Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hãy đề phòng mọi thứ tham lam’

‘Hãy đề phòng mọi thứ tham lam’

‘Hãy đề phòng mọi thứ tham lam’

“Sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu”.​—LU-CA 12:15.

1, 2. (a) Bạn thấy nhiều người quan tâm và theo đuổi điều gì ngày nay? (b) Những thái độ như thế có ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

TIỀN TÀI, danh vọng, nhà cửa, đất đai, lương cao, gia đình—là vài điều trong số những điều mà người ta xem như thước đo sự thành công hoặc là những điều bảo đảm cho tương lai. Rõ ràng tại những nước giàu cũng như nghèo, nhiều người quan tâm đến việc theo đuổi vật chất và sự thăng tiến. Ngược lại, người ta ngày càng ít hoặc không quan tâm gì đến vấn đề thiêng liêng.

2 Điều này đúng như Kinh Thánh đã nói trước: “Trong ngày sau-rốt, sẽ có những thời-kỳ khó-khăn. Vì người ta đều tư-kỷ, tham tiền. . . ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhân-đức, nhưng chối-bỏ quyền-phép của nhân-đức đó”. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Vì hàng ngày sống giữa những người như thế, tín đồ chân chính của Đấng Christ luôn luôn bị áp lực phải theo lối suy nghĩ và lối sống đó. Điều gì có thể giúp chúng ta chống lại thế gian đang cố ‘ép chúng ta rập theo khuôn của nó’?—Rô-ma 12:2, The New Testament in Modern English, của J. B. Phillips.

3. Giờ đây chúng ta xem xét lời khuyên nào của Chúa Giê-su?

3 Là “cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin” chúng ta, Chúa Giê-su cho chúng ta những bài học đầy ý nghĩa về vấn đề này. (Hê-bơ-rơ 12:2) Vào một dịp nọ, khi Chúa Giê-su đang nói với đám đông về những vấn đề thiêng liêng liên quan đến sự thờ phượng thật, một người xen vào và yêu cầu ngài: “Thưa thầy, xin biểu anh tôi chia gia-tài cho tôi”. Để đáp lại, Chúa Giê-su cho người đó và tất cả những người đang nghe một lời khuyên quan trọng. Ngài thẳng thắn cảnh báo tính tham lam và dùng một minh họa khiến người ta suy nghĩ để nhấn mạnh lời cảnh báo ấy. Điều khôn ngoan là chúng ta nên chú ý đến những gì Chúa Giê-su nói vào dịp đó, và cũng nên xem xét làm thế nào chúng ta có thể được lợi ích khi áp dụng lời khuyên ấy trong đời sống.—Lu-ca 12:13-21.

Lời yêu cầu không thích hợp

4. Tại sao việc người đàn ông ngắt lời Chúa Giê-su là không thích hợp?

4 Trước khi bị ngắt lời, Chúa Giê-su nói với các môn đồ và những người đang nghe ngài về việc tránh sự giả hình cũng như can đảm tuyên xưng Con người trước người khác và nhận sự giúp đỡ của thánh linh. (Lu-ca 12:1-12) Chắc chắn đây là những điều tối quan trọng mà các môn đồ cần phải ghi nhớ. Tuy nhiên, khi Chúa Giê-su đang nói về những điều đáng suy nghĩ như thế, người đàn ông đó đột nhiên ngắt lời và xin ngài phân xử một vấn đề có vẻ như là sự tranh giành của cải trong gia đình. Dù vậy, chúng ta cũng có thể học một bài học quan trọng từ chuyện này.

