Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhu cầu tâm linh làm sao thỏa mãn được?

Nhu cầu tâm linh làm sao thỏa mãn được?

Nhu cầu tâm linh làm sao thỏa mãn được?

SỨ ĐỒ Phao-lô viết: “Chăm về xác-thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh-Linh [“thiêng liêng”, NW] sanh ra sự sống và bình-an”. (Rô-ma 8:6) Qua những lời này, sứ đồ Phao-lô cho thấy rằng việc thiên về thiêng liêng hay tâm linh không chỉ là vấn đề sở thích hay cảm xúc của một người. Thật ra, đây là vấn đề liên quan đến sự sống. Thế thì một người thiên về tâm linh sẽ nhận được “sự sống và bình-an” theo nghĩa nào? Theo Kinh Thánh, một người như thế ngay bây giờ có bình an cả trong thâm tâm lẫn với Đức Chúa Trời. Đồng thời, người đó sẽ nhận được phần thưởng là sự sống đời đời trong tương lai. (Rô-ma 6:23; Phi-líp 4:7) Không lạ gì khi Chúa Giê-su nói: “Phước cho những người ý thức về nhu cầu thiêng liêng”!—Ma-thi-ơ 5:3, NW.

Việc bạn đang đọc tạp chí này cho thấy rằng bạn chú ý đến nhu cầu tâm linh. Đó là điều khôn ngoan. Tuy nhiên, vì có nhiều quan niệm khác nhau về vấn đề này, nên bạn có lẽ tự hỏi: ‘Làm sao thỏa mãn nhu cầu tâm linh?’

“Tâm-tình như Đấng Christ”

Ngoài việc cho thấy tầm quan trọng và lợi ích khi một người thiên về tâm linh, sứ đồ Phao-lô còn nói nhiều điều về vấn đề này. Khi nói với những tín đồ Đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô xưa, Phao-lô giải thích sự khác biệt giữa người có tính xác thịt, tức là người theo đuổi những điều thuộc về thể xác và vật chất, với người có tính thiêng liêng, tức là người quý trọng những điều thuộc về tâm linh. Phao-lô viết: “Người có tánh xác-thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh-Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ-dại”. Trái lại, Phao-lô cho biết người có tính thiêng liêng là người có “ý của Đấng Christ”.—1 Cô-rinh-tô 2:14-16.

Có “ý của Đấng Christ” nghĩa là “đồng một tâm-tình như Đấng Christ đã có”. (Phi-líp 2:5) Nói cách khác, người có tính thiêng liêng là người có lối suy nghĩ như Chúa Giê-su Christ và bước đi theo dấu chân ngài. (1 Phi-e-rơ 2:21; 4:1) Khi càng có tâm tình giống Đấng Christ, một người càng có thiêng liêng tính mạnh mẽ hơn và càng dễ dàng đạt được “sự sống và bình-an”.—Rô-ma 13:14.

Cách để biết ‘tâm-tình Đấng Christ’

Để tâm tình của Đấng Christ, trước hết một người phải biết cách suy nghĩ của ngài. Vì vậy, bước đầu tiên để trở thành người có thiêng liêng tính là phải biết lối suy nghĩ của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, làm thế nào bạn có thể biết được suy nghĩ của một người đã từng sống cách đây 2.000 năm? Hãy nghĩ xem bạn đã biết về những nhân vật lịch sử của nước bạn như thế nào? Rất có thể là qua việc đọc sách báo về người đó. Tương tự thế, việc đọc lời tường thuật về đời sống Chúa Giê-su là cách quan trọng để biết lối suy nghĩ của ngài.—Giăng 17:3.

Có bốn lời tường thuật sống động về lịch sử của Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm do Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng ghi lại. Cẩn thận đọc những lời tường thuật này sẽ giúp bạn hiểu được lối suy nghĩ của Chúa Giê-su, cảm xúc sâu kín trong lòng ngài và động lực thúc đẩy ngài hành động. Khi dành thời gian để suy ngẫm những gì đọc được về Chúa Giê-su, bạn sẽ hình dung ngài là người như thế nào. Ngay cả khi bạn đã xem mình là một môn đồ của Đấng Christ, việc đọc và suy ngẫm như thế sẽ giúp bạn “tấn-tới trong ân-điển và trong sự thông-biết Chúa và Cứu-Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus-Christ”.—2 Phi-e-rơ 3:18.

Với sự hiểu biết này, chúng ta hãy xem một vài đoạn trong các sách Phúc Âm để biết điều gì giúp Chúa Giê-su trở thành một người có thiêng liêng tính như thế. Sau đó, hãy nghĩ xem làm thế nào bạn có thể noi theo gương ngài.—Giăng 13:15.

