Giô-na-than—‘Người chiến thắng vì ở cùng Đức Chúa Trời’
Giô-na-than—‘Người chiến thắng vì ở cùng Đức Chúa Trời’
ÔNG là con trai của vị vua đầu tiên nước Y-sơ-ra-ên. Ông tìm đến gặp một người đang lẩn trốn, và nói những lời thật khích lệ: “Chớ sợ chi, vì tay của Sau-lơ, cha tôi, sẽ chẳng đụng đến anh đâu. Anh sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên, còn tôi sẽ làm tể-tướng anh”.—1 Sa-mu-ên 23:17.
Người đàn ông đó chính là Giô-na-than, còn người đang lẩn trốn là Đa-vít. Nếu Giô-na-than không tử trận ít lâu sau đó thì có lẽ ông đã trở thành cánh tay mặt của Đa-vít.
Giô-na-than và Đa-vít có một tình bạn vô cùng mật thiết, vì Giô-na-than là một người đáng quý. Những người sống cùng thời cũng có nhận xét như thế về ông, họ gọi ông là ‘người chiến thắng vì ở cùng Đức Chúa Trời’. (1 Sa-mu-ên 14:45) Tại sao họ nói vậy? Giô-na-than có những đức tính nào? Chúng ta nhận được lợi ích gì khi suy ngẫm về cuộc đời của ông?
Dân Y-sơ-ra-ên trong tình thế nguy cấp
Lần đầu tiên Kinh Thánh đề cập đến Giô-na-than là vào lúc dân Y-sơ-ra-ên đang trong tình thế nguy cấp. Dân Phi-li-tin đã cướp phá xứ sở họ và ngăn chặn họ làm vũ khí để tự vệ.—1 Sa-mu-ên 13:5, 6, 17-19.
Thế nhưng Đức Giê-hô-va đã phán rằng Ngài sẽ không bỏ dân Ngài, và Giô-na-than tin chắc điều đó. Đức Chúa Trời đã cho biết rằng chính cha của ông, Sau-lơ, ‘sẽ giải-cứu dân Ngài khỏi tay dân Phi-li-tin’. Giô-na-than tin lời đó. Chính ông cùng đạo quân 1.000 người với vũ khí thô sơ vừa mới chiến thắng dân Phi-li-tin. Giờ đây, ông muốn dẹp tan mối đe dọa này.—1 Sa-mu-ên 9:16; 12:22; 13:2, 3, 22.
Cuộc đột kích táo bạo
Mục tiêu tấn công của Giô-na-than là đồn quân Phi-li-tin ở gần đèo Mích-ma. (1 Sa-mu-ên 13:23) Ông không chùn bước dù phải “dùng tay và chân” vượt đèo. Giô-na-than quyết định chỉ hai người, ông và người cầm binh khí của ông, sẽ tấn công vào đồn quân địch. Ông nói với người đó: “Hoặc-giả Đức Giê-hô-va sẽ hành-sự vì chúng ta chăng; vì Đức Giê-hô-va khiến cho số ít người được thắng cũng như số đông người vậy”.—1 Sa-mu-ên 14:6, 13.
Giô-na-than và người cầm binh khí của ông xin Đức Giê-hô-va cho một dấu hiệu. Họ sẽ lộ diện trước đồn quân Phi-li-tin. Nếu quân Phi-li-tin nói: “Hãy đợi chúng ta đến cùng các ngươi”, hai người sẽ không tiến đến đồn. Còn nếu quân Phi-li-tin nói rằng: “Hãy lên đến chúng ta”, thì điều đó có nghĩa là Đức Giê-hô-va sẽ cho hai người chiến thắng. Một khi Giô-na-than biết chắc là được Đức Chúa Trời ủng hộ, ông sẽ tiến đến đồn để chiến đấu.—1 Sa-mu-ên 14:8-10.
