Chúng ta có thể được lợi ích khi nhịn nhục chịu khổ
Chúng ta có thể được lợi ích khi nhịn nhục chịu khổ
“Những kẻ nhịn-nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước”.—GIA-CƠ 5:11.
1, 2. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va không có ý định cho con người phải chịu khổ?
KHÔNG người bình thường nào muốn đau khổ. Đấng Tạo Hóa của chúng ta, Đức Giê-hô-va cũng không muốn loài người đau khổ. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi xem xét Lời được Ngài soi dẫn và chú ý đến những diễn biến sau khi Ngài tạo ra người đàn ông và người đàn bà. Trước tiên, Đức Chúa Trời làm nên người đàn ông. “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh-khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh-linh”. (Sáng-thế Ký 2:7) A-đam có thân thể và trí óc hoàn toàn, ông không phải bị bệnh hoặc chết.
2 Còn điều kiện sống của A-đam thì sao? “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Ê-đen, ở về hướng Đông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó. Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon”. (Sáng-thế Ký 2:8, 9) Đúng vậy, A-đam có một ngôi nhà tuyệt diệu. Không có đau khổ trong vườn Ê-đen.
3. Cặp vợ chồng đầu tiên đã có những triển vọng nào?
3 Sáng-thế Ký 2:18 cho biết: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp-đỡ giống như nó”. Rồi Đức Giê-hô-va tạo ra một người vợ hoàn toàn cho A-đam, mở ra triển vọng để họ có đời sống gia đình hạnh phúc. (Sáng-thế Ký 2:21-23) Kinh Thánh cho biết thêm: “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng”. (Sáng-thế Ký 1:28) Cặp vợ chồng đầu tiên có đặc ân tuyệt vời là nới rộng vườn địa đàng ra khắp đất. Và con cháu họ sẽ hạnh phúc, không bị đau khổ. Thật là một khởi đầu tuyệt diệu!—Sáng-thế Ký 1:31.
Sự đau khổ bắt đầu
4. Lịch sử đã cho thấy rõ điều gì về tình trạng nhân loại?
4 Thế nhưng, khi nhìn tình trạng của gia đình nhân loại theo dòng lịch sử, rõ ràng đã có vấn đề nghiêm trọng nào đó. Những điều xấu đã xảy ra và nhân loại chịu nhiều đau khổ. Qua nhiều thế kỷ, tất cả con Rô-ma 8:22: “Muôn vật đều than-thở và chịu khó-nhọc cho đến ngày nay”.
cháu của A-đam và Ê-va đều bị bệnh, già đi, và cuối cùng chết. Trái đất hoàn toàn không phải là một địa đàng có đầy những người hạnh phúc. Tình trạng này được mô tả chính xác nơi5. Làm thế nào thủy tổ của chúng ta đã khiến cho gia đình nhân loại phải chịu đau khổ?
5 Không thể đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va về sự đau khổ lớn lao đã tồn tại bấy lâu nay. (2 Sa-mu-ên 22:31) Con người phải chịu một phần trách nhiệm. Họ “đều bại-hoại, đã làm những việc gớm-ghiếc”. (Thi-thiên 14:1) Lúc đầu, thủy tổ chúng ta đã được ban cho mọi điều tốt đẹp. Muốn tiếp tục hưởng những điều ấy, họ chỉ cần vâng lời Đức Chúa Trời. Nhưng A-đam và Ê-va đã chọn con đường độc lập với Đức Giê-hô-va. Vì từ bỏ Ngài, họ không còn là người hoàn toàn nữa. Họ suy thoái dần rồi chết, và truyền lại sự bất toàn cho chúng ta.—Sáng-thế Ký 3:17-19; Rô-ma 5: 12.
6. Sa-tan đóng vai trò nào trong sự khởi đầu của đau khổ?
6 Tạo vật thần linh mà sau này được gọi là Sa-tan Ma-quỉ cũng dính líu đến sự khởi đầu của mọi đau khổ. Hắn được ban cho sự tự do ý chí. Tuy nhiên, hắn đã lạm dụng khả năng đó để được loài người thờ phượng. Thế nhưng, người ta chỉ được thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va chứ không phải tạo vật của Ngài. Chính Sa-tan đã xúi giục A-đam và Ê-va độc lập với Đức Giê-hô-va, khiến họ nghĩ rằng khi làm thế họ sẽ “như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”.—Sáng-thế Ký 3:5.
