Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va chuộng sự công bình

Đức Giê-hô-va chuộng sự công bình

Đức Giê-hô-va chuộng sự công bình

“Ta, Đức Giê-hô-va, ưa sự chánh-trực”.—Ê-SAI 61:8.

1, 2. (a) Từ “công bình” và “không công bình” có nghĩa gì? (b) Kinh Thánh nói gì về Đức Giê-hô-va và đức tính công bình của Ngài?

CHÁNH TRỰC hay công bình được định nghĩa là ‘không thiên vị, ngay thẳng, theo đúng lẽ phải’. Không công bình hay bất công là không ngay thẳng, thành kiến, xấu xa, gây tổn hại cho người khác.

2 Gần 3.500 năm trước, Môi-se viết về Đấng Tối Thượng Hoàn Vũ, Đức Giê-hô-va: “Các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và. . . công-bình”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Hơn bảy thế kỷ sau, Đức Chúa Trời soi dẫn Ê-sai viết những lời sau: “Ta, Đức Giê-hô-va, ưa sự chánh-trực [“công bình”, Bản Dịch Mới]”. (Ê-sai 61:8) Vào thế kỷ thứ nhất, Phao-lô nói: “Có sự không công-bình trong Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy!” (Rô-ma 9:14) Và cũng trong thế kỷ đó, Phi-e-rơ tuyên bố: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể [“thiên vị”, BDM] ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. (Công-vụ 10:34, 35) Thật vậy, “Đức Giê-hô-va chuộng sự công-bình”.—Thi-thiên 37:28; Ma-la-chi 3:6.

Sự bất công lan tràn

3. Sự bất công trên đất đã bắt đầu như thế nào?

3 Công bình không phải là điều phổ biến ngày nay. Chúng ta có thể bị đối xử bất công ở mọi lĩnh vực trong xã hội—nơi làm việc, trường học, khi tiếp xúc với các viên chức và trong những tình huống khác—ngay cả trong gia đình. Tất nhiên, sự bất công như thế không có gì mới lạ. Sự bất công đã xảy ra cho gia đình nhân loại khi thủy tổ của chúng ta phản loạn và bất tuân, vì đi theo sự xúi giục của một tạo vật thần linh phản nghịch là Sa-tan Ma-quỉ. Rõ ràng A-đam, Ê-va và Sa-tan đã hành động bất công khi lạm dụng món quà tuyệt vời mà Đức Giê-hô-va ban cho đó là sự tự do ý chí. Hành động sai trái của họ đã mang lại biết bao đau khổ và sự chết cho toàn thể nhân loại.—Sáng-thế Ký 3:1-6; Rô-ma 5:12; Hê-bơ-rơ 2:14.

4. Sự bất công đã tồn tại bao lâu trong lịch sử nhân loại?

4 Khoảng 6.000 năm kể từ cuộc phản loạn trong vườn Ê-đen, sự bất công đã tồn tại trong xã hội loài người. Điều này cũng dễ hiểu vì Sa-tan là chúa của thế gian này. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Hắn là kẻ nói dối và là cha của sự nói dối, kẻ vu khống và chống đối Đức Giê-hô-va. (Giăng 8:44) Hắn luôn làm những điều bất công trắng trợn. Chẳng hạn, trước trận Nước Lụt thời Nô-ê, ảnh hưởng xấu của Sa-tan là một trong những nguyên nhân khiến cho “sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”. (Sáng-thế Ký 6:5) Tình trạng đó vẫn phổ biến trong thời Chúa Giê-su. Ngài phán: “Sự khó-nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy”. (Ma-thi-ơ 6:34) Sự khó nhọc này bao gồm cả sự bất công. Kinh Thánh nói rất đúng: “Muôn vật đều than-thở và chịu khó-nhọc cho đến ngày nay”.—Rô-ma 8:22.

5. Tại sao ngày nay có nhiều bất công hơn bao giờ hết?

5 Do đó, những điều xấu dẫn đến sự bất công trắng trợn đã xảy ra trong suốt lịch sử con người. Ngày nay, tình trạng này càng trở nên tệ hại hơn bao giờ hết. Tại sao? Vì hệ thống mọi sự không tin kính này ở trong “ngày sau-rốt” nhiều thập kỷ rồi, và đang trải qua những “thời-kỳ khó-khăn” khi đến gần ngày tàn. Kinh Thánh báo trước trong giai đoạn này của lịch sử, người ta “tư-kỷ, tham tiền, khoe-khoang, xấc-xược, hay nói xấu,. . . bội-bạc, không tin-kính, vô-tình, khó hòa-thuận, hay phao-vu, không tiết-độ, dữ-tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu-ngạo”. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Những tính nết xấu như thế dẫn đến đủ mọi vấn đề bất công.

