Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thán phục sự thiết kế, học biết về Nhà Thiết Kế

Thán phục sự thiết kế, học biết về Nhà Thiết Kế

Thán phục sự thiết kế, học biết về Nhà Thiết Kế

CÓ THỂ bạn đã nghe nói về Michelangelo, nhà điêu khắc và họa sĩ người Ý. Dù chưa bao giờ thấy một bản gốc nào trong những kiệt tác của ông, rất có thể bạn đồng ý với một sử gia nghệ thuật gọi thiên tài người Ý này là “nhà nghệ thuật tuyệt vời và vô song”. Không ai có thể phủ nhận tài năng của Michelangelo. Liệu có ai thán phục nghệ thuật của Michelangelo mà lại không thừa nhận ông là một người tài ba?

Giờ đây hãy nghĩ đến tính đa dạng và phức tạp đáng kinh ngạc của sự sống nảy nở xung quanh chúng ta trên trái đất. Thật thích hợp khi tờ The New York Times trích lời của một giáo sư sinh vật học: “Những bằng chứng của sự thiết kế được thấy rõ trong các khía cạnh của sinh vật học”. Ông cho biết thêm: “Sự sống đầy dẫy biểu hiện của sự thiết kế”. Vậy có hợp lý không khi thán phục sự thiết kế mà không thừa nhận nhà thiết kế?

Là người quan sát mọi vật một cách sâu sắc, sứ đồ Phao-lô nói đến những người “thờ lạy, phụng sự tạo vật thay vì Đấng Tạo Hóa”. (Rô-ma 1:25, Bản Dịch Mới) Một số người do chịu ảnh hưởng của tư tưởng tiến hóa đang lan tràn khắp nơi, đã lờ đi hoặc không thừa nhận rằng sự thiết kế cho thấy phải có nhà thiết kế. Nhưng, thuyết tiến hóa có hoàn toàn là khoa học chân chính không? Hãy lưu ý đến lời kết luận của ông Christoph Schönborn, tổng giám mục Công Giáo ở Vienna, như được đăng trên tờ The New York Times: “Bất cứ lý thuyết nào phủ nhận hoặc tìm cách lờ đi những bằng chứng rõ ràng về sự thiết kế trong sinh học thì chỉ là hệ tư tưởng, chứ không phải khoa học”.

Khoa học sẽ kết thúc chăng?

Tuy nhiên, có những người cảm thấy nếu chấp nhận quan điểm cho rằng có bằng chứng về một Đấng Tạo Hóa thì sẽ “cản trở việc nghiên cứu”. Một bài trong tạp chí New Scientist bày tỏ mối lo ngại đó khi khẳng định rằng “khoa học là một hoạt động nghiên cứu vô giới hạn. Nó sẽ kết thúc khi gặp một rào cản không vượt qua được, gọi là ‘do nhà thiết kế làm’ ”. Nỗi lo ngại ấy có hợp lý không? Hoàn toàn không mà còn ngược lại. Tại sao?

Chấp nhận sự ngẫu nhiên và tiến hóa là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành vũ trụ cũng như sự sống trên đất, nghĩa là từ bỏ mọi nỗ lực để tìm được lời giải thích có ý nghĩa. Trái lại, nếu chấp nhận có một Đấng Tạo Hóa thông minh dựng nên mọi vật, chúng ta có thể tìm hiểu về sự thông minh của Đấng đó như được thể hiện trong vũ trụ. Hãy xem xét điều này: Dù biết Leonardo da Vinci là người vẽ ra bức họa “Mona Lisa”, các sử gia nghệ thuật vẫn muốn tìm hiểu về kỹ thuật và chất liệu ông đã dùng. Tương tự thế, chấp nhận có Nhà Thiết Kế sẽ không ngăn trở chúng ta tìm hiểu về các chi tiết và tính phức tạp của những gì Ngài thiết kế và sáng tạo.

