Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lời khen rất quan trọng!

Lời khen rất quan trọng!

Lời khen rất quan trọng!

CÓ AI từng than phiền với bạn vì không được chủ khen không? Bạn có bao giờ than phiền như vậy chưa? Nếu là người trẻ, bạn có than phiền như thế về cha mẹ hoặc thầy cô không?

Có thể những lời than phiền trên là chính đáng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia người Đức về lĩnh vực khích lệ tinh thần, điều khiến nhân viên than phiền không phải vì không được khen, nhưng vì không được chủ quan tâm. Dù sao đi nữa, chắc chắn có nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là thiếu lời khen và lòng quan tâm, hai yếu tố rất quan trọng để giúp chúng ta có được mối quan hệ tốt với người khác.

Điều này cũng áp dụng trong việc thờ phượng. Hội thánh tín đồ Đấng Christ là nơi có bầu không khí ấm cúng, nơi các thành viên sẵn lòng khen và quan tâm lẫn nhau. Mọi người trong hội thánh đều cảm nhận và duy trì được tinh thần này bằng cách làm theo lời khuyên của Kinh Thánh. Tuy nhiên, dù đã bày tỏ tình yêu thương, nhưng họ vẫn có thể làm hơn thế nữa. Dựa trên những điều vừa bàn luận, giờ đây chúng ta hãy xem xét ba gương mẫu xuất sắc về phương diện khen người khác: một người phụng sự Đức Chúa Trời sống trước thời Đấng Christ tên là Ê-li-hu, sứ đồ Phao-lô và Chúa Giê-su.

Lời khuyên nhã nhặn với thái độ tôn trọng

Ê-li-hu dường như là một người bà con xa của Áp-ra-ham. Ông đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp Gióp có quan điểm đúng về mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Ê-li-hu là người nhã nhặn và có thái độ tôn trọng người khác. Ông kiên nhẫn lắng nghe rồi mới phát biểu ý kiến. Trong khi những người bạn giả hình chỉ biết bắt lỗi, thì Ê-li-hu không những khuyên bảo mà còn sẵn sàng khen Gióp đã đi theo đường lối ngay thẳng. Ê-li-hu nhiệt tình làm thế và bày tỏ lòng quan tâm đến Gióp như một người bạn qua việc dùng tên Gióp, là điều mà những người khác không làm. Ông lịch sự yêu cầu: “Hỡi Gióp, xin hãy nghe diễn-thuyết tôi. Khá lắng tai nghe các lời nói tôi”. Ông đặt mình vào hoàn cảnh của Gióp và nói với thái độ tôn trọng: “Hãy xem, đối cùng Đức Chúa Trời tôi với ông có khác chi, tôi cũng bởi đất bùn mà ra”. Rồi ông khen Gióp: “Nếu ông có điều gì muốn nói, hãy đáp lại tôi; khá nói, vì tôi muốn xưng ông là công-bình”.—Gióp 33:1, 6, 32.

Khen người khác có nghĩa là chúng ta phải tôn trọng và đối xử nhã nhặn. Khi cư xử như thế, thật ra là chúng ta đang nói với người đối thoại: ‘Tôi rất quý bạn’. Đó là cách chúng ta bày tỏ lòng nhiệt thành và quan tâm đến người ấy.

Cư xử lịch sự và nhã nhặn không chỉ có nghĩa là xã giao. Để động đến lòng người khác, cách cư xử như thế phải xuất phát từ đáy lòng, đồng thời cũng phải thể hiện lòng quan tâm và yêu thương chân thật.

Khéo léo khi khen người khác

Sứ đồ Phao-lô cho biết hiệu quả của lời khen khéo léo. Chẳng hạn, vào chuyến hành trình truyền giáo lần thứ hai, trong khi rao giảng ở thành A-thên, ông phải bênh vực giáo lý của đạo Đấng Christ trước một số triết gia Hy Lạp. Hãy xem ông khéo léo đối phó như thế nào trước tình huống khó khăn này. “Có mấy nhà triết-học về phái Epicuriens và phái Stociens cũng cãi lẽ với người. Kẻ thì hỏi: Người già mép nầy muốn nói gì đó? Người thì nói: Người dường như giảng về các thần ngoại-quốc”. (Công-vụ 17:18) Dù bị chê bai như thế, Phao-lô vẫn điềm tĩnh đáp: “Hỡi người A-thên, phàm việc gì ta cũng thấy các ngươi sốt-sắng quá chừng”. Thay vì lên án họ về tội thờ hình tượng, ông đã khen họ có lòng sốt sắng.—Công-vụ 17:22.

