Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có một linh hồn bất tử không?

Bạn có một linh hồn bất tử không?

Bạn có một linh hồn bất tử không?

CÓ PHẢI chúng ta chỉ là con người gồm xương và thịt thôi không? Hay ngoài toàn bộ các nguyên tố cấu thành cơ thể, chúng ta còn có gì khác? Phải chăng đời sống chúng ta chỉ là tạm bợ, nay còn mai mất? Hay có một phần vô hình nào đó vẫn tồn tại sau khi chúng ta chết?

Mặc dù các tôn giáo trên thế giới đưa ra nhiều niềm tin khiến người ta hoang mang về đời sau, đa số đều có cùng một quan niệm cơ bản: Bên trong người ta có một cái gì đó bất tử và tiếp tục sống sau khi người đó chết. Nhiều người tin rằng “cái gì đó” là linh hồn. Còn bạn thì sao? Phải chăng chúng ta có phần xác và phần hồn, hay thần linh? Phần hồn hay thần linh đó là gì? Có thần linh trong một người sống và nó rời thân thể khi người đó chết không? Nếu thế, điều gì xảy ra cho thần linh ấy?

“Xác chẳng có hồn thì chết”

Trong Kinh Thánh, từ Hê-bơ-rơ và Hy Lạp dịch là “hồn”, “sinh khí”, “thần” hay “thần linh”, có nghĩa cơ bản là “hơi thở” hay “gió”. Tuy nhiên, những từ này còn có nghĩa rộng hơn là sự hô hấp. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói: “Xác chẳng có hồn thì chết”. (Gia-cơ 2:26) Do đó, “hồn” hay thần linh là yếu tố mang lại sức sống cho cơ thể. Nó là lực làm cho cơ thể hoạt động.

Khi xem xét tình trạng của một người vừa mới ngừng thở, chúng ta sẽ thấy rõ lực ấy không chỉ là hơi thở hoặc không khí đi qua phổi. Sau khi một người ngưng thở vài phút, người khác có thể làm cho người đó tỉnh lại. Tại sao? Bởi vì sinh lực vẫn còn trong các tế bào của cơ thể. Nhưng, một khi sinh lực đã tắt hẳn, thì không cách nào có thể làm cho người đó thở lại. Bao nhiêu hơi thở hoặc không khí cũng không thể nào phục hồi các tế bào đã chết. Vậy, hồn, sinh khí hay thần linh đều ám chỉ lực duy trì sự sống của các tế bào và của người đó. Sinh lực này do cha mẹ truyền cho con cái lúc thụ thai và được duy trì qua hơi thở.—Gióp 34:14, 15.

Mỗi người có một hồn hay thần linh riêng biệt không? Hay mọi người đều có cùng một thần linh? Kinh Thánh đưa ra lời giải đáp rõ ràng. Để cho thấy mọi sinh vật đều có cùng sinh khí hay thần linh, vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn nói: “Việc xảy đến cho con loài người làm sao, thì xảy đến cho loài thú cũng vậy; sự xảy đến cho hai loài giống hẳn với nhau. Sự chết của loài nầy cũng như sự chết của loài kia; hai loài đều thở một thứ hơi. . . Cả thảy đều qui vào một chỗ; cả thảy do bụi-đất mà ra, cả thảy sẽ trở về bụi-đất. Ai biết hoặc thần [“sinh khí”, Tòa Tổng Giám Mục] của loài người thăng lên, hoặc hồn [“sinh khí”, TTGM] của loài thú sa xuống dưới đất?” (Truyền-đạo 3:19-21) Thật thế, về cơ bản loài người và loài thú có cùng một sinh khí hay thần linh.

Sinh khí hay thần linh trong cơ thể có thể ví như dòng điện cung cấp lực cho một thiết bị hoạt động. Dòng điện vô hình chạy qua một vật dụng hay một máy có thể thực hiện nhiều chức năng, tùy theo mục đích mà nó được thiết kế. Chẳng hạn, dòng điện có thể thắp sáng một ngọn đèn hay làm cho quạt, radio, truyền hình hoặc máy vi tính hoạt động. Tuy nhiên, dòng điện không bao giờ mang những đặc tính của các vật dụng ấy. Dòng điện bao giờ cũng chỉ là một lực mà thôi. Thần linh, tức sinh lực, cũng vậy. Nó không có bất cứ đặc tính nào của cơ thể mà nó truyền sức sống. Thần linh này không có cá tính cũng không có khả năng suy nghĩ—nó chỉ là một lực. Cả người lẫn thú đều có cùng sinh khí hay thần linh. Vậy khi một người chết, thần linh của người đó không tiếp tục sống như một thực thể riêng biệt hay như tạo vật thần linh trong một thế giới khác.