Thay vì cản trở việc nghiên cứu, Kinh Thánh khuyến khích tìm lời giải đáp cho những thắc mắc về khoa học lẫn tâm linh. Vua Đa-vít thuở xưa đã suy ngẫm về sự cấu tạo đáng thán phục của cơ thể mình. Vì vậy, ông thốt lên: “Tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng. Công-việc Chúa thật lạ-lùng, lòng tôi biết rõ lắm”. (Thi-thiên 139:14) Thật thế, Kinh Thánh nói Đấng Tạo Hóa hỏi tộc trưởng Gióp: “Con có mường tượng nổi địa cầu dài rộng bao la dường nào?” (Gióp 38:18, BDM) Câu đó không cho thấy có sự cản trở nào trong việc tìm hiểu và nghiên cứu. Trái lại, Nhà Thiết Kế Tài Ba này còn mời chúng ta xem xét công trình sáng tạo của Ngài. Cũng hãy nghĩ đến lời mời của nhà tiên tri Ê-sai kêu gọi chúng ta gia tăng sự hiểu biết về Đấng tạo ra mọi vật: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật này?” Thật vậy, Ê-sai 40:26 nêu ra một sự kiện phù hợp với công thức nổi tiếng của Einstein E=mc2. Sự kiện đó là vũ trụ được tạo dựng bởi năng lượng và quyền năng rất lớn.

Phải công nhận là không luôn luôn có sẵn lời giải đáp cho những thắc mắc liên quan đến sự sáng tạo. Một phần vì khả năng hiểu biết của chúng ta có giới hạn, và chúng ta chưa hiểu thấu thế giới mình đang sống. Ông Gióp nhận thức được điều này. Ông ngợi khen Đấng Tạo Hóa đã treo trái đất trong khoảng không và đã đặt các áng mây đầy nước lơ lửng trên trái đất. (Gióp 26:7-9) Nhưng, ông ý thức rằng những kỳ công này “chỉ là một phần nhỏ trong đường lối Chúa”. (Gióp 26:14, Bản Diễn Ý) Hẳn Gióp muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh. Đa-vít cũng thừa nhận giới hạn của mình: “Sự tri-thức dường ấy, thật diệu-kỳ quá cho tôi, cao đến đỗi tôi không với kịp!”—Thi-thiên 139:6.

Chấp nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa không ngăn cản những tiến bộ của khoa học. Việc tìm kiếm để mở rộng tri thức trong các vấn đề thuộc vật chất và tâm linh quả thật không có sự hạn chế và kéo dài mãi. Một vị vua thuở xưa nổi tiếng về sự hiểu biết sâu rộng đã khiêm nhường viết: “Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công-việc Đức Chúa Trời làm từ ban-đầu đến cuối-cùng, người không thế hiểu được”.—Truyền-đạo 3:11.

Lời lý giải tiện lợi?

Một số người phản đối rằng khi không có lời giải thích mang tính khoa học có thể chứng minh thì từ “Chúa” được dùng cách tùy tiện như “một giải pháp”. Nói cách khác, họ cho rằng việc thừa nhận một Nhà Thiết Kế siêu phàm chỉ là lời lý giải tiện lợi cho các lỗ hổng trong kiến thức, như thể “Chúa” là một từ linh nghiệm được dùng khi con người không thể giải thích điều gì đó. Nhưng những lỗ hổng được đề cập ở đây là gì? Chúng có phải chỉ là những thiếu sót nhỏ và không quan trọng trong kiến thức của chúng ta không? Không. Chúng thật sự là những lỗ hổng lớn nói lên tính không hợp lý trong thuyết tiến hóa của Darwin. Đó là những thiếu sót cơ bản trong nhiều khía cạnh sinh học mà thuyết tiến hóa không đủ khả năng để giải thích. Nói thẳng ra, những người ủng hộ thuyết tiến hóa dựa vào những điều không có bằng chứng, trên thực tế họ làm cho học thuyết Darwin trở thành lời lý giải tiện lợi để lấp những lỗ hổng đó.

Đấng Tạo Hóa được nói đến trong Kinh Thánh không phải là cách lý giải tiện lợi cho các lỗ hổng về kiến thức. Thay vì thế, công việc của Ngài bao trùm mọi giai đoạn, khía cạnh và chi tiết của sự sáng tạo. Người viết Thi-thiên nhấn mạnh công việc sáng tạo bao quát của Đức Giê-hô-va: “Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa; trong ánh-sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng”. (Thi-thiên 36:9) Ngài được miêu tả chính xác là “Đấng dựng nên trời, đất, biển, cùng muôn vật trong đó”. (Công-vụ 4:24; 14:15; 17:24) Với lý do chính đáng, một giáo sư ở thế kỷ thứ nhất viết rằng Đức Chúa Trời “dựng nên muôn vật”.—Ê-phê-sô 3:9.

