Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Ê-xê-chi-ên—Phần II

Những điểm nổi bật trong sách Ê-xê-chi-ên—Phần II

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Ê-xê-chi-ên—Phần II

ĐÓ LÀ tháng 12, năm 609 TCN. Vua nước Ba-by-lôn đã bắt đầu thắt chặt vòng vây thành Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng. Đến lúc bấy giờ, thông điệp mà Ê-xê-chi-ên rao báo cho những người bị lưu đày ở Ba-by-lôn chỉ nhắm vào một đề tài: Thành Giê-ru-sa-lem yêu dấu của họ sẽ bị sụp đổ và hủy diệt. Tuy nhiên, giờ đây, đề tài tiên tri của Ê-xê-chi-ên chuyển sang sự diệt vong của những nước thờ thần ngoại giáo vì họ vui mừng trước tai họa mà dân Đức Chúa Trời gặp phải. Khi thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ 18 tháng sau đó, thông điệp của Ê-xê-chi-ên một lần nữa có một đề tài khác: Sự thờ phượng thật được phục hưng một cách huy hoàng.

Ê-xê-chi-ên 25:1–48:35 có những lời tiên tri về các nước chung quanh Y-sơ-ra-ên và việc dân Đức Chúa Trời được giải cứu. * Ngoại trừ Ê-xê-chi-ên 29:17-20, những lời tiên tri được viết theo trình tự thời gian cũng như theo đề tài. Tuy nhiên, bốn câu đó chỉ được viết theo đề tài. Là một phần của Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn, sách Ê-xê-chi-ên có một thông điệp “sống và linh-nghiệm”.—Hê-bơ-rơ 4:12.

‘ĐẤT NẦY SẼ TRỞ NÊN NHƯ VƯỜN Ê-ĐEN’

(Ê-xê-chi-ên 25:1–39:29)

Biết trước được phản ứng của dân Am-môn, Mô-áp, Ê-đôm, Phi-li-tin, Ty-rơ và Si-đôn trước sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-hô-va cho Ê-xê-chi-ên tiên tri về sự phán xét các dân này. Ê-díp-tô sẽ bị cướp phá. “Pha-ra-ôn, vua Ê-díp-tô, và cùng cả đoàn dân người” được ví như cây hương bách sẽ bị “gươm của vua Ba-by-lôn” chặt đổ.—Ê-xê-chi-ên 31:2, 3, 12; 32:11, 12.

Khoảng sáu tháng sau khi Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ vào năm 607 TCN, một người chạy thoát được đã đến báo tin cho Ê-xê-chi-ên: “Thành hãm [“thất thủ”, Bản Dịch Mới] rồi!” Nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên “không câm nữa” đối với những người bị lưu đày. (Ê-xê-chi-ên 33:21, 22) Ông sẽ loan báo những lời tiên tri về việc khôi phục. Đức Giê-hô-va “sẽ lập trên chúng nó chỉ một kẻ chăn. . . tức là Đa-vít, tôi-tớ [Ngài]”. (Ê-xê-chi-ên 34:23) Ê-đôm sẽ bị hoang vu nhưng ‘đất nầy’ là Giu-đa sẽ “như vườn Ê-đen”. (Ê-xê-chi-ên 36:35) Đức Giê-hô-va hứa che chở cho dân được trở về thoát khỏi sự tấn công của “Gót”.—Ê-xê-chi-ên 38:2.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

29:8-12—Khi nào xứ Ê-díp-tô bị hoang vu trong 40 năm? Sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 607 TCN, những người Giu-đa còn lại đã chạy sang Ê-díp-tô bất kể lời cảnh báo của nhà tiên tri Giê-rê-mi. (Giê-rê-mi 24:1, 8-10; 42:7-22) Chạy sang Ê-díp-tô không phải là lối thoát cho họ vì Nê-bu-cát-nết-sa tiến đánh Ê-díp-tô và chinh phục nước này. Bốn mươi năm Ê-díp-tô bị hoang vu có lẽ là sau cuộc chinh phục này. Dù lịch sử không nói đến sự hoang vu này, nhưng chúng ta có thể tin chắc điều đó đã xảy ra vì Đức Giê-hô-va là Đấng làm lời tiên tri được thành tựu.—Ê-sai 55:11.

29:18—“Mọi đầu đều đã trở nên trọc, mọi vai đều đã bị mòn” có nghĩa gì? Cuộc bao vây thành Ty-rơ ở lục địa căng thẳng, nhọc nhằn đến độ đầu những người lính của Nê-bu-cát-nết-sa bị trọc vì nón chà xát và vai của họ bị mòn vì khiêng vật liệu xây tháp và công sự.—Ê-xê-chi-ên 26:7-12.