5. Lời yêu cầu của người đàn ông đó cho thấy gì về ông?

5 Theo một tài liệu, “tính cách của một người thường được thấy qua cách người ấy suy nghĩ khi nghe bài thuyết giảng về tôn giáo”. Trong khi Chúa Giê-su nói về những vấn đề thiêng liêng quan trọng, người đàn ông này có lẽ đang nghĩ đến cách để có nhiều của cải hơn. Kinh Thánh không đề cập đến việc người đàn ông đó có lý do chính đáng hay không để than phiền về vấn đề chia gia tài. Có lẽ ông muốn lợi dụng uy thế của Chúa Giê-su vì ngài nổi tiếng là người phán xét khôn ngoan trong các vấn đề của con người. (Ê-sai 11:3, 4; Ma-thi-ơ 22:16) Dù có lý do gì đi nữa, lời ông yêu cầu cho thấy rất có thể ông có một vấn đề nghiêm trọng: thiếu lòng quý trọng về những điều liên quan đến sự thờ phượng. Đó chẳng phải là lý do chính đáng để chúng ta xem xét lại chính mình hay sao? Chẳng hạn, tại các buổi nhóm họp, chúng ta có thể dễ dàng để tâm trí mình lơ đãng hoặc suy nghĩ về những điều mình phải làm sau đó. Thay vì vậy, chúng ta nên tập trung vào những điều đang được trình bày và suy nghĩ về cách mình có thể áp dụng những thông tin ấy. Nhờ đó, chúng ta có thể cải thiện mối quan hệ với Cha trên trời, Đức Giê-hô-va, và với anh em đồng đạo.—Thi-thiên 22:22; Mác 4:24.

6. Tại sao Chúa Giê-su từ chối can thiệp theo lời yêu cầu của người đàn ông đó?

6 Dù người đàn ông đó có động cơ gì đi nữa, Chúa Giê-su từ chối can thiệp vào vấn đề này. Ngài nói với ông: “Hỡi người kia, ai đặt ta làm quan xử kiện hay là chia của cho các ngươi?” (Lu-ca 12:14) Khi nói thế, Chúa Giê-su muốn nói đến điều mà mọi người đều biết vì theo Luật Pháp Môi-se, quan án trong các thành được bổ nhiệm để xét xử những vấn đề như thế. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:18-20; 21:15-17; Ru-tơ 4:1, 2) Ngược lại, Chúa Giê-su quan tâm đến những điều quan trọng hơn. Đó là làm chứng cho lẽ thật về Nước Trời và dạy người ta biết về ý muốn của Đức Chúa Trời. (Giăng 18:37) Chúng ta cũng noi theo gương Chúa Giê-su. Thay vì để những vấn đề thường ngày làm chúng ta phân tâm, chúng ta dùng thời gian và sức lực để rao giảng tin mừng và “dạy-dỗ muôn-dân”.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19.

Đề phòng tính tham lam

7. Chúa Giê-su có nhận xét sâu sắc nào?

7 Nhờ có khả năng nhận biết được ý định sâu xa trong lòng con người, Chúa Giê-su thấy có một vấn đề nghiêm trọng nằm đằng sau lời yêu cầu của người đàn ông ấy. Vì thế, thay vì chỉ giản dị từ chối lời yêu cầu, Chúa Giê-su đi vào cốt lõi của vấn đề và nói: “Hãy thận trọng, đề phòng mọi thứ tham lam, vì cuộc sống con người không cốt tại của cải dư dật đâu!”—Lu-ca 12:15, Bản Dịch Mới.

8. Tham lam là gì, và nó có thể dẫn đến điều gì?

8 Tham lam không chỉ là sự tham muốn tiền bạc hoặc vật nào đó. Những thứ này có thể được sử dụng vào những mục đích đúng đắn. Một tự điển định nghĩa “tham lam” như sau: “Có lòng tham đến mức muốn lấy hết về cho mình”. Tính này cũng liên quan đến sự thèm muốn vô độ những vật có lẽ thuộc về người khác, chỉ vì muốn có những vật đó mà không cần biết mình có cần hay không và cũng không cần biết điều đó ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Về cơ bản, một người tham lam để vật mình khao khát chế ngự lối suy nghĩ và hành động của mình đến độ vật đó trở thành thứ mà họ tôn thờ. Hãy nhớ rằng sứ đồ Phao-lô so sánh người tham lam ngang hàng với người thờ hình tượng, là người không được hưởng Nước Trời.—Ê-phê-sô 5:5; Cô-lô-se 3:5.