Chỉ Đức Giê-hô-va có quyền cai trị
7. Hậu quả của sự phản nghịch chống lại Đức Giê-hô-va chứng tỏ điều gì?
7 Hậu quả tai hại của sự phản nghịch chứng minh rằng chỉ một mình Đức Giê-hô-va, Đấng Tối Thượng Hoàn Vũ, mới có quyền cai trị và chỉ có sự cai trị của Ngài là công bình. Hàng ngàn năm qua, lịch sử chứng tỏ Sa-tan, “vua-chúa của thế-gian nầy”, đã thiết lập một sự thống trị gian ác, bất công, hung bạo, khiếm khuyết về mọi phương diện. (Giăng 12:31) Nền cai trị tồi tệ của con người dưới quyền kiểm soát của Sa-tan đã cho thấy họ thiếu khả năng cai trị một cách công bình. (Giê-rê-mi 10:23) Vì thế, bất cứ hình thức cai trị nào người ta nghĩ ra mà độc lập với Đức Chúa Trời đều sẽ thất bại. Lịch sử đã chứng tỏ rõ ràng điều ấy.
8. Đức Giê-hô-va có ý định gì đối với mọi hình thức cai trị của con người, và Ngài sẽ hoàn thành ý định đó như thế nào?
8 Giờ đây, sau khi cho phép loài người hàng ngàn năm để thử nghiệm lối cai trị độc lập, Đức Giê-hô-va có lý do chính đáng để dẹp bỏ mọi hình thức cai trị này khỏi trái đất và thay thế bằng chính phủ của Ngài. Một lời tiên tri nói về điều này: “Trong đời các vua nầy [sự cai trị của con người], Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước [chính phủ trên trời dưới quyền của Đấng Christ] không bao giờ bị hủy-diệt. . . song nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời”. (Đa-ni-ên 2:44) Sự cai trị của các quỉ và loài người sẽ chấm dứt, và Nước Trời sẽ là chính phủ duy nhất cai trị trái đất. Đấng Christ sẽ là Vua, và đồng cai trị với ngài là 144.000 người trung thành được chuộc khỏi đất.—Khải-huyền 14:1.
Sự đau khổ mang lại lợi ích
9, 10. Chúa Giê-su được lợi ích như thế nào từ sự khốn khổ mình đã chịu?
9 Việc xem xét phẩm chất của những người sẽ cai trị Nước Trời cũng đem lại lợi ích. Trước tiên, Chúa Giê-su cho thấy ngài đủ tư cách như thế nào để làm Vua. Ngài đã ở bên cạnh Đức Giê-hô-va trong một thời gian dài vô kể và làm theo ý muốn Cha ngài với tư cách là “thợ cái”. (Châm-ngôn 8:22-31) Khi Đức Giê-hô-va sai ngài xuống trái đất, Chúa Giê-su sẵn sàng vâng theo. Trên đất, ngài tập trung vào việc nói cho người khác biết về quyền cai trị và Nước của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su nêu một gương xuất sắc cho tất cả chúng ta trong việc hoàn toàn vâng phục quyền cai trị đó.—Ma-thi-ơ 4:17; 6:9.
10 Chúa Giê-su đã chịu đựng sự ngược đãi và cuối cùng bị giết. Trong thời gian thi hành thánh chức, ngài quan sát và thấy sự khốn khổ của loài người. Khi thấy tình trạng đó và khi bản thân ngài cũng chịu khổ, Chúa Giê-su có được lợi ích gì không? Có. Hê-bơ-rơ 5:8 nói: “Dầu Ngài là Con [của Đức Chúa Trời], cũng đã học-tập vâng lời bởi những sự khốn-khổ mình đã chịu”. Nhờ những trải nghiệm trên đất, Chúa Giê-su càng có lòng cảm thông và trắc ẩn. Chính ngài đã sống trong hoàn cảnh của con người. Do đó, ngài có thể cảm thương những người khổ sở và hiểu rõ hơn vai trò của mình trong việc cứu giúp họ. Hãy lưu ý sứ đồ Phao-lô nêu bật điều này như thế nào trong sách Hê-bơ-rơ: “Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế-lễ thượng-phẩm, hay thương-xót và trung-tín, đặng đền tội cho chúng dân. Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám-dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám-dỗ vậy”. “Chúng ta không có thầy tế-lễ thượng-phẩm chẳng có thể cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta, bèn có một thầy tế-lễ bị thử-thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn-phước, hầu cho được thương-xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì-giờ có cần-dùng”.—Hê-bơ-rơ 2:17,18; 4:14-16; Ma-thi-ơ 9:36; 11:28-30.