Bài học cho chúng ta:

29:19, 20. Vì dân thành Ty-rơ trốn ra thành ở đảo và mang theo nhiều của cải, nên Vua Nê-bu-cát-nết-sa chỉ thu được rất ít chiến lợi phẩm. Dù Nê-bu-cát-nết-sa là một nhà cai trị kiêu ngạo, chỉ nghĩ đến mình, nhưng Đức Giê-hô-va ban cho ông nước Ê-díp-tô như là ‘tiền công của đạo-binh ông’ vì công việc ông làm. Chẳng lẽ chúng ta lại không noi theo gương Đức Chúa Trời bằng cách đóng thuế cho chính phủ vì họ cung cấp dịch vụ cho chúng ta hay sao? Chúng ta không lờ đi trách nhiệm này bất kể hạnh kiểm của nhân viên chính quyền hoặc cách họ dùng thuế thế nào đi nữa.—Rô-ma 13:4-7.

33:7-9. Lớp người canh giữ hiện nay—những người xức dầu còn sót lại—và các bạn đồng hành của họ không bao giờ nên ngừng rao giảng tin mừng về Nước Trời và cũng không ngừng cảnh báo người ta về ‘cơn hoạn-nạn lớn’ sắp đến.—Ma-thi-ơ 24:21.

33:10-20. Việc chúng ta được cứu tùy thuộc vào việc từ bỏ con đường xấu và làm theo những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi. Thật vậy, đường lối của Đức Giê-hô-va “bằng-phẳng”, hoặc “ngay thẳng” (Tòa Tổng Giám Mục).

36:20, 21. Vì không sống đúng với danh hiệu được nhiều người biết đến là “dân của Đức Giê-hô-va”, dân Y-sơ-ra-ên đã làm ô danh Đức Chúa Trời trong các dân tộc. Chúng ta không bao giờ chỉ là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va trên danh nghĩa mà thôi.

36:25, 37, 38. Địa đàng thiêng liêng mà chúng ta vui hưởng ngày nay đầy những người thuộc “bầy người thánh” (NW). Vì là những người trong nhóm này, chúng ta nên cố giữ mình thanh sạch.

38:1-23. Thật an tâm biết bao khi được biết Đức Giê-hô-va sẽ cứu dân Ngài thoát khỏi sự tấn công của Gót ở đất Ma-gốc! Gót là tên của ‘vua-chúa thế-gian nầy’, tức Sa-tan Ma-quỉ, sau khi hắn bị đuổi khỏi trời. Đất Ma-gốc ám chỉ vùng phụ cận của trái đất, nơi Sa-tan và các quỉ của hắn bị giam giữ.—Giăng 12:31; Khải-huyền 12:7-12.

‘HÃY ĐỂ LÒNG VÀO NHỮNG VIỆC MÀ TA SẼ TỎ RA CHO NGƯƠI’

(Ê-xê-chi-ên 40:1–48:35)

Đó là năm thứ 14 sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị đánh đổ. (Ê-xê-chi-ên 40:1) Trước mắt dân Y-sơ-ra-ên vẫn còn 56 năm lưu đày. (Giê-rê-mi 29:10) Giờ đây, Ê-xê-chi-ên đã gần 50 tuổi. Trong một sự hiện thấy, ông được đưa đến xứ Y-sơ-ra-ên. Ông được dặn bảo: “Hỡi con người, hãy lấy mắt xem, lấy tai nghe, và để lòng vào những việc mà ta sẽ tỏ ra cho ngươi”. (Ê-xê-chi-ên 40:2-4) Ê-xê-chi-ên cảm thấy vui mừng biết bao khi thấy đền thờ mới trong sự hiện thấy!

Đền thờ huy hoàng mà Ê-xê-chi-ên thấy có 6 cửa, 30 phòng ăn, nơi thánh, nơi rất thánh, một bàn thờ bằng gỗ và một bàn thờ để dâng của-lễ thiêu. Một dòng nước từ đền thờ “văng ra” và trở thành con sông có nước chảy xiết. (Ê-xê-chi-ên 47:1) Ê-xê-chi-ên cũng nhận được một sự hiện thấy về việc các phần đất được phân chia cho các chi phái—mỗi phần kéo dài từ đông sang tây, và một dải đất ở giữa phần của chi phái Giu-đa và Bên-gia-min được dùng làm nơi quản lý hành chính. “Nơi thánh của Đức Giê-hô-va” và “thành-phố” có tên là Giê-hô-va Shammah (nghĩa là “Đức Giê-hô-va ở đó”) cũng nằm trên dải đất này.—Ê-xê-chi-ên 48:9, 10, 15, 35, cước chú NW.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

