Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy dạy con cái yêu mến Đức Giê-hô-va

Hãy dạy con cái yêu mến Đức Giê-hô-va

Hãy dạy con cái yêu mến Đức Giê-hô-va

“Con trai sanh trong buổi đang-thì, khác nào mũi tên nơi tay dõng-sĩ”.​—THI-THIÊN 127:4.

1, 2. Con cái giống “mũi tên nơi tay dõng-sĩ” như thế nào?

MỘT người bắn cung chuẩn bị bắn mũi tên vào hồng tâm. Ông cẩn thận đặt mũi tên lên cung và giương tay kéo dây. Dù phải gắng sức giữ dây cung, nhưng ông vẫn cẩn thận và kiên nhẫn nhắm mũi tên cho trúng đích. Rồi ông buông tay! Mũi tên có trúng hồng tâm không? Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: khả năng của người bắn, chiều gió và mũi tên thẳng hay cong.

2 Vua Sa-lô-môn ví con cái như “mũi tên nơi tay dõng-sĩ”. (Thi-thiên 127:4) Hãy xem minh họa này được áp dụng như thế nào. Để bắn trúng đích, người bắn cung không thể giữ mãi mũi tên nhưng phải nhanh chóng buông tên ra. Tương tự thế, cha mẹ không thể giữ mãi con cái. Điều đó có nghĩa là họ chỉ có một số năm để giúp con vun trồng tình yêu thương sâu đậm đối với Đức Giê-hô-va. Sau một giai đoạn tưởng như vài năm, con cái sẽ trưởng thành và rời gia đình. (Ma-thi-ơ 19:5) Liệu cha mẹ có đạt được mục tiêu đó không? Khi rời gia đình, con cái họ có còn yêu mến và phụng sự Đức Giê-hô-va không? Điều này cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Trong số đó có ba yếu tố: khả năng của cha mẹ, môi trường dưỡng dục con cái, và cách con cái phản ứng trước sự dạy dỗ của cha mẹ. Hãy xem xét kỹ từng yếu tố. Trước hết, chúng ta cùng nhau xem xét những đặc điểm của bậc cha mẹ khôn khéo.

Nêu gương tốt

3. Tại sao lời nói của cha mẹ phải đi đôi với hành động?

3 Chúa Giê-su nêu gương cho các bậc cha mẹ trong việc hành động phù hợp với những điều ngài dạy. (Giăng 13:15) Trái lại, ngài lên án những người Pha-ri-si vì “họ nói mà không làm”. (Ma-thi-ơ 23:3) Để khuyến khích con cái yêu mến Đức Giê-hô-va, lời nói của cha mẹ phải đi đôi với hành động. Lời nói không có việc làm cũng vô hiệu như cung không có tên.—1 Giăng 3:18.

4. Cha mẹ nên tự hỏi điều gì, và tại sao?

4 Tại sao gương mẫu của cha mẹ là quan trọng? Như người lớn có thể học cách yêu mến Đức Giê-hô-va qua gương Chúa Giê-su, con cái cũng có thể học cách yêu mến Đức Giê-hô-va qua gương cha mẹ. Những người mà con bạn giao tiếp có thể giúp phát triển hoặc “làm hư thói-nết tốt” của chúng. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Trong suốt thuở thơ ấu, đặc biệt vào những năm đầu đời của con, cha mẹ là những người có ảnh hưởng lớn nhất đối với chúng. Vì thế, cha mẹ nên tự hỏi: ‘Trong số những người quen biết và gần gũi với con cái, tôi là người như thế nào? Gương của tôi có giúp con cái phát triển thói nết tốt không? Về phương diện quan trọng là cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh, tôi có nêu gương tốt cho con không?’

Cầu nguyện chung với con

5. Con cái học được gì từ lời cầu nguyện của cha mẹ?

5 Con cái có thể biết nhiều hơn về Đức Giê-hô-va khi nghe bạn cầu nguyện. Nếu nghe bạn cảm tạ Đức Giê-hô-va trước bữa ăn và cầu nguyện trước buổi học Kinh Thánh, chúng học được gì? Chúng có thể biết rằng Đức Giê-hô-va là Đấng chu cấp nhu cầu vật chất và nên cảm tạ Ngài. Ngoài ra, chúng cũng biết rằng Ngài dạy chúng ta các lẽ thật của Kinh Thánh. Những bài học ấy thật quý giá.—Gia-cơ 1:17.