Phải chăng Phao-lô là người giả dối? Không phải thế. Ông biết rõ nhiệm vụ của mình không phải là xét đoán người khác và cũng ý thức rằng trước kia mình không biết lẽ thật. Nhiệm vụ của ông là loan báo về thông điệp Nước Trời, chứ không phải xét đoán người khác. Qua kinh nghiệm bản thân, ông nhận thấy điều mà Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay cũng cảm nhận được: Một số người trước kia thành tâm ủng hộ tôn giáo sai lầm nhưng sau này đã trở thành những người nhiệt thành ủng hộ tôn giáo thật.

Cách xử sự của Phao-lô rất hữu hiệu và mang lại nhiều kết quả. Kinh Thánh cho biết: “Có mấy kẻ theo người và tin; trong số đó, có Đê-ni, là một quan tòa nơi A-rê-ô-ba, và một người đàn-bà tên là Đa-ma-ri, cùng các người khác”. (Công-vụ 17:34) Thay vì chỉ trích những người ở thành A-thên thiếu sự hiểu biết chính xác, Phao-lô đã khen họ có lòng sốt sắng với đạo, dù niềm tin đó là sai lầm. Ông đã xử sự khôn ngoan biết bao! Thật thế, nhiều người có lòng thành nhưng bị lầm đường lạc lối vì không có sự hiểu biết chính xác.

Khi bị giải đến trước vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba II và bênh vực niềm tin của mình, Phao-lô đã xử sự rất khéo léo. Mọi người đều biết về mối quan hệ giữa vua Hê-rốt và em gái là Bê-rê-nít. Đó là tội loạn luân, điều mà Kinh Thánh lên án. Tuy nhiên, Phao-lô không hề nhắc đến điều đó. Thay vì thế, ông tìm một lý do chính đáng để khen vua Hê-rốt. Ông nói: “Tâu vua Ạc-ríp-ba, tôi lấy làm may mà hôm nay được gỡ mình tôi trước mặt vua về mọi điều người Giu-đa kiện tôi, nhứt là vì vua đã rõ mọi thói-tục người Giu-đa, và cũng biết sự cãi-lẫy của họ”.—Công-vụ 26:1-3.

Thật khôn ngoan biết bao khi chúng ta xử sự khéo léo như thế! Khi khen người hàng xóm, bạn cùng trường hoặc đồng nghiệp, chúng ta có thể tạo mối quan hệ tốt và thúc đẩy họ cư xử tử tế. Chúng ta có thể động đến lòng người khác bằng lời khen thành thật. Đôi khi cách này có thể giúp những người có lòng thành từ bỏ những lý luận và hành động sai lầm để làm theo sự hiểu biết chính xác.

Chúa Giê-su nêu gương hoàn hảo khi khen người khác

Chúa Giê-su luôn khen người khác. Chẳng hạn, sau khi được sống lại và trở về trời, theo chỉ thị của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su đã khen trong bảy hội thánh ở Tiểu Á. Ngài luôn để ý và khen những người xứng đáng. Chẳng hạn, đối với các hội thánh tại Ê-phê-sô, Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ, ngài dùng sứ đồ Giăng để viết những lời như: “Ta biết công-việc ngươi, sự khó-nhọc ngươi, sự nhịn-nhục ngươi; ta biết ngươi không thể dung được những kẻ ác”, “ngươi đã vững lòng tôn danh ta, không chối đạo ta” và “ta biết công-việc ngươi, lòng thương-yêu ngươi, đức-tin ngươi, sự hầu việc trung-tín ngươi, lòng nhịn-nhục ngươi, và công-việc sau-rốt ngươi còn nhiều hơn công-việc ban đầu nữa”. Còn đối với hội thánh ở Sạt-đe, dù cần được khuyên răn một cách nghiêm khắc, nhưng Chúa Giê-su vẫn để ý đến những người đáng được khen. Ngài nói: “Ở Sạt-đe, ngươi còn có mấy người chưa làm ô-uế áo-xống mình: Những kẻ đó sẽ mặc áo trắng mà đi cùng ta, vì họ xứng-đáng như vậy”. (Khải-huyền 2:2, 13, 19; 3:4) Ngài đã để lại một gương thật xuất sắc!