9. Tính tham lam thể hiện qua những hình thức nào? Hãy nêu vài thí dụ.

9 Điều đáng chú ý là Chúa Giê-su cảnh báo phải tránh “mọi thứ tham lam”. Tham lam thể hiện dưới nhiều hình thức. Điều răn cuối cùng trong Mười Điều Răn liệt kê một số hình thức này: “Ngươi chớ tham nhà kẻ lân-cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân-cận ngươi”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17) Kinh Thánh cho thấy nhiều trường hợp người ta phạm tội nghiêm trọng vì tham lam dưới hình thức này hay hình thức khác. Sa-tan là kẻ đầu tiên tham muốn những thứ không thuộc về mình: sự vinh hiển, tôn quí và quyền lực. Những điều này chỉ thuộc về Đức Giê-hô-va mà thôi. (Khải-huyền 4:11) Ê-va ham muốn quyền tự quyết định, và việc bà bị lừa trong vấn đề này đã đưa nhân loại vào con đường tội lỗi dẫn đến sự chết. (Sáng-thế Ký 3:4-7) Các quỉ là những thiên sứ đã không hài lòng với “thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình” để có được những thứ mà không thuộc về chúng. (Giu-đe 6; Sáng-thế Ký 6:2) Cũng hãy nghĩ đến Ba-la-am, A-can, Ghê-ha-xi và Giu-đa. Thay vì hài lòng với những gì họ có trong đời sống, họ đã để cho lòng ham muốn vật chất vô độ khiến họ lạm dụng vị thế của mình, rơi vào sự hủy diệt và hư mất.

10. Làm thế nào chúng ta làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su là “hãy thận trọng”?

10 Thật phù hợp biết bao khi Chúa Giê-su mở đầu lời cảnh báo tránh tham lam với câu: “Hãy thận trọng”! Tại sao thế? Vì thật dễ dàng cho người ta thấy người khác có tính tham lam nhưng ít khi họ chấp nhận chính mình có tính đó. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô cho biết “sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác”. (1 Ti-mô-thê 6:9, 10) Môn đồ Gia-cơ giải thích rằng việc cưu mang ham muốn xấu sẽ “sanh ra tội-ác”. (Gia-cơ 1:15) Theo lời khuyên của Chúa Giê-su, chúng ta “hãy thận trọng”, không nên xem xét người khác để kết luận họ có tham lam hay không. Ngược lại, chúng ta nên cẩn thận xem xét những ham muốn trong lòng mình hầu “đề phòng mọi thứ tham lam”.

Đời sống dư dật

11, 12. (a) Chúa Giê-su cảnh báo gì về tính tham lam? (b) Tại sao chúng ta cần nghe lời cảnh báo của Chúa Giê-su?

11 Còn có một lý do khác cho thấy tại sao chúng ta phải đề phòng tính tham lam. Hãy lưu ý đến điều Chúa Giê-su nói tiếp: “Sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu”. (Lu-ca 12:15) Điều này đáng cho chúng ta suy nghĩ trong thời đại chủ nghĩa vật chất này, khi người ta cho rằng giàu có đi đôi với hạnh phúc và thành công trên đường đời. Qua những lời này, Chúa Giê-su cho thấy một đời sống mãn nguyện và đầy ý nghĩa không tùy thuộc vào của cải, dù có dư dật đến đâu đi nữa.

12 Tuy nhiên, một số người không nghĩ như thế. Họ có thể lý luận rằng của cải giúp đời sống vui thích, tiện nghi và vì vậy tốt đẹp hơn. Do đó, họ dành hết thời gian theo đuổi những công việc giúp họ có khả năng mua tất cả những đồ đạc và vật dụng hiện đại mà họ ao ước. Họ nghĩ điều này sẽ đem lại một đời sống tốt đẹp. Tuy nhiên, khi nghĩ như vậy, họ không hiểu điều Chúa Giê-su muốn nói.

