Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đạo Đấng Christ đến Tiểu Á

Đạo Đấng Christ đến Tiểu Á

Đạo Đấng Christ đến Tiểu Á

TRONG thế kỷ thứ nhất CN, nhiều hội thánh tín đồ Đấng Christ hình thành và phát triển mạnh ở Tiểu Á (ngày nay phần lớn thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Có rất nhiều người Do Thái và những người thuộc các dân tộc khác hưởng ứng thông điệp đạo Đấng Christ. Một từ điển Kinh Thánh cho biết: “Sau vùng Sy-ri và Pha-lê-tin, Tiểu Á chính là nơi đạo Đấng Christ xuất hiện sớm nhất và phát triển mạnh mẽ nhất”.

Để có cái nhìn trọn vẹn về sự phát triển của đạo Đấng Christ ở khu vực này, chúng ta cần thu thập thêm thông tin. Hãy cùng nhau xem chúng ta học được gì từ những thông tin này.

Các tín đồ Đấng Christ đầu tiên ở Tiểu Á

Sự kiện quan trọng đầu tiên đánh dấu sự phát triển đạo Đấng Christ ở Tiểu Á đã diễn ra vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Lúc đó, nhiều khách hành hương tập trung về Giê-ru-sa-lem, trong đó có những người Do Thái ở hải ngoại (sống ngoài vùng Pha-lê-tin) và những người cải đạo Do Thái. Các sứ đồ của Chúa Giê-su đã giảng tin mừng cho những người nói nhiều thứ tiếng này. Lời tường thuật của Kinh Thánh cho biết một số người đến từ tỉnh Cáp-ba-đốc, Bông, A-si, Phi-ri-gi và Bam-phi-ly—những vùng hợp thành phần lớn Tiểu Á. Khoảng 3.000 người chấp nhận thông điệp đạo Đấng Christ và làm báp têm. Do đó, họ trở về nhà với niềm tin mới.—Công-vụ 2:5-11, 41.

Chúng ta có thêm thông tin khi đọc lời tường thuật trong Kinh Thánh về những cuộc hành trình truyền giáo của sứ đồ Phao-lô ở Tiểu Á. Trong chuyến rao giảng đầu tiên vào khoảng năm 47/48 CN, Phao-lô cùng với các bạn đồng hành đi thuyền từ đảo Chíp-rơ đến Tiểu Á. Họ cập bến tại thành Bẹt-giê, thuộc Bam-phi-ly. Tại thành An-ti-ốt trong đất liền, thuộc Bi-si-đi, công việc rao giảng của họ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Điều này khiến cho những người Do Thái ở đó ghen tức và chống đối. Khi Phao-lô và các bạn ông đi về hướng đông nam đến Y-cô-ni, những người Do Thái ở thành này cũng âm mưu hại họ. Tại thành Lít-trơ gần đó, lúc đầu những người dân háo hức tôn Phao-lô lên như một vị thần, nhưng sau khi nghe những người Do Thái từ An-ti-ốt và Y-cô-ni xúi giục, họ lại ném đá và bỏ mặc ông nằm đó cho đến chết! Sau sự việc này, Phao-lô và Ba-na-ba đi tiếp đến thành Đẹt-bơ thuộc tỉnh Ga-la-ti của La Mã, là vùng nói tiếng Ly-cao-ni. Nơi đây, họ thành lập các hội thánh và bổ nhiệm các trưởng lão. Vì thế, chúng ta có thể thấy khoảng 15 năm sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, đạo Đấng Christ đã có nền tảng vững vàng ở Tiểu Á.—Công-vụ 13:13–14:26.

Trong cuộc hành trình truyền giáo thứ nhì vào khoảng năm 49 đến 52 CN, trước hết Phao-lô và các bạn đồng hành đi đường bộ đến Lít-trơ, có lẽ đi ngang qua quê nhà của Phao-lô là Tạt-sơ, thuộc Si-li-si. Sau khi thăm lại các anh em ở Lít-trơ, Phao-lô đi về hướng bắc và định “truyền đạo” tại tỉnh Bi-thi-ni và A-si nhưng thánh linh đã cản ông. Những vùng đó sẽ được giảng sau này. Vì thế, Đức Chúa Trời hướng dẫn Phao-lô đi qua những vùng phía tây bắc Tiểu Á để đến thành Trô-ách nằm ở ven biển. Sau đó, Phao-lô nhận được một sự hiện thấy hướng dẫn ông sang châu Âu để rao giảng tin mừng.—Công-vụ 16:1-12; 22:3.