Khi chúng ta chết, điều gì xảy ra cho thần linh?

Truyền-đạo 12:7 nói rằng khi một người chết, “bụi-tro trở vào đất y như nguyên-cũ, và thần-linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một thực thể thần linh lìa khỏi thân xác và vượt không gian để đến trước mặt Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, hãy xem điều Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên bất trung qua nhà tiên tri Ma-la-chi. Ngài phán: “Hãy trở lại cùng ta, thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi”. (Ma-la-chi 3:7) Muốn “trở lại” với Đức Giê-hô-va, người Y-sơ-ra-ên phải từ bỏ đường lối sai lầm và một lần nữa làm theo các đòi hỏi công bình của Đức Chúa Trời. Đối với Đức Giê-hô-va, việc “trở lại” với dân Y-sơ-ra-ên có nghĩa là Ngài sẽ phục hồi ân huệ cho họ. Trong cả hai trường hợp, không có sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác theo nghĩa đen. Sự “trở lại” chỉ bao hàm việc thay đổi thái độ. Điều này cho thấy cách Kinh Thánh dùng từ “trở lại” hay “trở về”, không luôn đòi hỏi phải có sự di chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Tương tự như thế, khi người ta chết, “thần-linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó”, theo nghĩa là sau khi thần linh hay sinh khí ra khỏi thân xác, chỉ có Đức Chúa Trời mới có khả năng phục hồi nó. Điều này có nghĩa là bất cứ hy vọng nào về đời sống trong tương lai dành cho người đó, giờ đây hoàn toàn tùy thuộc nơi Đức Chúa Trời.

Thí dụ, hãy xem sách Phúc Âm Lu-ca nói gì về cái chết của Chúa Giê-su. Lời tường thuật kể lại: “Đức Giê-su kêu lớn tiếng : Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở”. (Lu-ca 23:46, TTGM) Khi Chúa Giê-su chết và “hồn” tức sinh khí ra khỏi ngài, lúc ấy ngài không lên trời với Cha. Thật ra, Chúa Giê-su đang ở trong mồ—ngài không hiện hữu—cho đến ngày thứ ba sau khi chết, ngài mới sống lại. (Truyền-đạo 9:5, 10) Ngay cả sau khi sống lại, Chúa Giê-su cũng không lên trời ngay. Nhưng, “trong bốn mươi ngày” ngài “tỏ ra mình là sống” cho các môn đồ, và sau đó ngài “được cất lên”. (Công-vụ 1:3, 9) Khi chết, Chúa Giê-su ‘phó thác hồn ngài trong tay Cha’, hoàn toàn tin cậy rằng Đức Giê-hô-va có khả năng làm cho ngài sống lại.

Thần linh là gì?

Kinh Thánh cho thấy rõ thần linh là gì. Nó chỉ là sinh lực mà một người phải có để duy trì sự sống. Hơi thở hay không khí là cần thiết để duy trì sinh lực đó. Vậy thì khi một người chết, không có gì bên trong người đó còn tồn tại.

Thế nên bất cứ hy vọng nào về đời sống tương lai dành cho người chết đều tùy thuộc nơi sự sống lại. Kinh Thánh hứa: “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng [Chúa Giê-su] và ra khỏi”. (Giăng 5:28, 29) Lời hứa chắc chắn đó về sự sống lại—không phải giáo lý về linh hồn bất tử—là nền tảng của hy vọng thật dành cho người chết.

Tiếp thu sự hiểu biết chính xác về sự sống lại và ý nghĩa của nó đối với nhân loại thật quan trọng biết bao! Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và Đấng Christ cũng hết sức quan trọng. (Giăng 17:3) Nhân Chứng Giê-hô-va tại địa phương sẵn lòng giúp bạn tìm hiểu Kinh Thánh để bạn biết rõ hơn về Đức Chúa Trời, Con Ngài và những lời hứa của Ngài. Chúng tôi mời bạn liên lạc với các Nhân Chứng hoặc viết thư cho nhà xuất bản của tạp chí này.

[Các hình nơi trang 4]

Tất cả đều có cùng một sinh khí hay thần linh

[Nguồn tư liệu]

Con dê: CNPC—Centro Nacional de Pesquisa de Caprinos (Sobral, CE, Brasil)