13. Quan điểm thăng bằng về đời sống và của cải là gì?

13 Thay vì tập trung vào việc phân tích có dư dật của cải là đúng hay sai, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng đời sống của con người “không phải cốt tại của-cải” mà người ấy có. Về phương diện này, tất cả chúng ta đều biết là để sống, hoặc để duy trì sự sống, chúng ta thật sự không cần gì nhiều. Chúng ta chỉ cần một ngày ăn ba bữa, mặc một bộ quần áo và một chỗ để ngả lưng. Người giàu thì có dư dật những điều này, còn người nghèo thì có lẽ phải vật lộn với đời sống để có những gì mình cần. Tuy nhiên, sự chênh lệch đó không còn nữa khi người giàu và người nghèo qua đời—cả hai đều không có gì cả. (Truyền-đạo 9:5, 6) Vì thế, đời sống có ý nghĩa và giá trị không chỉ tùy thuộc vào của cải vật chất mà người ta có. Chúng ta sẽ hiểu rõ ý tưởng này khi xem xét sự sống mà Chúa Giê-su đề cập đến.

14. Chúng ta có thể học được điều gì từ chữ “sự sống” ghi trong sách Phúc Âm của Lu-ca?

14 Chúa Giê-su nói: “Sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình”. Chữ “sự sống” (tiếng Hy Lạp là zo·eʹ) được dùng trong sách Phúc Âm của Lu-ca không nói đến cách sống hoặc lối sống, nhưng ám chỉ chính sự sống. * Chúa Giê-su nói rằng dù giàu hay nghèo, dù sống trong cảnh sung túc hoặc khốn khó, chúng ta cũng không thể làm cho mình sống lâu hơn hoặc không biết ngay cả ngày mai sẽ ra sao. Chúa Giê-su nói trong Bài Giảng trên Núi: “Có ai trong vòng các ngươi lo-lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không?” (Ma-thi-ơ 6:27) Kinh Thánh cho thấy rõ rằng chỉ có Đức Giê-hô-va là “nguồn sự sống”, và chỉ mình Ngài mới có thể ban cho những người trung thành “sự sống thật”, hay “sự sống đời đời” ở trên trời hoặc dưới đất.—Thi-thiên 36:9; 1 Ti-mô-thê 6:12, 19.

15. Tại sao nhiều người tin tưởng nơi của cải vật chất?

15 Lời của Chúa Giê-su cho thấy rõ là thật dễ dàng để có quan điểm méo mó về đời sống. Dù giàu hay nghèo, mọi người đều bất toàn và cùng có chung một kết cuộc. Môi-se nhận xét: “Tuổi-tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh-khỏe thì đến tám mươi; song sự kiêu-căng của nó bất quá là lao-khổ và buồn-thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi”. (Thi-thiên 90:10; Gióp 14:1, 2; 1 Phi-e-rơ 1:24) Vì lý do này, những người không vun trồng mối liên hệ tốt với Đức Chúa Trời thường có quan điểm mà sứ đồ Phao-lô nói đến; đó là: “Hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết”. (1 Cô-rinh-tô 15:32) Những người khác thì cảm thấy đời người trôi qua rất nhanh và bấp bênh, nên họ cố tìm kiếm sự an toàn và ổn định nơi của cải. Có lẽ họ cảm thấy rằng có nhiều của cải trước mắt sẽ làm cho đời sống được bảo đảm phần nào. Vì thế, họ luôn ra sức làm việc để tích lũy của cải và làm giàu. Họ lầm lẫn cho rằng những điều đó sẽ đem lại hạnh phúc và bình an cho họ.—Thi-thiên 49:6, 11, 12.