Chúng ta nên noi gương Chúa Giê-su không lên án cả nhóm chỉ vì lỗi của vài người. Hơn nữa, khi khuyên bảo người khác, lời khuyên của chúng ta cũng nên đi đôi với lời khen. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng nếu chỉ khen khi cho lời khuyên, thì lời khen như thế đôi khi trở nên vô nghĩa. Vì vậy, hãy khen mỗi khi có cơ hội! Nếu làm thế, khi chúng ta khuyên bảo thì người nghe sẽ dễ chấp nhận hơn.

Những trưởng lão có lời khen thích hợp

Cornelia là một nữ tín đồ hiện đang phụng sự tại chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở châu Âu. Chị nhớ lại thời kỳ đầu thập niên 1970, một anh giám thị lưu động đến thăm đã hỏi chị về việc học hỏi cá nhân và đọc tạp chí. Chị kể: “Tôi cảm thấy hơi xấu hổ”. Tuy nhiên, chị thừa nhận là đã không đọc hết tất cả các bài trong tạp chí. Chị nói thêm: “Thay vì chỉ trích, anh khen tôi đã cố gắng đọc nhiều bài. Lời khen của anh làm tôi cảm thấy được khích lệ rất nhiều. Từ đó trở đi, tôi quyết tâm đọc hết các bài trong tạp chí”.

Anh Ray, một người đang phụng sự tại chi nhánh ở châu Âu, còn nhớ ngày đầu làm tiên phong. Hôm đó, khi vừa bước vào Phòng Nước Trời, anh giám thị chủ tọa hội thánh liền đến gặp anh và hỏi: “Ngày đầu làm tiên phong, em cảm thấy thế nào?” Anh Ray vô cùng cảm kích vì biết anh giám thị là một doanh nhân, có nhiều trách nhiệm trong gia đình lẫn hội thánh mà vẫn quan tâm đến anh. Gần 60 năm trôi qua, giờ đây anh Ray vẫn còn nhớ anh giám thị ấy vì lòng quan tâm thành thật của anh.

Qua hai trường hợp trên, chúng ta nhận thấy rằng chỉ có lời khen chân thật và đầy yêu thương mới đem lại kết quả tốt đẹp, chứ không phải những lời sáo rỗng hoặc những lời khen giả tạo. Trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, chúng ta có rất nhiều lý do để khen anh em đồng đạo. Thí dụ, chúng ta có thể khen họ vì những lý do như: sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va, chuẩn bị kỹ lời bình luận, kiềm chế được tâm trạng lo sợ khi lên bục trình bày bài giảng, tham gia trình diễn hoặc phỏng vấn, sốt sắng rao giảng và điều khiển học hỏi Kinh Thánh, nỗ lực đặt quyền lợi Nước Trời và mục tiêu thiêng liêng lên hàng đầu. Khi khen người khác, chúng ta được lợi ích rất nhiều. Điều này làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc và giúp chúng ta có quan điểm tích cực.—Công-vụ 20:35.

Điều thích hợp là các trưởng lão khen anh chị trong hội thánh vì họ tận tụy phụng sự Đức Chúa Trời. Khi cần khuyên bảo, các anh làm thế bằng tình yêu thương. Trái lại, họ tránh khuynh hướng đòi hỏi người khác lúc nào cũng phải hoàn hảo, hoặc xem bất cứ thiếu sót nào cũng là lỗi nghiêm trọng.

Các trưởng lão sẽ là nguồn khích lệ cho anh em khi noi gương Ê-li-hu trong việc biểu lộ tình yêu thương và lòng tôn trọng, noi gương sứ đồ Phao-lô về cách khéo léo khen người khác, và noi gương Chúa Giê-su trong việc bày tỏ lòng quan tâm. Lời khen sẽ là động lực thúc đẩy người khác phát huy điểm tốt và tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa đôi bên. Vào lúc làm báp têm, hẳn Chúa Giê-su vui biết bao khi nghe tiếng Cha ngài khen: “Ngươi là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường”. (Mác 1:11) Mong sao chúng ta luôn làm các anh chị cảm thấy vui vẻ và hăng hái qua những lời khen thành thật, đầy ý nghĩa.

[Các hình nơi trang 15]

Sứ đồ Phao-lô đạt được kết quả tốt nhờ khéo léo khen người khác, và chúng ta cũng được như thế nếu noi gương ông

[Hình nơi trang 16]

Lời khen chân thành và nhiệt tình mang lại kết quả tốt đẹp