6. Làm sao cha mẹ có thể giúp con cái biết Đức Giê-hô-va quan tâm đến cá nhân chúng?

6 Tuy nhiên, bạn sẽ đạt kết quả tốt hơn nếu cầu nguyện với gia đình vào những lúc ngoài bữa ăn và buổi học Kinh Thánh, cũng như thảo luận về những vấn đề cụ thể liên quan đến bạn và con cái. Ngoài ra, bạn còn giúp con cái hiểu rằng Đức Giê-hô-va hiện diện trong gia đình và Ngài thật sự quan tâm đến từng người. (Ê-phê-sô 6:18; 1 Phi-e-rơ 5:6, 7) Một người cha nói: “Từ khi con gái ra đời, vợ chồng tôi đã cầu nguyện với cháu. Khi cháu lớn lên, chúng tôi cùng cầu nguyện cho cháu có được những mối quan hệ lành mạnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng cùng cầu nguyện về những vấn đề ảnh hưởng đến cháu. Cho đến khi cháu lập gia đình, không ngày nào trôi qua mà gia đình tôi không cầu nguyện với nhau”. Như người cha được đề cập ở trên, bạn có thể cầu nguyện với con cái mỗi ngày không? Bạn có thể giúp chúng xem Đức Giê-hô-va là một người bạn tốt không? Chúng có xem Ngài là Đấng không những ban mọi điều cần thiết về phương diện thể chất lẫn thiêng liêng mà còn chăm lo về nhu cầu tình cảm của chúng không?—Phi-líp 4:6, 7.

7. Để cầu nguyện một cách cụ thể, cha mẹ cần biết những gì?

7 Dĩ nhiên, để cầu nguyện một cách cụ thể, bạn cần phải biết điều gì đang xảy ra trong đời sống của con mình. Hãy nghe kinh nghiệm của một người cha đã nuôi hai con khôn lớn: “Vào mỗi cuối tuần, tôi đều tự hỏi hai điều. Thứ nhất, trong tuần này con tôi quan tâm đến những gì? Thứ hai, chúng có chuyện gì vui không?” Hỡi các bậc cha mẹ, bạn có thể tự hỏi những câu như thế không? Khi cầu nguyện với con cái, bạn có đề cập đến những điều đó không? Nếu làm thế, không những bạn dạy con mình cầu nguyện với Đức Giê-hô-va là Đấng nghe lời cầu nguyện, mà còn dạy chúng yêu mến Ngài.—Thi-thiên 65:2.

Khuyến khích con cái có thói quen tốt

8. Tại sao cha mẹ phải giúp con cái có thói quen học hỏi Kinh Thánh?

8 Thái độ của cha mẹ đối với việc học hỏi Kinh Thánh ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ giữa con cái và Đức Chúa Trời? Để giữ mối quan hệ được bền vững và tốt đẹp hơn, không những người ta phải trò chuyện mà còn phải lắng nghe nhau. Một cách để chúng ta lắng nghe Đức Giê-hô-va là học hỏi Kinh Thánh qua các ấn phẩm do lớp “đầy-tớ trung-tín” cung cấp. (Ma-thi-ơ 24:45-47; Châm-ngôn 4:1, 2) Vì thế, để giúp con cái có được mối quan hệ mật thiết và lâu dài với Đức Giê-hô-va, điều cần thiết là các bậc cha mẹ phải khuyến khích con cái có thói quen học hỏi Kinh Thánh.

9. Làm thế nào con cái có được thói quen tốt trong việc học hỏi Kinh Thánh?

9 Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con cái có thói quen tốt trong việc học hỏi? Cách tốt nhất là qua gương của cha mẹ. Chúng có thấy bạn thích đọc hoặc học hỏi Kinh Thánh không? Đành rằng bạn bận rộn lo cho con cái, và có lẽ bạn cũng thắc mắc không biết tìm đâu ra thời giờ để học hỏi và đọc các ấn phẩm. Tuy nhiên, hãy tự hỏi: ‘Các con có thường thấy tôi xem truyền hình không?’ Nếu vậy, bạn có thể bớt thời giờ xem truyền hình để học hỏi và làm gương cho các con không?

10, 11. Tại sao cha mẹ nên đều đặn học hỏi Kinh Thánh với cả gia đình?

10 Một cách thực tiễn khác để cha mẹ có thể dạy con cái nghe lời Đức Giê-hô-va là đều đặn học Kinh Thánh với cả gia đình. (Ê-sai 30:21) Tuy nhiên, một số người có lẽ thắc mắc: ‘Nếu được cha mẹ đều đặn dẫn đi nhóm họp thì tại sao con cái lại phải học Kinh Thánh chung với gia đình?’ Có nhiều lý do chính đáng để giải đáp câu hỏi này. Thứ nhất, Đức Giê-hô-va giao cho cha mẹ trách nhiệm dạy dỗ con cái. (Châm-ngôn 1:8; Ê-phê-sô 6:4) Thứ hai, việc học hỏi Kinh Thánh gia đình còn giúp con hiểu rằng sự thờ phượng không phải là một nghi lễ chỉ được tổ chức nơi công cộng, nhưng là một phần trong sinh hoạt riêng của gia đình.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9.