6, 7. Gia đình nhân loại thời nay phải chịu những bất công to lớn nào?

6 Một trăm năm qua, nhân loại đã chứng kiến sự bất công ở mức độ chưa từng thấy. Đó là những năm mà người ta thấy sự tàn phá khốc liệt nhất của chiến tranh. Chẳng hạn, một số sử gia ước lượng chỉ riêng Thế Chiến II, tổng số người chết khoảng 50 đến 60 triệu, phần lớn là thường dân—đàn ông, đàn bà và trẻ em vô tội. Sau Thế Chiến II, hàng triệu người khác bị giết trong nhiều cuộc xung đột, đa số cũng là thường dân. Sa-tan cổ vũ sự bất công như thế vì hắn giận dữ biết rằng sắp bị Đức Giê-hô-va đánh bại hoàn toàn. Lời tiên tri trong Kinh Thánh nói: “Ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi”.—Khải-huyền 12:12.

7 Chi tiêu của quân đội trên toàn cầu là một nghìn tỉ đô la mỗi năm. Trong khi đó, hàng trăm triệu người không có những thứ cần thiết cho đời sống. Hãy nghĩ đến những lợi ích mà số tiền đó có thể mang lại nếu được dùng cho mục tiêu hòa bình. Khoảng một tỉ người không có đủ thực phẩm trong khi những người khác thì quá dư dật. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm khoảng năm triệu trẻ em chết vì hậu quả của đói nghèo. Thật bất công làm sao! Cũng hãy nghĩ đến nhiều thai nhi vô tội chết vì nạn phá thai. Con số này được ước tính khoảng từ 40 đến 60 triệu mỗi năm trên thế giới! Một sự bất công thật khủng khiếp!

8. Chỉ có cách nào loài người mới có được sự công bình thật?

8 Những nhà cai trị của thế gian không tìm thấy giải pháp cho các vấn đề to lớn của nhân loại ngày nay; nỗ lực của con người cũng không giúp tình trạng tốt hơn. Lời Đức Chúa Trời báo trước rằng trong thời chúng ta, “những người hung-ác, kẻ giả-mạo thì càng chìm-đắm luôn trong điều dữ, làm lầm-lạc kẻ khác mà cũng lầm-lạc chính mình nữa”. (2 Ti-mô-thê 3:13) Sự bất công đã ăn sâu vào đời sống hằng ngày và con người không thể nào loại bỏ được. Chỉ có Đức Chúa Trời của sự công bình mới có thể làm được điều này. Chỉ có Ngài mới có thể loại bỏ Sa-tan, các quỉ và những kẻ ác.—Giê-rê-mi 10:23, 24.

Mối quan tâm thích đáng

9, 10. Tại sao A-sáp cảm thấy nản lòng?

9 Trong quá khứ, ngay cả một số người viết Kinh Thánh cũng thắc mắc tại sao Đức Chúa Trời đã không can thiệp vào đời sống của con người và mang lại sự công bình thật. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của một người trong thời Kinh Thánh. Lời ghi chú ở đầu bài Thi-thiên 73 nêu tên A-sáp, có thể ám chỉ một nhạc sĩ người Lê-vi được dân chúng biết đến trong triều đại Vua Đa-vít hoặc các nhạc sĩ trong gia đình A-sáp mà ông là người đứng đầu. A-sáp và con cháu ông đã sáng tác nhiều bài hát dùng trong việc thờ phượng chung. Thế nhưng, có một lúc trong đời, người viết bài Thi-thiên này đã cảm thấy nản lòng. Ông nhìn thấy sự hưng thịnh của kẻ ác và để ý thấy họ dường như thỏa mãn với cuộc sống, không gặp phải hậu quả xấu nào cả.

