Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Ô-sê

Những điểm nổi bật trong sách Ô-sê

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Ô-sê

VÀO thời nhà tiên tri Ô-sê, vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái phía bắc hoàn toàn ngừng thờ phượng Đức Chúa Trời thật. Dưới triều Vua Giê-rô-bô-am II, đất nước Y-sơ-ra-ên được thịnh vượng, nhưng cảnh thịnh vượng này không kéo dài bao lâu. Sau khi ông băng hà, đất nước rơi vào tình trạng nhiễu nhương và bất ổn về chính trị. Trong sáu vị vua lần lượt lên ngôi sau đó, có bốn vị bị ám sát. (2 Các Vua 14:29; 15:8-30; 17:1-6) Sự nghiệp tiên tri của Ô-sê trải dài 59 năm, bắt đầu từ năm 804 TCN và kéo dài suốt thời kỳ nhiễu nhương này.

Hôn nhân của Ô-sê là hình ảnh sống động nói lên cảm xúc của Đức Giê-hô-va đối với dân Y-sơ-ra-ên bất trung. Thông điệp của Ô-sê phơi bày tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên và tiên tri về sự phán xét nghịch lại nước Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Ô-sê viết sách mang tên ông với những lời vừa nhẹ nhàng, tinh tế, vừa mạnh mẽ, sống động. Là một phần của Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn, thông điệp trong sách Ô-sê là lời sống và linh nghiệm.—Hê-bơ-rơ 4:12.

‘HÃY LẤY MỘT NGƯỜI VỢ GIAN DÂM’

(Ô-sê 1:1–3:5)

Đức Giê-hô-va bảo Ô-sê: “Hãy đi, lấy một người vợ gian dâm”. (Ô-sê 1:2) Ô-sê vâng lời và lấy Gô-me. Hai người có chung một con trai. Sau đó, Gô-me có thêm hai con, hình như là con ngoại hôn. Hai con đó được đặt tên là Lô-Ru-ha-ma và Lô-Am-mi. Ý nghĩa của hai tên ấy cho thấy Đức Giê-hô-va sẽ không thương xót, và Ngài sẽ từ bỏ dân bất trung của Ngài.

Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va thật sự cảm thấy thế nào về dân bất trung này? Ngài cho Ô-sê biết: “Hãy đi, lại yêu một người đàn-bà tà-dâm đã có bạn yêu mình, theo như Đức Giê-hô-va vẫn yêu con-cái Y-sơ-ra-ên, dầu chúng nó xây về các thần khác”.—Ô-sê 3:1.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:1—Tại sao Ô-sê nhắc đến cả bốn vị vua cai trị nước Giu-đa vào thời ông nói tiên tri, nhưng chỉ nhắc đến một vị vua của nước Y-sơ-ra-ên? Đó là vì chỉ có những vua dòng Đa-vít mới được xem là có quyền chính đáng cai trị dân của Đức Chúa Trời. Khác với các vị vua cai trị nước Giu-đa, các vị vua của nước Y-sơ-ra-ên ở phía bắc không thuộc dòng Đa-vít.

1:2-9—Ô-sê có thật sự lấy một người vợ gian dâm không? Có, ông đã thật sự cưới một người vợ sau này phạm tội ngoại tình. Nhà tiên tri không nói điều gì ngụ ý rằng hôn nhân của ông chỉ là một giấc chiêm bao hay một sự hiện thấy.

1:7—Đức Giê-hô-va đã thương xót và giải cứu nhà Giu-đa khi nào? Đó là vào năm 732 TCN, dưới triều Vua Ê-xê-chia. Ngài đã loại bỏ mối đe dọa từ nước A-si-ri bằng cách sai một thiên sứ hủy diệt 185.000 quân thù trong vòng một đêm. (2 Các Vua 19:34, 35) Như vậy, Ngài đã giải cứu Giu-đa không phải “bởi cung, hoặc bởi gươm, hoặc bởi chiến-trận, hoặc bởi ngựa, hoặc bởi người cưỡi ngựa”, nhưng qua một thiên sứ.