Thiêng liêng tính và “trái của Thánh-Linh”

Lu-ca, một người viết Phúc Âm, cho biết Đức Chúa Trời đổ thánh linh trên Chúa Giê-su khi ngài làm báp têm và ngài được ‘đầy-dẫy Thánh-Linh’. (Lu-ca 3:21, 22; 4:1) Sau đó, Chúa Giê-su nhấn mạnh với các môn đồ ngài về tầm quan trọng của việc để thánh linh, tức “thần” hay sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời, hướng dẫn họ. (Sáng-thế Ký 1:2; Lu-ca 11:9-13) Tại sao điều này rất quan trọng? Vì thánh linh của Đức Chúa Trời có quyền lực thay đổi lối suy nghĩ của một người để phù hợp với ý của Đấng Christ. (Rô-ma 12:1, 2) Thánh linh giúp một người thể hiện những đức tính như “lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”. Kinh Thánh gọi những đức tính này là “trái của Thánh-Linh” và là dấu hiệu nhận diện một người thật sự có thiêng liêng tính. (Ga-la-ti 5:22) Tóm lại, một người thiên về điều thiêng liêng là người được thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn.

Chúa Giê-su đã thể hiện trái của thánh linh trong suốt những năm làm thánh chức. Những đức tính như yêu thương, nhân từ và hiền lành được thấy rõ trong cách ngài đối xử với những người thấp kém trong xã hội. (Ma-thi-ơ 9:36) Chẳng hạn, hãy lưu ý đến một câu chuyện mà sứ đồ Giăng đã ghi lại. Ông viết: “Đức Chúa Jêsus vừa đi qua, thấy một người mù từ thuở sanh ra”. Môn đồ của Chúa Giê-su cũng thấy người mù ấy nhưng họ xem ông là một người có tội. Họ hỏi: “Ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người?” Hàng xóm của người mù cũng thấy ông nhưng họ xem ông là người ăn mày. Họ nói: “Nầy có phải là người vẫn ngồi ăn-xin đó chăng?” Tuy nhiên, Chúa Giê-su xem người mù đó là người cần được giúp đỡ. Ngài nói chuyện với ông và chữa lành cho ông.—Giăng 9:1-8.

Câu chuyện này cho bạn biết gì về ý của Đấng Christ? Thứ nhất, Chúa Giê-su không lờ đi những người thấp kém nhưng ngược lại, ngài có lòng trắc ẩn và đối xử với họ một cách dịu dàng. Thứ nhì, ngài chủ động giúp đỡ người khác. Bạn có nghĩ là mình đang noi theo gương Chúa Giê-su không? Bạn có nhìn người khác theo quan điểm của ngài không? Bạn có giúp họ biết cách cải thiện đời sống và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn không? Hay là bạn có khuynh hướng đối xử tốt với những người quan trọng và có địa vị nhưng lại lờ đi những người thấp kém? Nếu bạn nhìn người khác theo quan điểm của Chúa Giê-su, bạn đang thật sự noi gương ngài.—Thi-thiên 72:12-14.

Thiêng liêng tính và lời cầu nguyện

Những lời tường thuật trong các sách Phúc Âm cho thấy rằng Chúa Giê-su thường cầu nguyện với Đức Chúa Trời. (Mác 1:35; Lu-ca 5:16; 22:41) Trong suốt thời gian làm thánh chức trên đất, Chúa Giê-su luôn quyết tâm dành thời gian để cầu nguyện. Môn đồ Ma-thi-ơ viết: ‘Sau khi truyền cho dân-chúng tan đi, Ngài lên núi để cầu-nguyện riêng’. (Ma-thi-ơ 14:22, 23) Nhờ những lúc cầu nguyện với Cha ngài như thế, Chúa Giê-su được thêm sức mạnh. (Ma-thi-ơ 26:36-44) Ngày nay, những người thiên về điều thiêng liêng cũng tìm cơ hội để cầu nguyện với Đức Chúa Trời, biết rằng điều này sẽ làm vững mạnh mối quan hệ của họ với Đấng Tạo Hóa và giúp họ càng có lối suy nghĩ như Đấng Christ.

Chúa Giê-su thường cầu nguyện rất lâu. (Giăng 17:1-26) Chẳng hạn, trước khi chọn 12 sứ đồ, Chúa Giê-su “đi lên núi để cầu-nguyện; và thức thâu đêm cầu-nguyện Đức Chúa Trời”. (Lu-ca 6:12) Mặc dù không nhất thiết cầu nguyện cả đêm, nhưng những người có thiêng liêng tính cố gắng noi gương Chúa Giê-su. Khi đứng trước những điều quan trọng trong đời sống, họ dành nhiều thì giờ để cầu nguyện với Đức Chúa Trời, xin Ngài ban thánh linh hướng dẫn họ để đi đến quyết định hầu làm vững mạnh thiêng liêng tính của họ.