10 Ông viết: “Khi tôi thấy sự hưng-thịnh của kẻ ác, thì có lòng ganh-ghét kẻ kiêu-ngạo. Vì trong cơn chết chúng nó chẳng bị đau-đớn; sức-lực của chúng nó vẫn đầy-đủ. Chúng nó chẳng bị nạn-khổ như người khác, cũng không bị tai-họa như người đời”. (Thi-thiên 73:2-8) Tuy nhiên, người viết Kinh Thánh này cuối cùng đã nhận ra quan điểm tiêu cực như thế là sai. (Thi-thiên 73:15, 16) Ông cố gắng sửa đổi lối suy nghĩ nhưng vẫn không thể hiểu hết lý do tại sao kẻ ác dường như tránh khỏi sự trừng phạt, trong khi người có lòng ngay thẳng thường chịu nhiều gian nan.

11. Người viết Thi-thiên là A-sáp đã hiểu được điều gì?

11 Cuối cùng, người trung thành thuở xưa này đã hiểu được kết cuộc của kẻ ác—Đức Giê-hô-va sẽ sửa lại mọi bất công. (Thi-thiên 73:17-19) Đa-vít viết: “Hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va, và giữ theo đường Ngài, thì Ngài sẽ nâng ngươi lên để nhận được đất! Khi kẻ ác bị diệt đi, thì ngươi sẽ thấy điều ấy”.—Thi-thiên 37: 9, 11, 34.

12. (a) Ý định của Đức Giê-hô-va đối với sự gian ác và bất công là gì? (b) Bạn nghĩ gì về giải pháp đó cho vấn đề bất công?

12 Chắc chắn, ý định của Đức Giê-hô-va là xóa bỏ sự gian ác và bất công khỏi mặt đất vào đúng kỳ định của Ngài. Đây là điều mà ngay cả tín đồ Đấng Christ trung thành cũng phải thường xuyên tự nhắc nhở mình. Đức Giê-hô-va sẽ loại trừ những kẻ đi nghịch lại ý muốn của Ngài và ban thưởng cho những ai sống phù hợp ý Ngài. “Con mắt Ngài nhìn-xem, mí mắt Ngài dò con loài người. Đức Giê-hô-va thử người công-bình; nhưng lòng Ngài ghét người ác và kẻ ưa sự hung-bạo. Ngài sẽ giáng xối trên kẻ ác những bẫy, lửa và diêm; một ngọn gió phỏng sẽ là phần của chúng nó. Vì Đức Giê-hô-va là công-bình; Ngài yêu sự công-bình”.—Thi-thiên 11:4–7.

Một thế giới mới công bình

13, 14. Tại sao sự công bình sẽ ngự trị trong thế giới mới?

13 Khi Đức Giê-hô-va hủy diệt thế gian bất công hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Sa-tan, Ngài sẽ đem lại một thế giới mới huy hoàng. Thế giới đó do Nước Trời cai trị, điều mà Chúa Giê-su từng dạy các môn đồ cầu nguyện. Sự gian ác và bất công được thay thế bằng sự công bình, lúc đó lời cầu nguyện này sẽ được đáp ứng một cách trọn vẹn: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời”.—Ma-thi-ơ 6:10.

14 Kinh Thánh cho biết chúng ta có thể chờ đợi sự cai trị nào; đây là sự cai trị mà tất cả những ai có lòng thành đang trông mong. Lời ghi nơi Thi-thiên 145:16 sẽ được ứng nghiệm một cách trọn vẹn nhất: “Chúa xòe tay ra, làm cho thỏa nguyện mọi loài sống”. Hơn nữa, Ê-sai 32:1 nói: “Nầy, sẽ có một vua [Chúa Giê-su ở trên trời] lấy nghĩa trị-vì, các quan-trưởng [những người đại diện trên đất của Đấng Christ] lấy lẽ công-bình mà cai-trị”. Liên quan đến Vua Giê-su Christ, Ê-sai 9:6 báo trước: “Quyền cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền-vững, và lập lên trong sự chánh-trực công-bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt-sắng của Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ làm nên sự ấy!” Bạn có hình dung được chính mình sống dưới sự cai trị công bình đó không?

15. Đức Giê-hô-va sẽ làm gì cho nhân loại trong thế giới mới?

15 Trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không còn lý do để nói những lời như ghi nơi Truyền-đạo 4:1: “Ta xây lại, xem-xét mọi sự hà-hiếp làm ra ở dưới mặt trời; kìa, nước mắt của kẻ bị hà-hiếp, song không ai an-ủi họ! Kẻ hà-hiếp có quyền-phép, song không ai an-ủi cho kẻ bị hà-hiếp”. Thật vậy, với tâm trí của người bất toàn, chúng ta khó có thể tưởng tượng thế giới mới công bình đó sẽ tuyệt diệu như thế nào. Sự gian ác không còn nữa, mỗi ngày sẽ tràn đầy những điều tốt. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va sẽ sửa đổi mọi việc sai trái, và cách Ngài thực hiện điều này sẽ vượt quá mọi sự mong đợi của chúng ta. Đức Giê-hô-va soi dẫn sứ đồ Phi-e-rơ viết những lời thật thích hợp: “Theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở”.—2 Phi-e-rơ 3:13.

