Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bát-xi-lai—Người ý thức được giới hạn của mình

Bát-xi-lai—Người ý thức được giới hạn của mình

Bát-xi-lai—Người ý thức được giới hạn của mình

‘TÔI sẽ làm bận chúa tôi mà làm chi?’ Người đàn ông 80 tuổi tên là Bát-xi-lai đã nói như thế với Đa-vít, vua của Y-sơ-ra-ên. Kinh Thánh cho biết ông là “người có nhiều của-cải lắm”. (2 Sa-mu-ên 19:32, 35) Bát-xi-lai sống ở Ga-la-át, vùng có nhiều núi phía đông sông Giô-đanh.—2 Sa-mu-ên 17:27; 19:31.

Bát-xi-lai đã nói câu này với Đa-vít trong hoàn cảnh nào? Và tại sao người đàn ông cao niên này nói như thế?

Cuộc nổi loạn chống lại vua

Đa-vít đang ở trong hoàn cảnh nguy hiểm. Con trai ông là Áp-sa-lôm đã chiếm ngôi sau khi “dụ lấy lòng người Y-sơ-ra-ên”. Áp-sa-lôm hẳn sẽ không tha cho người nào trung thành với vua cha. Vì vậy, Đa-vít và các tôi tớ rời khỏi Giê-ru-sa-lem. (2 Sa-mu-ên 15:6, 13, 14) Khi Đa-vít đến Ma-ha-na-im, vùng phía đông sông Giô-đanh, Bát-xi-lai đã giúp đỡ người.

Bát-xi-lai và hai người khác là Sô-bi và Ma-ki đã cung cấp dư dật vật dụng và thực phẩm cần thiết cho Đa-vít. Ba thần dân trung thành này cho thấy họ hiểu hoàn cảnh khốn khó của ông khi nói: “Dân-sự đã đói khát và mệt-nhọc trong đồng vắng”. Bát-xi-lai, Sô-bi và Ma-khi đã làm hết sức mình để đáp ứng những nhu cầu đó bằng cách cung cấp cho Đa-vít và những người đi theo ông: giường, lúa mạch, bột mì, hột rang, đậu, phạn đậu, mật ong, mỡ sữa, chiên và những thứ khác.—2 Sa-mu-ên 17:27-29.

Giúp đỡ Đa-vít là việc rất nguy hiểm. Áp-sa-lôm hẳn sẽ không tha cho bất kỳ ai ủng hộ vị vua hợp pháp này. Thế nên, Bát-xi-lai là người can đảm khi biểu lộ lòng trung thành với Đa-vít.

Tình thế đảo ngược

Không lâu sau, lực lượng phản nghịch của Áp-sa-lôm chạm trán với người của Đa-vít. Trận chiến xảy ra trong rừng Ép-ra-im, có lẽ là vùng phụ cận Ma-ha-na-im. Quân của Áp-sa-lôm bại trận, ấy là “một trận thua lớn”, trong ngày đó có nhiều người bị giết. Dù Áp-sa-lôm cố chạy trốn nhưng hắn đã không thoát chết.—2 Sa-mu-ên 18:7-15.

Một lần nữa, Đa-vít là vị vua không ai đối địch trong Y-sơ-ra-ên. Các tôi tớ ông không còn phải sống trong cảnh trốn chạy nữa. Ngoài ra, họ được Đa-vít quý trọng và biết ơn vì lòng trung thành.

Khi Đa-vít sắp lên đường trở về Giê-ru-sa-lem, “Bát-xi-lai ở Ga-la-át cũng từ Rô-ghê-lim xuống, và qua sông Giô-đanh với vua đặng đưa vua đến bên kia sông”. Vào dịp này, Đa-vít mời người cao tuổi Bát-xi-lai: “Hãy qua sông Giô-đanh với ta, ta sẽ bao-bọc cho ngươi ở nhà ta tại Giê-ru-sa-lem”.—2 Sa-mu-ên 19:15, 31, 33.

Chắc chắn Đa-vít rất cảm kích về sự giúp đỡ của Bát-xi-lai. Dường như nhà vua không chỉ muốn đền ơn bằng cách chu cấp cho ông. Người giàu có Bát-xi-lai không cần sự giúp đỡ như thế. Đa-vít muốn Bát-xi-lai sống trong cung có lẽ vì người cao niên này có những đức tính đáng quý. Được sống trong cung hẳn là vinh dự, vì Bát-xi-lai sẽ được gần gũi và làm bạn với nhà vua.