Trong cuộc hành trình truyền giáo thứ ba khoảng năm 52 đến 56 CN, Phao-lô lại một lần nữa đi qua Tiểu Á. Ông đến Ê-phê-sô, một thành phố cảng quan trọng của A-si. Ông đã ghé qua đây trước khi trở về trong chuyến rao giảng lần thứ nhì. Có một nhóm tín đồ Đấng Christ sốt sắng rao giảng ở thành phố này. Phao-lô cùng các bạn đồng hành ở lại hoạt động với họ trong khoảng ba năm. Trong thời gian này có một số khó khăn và nguy hiểm, trong đó phải kể đến việc các thợ bạc ở thành Ê-phê-sô đã khích động dân chúng gây rối vì họ không muốn mất đi nguồn lợi lớn từ hoạt động thương mại liên quan đến hình tượng.—Công-vụ 18:19-26; 19:1, 8-41; 20:31.

Hẳn việc truyền giáo tập trung chủ yếu ở Ê-phê-sô đã mang lại nhiều kết quả không những ở thành này mà còn ở cả những vùng khác nữa. Công-vụ 19:10 nói: “Mọi người ở trong cõi A-si, hoặc người Giu-đa hay là người Gờ-réc, đều nghe đạo Chúa”.

Sự phát triển ở Tiểu Á

Gần cuối thời gian ở lại Ê-phê-sô, Phao-lô viết cho anh em ở Cô-rinh-tô: “Các Hội-thánh ở xứ A-si chào-thăm anh em”. (1 Cô-rinh-tô 16:19) Ông nói đến các hội thánh nào? Có lẽ trong số đó có các hội thánh ở Cô-lô-se, Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-bô-li. (Cô-lô-se 4:12-16) Sách mang tựa đề Paul—His Story (Câu chuyện của Phao-lô) cho biết: “Điều có vẻ hợp lý là công việc rao giảng của các giáo sĩ tại Ê-phê-sô đã giúp hình thành những cộng đồng tôn giáo ở Si-miệc-nơ, Sạt-đe và Phi-la-đen-phi. . . Tất cả những nơi này đều nằm trong phạm vi cách Ê-phê-sô 192 kilômét và được nối với nhau bằng hệ thống đường xá rất tốt”.

Vì thế, khoảng 20 năm sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, một số hội thánh đã được thành lập ở miền tây và miền nam của Tiểu Á. Còn những nơi khác thì sao?

Các lá thư của sứ đồ Phi-e-rơ

Vài năm sau, khoảng năm 62 đến 64 CN, sứ đồ Phi-e-rơ được soi dẫn để viết lá thư đầu tiên. Ông gửi thư này cho các tín đồ Đấng Christ ở Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si và Bi-thi-ni. Nội dung của lá thư cho thấy rất có thể đã có các hội thánh trong những tỉnh này vì ông khuyên các trưởng lão “hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời”. Các hội thánh này được thành lập từ khi nào?—1 Phi-e-rơ 1:1; 5:1-3.

Sứ đồ Phao-lô từng mang tin mừng đến một số trong những tỉnh nói trên, chẳng hạn như A-si và Ga-la-ti. Tuy nhiên, ông chưa rao giảng ở Cáp-ba-đốc hoặc Bi-thi-ni. Kinh Thánh không cho chúng ta biết đạo Đấng Christ lan rộng đến những khu vực này như thế nào, nhưng có lẽ những người Do Thái hoặc những người cải đạo Do Thái có mặt tại Giê-ru-sa-lem vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN đã tin đạo và mang theo niềm tin mới khi trở về xứ sở. Dù sao đi nữa, khi Phi-e-rơ viết các lá thư của ông khoảng 30 năm sau Lễ Ngũ Tuần, hẳn có nhiều hội thánh đã được hình thành. Theo lời một học giả, các hội thánh “mọc lên khắp vùng Tiểu Á”.

Bảy hội thánh trong sách Khải-huyền

Cuộc nổi dậy của người Do Thái chống La Mã dẫn đến việc thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ vào năm 70 CN. Có lẽ một số tín đồ Đấng Christ ở Giu-đê đã di tản đến Tiểu Á. *

Khoảng cuối thế kỷ thứ nhất CN, qua sứ đồ Giăng, Chúa Giê-su gửi thư cho bảy hội thánh ở Tiểu Á gồm Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi-a và Lao-đi-xê. Những thư này cho thấy các tín đồ Đấng Christ ở Tiểu Á đang gặp nhiều nguy hiểm, chẳng hạn như việc tà dâm, tinh thần bè phái và sự bội đạo.—Khải-huyền 1:9, 11; 2:14, 15, 20.