Ngoài ra, Đức Chúa Trời lập nên “luật của các từng trời”, tức những định luật vật lý chi phối vật chất và năng lượng mà các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu. (Gióp 38:33) Sự thiết kế của Ngài bao gồm toàn diện và có chủ định, là lập trái đất thành nơi sinh sống của vô số các loài sinh vật khác nhau.

Thiết kế và nhận thức thông thường

Cuối cùng, chúng ta cần xét đến vấn đề nhận thức thông thường. Bình luận chung về tính hợp lý của những lý thuyết khoa học, John Horgan, người chuyên viết về đề tài khoa học nhận xét: “Khi chưa có bằng chứng chắc chắn, chúng ta không nên ngại ngùng dựa vào nhận thức thông thường”.

Có hợp lý không khi cho rằng sự sống xuất hiện cách ngẫu nhiên? Dù thuyết tiến hóa được phổ biến rộng rãi, nhiều người thông minh, kể cả các nhà khoa học, đều tin rằng có một Đấng Tạo Hóa thông minh. Một giáo sư khoa học nói rằng “đại đa số người ta rõ ràng đều nghĩ là sự sống được thiết kế”. Tại sao vậy? Phần lớn sẽ sẵn sàng đồng ý với lời của sứ đồ Phao-lô: “Chẳng có một cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên”. (Hê-bơ-rơ 3:4) Sau đó, Phao-lô kết luận hợp lý: “Đấng đã dựng nên muôn vật, ấy là Đức Chúa Trời”. Theo Kinh Thánh, thật vô lý khi thừa nhận một cái nhà cần có người thiết kế và người xây dựng, đồng thời lại cho rằng một tế bào phức tạp đã xuất hiện cách ngẫu nhiên.

Về những người phủ nhận sự hiện hữu của Nhà Thiết Kế và Đấng Tạo Hóa, Kinh Thánh nhận xét: “Kẻ ngu-dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời”. (Thi-thiên 14:1) Qua câu này, người viết Thi-thiên trách những người chưa tin. Một người có thể bị ý kiến riêng chi phối thay vì có cái nhìn hoàn toàn khách quan. Trái lại, người khôn ngoan, sâu sắc thì khiêm nhường nhận biết có Đấng Tạo Hóa.—Ê-sai 45:18.

Đối với nhiều người biết suy nghĩ, bằng chứng về một Đấng Thiết Kế Tối Cao là rõ ràng.

Bạn có thể biết về Đấng Thiết Kế

Nếu chúng ta nhận thấy mình được thiết kế, thì chúng ta được thiết kế để làm gì? Đời sống chúng ta có mục đích gì? Khoa học tự nó không thể giải đáp thỏa đáng những câu hỏi này. Tuy nhiên, những vấn đề cơ bản này đòi hỏi phải có những câu trả lời hợp lý và đầy sức thuyết phục. Kinh Thánh rất hữu ích về phương diện này. Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va không chỉ là Đấng Tạo Hóa mà còn là Đấng có ý định. Ngài có lý do chính đáng trong mọi việc Ngài làm. Kinh Thánh cho biết ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại, cho chúng ta một tương lai và hy vọng.

Thế nhưng, Đức Giê-hô-va là ai? Ngài là Đức Chúa Trời như thế nào? Nhân Chứng Giê-hô-va mời bạn tìm hiểu về Đấng Thiết Kế Tài Ba là Đấng có thật. Bạn có thể học biết về danh và các đức tính của Ngài, cũng như cách Ngài đối xử với nhân loại. Qua Lời Ngài là Kinh Thánh, bạn sẽ hiểu tại sao chúng ta không chỉ nên thán phục sự thiết kế tuyệt vời mà còn tôn vinh Ngài là Đấng Thiết Kế.—Thi-thiên 86:12; Khải-huyền 4:11.

[Hình nơi trang 4]

Michelangelo

[Các hình nơi trang 5]

Tin có một Đấng Thiết Kế là phù hợp với khoa học chân chính

[Hình nơi trang 6]

Tính đa dạng và thích nghi là bằng chứng cho thấy có nhiều loại trong một thiết kế tài tình

[Các hình nơi trang 7]

Sự thiết kế đòi hỏi có một nhà thiết kế