1:10, 11—Vì vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía bắc đã sụp đổ vào năm 740 TCN, làm sao con cái Y-sơ-ra-ên và con cái Giu-đa có thể “hiệp nhau lại” được? Nhiều người dân của nước Y-sơ-ra-ên ở phía bắc đã dọn đến nước Giu-đa trước khi dân nước này bị đày sang Ba-by-lôn vào năm 607 TCN. (2 Sử-ký 11:13-17; 30:6-12, 18-20, 25) Vì thế trong số những người phu tù trở về vào năm 537 TCN, có con cháu của những người dân thuộc vương quốc Y-sơ-ra-ên.—E-xơ-ra 2:70.

2:21-23—Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ gieo [Gít-rê-ên] cho ta trong đất, và sẽ làm sự thương-xót cho [nó]”. Lời này báo trước điều gì? “Gít-rê-ên” là tên con đầu lòng của Ô-sê và Gô-me, và có nghĩa là “Đức Chúa Trời sẽ gieo giống”. (Ô-sê 1:2-4) Tên này mang ý nghĩa tiên tri về việc Đức Giê-hô-va sẽ thâu nhóm những người trung thành còn sót lại vào năm 537 TCN và gieo họ như thể gieo hạt giống trong đất Giu-đa. Đất bị hoang vu trong suốt 70 năm sẽ trở nên màu mỡ với lúa mì, rượu mới và dầu. Lời tiên tri dùng hình ảnh bóng bẩy của lúa mì, rượu mới và dầu đang cầu xin sự màu mỡ từ đất. Đất thì xin những giọt mưa từ trời. Cuối cùng các từng trời cầu xin Đức Chúa Trời kéo mây đến. Tất cả điều này đều nhằm chăm sóc chu đáo cho nhóm người trở về. Sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ cho biết câu Ô-sê 2:23 cũng ứng nghiệm cho việc thu nhóm những người còn sót lại của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng.—Rô-ma 9:25, 26; 1 Phi-e-rơ 2:10.

Bài học cho chúng ta:

1:2-9; 3:1, 2Hãy nghĩ đến tinh thần hy sinh của Ô-sê. Theo ý Đức Chúa Trời, ông phải tiếp tục sống chung với một người vợ ngoại tình! Còn chúng ta thì sao? Chúng ta sẵn sàng bỏ qua một bên quyền lợi của mình để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời đến mức nào?

1:6-9. Đức Giê-hô-va ghét tinh thần không chung thủy trong hôn nhân cũng như tinh thần bất trung trong sự thờ phượng.

1:7, 10, 11; 2:14-23. Những gì Đức Giê-hô-va báo trước về Y-sơ-ra-ên và Giu-đa đều được ứng nghiệm. Ngài luôn thực hiện lời Ngài.

2:16, 19, 21-23; 3:1-4. Đức Giê-hô-va luôn sẵn sàng tha thứ những ai thật lòng ăn năn. (Nê-hê-mi 9:17) Noi gương Ngài, chúng ta nên đối xử với người khác với lòng trắc ẩn và khoan dung.

“ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CÓ SỰ KIỆN-CÁO VỚI DÂN ĐẤT NẦY”

(Ô-sê 4:1–13:16)

“Đức Giê-hô-va có sự kiện-cáo với dân đất nầy [nước Y-sơ-ra-ên]”. Tại sao? “Bởi trong đất nầy chẳng có lẽ thật, chẳng có nhân-từ, cũng chẳng có sự nhìn-biết Đức Chúa Trời”. (Ô-sê 4:1) Dân Y-sơ-ra-ên bội đạo phạm tội lừa đảo, giết người và ngoại tình. Họ cũng “ngoại tình” theo nghĩa là bất trung với Đức Chúa Trời. Thay vì nương cậy nơi Ngài, “chúng nó kêu Ê-díp-tô, đi đến cùng A-si-ri”.—Ô-sê 7:11.