11 Hơn nữa, nếu khéo léo điều khiển cuộc học hỏi gia đình, cha mẹ có thể biết lối suy nghĩ của con cái về những vấn đề thiêng liêng và đạo đức. Chẳng hạn, khi con còn nhỏ, cha mẹ có thể dùng những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh như sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại. * Hầu hết mỗi đoạn trong sách đều có những câu hỏi để con cái nói lên quan điểm của chúng về đề tài đang thảo luận. Bằng cách lý luận dựa trên những câu Kinh Thánh ghi trong sách, cha mẹ có thể giúp con cái phát triển khả năng nhận thức để “phân-biệt điều lành và dữ”.—Hê-bơ-rơ 5:14.

12. (a) Cha mẹ có thể điều chỉnh cách hướng dẫn buổi học như thế nào để phù hợp với nhu cầu của con cái? (b) Bạn có cách hữu hiệu nào không?

12 Khi con lớn lên, cha mẹ cần điều chỉnh cách hướng dẫn buổi học sao cho phù hợp với nhu cầu của con. Hãy xem cách một cặp vợ chồng giúp các con gái ở tuổi thiếu niên biết lý luận khi chúng xin phép đi khiêu vũ ở trường. Người cha kể lại: “Chúng tôi cho các cháu biết là trong một phần của buổi học tới, vợ chồng tôi sẽ đóng vai con, còn chúng đóng vai cha mẹ. Đứa nào muốn đóng vai cha hay mẹ cũng được, với điều kiện là chúng phải hợp tác với nhau để nghiên cứu về đề tài đó và đưa ra lời khuyên về việc khiêu vũ ở trường”. Kết quả thế nào? Anh nói tiếp: “Chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy các cháu thể hiện tinh thần trách nhiệm (trong vai trò làm cha mẹ). Chúng đưa ra những lý do dựa trên Kinh Thánh để giải thích cho chúng tôi (trong vai trò làm con cái) biết tại sao đi khiêu vũ là thiếu khôn ngoan. Các cháu còn làm chúng tôi ấn tượng hơn khi đề nghị những trò giải trí rất phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh. Nhờ vậy, chúng tôi hiểu được lối suy nghĩ cũng như mơ ước của các con. Đây là điều vô cùng quý báu đối với chúng tôi”. Đành rằng cha mẹ cần phải kiên nhẫn và có sáng kiến để giữ cho cuộc học Kinh Thánh trong gia đình được đều đặn và phù hợp với nhu cầu của con cái, nhưng nỗ lực ấy thật đáng công.—Châm-ngôn 23:15.

Tạo bầu không khí ấm cúng

13, 14. (a) Các bậc cha mẹ có thể tạo bầu không khí ấm cúng trong gia đình như thế nào? (b) Khi cha mẹ thừa nhận lỗi lầm, kết quả là gì?

13 Nếu người bắn cung nhắm và bắn mũi tên nơi lặng gió, rất có thể mũi tên sẽ trúng mục tiêu. Tương tự thế, nếu cha mẹ tạo bầu không khí ấm cúng trong gia đình, rất có thể con cái sẽ biết yêu mến Đức Giê-hô-va. Môn đồ Gia-cơ viết: “Bông-trái của điều công-bình thì gieo trong sự hòa-bình, cho những kẻ nào làm sự hòa-bình vậy”. (Gia-cơ 3:18) Làm sao cha mẹ có thể tạo bầu không khí ấm cúng trong gia đình? Vợ chồng cần phải giữ tình nghĩa cho mặn nồng. Những cặp vợ chồng biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau thường thành công hơn trong việc dạy con cái yêu mến, tôn trọng Đức Giê-hô-va và người khác. (Ga-la-ti 6:7; Ê-phê-sô 5:33) Gia đình nào biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau thì sẽ có sự hòa thuận. Cặp vợ chồng nào sống hòa thuận thì có thể đối phó dễ dàng với những xung đột trong gia đình.