11. Những trải nghiệm trên đất của các vua và thầy tế lễ tương lai giúp họ như thế nào trong việc cai trị?
11 Cũng có thể nói như thế về 144.000 người “được chuộc” khỏi đất để cùng cai trị với Chúa Giê-su trong Nước Trời. (Khải-huyền 14:4) Họ đều là những người được sinh ra trên đất, lớn lên trong một thế gian đầy khốn khổ và chính họ cũng chịu khổ. Nhiều người bị ngược đãi, một số thậm chí bị giết vì giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va và sẵn lòng noi theo gương Chúa Giê-su. Họ ‘không thẹn vì phải làm chứng cho Chúa, nhưng chịu khổ’ vì tin mừng. (2 Ti-mô-thê 1:8) Sau khi lên trời, những trải nghiệm trên đất đặc biệt giúp họ có đủ tư cách để phán xét nhân loại. Họ học được sự cảm thông, nhân từ và sốt sắng giúp người ta.—Khải-huyền 5:10; 14:2-5; 20:6.
Niềm hạnh phúc của những người có hy vọng sống trên đất
12, 13. Những người có hy vọng sống trên đất được lợi ích thế nào khi chịu khổ?
12 Đối với những người có hy vọng sống đời đời trong một địa đàng không còn bệnh tật, đau buồn và sự chết, sự đau khổ trong hiện tại có đem lại lợi ích cho họ không? Sự đau đớn và khổ sở không phải là điều mà
chúng ta mong muốn. Nhưng khi chịu khổ, chúng ta có thể phát huy những đức tính tốt và được phước.13 Hãy xem Lời Đức Chúa Trời nói gì về điều này: “Nếu anh em phải vì sự công-bình mà chịu khổ, ấy thật là có phước”. “Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ-nhục, thì anh em có phước”. (1 Phi-e-rơ 3:14; 4:14) “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui-vẻ, và nức lòng mừng-rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm”. (Ma-thi-ơ 5:11, 12) “Phước cho người bị cám-dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử-thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều-thiên của sự sống”.—Gia-cơ 1:12.
14. Sự đau khổ có thể mang lại hạnh phúc cho những người thờ phượng Đức Giê-hô-va theo nghĩa nào?
14 Chắc chắn, không phải chính nỗi đau mà chúng ta chịu đựng làm cho mình hạnh phúc. Chúng ta hạnh phúc hay thỏa nguyện là nhờ biết rằng mình chịu khổ vì làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va và noi theo gương Chúa Giê-su. Chẳng hạn, vào thế kỷ thứ nhất, vài sứ đồ đã bị bỏ tù, sau đó bị tòa án tối cao Do Thái xét xử và lên án vì rao truyền về Chúa Giê-su. Họ bị đánh đòn rồi được thả ra. Họ có thái độ nào? Lời tường thuật trong Kinh Thánh nói: “Các sứ-đồ từ tòa công-luận ra, đều hớn-hở về mình đã được kể là xứng-đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Jêsus”. (Công-vụ 5:17-41) Họ vui, không phải vì bị đòn và đau đớn về thể chất, nhưng vì hiểu rằng điều này xảy ra do họ giữ lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va và bước theo dấu chân Chúa Giê-su.—Công-vụ 16:25; 2 Cô-rinh-tô 12:10; 1 Phi-e-rơ 4:13.