Một tương lai chắc chắn

16. Giá trị thật sự của đời sống không dựa vào điều gì?

16 Trên thực tế, người ta thường thấy một mức sống cao—có dư dật thức ăn, quần áo, nhà cửa và những tiện nghi khác—có thể làm cho cuộc sống thoải mái hơn hoặc ngay cả được chăm sóc chu đáo về y tế, và nhờ đó, một người có thể sống thêm vài năm nữa. Tuy nhiên, phải chăng đời sống đó thật sự chắc chắn và có ý nghĩa hơn? Giá trị thật sự của đời sống không thể tính bằng tuổi thọ hoặc tài sản mà một người có. Sứ đồ Phao-lô chỉ rõ mối nguy hiểm khi người ta quá tin tưởng vào những điều đó. Ông viết cho Ti-mô-thê: “Hãy răn-bảo kẻ giàu ở thế-gian nầy đừng kiêu-ngạo và đừng để lòng trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng hãy để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng”.—1 Ti-mô-thê 6:17.

17, 18. (a) Ai đã nêu gương mẫu xuất sắc trong việc giữ quan điểm đúng về của cải vật chất, đáng cho chúng ta noi theo? (b) Bài tiếp theo sẽ xem xét minh họa nào của Chúa Giê-su?

17 Trông cậy nơi của cải là điều thiếu khôn ngoan vì của cải là những thứ “không chắc-chắn”. Tộc trưởng Gióp là người rất giàu có, nhưng khi tai họa bất thình lình xảy đến, của cải không giúp được ông. Bao nhiêu của cải bỗng nhiên tan biến hết. Chính mối liên hệ mật thiết với Đức Chúa Trời đã giúp ông chịu đựng tất cả những thử thách và hoạn nạn. (Gióp 1:1, 3, 20-22) Áp-ra-ham đã không để của cải vật chất dư dật cản trở ông chấp nhận thi hành những việc khó khăn mà Đức Giê-hô-va phán dặn. Kết quả là ông được Ngài ban phước trở thành “tổ-phụ của nhiều dân-tộc”. (Sáng-thế Ký 12:1, 4; 17:4-6) Gương mẫu của những người này và những người khác đáng cho chúng ta noi theo. Dù trẻ tuổi hay lớn tuổi, chúng ta cần xem xét mình để biết điều gì thật sự quan trọng trong đời sống và chúng ta đang để lòng trông cậy nơi đâu.—Ê-phê-sô 5:10; Phi-líp 1:10.

18 Thật vậy, Chúa Giê-su chỉ nói vài lời về tính tham lam cũng như việc giữ quan điểm đúng về đời sống, nhưng những lời này rất có ý nghĩa và bổ ích. Tuy nhiên, Chúa Giê-su còn muốn dạy dỗ thêm nữa, và ngài tiếp tục kể một minh họa đáng chú ý về người đàn ông giàu có nhưng khờ dại. Minh họa này có liên quan gì đến đời sống của chúng ta ngày nay, và cho chúng ta bài học nào? Bài tiếp theo sẽ trả lời những câu hỏi này.

[Chú thích]

^ đ. 14 Biʹos, một chữ Hy Lạp khác, được dịch là “đời sống”. Theo một tự điển Kinh Thánh (Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words), chữ biʹos này nói đến “giai đoạn hoặc khoảng thời gian sống”, “cách sống” cũng như “phương tiện sinh sống”.

Bạn trả lời thế nào?

• Chúng ta có thể học được gì qua việc Chúa Giê-su từ chối can thiệp theo lời yêu cầu của một người trong đám đông?

• Tại sao chúng ta phải đề phòng tính tham lam, và chúng ta có thể làm thế bằng cách nào?

• Tại sao sự sống không tùy thuộc vào của cải vật chất?

• Điều gì có thể giúp đời sống thật sự tốt đẹp và bảo đảm?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Tại sao Chúa Giê-su từ chối can thiệp theo lời yêu cầu của một người trong đám đông?

[Hình nơi trang 23]

Tính tham lam có thể dẫn đến hậu quả tai hại

[Các hình nơi trang 25]

Áp-ra-ham có quan điểm đúng về của cải vật chất như thế nào?