14 Dĩ nhiên không có cặp vợ chồng nào hoàn hảo, nên hiện nay cũng không có gia đình nào hoàn hảo. Khi đối xử với con cái, có những lúc cha mẹ không thể hiện bông trái thánh linh. (Ga-la-ti 5:22) Trong trường hợp đó, cha mẹ nên làm gì? Nếu thừa nhận mình có lỗi, phải chăng điều đó sẽ làm giảm đi lòng tôn trọng của con cái dành cho họ? Hãy xem gương của sứ đồ Phao-lô. Ông được xem như là cha thiêng liêng của nhiều người. (1 Cô-rinh-tô 4:15) Tuy nhiên, ông công khai thừa nhận lỗi lầm. (Rô-ma 7:21-25) Dù thế, sự khiêm nhường và thành thật của Phao-lô đã không làm giảm đi lòng tôn trọng của người khác dành cho ông. Ngược lại, họ còn tôn trọng ông hơn. Dù có những lúc thiếu sót, Phao-lô có thể tự tin viết cho hội thánh ở thành Cô-rinh-tô: “Hãy bắt-chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt-chước Đấng Christ vậy”. (1 Cô-rinh-tô 11:1) Nếu thừa nhận lỗi lầm, con cái có thể sẽ không để tâm đến những lỗi lầm đó.

15, 16. Tại sao cha mẹ nên dạy con cái yêu mến các anh chị trong hội thánh, và dạy như thế nào?

15 Cha mẹ có thể làm gì để tạo môi trường giúp con cái ngày càng yêu mến Đức Giê-hô-va? Sứ đồ Giăng viết: “Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được”. (1 Giăng 4:20, 21) Vì vậy, khi dạy con cái yêu thương các anh chị đồng đạo, điều đó có nghĩa là bạn đang dạy con yêu mến Đức Chúa Trời. Do đó, cha mẹ nên tự hỏi: ‘Khi nói chuyện về hội thánh, cách nói của tôi thường mang tính khích lệ hay chỉ trích?’ Làm sao bạn biết được? Hãy lắng nghe cách con cái nói về các buổi họp và anh chị trong hội thánh. Khi ấy, bạn có thể nhận ra tư tưởng của mình vì những điều chúng nói phản ánh tư tưởng của bạn.

16 Cha mẹ có thể làm gì để giúp con cái yêu mến các anh chị trong hội thánh? Anh Peter có hai người con trai ở tuổi thiếu niên nói như sau: “Từ lúc các cháu còn nhỏ, chúng tôi rất thích và thường xuyên mời các anh chị thành thục về thiêng liêng đến nhà dùng bữa và trò chuyện với gia đình. Các con tôi lớn lên bên cạnh những người yêu mến Đức Giê-hô-va. Giờ đây, chúng nhận thấy việc phụng sự Ngài mang lại nhiều niềm vui”. Một anh có năm người con gái, tên là Dennis phát biểu như sau: “Chúng tôi khuyến khích các con kết bạn với những anh chị tiên phong lớn tuổi trong hội thánh, và bày tỏ lòng hiếu khách với các anh giám thị vòng quanh và vợ của họ mỗi khi có dịp”. Cũng vậy, bạn có thể giúp con cái xem hội thánh là một đại gia đình không?—Mác 10:29, 30.

Bổn phận của con cái

17. Con cái phải tự quyết định điều gì?

17 Hãy trở lại minh họa về người bắn cung. Dù tài giỏi, người ấy khó có thể bắn trúng đích nếu mũi tên bị cong. Theo nghĩa bóng, cha mẹ sẽ cố gắng uốn lại mũi tên cong bằng cách điều chỉnh lại lối suy nghĩ sai lầm của con cái. Tuy nhiên, con cái chính là người phải tự quyết định để thế gian lôi kéo hay để Đức Giê-hô-va uốn nắn, tức “chỉ-dẫn các nẻo” của chúng.—Châm-ngôn 3:5, 6; Rô-ma 12:2.

18. Sự lựa chọn của con cái tác động thế nào đến Đức Giê-hô-va và người khác?

18 Dù cha mẹ có trọng trách nuôi dạy con cái theo “sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa”, nhưng quyền quyết định trở thành người như thế nào là tùy thuộc nơi con cái. (Ê-phê-sô 6:4) Vậy, các em hãy tự hỏi: ‘Tôi có chấp nhận sự dạy dỗ đầy yêu thương của cha mẹ không?’ Nếu có, các em đã chọn lối sống tốt nhất và làm cha mẹ vui lòng. Điều quan trọng hơn hết là các em làm hài lòng Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 27:11.

[Chú thích]

^ đ. 11 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn có nhớ không?

• Về việc cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh, cha mẹ có thể nêu gương như thế nào?

• Làm thế nào cha mẹ có thể tạo bầu không khí ấm cúng trong gia đình?

• Con cái đứng trước sự lựa chọn nào, và sự lựa chọn đó tác động thế nào đến Đức Giê-hô-va và người khác?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 28]

Bạn có nêu gương cho con trong việc học hỏi cá nhân không?

[Hình nơi trang 29]

Bầu không khí ấm cúng góp phần mang lại hạnh phúc cho gia đình