Vì thế, Đức Giê-hô-va phán xét họ, Ngài nói: “Y-sơ-ra-ên đã bị nuốt”. (Ô-sê 8:8) Vương quốc Giu-đa cũng có tội, nên Ô-sê 12:3 nói: “Đức Giê-hô-va cũng có sự kiện-cáo với Giu-đa, và Ngài sẽ phạt Gia-cốp theo đường-lối nó; Ngài sẽ báo-trả nó theo việc nó làm”. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va hứa dân Ngài chắc chắn sẽ được trở về quê hương: “Ta sẽ cứu chúng nó khỏi quyền-lực của Âm-phủ, và chuộc chúng nó ra khỏi sự chết”.—Ô-sê 13:14.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

6:1-3—Ai đã nói câu: “Hãy đến, chúng ta hãy trở về cùng Đức Giê-hô-va”? Có lẽ đây là lời của những người Y-sơ-ra-ên bất trung thuộc vương quốc mười chi phái đang khuyến khích nhau trở lại cùng Đức Giê-hô-va. Nếu vậy, họ chỉ giả vờ ăn năn. Lòng trung thành của họ “như mây buổi sáng, như móc tan ra vừa lúc sớm mai”. (Ô-sê 6:4) Đây cũng có thể là lời của nhà tiên tri Ô-sê đang khuyến giục dân sự trở lại cùng Đức Giê-hô-va. Dù sao đi nữa, dân Y-sơ-ra-ên ương ngạnh cần thật lòng ăn năn và quay về với Đức Giê-hô-va.

7:4—Dân Y-sơ-ra-ên bất trung như ‘lò nướng đốt nóng’. Hình ảnh này nói lên điều gì? Hình ảnh này cho thấy ham muốn xấu xa trong lòng họ rất mãnh liệt.

Bài học cho chúng ta:

4:1, 6Muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy tiếp tục học về Ngài và áp dụng những gì mình học.

4:9-13. Đức Giê-hô-va sẽ phán xét những ai có lối sống vô luân và theo tôn giáo sai lầm.—Ô-sê 1:4.

5:1. Những ai dẫn đầu dân Đức Chúa Trời phải tuyệt đối tránh xa sự bội đạo. Nếu không, họ có thể trở thành ‘bẫy và lưới’, khiến người khác đi theo sự thờ phượng sai lầm.

6:1-4; 7:14, 16. Chỉ nói ngoài miệng mình ăn năn là điều giả hình và vô ích. Để được Đức Chúa Trời thương xót, một người cần chân thành ăn năn và cho thấy rõ điều đó bằng cách trở về với “Đấng Rất Cao”, tức là trở về với sự thờ phượng thanh sạch. Việc làm của người đó phải phù hợp với tiêu chuẩn cao của Đức Chúa Trời.—Ô-sê 7:16.

6:6. Tiếp tục cố ý phạm tội là dấu hiệu cho thấy một người thiếu tình yêu thương và lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Dù người ấy dâng nhiều của-lễ đến đâu cũng không thể bù đắp việc thiếu tình yêu thương và lòng trung thành như thế.

8:7, 13; 10:13. Những gì xảy đến cho dân Y-sơ-ra-ên phạm tội thờ hình tượng đúng với quy luật “ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy”.—Ga-la-ti 6:7.

8:8; 9:17; 13:16. Những lời tiên tri về vương quốc phía bắc đã được ứng nghiệm khi thủ đô Sa-ma-ri của vương quốc ấy bị quân A-si-ri xâm chiếm. (2 Các Vua 17:3-6) Vì thế, chúng ta có thể tin chắc Đức Chúa Trời sẽ làm điều Ngài đã nói, và làm ứng nghiệm những gì Ngài đã phán.—Dân-số Ký 23:19.

8:14. Đức Giê-hô-va dùng quân Ba-by-lôn để “sai lửa trên các thành [Giu-đa]” vào năm 607 TCN, khiến Giê-ru-sa-lem và nước Giu-đa bị hoang vu như đã tiên tri trước. (2 Sử-ký 36:19) Lời Đức Giê-hô-va luôn luôn đúng.—Giô-suê 23:14.