40:3–47:12—Đền thờ trong sự hiện thấy tượng trưng cho gì? Đền thờ to lớn phi thường mà Ê-xê-chi-ên thấy thật ra chưa bao giờ được xây. Nó tượng trưng cho đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời—tức là sự sắp đặt cho sự thờ phượng thanh sạch ngày nay, giống như sự sắp đặt trong đền thờ ngày xưa. (Ê-xê-chi-ên 40:2; Mi-chê 4:1; Hê-bơ-rơ 8:2; 9:23, 24) Sự hiện thấy về đền thờ được ứng nghiệm trong “ngày sau-rốt” khi lớp thầy tế lễ được luyện lọc. (2 Ti-mô-thê 3:1; Ê-xê-chi-ên 44:10-16; Ma-la-chi 3:1-3) Tuy nhiên, sự hiện thấy đó sẽ được ứng nghiệm lần cuối cùng trong Địa Đàng. Thời xưa, sự hiện thấy về đền thờ cho những người Do Thái lưu đày một hy vọng là sự thờ phượng thật sẽ được phục hưng và mỗi gia đình Do Thái sẽ được thừa kế di sản trong xứ.

40:3–43:17—Việc đo đền thờ có ý nghĩa nào? Việc đo đền thờ là một dấu hiệu cho thấy ý định của Đức Giê-hô-va đối với sự thờ phượng thanh sạch chắc chắn sẽ được thành tựu.

43:2-4, 7, 9—“Những xác chết của các vua chúng nó” phải đem ra khỏi đền thờ là gì? Các xác chết hiển nhiên ám chỉ các thần tượng. Những người cai trị Giê-ru-sa-lem và dân chúng thờ thần tượng, làm ô uế đền thờ Đức Chúa Trời. Trên thực tế, họ biến thần tượng thành các vua của mình.

43:13-20—Bàn thờ mà Ê-xê-chi-ên thấy tượng trưng cho gì? Bàn thờ tượng trưng cho ý định của Đức Chúa Trời liên quan đến sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Nhờ sự hy sinh này, những người xức dầu được xưng là công bình và đám đông “vô-số người” được vị thế thanh sạch trước mắt Đức Chúa Trời. (Khải-huyền 7:9-14; Rô-ma 5:1, 2) Có lẽ vì thế mà trong sự hiện thấy, không có “biển đúc” của đền thờ Sa-lô-môn—tức một cái bồn chứa nước khổng lồ để các thầy tế lễ tắm rửa.—1 Các Vua 7:23-26.

44:10-16—Lớp thầy tế lễ tượng trưng cho ai? Lớp thầy tế lễ tượng trưng cho lớp người được xức dầu của Đấng Christ ngày nay. Họ được “luyện” vào năm 1918, khi Đức Giê-hô-va “ngồi như kẻ luyện bạc và làm cho sạch” trong đền thờ thiêng liêng của Ngài. (Ma-la-chi 3:1-5) Những người được luyện sạch, tức những người ăn năn, có thể tiếp tục được đặc ân phụng sự. Sau đó, họ phải gắng sức để “giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian”. Vì thế, họ làm gương cho đám đông “vô-số người”, là những người được tượng trưng bởi những chi phái không thuộc lớp thầy tế lễ.—Gia-cơ 1:27; Khải-huyền 7:9, 10.

45:1; 47:13–48:29—“Đất” và phần đất được chia làm sản nghiệp tượng trưng cho điều gì? Đất tượng trưng cho lĩnh vực hoạt động của dân sự Đức Chúa Trời. Dù ở đâu đi nữa, những người thờ phượng Đức Giê-hô-va vẫn ở trong đất được khôi phục miễn là họ ủng hộ sự thờ phượng chân chính. Việc phân chia đất sẽ ứng nghiệm lần cuối cùng trong thế giới mới khi mỗi người trung thành được hưởng một phần đất làm sản nghiệp.—Ê-sai 65:17, 21.

45:4, 7, 16—Việc dân chúng đóng góp cho vua và các thầy tế lễ tượng trưng cho điều gì? Trong đền thờ thiêng liêng, việc đóng góp đó chủ yếu nói đến sự ủng hộ về thiêng liêng, tức sự giúp đỡ cũng như bày tỏ tinh thần hợp tác.

47:1-5—Trong sự hiện thấy, nước của con sông tượng trưng cho điều gì? Nước tượng trưng cho những món quà thiêng liêng mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta nhằm đem lại sự sống, trong đó có sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su và sự hiểu biết về Đức Chúa Trời ghi trong Kinh Thánh. (Giê-rê-mi 2:13; Giăng 4:7-26; Ê-phê-sô 5:25-27) Con sông càng sâu thêm vì giống như nước đổ vào sông, càng ngày càng có nhiều người mới chấp nhận sự thờ phượng chân chính. (Ê-sai 60:22) Nước sự sống của sông sẽ có hiệu lực chữa lành tốt nhất trong Một Ngàn Năm, và nước sông sẽ bao gồm nhiều sự hiểu biết hơn nhờ “các sách” được mở vào lúc đó.—Khải-huyền 20:12; 22:1, 2.