Làm sao hai người có thể đánh lại quân lính của cả đồn? Chẳng phải Đức Giê-hô-va đã giúp quan xét Ê-hút khi ông dẫn đầu quân Y-sơ-ra-ên đánh lại đội quân Mô-áp sao? Đức Chúa Trời đã chẳng ở cùng Sam-ga, giúp ông giết 600 quân Phi-li-tin chỉ với một cây đót bò hay sao? Và chẳng phải Đức Giê-hô-va đã cho Sam-sôn sức mạnh giúp ông một mình đánh thắng quân Phi-li-tin? Giô-na-than tin tưởng Đức Chúa Trời cũng sẽ giúp ông.—Các Quan Xét 3:12-31; 15:6-8, 15; 16:29, 30.
Khi thấy Giô-na-than và người cầm binh khí của ông xuất hiện, quân Phi-li-tin hô to: “Hãy đi đến chúng ta, chúng ta có chuyện tỏ cùng hai ngươi”. Hai người tiến tới và can đảm tấn công. Họ hạ gục khoảng 20 quân thù, khiến cả đồn quân hoảng loạn. Quân Phi-li-tin có lẽ nghĩ rằng quân đội Y-sơ-ra-ên sẽ tràn đến theo sau hai người. Kinh Thánh tường thuật tiếp: “Sự hãi-hùng tràn ra trong trại-quân. . . đất bị rúng-động: ấy như một sự kinh-khiếp của Đức Chúa Trời”. Trận động đất của Đức Chúa 1 Sa-mu-ên 14:11-23, 31.
Trời khiến quân Phi-li-tin hỗn loạn và “rút gươm giết lẫn nhau”. Điều này làm vững lòng quân đội Y-sơ-ra-ên. Cả những người Y-sơ-ra-ên đang lẩn trốn trong núi và những người trước đây theo quân Phi-li-tin cũng hợp sức với quân Y-sơ-ra-ên để “đánh bại dân Phi-li-tin từ Mích-ma cho đến A-gia-lôn”.—“Dân-sự giải-cứu Giô-na-than”
Vua Sau-lơ ra lệnh cho quân lính không được ăn bất cứ vật gì cho đến khi chiến thắng quân thù, người nào ăn sẽ bị rủa sả. Đó là điều thiếu khôn ngoan. Vì một lý do nào đó, Giô-na-than không biết lệnh này nên ông đã dùng gậy lấy một ít mật ong để ăn. Có lẽ nhờ vậy mà ông được thêm sức để tiếp tục chiến đấu.—1 Sa-mu-ên 14:24-27.
Sau khi biết Giô-na-than đã làm trái mệnh lệnh của mình, Sau-lơ ra lệnh xử tử ông. Giô-na-than không sợ chết. Ông nói: “Nầy tôi đây phải chết”. Tuy nhiên, dân sự can ngăn vua: “Uả! Giô-na-than, là người đã làm cho Y-sơ-ra-ên được đại thắng dường kia, phải chết sao? Điều đó chẳng nên! Chúng tôi chỉ sanh-mạng của Đức Giê-hô-va mà thề rằng một sợi tóc trên đầu người sẽ chẳng rụng xuống đất; vì người ở cùng Đức Chúa Trời mà được thắng ngày nay. Như vậy, dân-sự giải-cứu Giô-na-than, và người khỏi bị xử-tử”.—1 Sa-mu-ên 14:38-45.
Tuy tôi tớ Đức Giê-hô-va ngày nay không phải chiến đấu theo nghĩa đen, nhưng có những lúc trong cuộc đời bạn cũng cần có đức tin và lòng can đảm. Chẳng hạn, bạn cần can đảm để làm điều phải khi những người xung quanh làm điều sai trái. Tuy nhiên, vì bạn mong muốn giữ tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va, Ngài chắc chắn sẽ thêm sức và ban phước cho bạn. Ngoài ra, bạn có thể cần phải can đảm để gánh vác một số công việc trong tổ chức của Đức Giê-hô-va, chẳng hạn như gia tăng thánh chức, nhận nhiệm vụ mới, hoặc dọn đến phục vụ ở những nơi cần nhiều người công bố Nước Trời hơn. Có lẽ bạn không biết chắc mình có làm được hay không. Tuy nhiên, hãy tin rằng bạn thật đáng khen khi tình nguyện phụng sự Đức Giê-hô-va trong bất kỳ công việc nào Ngài giao cho. Hãy nhớ đến Giô-na-than, ông đã thành công vì “ở cùng Đức Chúa Trời”!