9:10. Dù đã dâng mình cho Đức Chúa Trời thật, dân Y-sơ-ra-ên “đã vào nơi Ba-anh-Phê-ô; dâng mình cho vật xấu-hổ”. Chúng ta nên khôn ngoan rút ra bài học từ gương của dân tộc này và cẩn thận luôn sống xứng đáng với sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va.—1 Cô-rinh-tô 10:11.

10:1, 2, 12. Chúng ta không thể thờ phượng Đức Chúa Trời với một ‘tấm lòng phân hai’, tức một cách giả hình. Nếu ‘gieo sự công-bình, chúng ta sẽ gặt sự nhân-từ của Đức Chúa Trời’.

10:5. Bê-tên (nghĩa là “Nhà Đức Chúa Trời”) bị gọi bằng một tên xấu là Bết-A-ven (nghĩa là “Nhà gian ác”). Dân Sa-ma-ri than khóc khi tượng bò mà họ thờ tại Bết-A-ven bị đem sang A-si-ri. Thật phi lý khi đặt tin cậy nơi một hình tượng vô tri vô giác, không thể tự bảo vệ chính nó!—Thi-thiên 135:15-18; Giê-rê-mi 10:3-5.

11:1-4. Đức Giê-hô-va luôn đối xử yêu thương với dân Ngài. Vâng phục Ngài không phải là gánh nặng.

11:8-11; 13:14. Lời của Đức Giê-hô-va về việc dân Ngài sẽ trở về tái lập sự thờ phượng thật “chẳng trở về luống-nhưng”. (Ê-sai 55:11) Vào năm 537 TCN, thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lôn chấm dứt và một nhóm người Do Thái đã trở về Giê-ru-sa-lem. (E-xơ-ra 2:1; 3:1-3) Tất cả những gì Đức Giê-hô-va nói qua các nhà tiên tri của Ngài đều sẽ thành tựu.

12:7. Chúng ta nên quyết tâm bày tỏ lòng nhân từ, làm điều công bình và luôn luôn trông đợi nơi Đức Giê-hô-va.

13:6. Dân Y-sơ-ra-ên “được no-nê rồi, thì chúng nó sanh lòng kiêu-ngạo; vậy nên chúng nó đã quên [Đức Giê-hô-va]”. Chúng ta phải đề phòng không để tính kiêu ngạo bắt rễ trong lòng mình.

“CÁC ĐƯỜNG-LỐI CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ NGAY-THẲNG”

(Ô-sê 14:1-9)

Ô-sê tha thiết kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên: “Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy trở lại cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vì ấy là tại tội-lỗi ngươi làm cho ngươi sa-ngã”. Ông thúc giục họ kêu cầu Đức Giê-hô-va: “Xin cất mọi sự gian-ác đi, và nhậm sự tốt-lành, vậy chúng tôi sẽ dâng lời ngợi-khen ở môi chúng tôi thay vì con bò đực”.—Ô-sê 14:1, 2.

Người phạm tội biết ăn năn phải trở về Đức Giê-hô-va, chấp nhận đường lối của Ngài và dâng của-lễ bằng lời ngợi khen. Tại sao? Đó là vì “các đường-lối của Đức Giê-hô-va là ngay-thẳng; những kẻ công-bình sẽ bước đi trong đó”. (Ô-sê 14:9) Chúng ta vui mừng biết bao vì sẽ có nhiều người “kính-sợ mà trở về cùng Đức Giê-hô-va, và được ơn Ngài trong những ngày sau-rốt”!—Ô-sê 3:5.

[Hình nơi trang 15]

Cuộc hôn nhân của Ô-sê minh họa cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên

[Hình nơi trang 17]

Khi thủ đô Sa-ma-ri sụp đổ vào năm 740 TCN, vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái không còn nữa