Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy đi, rửa nơi ao Si-lô-ê”

“Hãy đi, rửa nơi ao Si-lô-ê”

“Hãy đi, rửa nơi ao Si-lô-ê”

SAU KHI lấy bùn chữa lành cho một người mù, Chúa Giê-su nói: “Hãy đi, rửa nơi ao Si-lô-ê”. Người này làm theo và “trở lại, thì được thấy rõ”. (Giăng 9:6, 7) Ao Si-lô-ê ở đâu? Sự phát hiện gần đây của ngành khảo cổ cho biết thêm thông tin về địa điểm của ao.

Nhiều du khách đã tham quan một nơi ở Giê-ru-sa-lem được gọi là ao Si-lô-ê, họ tin rằng đó chính là cái ao được đề cập nơi Giăng 9:7. Địa điểm này nằm ở cuối đường hầm Ê-xê-chia—một đường hầm dẫn nước dài 530 mét, được xây vào thế kỷ thứ tám TCN. Nhưng, niên đại của ao này được xác định là vào thế kỷ thứ tư CN. Nó được xây bởi “các tín đồ đấng Christ” người Byzantium, họ lầm tưởng cái ao được nói đến trong sách Phúc Âm của Giăng nằm ở cuối đường hầm này.

Tuy nhiên vào năm 2004, các nhà khảo cổ phát hiện nơi mà họ kết luận là ao Si-lô-ê vào thời Chúa Giê-su sống trên đất. Ao này nằm cách địa điểm người ta đã lầm tưởng là ao Si-lô-ê khoảng 100 mét về phía đông nam. Nó đã được phát hiện như thế nào? Chính quyền thành phố cần sửa chữa đường cống trong khu vực này, vì vậy họ điều động nhân công đến đó với các thiết bị lớn. Một nhà khảo cổ đang làm việc gần đó, quan sát việc đào bới và thấy xuất hiện hai bậc thang. Công việc phải tạm ngưng và cơ quan bảo tồn di tích cổ Do Thái (Israeli Antiquities Authority) phê chuẩn việc khai quật tại khu vực này. Một bên bờ ao, dài khoảng 70 mét, và hai góc đã được đào lên.

Trong khi khai quật, người ta tìm thấy những đồng tiền đã được lưu hành trong năm thứ hai, thứ ba và thứ tư cuộc nổi loạn của người Do Thái chống La Mã. Cuộc nổi loạn đó xảy ra giữa năm 66 và 70 CN. Các đồng tiền này chứng minh rằng cái ao vẫn được dùng cho tới khi thành Giê-ru-sa-lem bị quân La Mã tàn phá vào năm 70 CN. Tạp chí về khảo cổ học và Kinh Thánh (Biblical Archaeology Review) kết luận: “Vậy cái ao đã được dùng cho đến cuối cuộc nổi loạn, sau đó bị bỏ hoang. Khu vực này, nơi thấp nhất của Giê-ru-sa-lem, không có người ở cho đến thời kỳ Byzantine. Mỗi năm, những cơn mưa mùa đông chảy xuống thung lũng làm đọng lại một lớp bùn mới trong ao. Và sau khi quân La Mã hủy diệt thành, cái ao không còn sạch nữa. Qua nhiều thế kỷ, bùn tích tụ thành một lớp dầy làm cho ao dần dần biến mất. Có nhiều chỗ, các nhà khảo cổ thấy bùn dầy gần 3 mét”.

Tại sao các học viên Kinh Thánh chân thành lại chú ý đến địa điểm của ao Si-lô-ê? Vì điều này giúp họ hiểu rõ hơn về địa lý của thành Giê-ru-sa-lem vào thế kỷ thứ nhất, nơi thường được đề cập trong các lời tường thuật của Phúc Âm về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su.

[Hình nơi trang 7]

Ao Si-lô-ê vừa được phát hiện

[Nguồn tư liệu]

© 2003 BiblePlaces.com