47:12—Những cây sai quả tượng trưng cho điều gì? Những cây ấy tượng trưng cho những sự ban cho của Đức Chúa Trời để khôi phục nhân loại trở lại tình trạng hoàn toàn.

48:15-19, 30-35, cước chú NW—Thành phố trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên tượng trưng cho điều gì? Thành phố Giê-hô-va Shammah (nghĩa là “Đức Giê-hô-va ở đó”) tọa lạc trên một “nơi tục”, ngụ ý nơi này tượng trưng cho điều gì đó thuộc về đất. Thành này dường như tượng trưng cho sự quản trị trên đất. Sự quản trị này đem lại lợi ích cho những người hợp thành “đất mới” công bình. (2 Phi-e-rơ 3:13) Có nhiều cửa ở mỗi phía cho thấy đây là nơi dễ ra vào. Những giám thị trong vòng dân sự của Đức Chúa Trời phải là những người dễ đến gần.

Bài học cho chúng ta:

40:14, 16, 22, 26. Những hình cây kè chạm trổ trên tường ở các lối ra vào của đền thờ cho thấy chỉ có những người ngay thẳng và đạo đức mới được phép vào. (Thi-thiên 92:12) Điều này dạy chúng ta biết rằng sự thờ phượng của chúng ta được Đức Giê-hô-va chấp nhận chỉ khi nào chúng ta ngay thẳng.

44:23. Chúng ta thật biết ơn lớp thầy tế lễ thời nay biết bao vì đã làm nhiều công việc cho chúng ta! Lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” dẫn đầu trong việc cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng lúc hầu giúp chúng ta nhận biết được sự khác biệt giữa điều thanh sạch và điều ô uế dưới mắt Đức Giê-hô-va.—Ma-thi-ơ 24:45.

47:9, 11. Sự hiểu biết—một đặc điểm tối quan trọng của nước tượng trưng—đã đem lại một liều thuốc tuyệt vời trong thời chúng ta. Dù ở bất cứ nơi nào, khi có sự hiểu biết này, người ta nhận được sự sống về phương diện thiêng liêng. (Giăng 17:3) Ngược lại, những ai không chấp nhận uống nước sự sống sẽ bị “bỏ làm đất muối”, nghĩa là bị hủy diệt vĩnh viễn. Việc chúng ta ‘chuyên tâm lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật’ là điều quan trọng biết bao!—2 Ti-mô-thê 2:15.

“Ta sẽ làm nên thánh danh lớn của ta”

Sau khi phế truất vua cuối cùng của dòng Vua Đa-vít, Đức Chúa Trời để cho một thời gian dài trôi qua trước khi lập “Đấng đáng được” lên làm vua. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã không bỏ giao ước với Vua Đa-vít. (Ê-xê-chi-ên 21:32; 2 Sa-mu-ên 7:11-16) Lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên nói đến “tôi-tớ ta là Đa-vít”, là người sẽ trở thành “một kẻ chăn” và “vua”. (Ê-xê-chi-ên 34:23, 24; 37:22, 24, 25) Đây không ai khác hơn là Chúa Giê-su Christ trong vương quyền Nước Trời. (Khải-huyền 11:15) Đức Giê-hô-va sẽ dùng Nước của Đấng Mê-si để “làm nên thánh danh lớn của [Ngài]”.—Ê-xê-chi-ên 36:23.

Không lâu nữa, tất cả những ai làm ô danh thánh của Đức Chúa Trời sẽ bị diệt. Tuy nhiên, những ai làm thánh danh Đức Giê-hô-va trong đời sống qua việc thờ phượng Ngài theo cách Ngài chấp nhận sẽ được sống đời đời. Vì thế, chúng ta hãy tận dụng nước sự sống đang tuôn trào trong thời chúng ta và hãy để sự thờ phượng chân chính trở thành trọng tâm của đời sống.

[Chú thích]

^ đ. 2 Muốn biết thêm về Ê-xê-chi-ên 1:1–24:27, xin xem “Những điểm nổi bật trong sách Ê-xê-chi-ên—Phần I” trong tạp chí Tháp Canh số ra ngày 1-7-2007.

[Hình nơi trang 9]

Đền thờ huy hoàng trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên

[Hình nơi trang 10]

Sông nước sự sống trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên tượng trưng cho điều gì?

[Nguồn tư liệu]

Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.