Giô-na-than và Đa-vít
Khoảng 20 năm sau sự kiện nói trên, Đa-vít đã hạ gục dũng sĩ Gô-li-át của quân Phi-li-tin khi hắn sỉ nhục quân đội Y-sơ-ra-ên. Dù Giô-na-than lớn hơn Đa-vít gần 30 tuổi, nhưng hai người có nhiều điểm chung. * Đa-vít có lòng can đảm mà Giô-na-than từng thể hiện ở đèo Mích-ma. Tuy nhiên, điểm tương đồng nổi bật nhất của hai người là lòng tin tưởng nơi quyền lực giải cứu của Đức Giê-hô-va. Điều này đã giúp Đa-vít can đảm đương đầu với Gô-li-át trong khi tất cả những người Y-sơ-ra-ên khác lại sợ hãi. Vì vậy, “lòng của Giô-na-than khế-hiệp cùng lòng Đa-vít, đến đỗi Giô-na-than yêu-mến Đa-vít như mạng-sống mình”.—1 Sa-mu-ên 17:1–18:4.
Mặc dù Sau-lơ thù ghét Đa-vít vì Đa-vít tài giỏi, nhưng Giô-na-than không hề ganh tị với Đa-vít mà ngược lại, họ là đôi bạn tri kỷ. Vì thế,
rất có thể Đa-vít đã cho Giô-na-than biết mình được Đức Chúa Trời chọn làm vua kế vị của nước Y-sơ-ra-ên. Giô-na-than vâng phục ý muốn của Đức Giê-hô-va.Khi Vua Sau-lơ nói cùng con trai Giô-na-than và các tôi tớ mình về ý định giết Đa-vít, Giô-na-than đã báo cho Đa-vít. Giô-na-than cũng cố thuyết phục vua cha là không có lý do gì để sợ Đa-vít vì Đa-vít không làm gì phạm tội cùng vua cả! Chẳng phải Đa-vít đã can đảm liều mình đương đầu với Gô-li-át sao? Sau khi nghe Giô-na-than hết lòng bênh vực cho bạn mình, Vua Sau-lơ bỏ ý định giết Đa-vít. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, vua lại tìm cách giết Đa-vít, khiến Đa-vít phải chạy thoát thân.—1 Sa-mu-ên 19:1-18.
Giô-na-than tiếp tục đứng về phía Đa-vít. Hai người gặp nhau để bàn luận xem phải làm gì. Giô-na-than ủng hộ bạn nhưng cũng cố gắng trung thành với cha. Ông nói với Đa-vít: “Anh không chết đâu”. Tuy nhiên, Đa-vít đáp lại: “Chỉ còn một bước cách tôi và sự chết mà thôi”.—1 Sa-mu-ên 20:1-3.
Vì thế, Giô-na-than và Đa-vít nghĩ ra một cách khôn khéo để biết rõ ý định của Sau-lơ. Khi Sau-lơ để ý thấy Đa-vít không có mặt ở bàn ăn của vua, Giô-na-than sẽ nói với vua rằng Đa-vít đã xin về cùng gia đình dâng của-lễ. Nếu Sau-lơ nổi giận thì nghĩa là ông có ý định hại Đa-vít. Giô-na-than chúc phước cho Đa-vít và ngầm nhìn nhận rằng Đa-vít sẽ là vua tương lai khi nói: “Cầu-xin Đức Giê-hô-va ở cùng anh, như Ngài đã ở cùng cha tôi”. Hai người thề nguyện sẽ trung thành với nhau và nhất trí về cách Giô-na-than sẽ báo tin cho Đa-vít.—1 Sa-mu-ên 20:5-24.