15. Chịu đựng sự đau khổ ngay bây giờ có thể mang lại lợi ích cho chúng ta như thế nào trong tương lai?
15 Nếu chịu đựng sự chống đối và ngược đãi với thái độ đúng, chúng ta có thể phát huy tính nhịn nhục. Điều này sẽ giúp chúng ta chịu đựng được những đau khổ trong tương lai. Kinh Thánh nói: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử-thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui-mừng trọn-vẹn, vì biết rằng sự thử-thách đức-tin anh em sanh ra sự nhịn-nhục”. (Gia-cơ 1:2, 3) Tương tự, Rô-ma 5:3-5 cho biết: “Chúng ta cũng khoe mình trong hoạn-nạn nữa, vì biết rằng hoạn-nạn sanh sự nhịn-nhục, sự nhịn-nhục sanh sự rèn-tập, sự rèn-tập sanh sự trông-cậy. Vả, sự trông-cậy không làm cho hổ-thẹn”. Thế nên, ngay bây giờ càng chịu đựng thử thách vì đi theo đường lối đạo Đấng Christ, chúng ta càng được trang bị để chịu đựng những thử thách khác trong hệ thống gian ác này.
Đức Giê-hô-va sẽ đền đáp
16. Đức Giê-hô-va sẽ làm gì cho các vua và thầy tế lễ tương lai để đền bù cho những đau khổ của họ?
16 Ngay cả khi bị mất mát về vật chất vì sự chống đối hay ngược đãi do trung thành với đạo Đấng Christ, chúng ta có thể hài lòng khi biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng cho chúng ta. Chẳng hạn, nói với những người có hy vọng lên trời, sứ đồ Phao-lô viết: “Anh em. . . vui lòng chịu của-cải mình bị cướp, bởi biết mình có của-cải quí hơn hằng còn luôn” khi trở thành những người cai trị trong Nước Trời. (Hê-bơ-rơ 10:34) Hãy tưởng tượng niềm vui sướng của họ dưới sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và Đấng Christ, họ góp phần ban phát những ân phước tuyệt diệu cho dân cư trên đất trong thế giới mới. Lời sứ đồ Phao-lô nói với các tín đồ Đấng Christ trung thành thật xác đáng: “Tôi tưởng rằng những sự đau-đớn bây giờ chẳng đáng so-sánh với sự vinh-hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta”.—Rô-ma 8:18.
17. Đức Giê-hô-va sẽ làm gì cho những người có hy vọng sống trên đất hiện nay đang trung thành phụng sự Ngài?
17 Tương tự, bất cứ điều gì mà những người có hy vọng sống trên đất mất đi hay phải từ bỏ vì phụng sự Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ ban thưởng cho họ cách dồi dào qua những gì Ngài sẽ làm trong tương lai. Ngài sẽ ban cho họ sự sống hoàn toàn, bất tận trong địa đàng trên đất. Trong thế giới mới, Đức Giê-hô-va sẽ “lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa”. (Khải-huyền 21:4) Thật là một lời hứa tuyệt vời! Không điều gì mà chúng ta sẵn sàng hay miễn cưỡng từ bỏ trong thế gian này vì Đức Giê-hô-va, có thể sánh với đời sống tuyệt diệu mà Ngài sẽ ban cho những tôi tớ trung thành chịu đựng đau khổ.
18. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta lời hứa khích lệ nào trong Lời của Ngài?
18 Không sự đau khổ nào mà chúng ta chịu đựng có thể ngăn cản mình tận hưởng sự sống đời đời trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Mọi đau khổ sẽ hoàn toàn được đền bù bằng tình trạng tuyệt diệu trong thế giới mới. Ê-sai 65:17, 18 cho biết: “Những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa. Thà các ngươi hãy mừng-rỡ và vui-vẻ đời đời trong sự ta dựng nên”. Do đó, em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su là Gia-cơ tuyên bố: “Anh em biết rằng những kẻ nhịn-nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước”. (Gia-cơ 5:11) Đúng vậy, nếu trung thành chịu đựng sự đau khổ trong hiện tại, chúng ta có thể được lợi ích ngay bây giờ và trong tương lai.
Bạn trả lời thế nào?
• Sự đau khổ của loài người đã bắt đầu như thế nào?
• Sự đau khổ có thể mang lại lợi ích gì cho những người cai trị và dân cư trên trái đất trong tương lai?
• Ngày nay, dù chịu khổ tại sao chúng ta vẫn có thể hạnh phúc?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 27]
Thủy tổ của chúng ta đã có một tương lai tuyệt diệu trước mắt
[Hình nơi trang 29]
Nhờ quan sát sự đau khổ, Chúa Giê-su được chuẩn bị để trở thành một vị Vua và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm xuất sắc
[Hình nơi trang 31]
Các sứ đồ “hớn-hở về mình đã được kể là xứng-đáng chịu nhục” vì đức tin