Khiêm nhường phụng sự hết lòng

Những gì chúng ta đọc trong sách Công-vụ các Sứ-đồ chỉ là một phần của lịch sử phát triển của đạo Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Sách Công-vụ tường thuật công việc rao giảng của các sứ đồ được nhiều người biết đến như Phi-e-rơ và Phao-lô. Tuy nhiên, có nhiều người không được nhắc tên nhưng cũng tham gia rao giảng ở những nơi khác. Các bước phát triển ở Tiểu Á cho thấy những tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã xem trọng sứ mạng mà Chúa Giê-su giao phó: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân”.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.

Ngày nay cũng thế, chỉ có một số tương đối ít gương trung thành của anh chị Nhân Chứng được mọi anh em trên thế giới biết đến. Còn đa số những người rao giảng tin mừng ngày nay cũng ít được biết đến, giống như hầu hết những người truyền giáo vào thế kỷ thứ nhất ở Tiểu Á. Tuy nhiên, tất cả đều có một đời sống ý nghĩa và bận rộn với công việc hữu ích. Họ thật sự mãn nguyện vì biết rằng họ đang vâng lời Đức Chúa Trời, dùng đời sống mình để làm công việc cứu mạng người khác.—1 Ti-mô-thê 2:3-6.

[Chú thích]

^ đ. 17 Sử gia Eusebius (260-340 CN) cho biết rằng khoảng trước năm 66 CN, “các sứ đồ. . . luôn luôn bị đe dọa về tánh mạng, nên đã phải rời khỏi xứ Giu-đê. Nhưng để dạy tin mừng thì họ đi khắp nơi. Họ làm được thế là nhờ quyền năng của Đấng Christ”.

[Khung nơi trang 11]

ĐẠO ĐẤNG CHRIST THỜI BAN ĐẦU Ở BI-THI-NI VÀ BÔNG

Bi-thi-ni và Bông hợp thành một tỉnh nằm ở ven bờ Biển Đen của Tiểu Á. Chúng ta biết nhiều về cuộc sống người dân nơi này là nhờ thư từ của Pliny the Younger, một quan chức của tỉnh đó, gửi cho Hoàng đế Trajan của La Mã.

Khoảng 50 năm sau khi những hội thánh trong khu vực này nhận được các lá thư của Phi-e-rơ, Pliny xin hoàng đế cho biết ông nên làm gì với các tín đồ Đấng Christ. Ông viết: “Tôi chưa bao giờ dự một vụ xử kiện nào của tín đồ Đấng Christ, nên tôi không rõ hình phạt ở mức độ nào thường áp dụng cho họ. . . Rất nhiều người thuộc mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội, cả nam lẫn nữ, bị đưa ra tòa. Tình trạng đó rất có thể sẽ tiếp diễn. Giáo phái quái lạ này xâm nhập không những vào các thành mà còn vào các làng và vùng thôn quê nữa”.

[Biểu đồ/​Bản đồ nơi trang 9]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

HÀNH TRÌNH CỦA PHAO-LÔ

Hành trình truyền giáo thứ nhất

CHÍP-RƠ

BAM-PHI-LY

Bẹt-giê

An-ti-ốt (thuộc Bi-si-đi)

Y-cô-ni

Lít-trơ

Đẹt-bơ

Hành trình truyền giáo thứ nhì

SI-LI-SI

Tạt-sơ

Đẹt-bơ

Lít-trơ

Y-cô-ni

An-ti-ốt (thuộc Bi-si-đi)

PHI-RI-GI

GA-LA-TI

Trô-ách

Hành trình truyền giáo thứ ba

SI-LI-SI

Tạt-sơ

Đẹt-bơ

Lít-trơ

Y-cô-ni

An-ti-ốt (thuộc Bi-si-đi)

Ê-phê-sô

A-SI

Trô-ách

[Bảy hội thánh]

Bẹt-găm

Thi-a-ti-rơ

Sạt-đe

Si-miệc-nơ

Ê-phê-sô

Phi-la-đen-phi

Lao-đi-xê

[Chỗ khách]

Hi-ê-ra-bô-li

Cô-lô-se

LY-SI

BI-THI-NI

BÔNG

CÁP-BA-ĐỐC

[Hình nơi trang 9]

An-ti-ốt

[Hình nơi trang 9]

Trô-ách

[Nguồn tư liệu]

© 2003 BiblePlaces.com

[Hình nơi trang 10]

Nhà hát ở Ê-phê-sô.—Công-vụ 19:29

[Hình nơi trang 10]

Tàn tích của bàn thờ khổng lồ thờ thần Zeus ở Bẹt- găm. Các tín đồ Đấng Christ tại thành này sống ở nơi có “ngôi của quỉ Sa-tan”.—Khải-huyền 2:13

[Nguồn tư liệu]

Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.