những lỗi nghiêm trọng sẽ được sửa bằng tay. Người ta có thể dùng những bản này trong khi chờ một bản dịch được duyệt lại.

Những người duyệt lại ở Batavia tập họp lại để tiếp tục xem xét phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, và họ bắt đầu sửa soạn để duyệt những sách trong phần tiếng Hê-bơ-rơ mỗi khi Almeida dịch xong. Vì sợ rằng Almeida thiếu kiên nhẫn sẽ làm liều, hội đồng quản trị quyết định cất những trang đã được duyệt xong vào tủ sắt của nhà thờ. Hiển nhiên, Almeida đã hoàn toàn không đồng ý với quyết định của họ.

Lúc ấy, những thập niên làm việc vất vả và những khó khăn vì sống trong khí hậu vùng nhiệt đới đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông. Vào năm 1689, vì sức khỏe ngày càng sa sút, Almeida đã ngưng những hoạt động ở nhà thờ để chú tâm vào việc dịch phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Buồn thay, ông qua đời năm 1691 khi đang dịch chương cuối của sách Ê-xê-chi-ên.

Ấn bản thứ hai của phần Tân Ước—hoàn tất một thời gian ngắn trước khi ông qua đời—đã được xuất bản vào năm 1693. Tuy nhiên một lần nữa, công trình của ông dường như đã rơi vào tay những người phê duyệt kém cỏi. Trong cuốn A Biblia em Portugal (Kinh Thánh ở Bồ Đào Nha), G. L. Santos Ferreira cho biết: “Những người duyệt lại. . . đã sửa nhiều chỗ trong công trình xuất sắc của Almeida, phá hỏng vẻ đẹp còn lại sau khi trải qua bàn tay của những người duyệt lại trong lần xuất bản đầu tiên”.

Quyển Kinh Thánh tiếng Bồ Đào Nha được hoàn tất

Sau khi Almeida chết, nguồn động lực thúc đẩy việc duyệt lại và xuất bản Kinh Thánh tiếng Bồ Đào Nha ở Batavia đã không còn nữa. Theo lời đề nghị của những nhà truyền giáo người Đan Mạch làm việc ở Tranquebar, miền nam Ấn Độ, Hội Khuyến Học Đạo Đấng Christ (Society for Promoting Christian Knowledge) ở Luân Đôn đã tài trợ cho việc tái bản lần thứ ba bản dịch phần Tân Ước của Almeida vào năm 1711.

Hội đó đã quyết định thành lập nhà máy in ở Tranquebar. Tuy nhiên, trên đường đến Ấn Độ, chiếc thuyền vận chuyển nguyên liệu in ấn và lô hàng những quyển Kinh Thánh tiếng Bồ Đào Nha đã rơi vào tay cướp biển Pháp, và cuối cùng bị bỏ lại trên cảng Rio de Janeiro, Brazil. Santos Ferreira ghi lại: “Vì nguyên nhân nào đó không giải thích được và trong những trường hợp tưởng chừng như có phép lạ, những thùng hàng chứa các nguyên liệu in ấn đã được tìm thấy nguyên vẹn ở đáy khoang chứa hàng. Chúng tiếp tục được vận chuyển cũng trên chiếc thuyền đó để đi đến Tranquebar”. Những người truyền giáo người Đan Mạch đã cẩn thận duyệt lại và phát hành những sách khác của Kinh Thánh trong bản dịch của Almeida. Tập Kinh Thánh cuối cùng bằng tiếng Bồ Đào Nha đã được xuất bản vào năm 1751, gần 110 năm sau khi Almeida bắt đầu sự nghiệp của một nhà dịch thuật Kinh Thánh.

Một di sản còn mãi

Từ khi còn niên thiếu, Almeida đã biết cần có quyển Kinh Thánh tiếng Bồ Đào Nha để những người dân bình thường có thể hiểu rõ lẽ thật bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Ông kiên trì theo đuổi mục tiêu đó trong suốt cuộc đời mình, bất kể Giáo Hội Công Giáo chống đối, bạn bè thờ ơ, cũng như việc duyệt lại luôn gặp vấn đề và sức khỏe ngày càng yếu kém của ông. Tính kiên trì của ông đã đem lại kết quả mỹ mãn.

Nhiều cộng đồng nói tiếng Bồ Đào Nha mà Almeida từng đến truyền giáo dần dần biến mất, nhưng Kinh Thánh của ông vẫn còn. Trong thế kỷ 19, Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Ngoại Quốc cũng như Thánh Kinh Hội Mỹ Quốc đã phát hành hàng ngàn bản Kinh Thánh của Almeida tại Bồ Đào Nha và các thành phố dọc theo bờ biển Brazil. Kết quả là những bản Kinh Thánh được dịch dựa trên bản dịch của Almeida ngày nay đã trở nên phổ biến và được phát hành rộng rãi ở những nước nói tiếng Bồ Đào Nha.

Nhiều người chắc hẳn rất biết ơn những nhà dịch thuật Kinh Thánh thời ban đầu như Almeida. Tuy nhiên, chúng ta nên biết ơn Đức Giê-hô-va nhiều hơn. Ngài là Đức Chúa Trời sẵn sàng thông tri với loài người, và là Đấng “muốn cho mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 2:3, 4) Đức Giê-hô-va là Đấng bảo tồn Lời của Ngài và nhờ Ngài, chúng ta mới có được Kinh Thánh và nhận được lợi ích. Mong rằng chúng ta luôn trân trọng và siêng năng nghiên cứu ‘món quà cao quý nhất’ này từ Cha trên trời của chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 4 Vào hậu bán thế kỷ thứ 16, qua việc đưa ra bản liệt kê các loại sách bị cấm (Index of Forbidden Books), Giáo Hội Công Giáo nghiêm cấm việc dùng Kinh Thánh tiếng bản xứ. Theo một bách khoa tự điển (The New Encyclopædia Britannica), điều quy định này “thật sự đã ngăn cản việc dịch thuật của người Công Giáo trong suốt 200 năm sau đó”.

^ đ. 8 Những ấn bản Kinh Thánh cũ của Almeida gọi ông là Padre (Cha) Almeida, khiến nhiều người tin rằng ông là một linh mục. Tuy nhiên, những biên tập viên người Hà Lan đã dùng sai từ này. Họ hiểu lầm đây là tước hiệu của một mục sư.

[Khung/​Hình nơi trang 21]

DANH ĐỨC CHÚA TRỜI

Việc Almeida dịch danh của Đức Chúa Trời từ bốn chữ cái tiếng Hê-bơ-rơ là một thí dụ nổi bật về tính chân thật của ông trong việc dịch thuật.

[Nguồn tư liệu]

Cortesia da Biblioteca da Igreja de Santa Catarina (Igreja dos Paulistas)

[Bản đồ nơi trang 18]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

ĐẠI TÂY DƯƠNG

BỒ ĐÀO NHA

Lisbon

Torre de Tavares

[Hình nơi trang 18]

Batavia vào thế kỷ 17

[Nguồn tư liệu]

Từ cuốn Oud en Nieuw Oost-Indiën, của Franciscus Valentijn, 1724

[Hình nơi trang 18, 19]

Bìa trong của bản Tân Ước đầu tiên bằng tiếng Bồ Đào Nha, phát hành năm 1681

[Nguồn tư liệu]

Courtesy Biblioteca Nacional, Portugal