Khiêm tốn và thực tế

Đáp lại lời mời của Vua Đa-vít, Bát-xi-lai nói: “Bây giờ tôi còn bao lâu ngày nữa, mà lại cùng vua đi lên Giê-ru-sa-lem? Ngày nay tôi được tám mươi tuổi, há còn có thể phân-biệt điều tốt và điều xấu ư? Kẻ tôi-tớ vua cũng chẳng nếm được mùi của vật mình ăn và uống. Há lại còn có thể vui nghe người nam nữ ca-xướng sao?” (2 Sa-mu-ên 19:34, 35) Như thế, Bát-xi-lai kính cẩn khước từ lời mời và ân huệ vua ban. Tại sao?

Một lý do khiến Bát-xi-lai quyết định như thế có thể là vì tuổi tác và những giới hạn đi kèm. Bát-xi-lai có lẽ nghĩ rằng ông không sống được bao lâu nữa. (Thi-thiên 90:10) Ông đã làm hết sức mình để hỗ trợ Đa-vít, nhưng ông cũng ý thức được giới hạn của tuổi già. Bát-xi-lai không để cho danh vọng và địa vị cao ngăn cản ông đánh giá khả năng của mình một cách thực tế. Không như Áp-sa-lôm, người đầy tham vọng, Bát-xi-lai đã khôn ngoan thể hiện tính khiêm tốn.—Châm-ngôn 11:2.

Một lý do khác khiến Bát-xi-lai quyết định như thế có lẽ là ông không muốn những giới hạn của mình gây trở ngại cho các hoạt động của vị vua được Đức Chúa Trời bổ nhiệm. Bát-xi-lai hỏi: “Kẻ tôi-tớ vua sẽ làm bận vua-chúa tôi mà làm chi?” (2 Sa-mu-ên 19:35) Dù vẫn ủng hộ Đa-vít, Bát-xi-lai có lẽ tin rằng một người trẻ có thể thi hành trách nhiệm hữu hiệu hơn. Có lẽ đề cập đến con trai mình, Bát-xi-lai nói: “Nầy là Kim-ham, kẻ tôi-tớ vua; nó sẽ đi qua sông Giô-đanh với vua-chúa tôi, rồi vua phải đãi nó tùy ý vua lấy làm tốt”. Thay vì phật ý, Đa-vít chấp nhận lời đề nghị này. Thật thế, trước khi qua sông Giô-đanh, Đa-vít “hôn và chúc phước cho Bát-xi-lai”.—2 Sa-mu-ên 19:37-39.

Cần có sự thăng bằng

Lời tường thuật về Bát-xi-lai nhấn mạnh một điểm là cần có sự thăng bằng. Một mặt, chúng ta không nên từ chối hoặc không muốn vươn tới những đặc ân thần quyền, vì muốn sống đời bình lặng hay vì cảm thấy không đủ khả năng gánh vác trách nhiệm. Đức Chúa Trời có thể bù đắp những thiếu sót nếu chúng ta tin cậy nơi sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài.—Phi-líp 4:13; Gia-cơ 4:17; 1 Phi-e-rơ 4:11.

Mặt khác, chúng ta cần ý thức những giới hạn của mình. Chẳng hạn, một tín đồ Đấng Christ có lẽ đã rất bận rộn trong các hoạt động thần quyền. Anh biết rằng nếu nhận thêm những đặc ân khác, có thể anh sẽ không chu toàn các trách nhiệm được nêu trong Kinh Thánh, như chu cấp cho gia đình. Trong trường hợp này, việc từ chối nhận thêm đặc ân chẳng phải cho thấy anh có tính khiêm tốn và phải lẽ hay sao?—Phi-líp 4:5; 1 Ti-mô-thê 5:8.

Bát-xi-lai nêu gương tốt, và chúng ta nên suy ngẫm về gương này. Ông là người trung thành, can đảm, hào phóng và khiêm tốn. Trên hết, Bát-xi-lai quyết tâm đặt công việc Đức Chúa Trời lên trên lợi ích riêng.—Ma-thi-ơ 6:33.

[Bản đồ nơi trang 15]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Ông Bát-xi-lai 80 tuổi đã thực hiện cuộc hành trình vất vả để hỗ trợ Đa-vít

GA-LA-ÁT

Rô-ghê-lim

Su-cốt

Ma-ha-na-im

sông Giô-đanh

Ghinh-ganh

Giê-ri-cô

Giê-ru-sa-lem

ÉP-RA-IM

[Hình nơi trang 13]

Tại sao Bát-xi-lai từ chối lời đề nghị của Đa-vít?