Ngoài ra, Chúa Giê-su còn biểu lộ cảm xúc từ đáy lòng trong lời cầu nguyện. Chúng ta cũng nên noi gương ngài về phương diện này. Hãy chú ý đến những gì Lu-ca viết về lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong đêm trước khi ngài bị hành hình. “Trong cơn rất đau-thương, Ngài cầu-nguyện càng thiết, mồ-hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất”. (Lu-ca 22:44) Trước đây Chúa Giê-su đã tha thiết cầu nguyện, và trong trường hợp này, khi đối mặt với thử thách to lớn nhất của đời sống làm người, ngài cầu nguyện “càng thiết”—và Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện đó. (Hê-bơ-rơ 5:7) Những người thiên về điều thiêng liêng noi theo gương Chúa Giê-su. Khi đối mặt với thử thách nghiêm trọng, họ cầu nguyện “càng thiết”, xin Đức Chúa Trời ban thánh linh cũng như hướng dẫn và nâng đỡ họ.

Rõ ràng, Chúa Giê-su là đấng hay cầu nguyện, nên không lạ gì khi các môn đồ muốn noi theo ngài về phương diện này. Vì vậy, họ nói với ngài: “Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu-nguyện”. (Lu-ca 11:1) Tương tự thế, ngày nay những ai quý trọng điều thiêng liêng và muốn để thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn đều noi theo gương Chúa Giê-su trong cách cầu nguyện. Thiêng liêng tính và việc cầu nguyện luôn đi đôi với nhau.

Thiêng liêng tính và công việc rao giảng tin mừng

Sách Phúc Âm Mác có lời tường thuật về việc Chúa Giê-su chữa lành nhiều người bệnh, và ngài làm thế cho đến khuya. Sáng sớm hôm sau, khi ngài đang cầu nguyện một mình, các sứ đồ đến và cho ngài biết nhiều người đang tìm kiếm ngài, có lẽ vì muốn được chữa bệnh. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói với họ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, trong những làng xung-quanh đây, để ta cũng giảng đạo ở đó nữa”. Rồi Chúa Giê-su giải thích lý do ngài nói vậy: “Vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến”. (Mác 1:32-38; Lu-ca 4:43) Mặc dù việc chữa bệnh cũng quan trọng với Chúa Giê-su, nhưng công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời là sứ mệnh chính yếu của ngài.—Mác 1:14, 15.

Ngày nay, rao giảng về Nước Trời vẫn còn là dấu hiệu nhận diện những người có ý của Đấng Christ. Chúa Giê-su đưa ra một mệnh lệnh cho tất cả những ai muốn trở thành môn đồ ngài: “Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân. . . và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Ngoài ra, Chúa Giê-su báo trước: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:14) Vì Kinh Thánh cho biết công việc rao giảng sẽ được hoàn tất bởi quyền lực của thánh linh, nên dấu hiệu nhận biết một người thật sự có thiêng liêng tính là qua việc người ấy sốt sắng tham gia vào công việc này.—Công-vụ 1:8.

Công việc rao giảng về Nước Trời trên khắp thế giới đòi hỏi sự hợp nhất và nỗ lực của cả hàng triệu người. (Giăng 17:20, 21) Những người tham gia vào công việc này không chỉ cần có thiêng liêng tính mà còn phải được tổ chức một cách trật tự trên toàn cầu. Bạn có thể nhận ra ai là những người đang noi theo bước chân của Đấng Christ và rao giảng tin mừng Nước Trời trên khắp thế giới không?

Riêng bạn thì sao?

Hiển nhiên, cũng có nhiều đặc điểm khác để nhận diện một người có thiêng liêng tính, còn về những điểm đã đề cập ở trên, bạn đã làm đến mức độ nào? Để trả lời, hãy tự hỏi: ‘Tôi có đều đặn đọc Kinh Thánh và suy ngẫm những gì mình đọc không? Tôi có biểu lộ bông trái của thánh linh trong đời sống không? Tôi có thường xuyên cầu nguyện không? Tôi có muốn kết hợp với những người đang thực hiện công việc rao giảng tin mừng Nước Trời trên khắp thế giới không?’

Thành thật xem xét chính mình có thể giúp xác định mức độ thiêng liêng tính của bạn. Chúng tôi khuyến khích bạn ngay từ bây giờ hãy làm những bước cần thiết để có thể nhận được phần thưởng là “sự sống và bình-an”.—Rô-ma 8:6; Ma-thi-ơ 7:13, 14; 2 Phi-e-rơ 1:5-11.

[Khung/​Các hình nơi trang 7]

DẤU HIỆU CỦA NGƯỜI CÓ THIÊNG LIÊNG TÍNH

◆ Yêu mến Kinh Thánh

◆ Thể hiện trái của thánh linh

◆ Đều đặn và chân thành cầu nguyện với Đức Chúa Trời

◆ Chia sẻ tin mừng về Nước Trời với người khác

[Hình nơi trang 5]

Kinh Thánh giúp bạn biết được ‘tâm-tình của Đấng Christ’