Khi Sau-lơ thấy Đa-vít vắng mặt, Giô-na-than giải thích Đa-vít đã xin phép ông như sau: “Nếu tôi được ơn trước mặt người, xin cho phép tôi lập-tức đi. . . đặng thăm các anh tôi”. Giô-na-than không ngại nhìn nhận rằng Đa-vít được ơn trước mặt ông, và đã chấp thuận cho Đa-vít đi. Vua Sau-lơ vô cùng tức giận! Ông mắng nhiếc Giô-na-than và gọi Đa-vít là kẻ chiếm đoạt ngôi vua của Giô-na-than. Sau-lơ ra lệnh Giô-na-than phải bắt Đa-vít đem về để hành quyết. Giô-na-than phản bác: “Cớ sao giết nó đi? Nó có làm điều gì?” Trong cơn giận dữ, Sau-lơ phóng cây giáo vào con trai mình. Dù Giô-na-than tránh được và không bị thương nhưng lòng ông vô cùng đau xót cho Đa-vít.—1 Sa-mu-ên 20:25-34.
Lòng trung thành của Giô-na-than thật tuyệt vời! Người ta có thể nghĩ việc Giô-na-than kết bạn với Đa-vít lợi không bao nhiêu mà hại thì nhiều. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã chọn Đa-vít làm vua kế vị Sau-lơ, và ý định của Ngài là vì lợi ích của chính Giô-na-than cũng như nhiều người khác.
Giờ phút chia tay đau lòng
Giô-na-than bí mật gặp Đa-vít để báo tin. Đa-vít chắc hẳn sẽ không bao giờ vào cung vua được nữa. Hai người ôm chầm lấy nhau và khóc. Sau đó, Đa-vít chạy trốn.—1 Sa-mu-ên 20:35-43.
Giô-na-than chỉ gặp được Đa-vít thêm một lần nữa khi Đa-vít đang trốn “trong rừng của đồng vắng Xíp”. Đó là lúc Giô-na-than nói những lời khích lệ Đa-vít như sau: “Chớ sợ chi, vì tay của Sau-lơ, cha tôi, sẽ chẳng đụng đến anh đâu. Anh sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên, còn tôi sẽ làm tể-tướng anh; Sau-lơ, cha tôi, cũng biết rõ điều đó”. (1 Sa-mu-ên 23:15-18) Không lâu sau, Giô-na-than và Sau-lơ chết trong trận chiến với quân Phi-li-tin.—1 Sa-mu-ên 31:1-4.
Tất cả những ai yêu mến Đức Chúa Trời nên suy ngẫm về cuộc đời của Giô-na-than. Bạn có đang phân vân không biết phải trung thành với ai không? Nếu thế, hãy nhớ rằng Sau-lơ đã thúc giục Giô-na-than tìm lợi riêng cho mình. Tuy nhiên, Giô-na-than đã chọn tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng cách hết lòng vâng phục và kính sợ Ngài. Ông vui mừng vì người kế vị ngôi vua chính là người mà Đức Chúa Trời chọn. Thật vậy, Giô-na-than ủng hộ Đa-vít và trung thành với Đức Giê-hô-va.
Giô-na-than có nhiều đức tính thật đáng quý. Bạn hãy vun trồng những đức tính ấy theo gương ông! Khi làm thế, bạn cũng sẽ được gọi là ‘người chiến thắng vì ở cùng Đức Chúa Trời’.—1 Sa-mu-ên 14:45.
[Chú thích]
^ đ. 18 Lần đầu tiên Kinh Thánh đề cập đến Giô-na-than là vào giai đoạn đầu của 40 năm Sau-lơ trị vì. Kinh Thánh cho biết ông là một vị tướng của quân đội Y-sơ-ra-ên, nên khi ấy, Giô-na-than ít nhất đã 20 tuổi. (Dân-số Ký 1:3; 1 Sa-mu-ên 13:2) Như vậy, khi Giô-na-than tử trận vào khoảng năm 1078 TCN, ông đã gần 60 tuổi. Năm đó Đa-vít mới 30 tuổi. Vì thế, Giô-na-than hẳn phải lớn hơn Đa-vít gần 30 tuổi.—1 Sa-mu-ên 31:2; 2 Sa-mu-ên 5:4.
[Hình nơi trang 19]
Giô-na-than không ganh tị với Đa-vít