16. “Trời mới” được thiết lập như thế nào? Và ngày nay, “đất mới” được chuẩn bị theo nghĩa nào?

16 Thật vậy, “trời mới”, tức chính phủ trên trời dưới quyền của Đấng Christ, đã được thiết lập. “Đất mới” là xã hội mới trên đất gồm những người công bình. Những người hợp thành nền tảng của “đất mới” đang được thâu nhóm trong thời kỳ cuối cùng này. Đã có gần bảy triệu người ở ít nhất 235 xứ và trong khoảng 100.000 hội thánh. Hàng triệu người này đang học theo đường lối công bình của Đức Giê-hô-va, nhờ thế họ có được sự hợp nhất toàn cầu dựa trên tình yêu thương của tín đồ Đấng Christ. Đó là sự hợp nhất rõ rệt và bền vững nhất trong lịch sử thế giới, một sự hợp nhất vượt hẳn bất cứ điều gì mà những người theo Sa-tan từng cảm nhận. Tình yêu thương và sự hợp nhất đó cho thấy trước thời kỳ tuyệt diệu trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, nơi sự công bình ngự trị.—Ê-sai 2:2-4; Giăng 13:34, 35; Cô-lô-se 3:14.

Sa-tan sẽ thất bại

17. Tại sao đợt tấn công cuối cùng của Sa-tan trên dân sự Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ thất bại?

17 Chẳng bao lâu nữa, Sa-tan và những kẻ theo hắn sẽ tấn công những người thờ phượng Đức Giê-hô-va nhằm tiêu diệt họ. (Ê-xê-chi-ên 38:14-23) Đó sẽ là một phần của điều mà Chúa Giê-su gọi là “hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa”. (Ma-thi-ơ 24:21) Sa-tan sẽ thành công không? Không. Lời Đức Chúa Trời bảo đảm rằng: “Đức Giê-hô-va chuộng sự công-bình, không từ-bỏ người thánh của Ngài; họ được Ngài gìn-giữ đời đời: Còn dòng-dõi kẻ dữ sẽ bị diệt đi. Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”.—Thi-thiên 37:28, 29.

18. (a) Đức Chúa Trời phản ứng thế nào trước cuộc tấn công sắp đến của Sa-tan trên dân sự Ngài? (b) Tại sao xem xét những điều Kinh Thánh nói về chiến thắng của sự công bình đem lại lợi ích cho bạn?

18 Cuộc tấn công của Sa-tan và bè lũ của hắn trên tôi tớ của Đức Giê-hô-va sẽ là sự xúc phạm cuối cùng. Qua nhà tiên tri Xa-cha-ri, Đức Giê-hô-va báo trước: “Ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt [ta]”. (Xa-cha-ri 2:8) Điều đó như thể có người chọc tay vào con ngươi của Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ phản ứng ngay và loại trừ kẻ đó. Tôi tớ của Đức Giê-hô-va là những người nhân từ, hợp nhất, hiếu hòa và tôn trọng luật pháp nhất trên đất. Vì thế, tấn công họ là không có lý do chính đáng và hoàn toàn bất công. Đấng “chuộng sự công-bình” sẽ không dung thứ điều đó. Khi Đức Giê-hô-va ra tay hành động vì dân Ngài, kẻ thù của họ sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn, sự công bình sẽ chiến thắng và những người thờ phượng Đức Chúa Trời sẽ được cứu rỗi. Trước mặt chúng ta là những biến cố thật kỳ diệu và đầy hào hứng!—Châm-ngôn 2:21, 22.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao sự bất công lan tràn?

• Đức Giê-hô-va sẽ giải quyết sự bất công trên đất như thế nào?

• Trong bài học này, điều gì về chiến thắng của sự công bình gây ấn tượng sâu sắc với bạn?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Sự gian ác lan tràn trước thời Nước Lụt cũng như trong những “ngày sau-rốt” này

[Hình nơi trang 24, 25]

Trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, sự công bình sẽ thay thế sự gian ác