Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Chúa Giê-su có ý gì khi nói đầy tớ trung tín của ngài là “khôn-ngoan”?

Chúa Giê-su đã có lần hỏi: “Ai là đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan, mà người chủ đặt cai-trị đầy-tớ mình, đặng cho đồ-ăn đúng giờ?” (Ma-thi-ơ 24:45) Trong câu này, “đầy-tớ” cung cấp thức ăn thiêng liêng là hội thánh gồm những tín đồ được xức dầu. Tại sao Chúa Giê-su gọi họ là đầy tớ khôn ngoan? *

Qua sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, chúng ta có thể hiểu rõ ngài muốn nói gì khi dùng từ “khôn-ngoan”. Chẳng hạn, khi nói về “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, Chúa Giê-su kể một dụ ngôn về mười người nữ đồng trinh đang chờ đợi chàng rể. Những trinh nữ này làm chúng ta nhớ đến sự kiện các tín đồ Đấng Christ được xức dầu vào trước năm 1914 trông đợi Chàng Rể Lớn, tức Chúa Giê-su. Trong số mười nữ đồng trinh, có năm người không đủ dầu khi chàng rể đến. Vì vậy, họ mất cơ hội dự tiệc cưới. Tuy nhiên, năm người kia đã chứng tỏ mình khôn ngoan. Vì có đủ dầu nên đèn họ vẫn sáng khi chàng rể đến và họ được mời vào tiệc cưới.—Ma-thi-ơ 25:10-12.

Khi Chúa Giê-su đến trong vương quyền Nước Trời vào năm 1914, nhiều tín đồ được xức dầu đã mong đợi được lên trời với Chúa Giê-su ngay lập tức. Tuy họ còn nhiều việc phải làm trên đất nhưng một số người đã không sẵn sàng. Như những người nữ đồng trinh thiếu khôn ngoan, số người này không trang bị sẵn cho mình một đức tin vững mạnh nên không thể tiếp tục làm những người mang sự sáng. Dù vậy, đa số những người xức dầu đã nhìn xa trông rộng, hành động một cách khôn ngoan và được vững mạnh về thiêng liêng. Khi biết mình có nhiều việc để làm, họ vui vẻ hoàn thành sứ mạng đó. Vì thế, họ chứng tỏ mình là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”.

Ngoài ra, chúng ta cũng hãy xem cách Chúa Giê-su dùng từ “khôn-ngoan” nơi Ma-thi-ơ 7:24. Ngài nói: “Kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn-ngoan cất nhà mình trên vầng đá”. Người khôn ngoan này xây nhà kiên cố phòng khi có bão. Trái lại, người dại dột xây nhà trên cát và nhà bị sập khi bão tố tới. Vì thế, môn đồ khôn ngoan của Chúa Giê-su là những người thấy trước hậu quả tai hại khi làm theo sự khôn ngoan của loài người. Nhờ nhận thức và phán đoán sáng suốt, đức tin, hành động và sự dạy dỗ của người khôn ngoan hẳn phải dựa trên những gì Chúa Giê-su dạy. “Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cũng hành động như thế.

Cũng hãy lưu ý đến cách dùng chữ “khôn-ngoan” trong nhiều bản Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Chẳng hạn, vua Pha-ra-ôn giao cho Giô-sép trách nhiệm trông coi việc quản lý thực phẩm. Đây cũng là sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va để cung cấp lương thực cho dân Ngài. Nhưng tại sao vua lại chọn Giô-sép? Pha-ra-ôn phán: “Không có ai khôn ngoan nhận thức bằng ngươi cả”. (Sáng-thế Ký 41:33-39, Bản Dịch Mới; 45:5) Tương tự thế, Kinh Thánh nói bà A-bi-ga-in là một người “thông-minh”. Bà cung cấp thực phẩm cho Đa-vít, người được Đức Giê-hô-va chọn làm vua, và quân lính của ông. (1 Sa-mu-ên 25:3, 11, 18) Có thể nói Giô-sép và A-bi-ga-in là những người khôn khéo vì họ nhận biết được ý muốn của Đức Chúa Trời, biết cách ứng xử nhờ có khả năng nhìn xa và phán đoán tốt.

Vì thế, khi Chúa Giê-su miêu tả đầy tớ trung tín là khôn ngoan, ngài muốn nói rằng những người đại diện cho lớp đầy tớ đó có khả năng nhìn xa, nhận biết và phán đoán tốt. Vì sao? Vì đức tin, hành động và sự dạy dỗ của họ dựa trên lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời.

[Chú thích]

^ đ. 3 Từ “khôn-ngoan” được dịch từ chữ Hy Lạp phroʹni·mos. Trong sách Word Studies in the New Testament, tác giả M. R. Vincent nói rằng từ này thường ám chỉ đến sự khôn ngoan một cách thực tế và thận trọng.