Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tác phẩm bị thất lạc của John Milton

Tác phẩm bị thất lạc của John Milton

Tác phẩm bị thất lạc của John Milton

HIẾM có một nhà văn nào tạo ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới như John Milton, tác giả của thiên sử thi Paradise Lost (Địa đàng đã mất). Theo một nhà viết tiểu sử, Milton “được nhiều người yêu thích, một số người ghét, nhưng ít có ai không để ý đến ông”. Cho đến ngày nay, nền văn học và văn hóa Anh phong phú nhờ các tác phẩm của John Milton.

Làm thế nào John Milton có nhiều ảnh hưởng đến thế? Điều gì khiến cho tác phẩm cuối của ông—On Christian Doctrine (Luận thuyết về giáo lý đạo Đấng Christ)—gây nhiều tranh cãi đến độ 150 năm sau nó mới được xuất bản?

Thời thanh xuân

John Milton sinh ra năm 1608 trong một gia đình giàu có ở Luân Đôn. Ông kể lại: “Từ thời thơ ấu, cha đã dự định cho tôi theo học văn chương. Vì thế ngay từ lúc mười hai tuổi, tôi đã say mê học tập đến nỗi hiếm khi nào đi ngủ trước mười hai giờ đêm”. Milton luôn luôn xuất sắc trong việc học và lấy bằng thạc sĩ của trường Cambridge vào năm 1632. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu về lịch sử và văn chương cổ điển.

Milton muốn trở thành một nhà thơ, nhưng nước Anh lúc bấy giờ đang điêu đứng vì cuộc cách mạng. Quốc hội, chủ yếu do Oliver Cromwell dẫn đầu, chỉ định một tòa án để hành quyết Vua Charles I vào năm 1649. Bằng lời văn đầy sức thuyết phục, Milton bênh vực hành động này và trở thành một phát ngôn viên cho chính quyền Cromwell. Thật vậy, trước khi trở thành nhà thơ tên tuổi, John Milton đã nổi danh qua các bài tiểu luận về chính trị và đạo đức.

Sau khi chế độ quân chủ được phục hồi với việc Charles II đăng quang vào năm 1660, mạng sống của Milton bị đe dọa vì ông từng liên kết với Cromwell. Milton phải trốn tránh, và chỉ nhờ sự giúp đỡ của những người bạn có thế lực ông mới thoát chết. Qua mọi trải nghiệm này, ông vẫn quan tâm nhiều đến đề tài tôn giáo.

“Tiêu chuẩn Kinh Thánh”

Nói về sự quan tâm của mình đến đề tài tôn giáo, Milton viết: “Ở tuổi thiếu niên, tôi đã bắt đầu tập trung vào việc nghiên cứu Cựu Ước và Tân Ước trong nguyên ngữ”. Milton xem Kinh Thánh là nguồn hướng dẫn chắc chắn duy nhất trong vấn đề đạo đức và tín ngưỡng. Tuy nhiên, ông hoàn toàn thất vọng khi xem xét các sách thần học được chấp nhận vào thời đó. Sau này ông viết: “Tôi cho rằng mình không thể để những sách thần học ấy hướng dẫn niềm tin hay hy vọng cứu rỗi của tôi”. Quyết định đánh giá niềm tin của mình “dựa theo tiêu chuẩn Kinh Thánh”, Milton bắt đầu liệt kê các câu Kinh Thánh chính theo tiêu đề chung và trích dẫn câu Kinh Thánh từ những bảng liệt kê này.

Ngày nay, người ta thường nhớ đến John Milton qua thi phẩm Paradise Lost. Bài thơ này kể lại lời tường thuật của Kinh Thánh về việc con người đánh mất sự hoàn toàn. (Sáng-thế Ký, chương 3) Nó được xuất bản lần đầu tiên năm 1667. Milton nổi tiếng là một nhà thơ chủ yếu nhờ tác phẩm này, đặc biệt trong các nước nói tiếng Anh. Sau đó ông xuất bản cuốn tiếp theo có tựa đề Paradise Regained (Địa đàng tái lập). Hai thi phẩm này giải thích ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời đối với loài người—đó là cho họ vui hưởng sự sống hoàn toàn trong một địa đàng—và cho thấy Đức Chúa Trời sẽ tái lập Địa Đàng qua Đấng Christ. Chẳng hạn, trong cuốn Paradise Lost, thiên sứ trưởng Mi-chen báo trước thời kỳ Đấng Christ sẽ “ban thưởng cho những người trung thành với Ngài, cho họ hưởng hạnh phúc đời đời hoặc ở trên trời hoặc ở dưới đất, vì lúc đó khắp đất sẽ là một địa đàng hạnh phúc hơn nhiều so với vườn Ê-đen”.

Tác phẩm On Christian Doctrine

Trong nhiều năm, Milton cũng muốn viết một quyển sách bàn luận rộng rãi về đời sống và giáo lý đạo Đấng Christ. Dù hoàn toàn bị mù vào năm 1652, ông đã gắng sức thực hiện công việc này với sự trợ giúp của thư ký đến khi ông qua đời vào năm 1674. Milton đặt tên tác phẩm cuối cùng này là A Treatise on Christian Doctrine Compiled From the Holy Scriptures Alone (Luận thuyết về giáo lý đạo Đấng Christ được biên soạn chỉ dựa trên Kinh Thánh mà thôi). Trong lời tựa, ông viết: “Phần lớn những tác giả nghiên cứu về đề tài này. . . chỉ ghi vắn tắt ngoài lề số chương và câu của những đoạn Kinh Thánh then chốt mà tất cả những điều họ dạy đều dựa vào. Trái lại, tôi cố gắng ghi ra đầy trang, thậm chí rất nhiều, các câu được trích dẫn từ Kinh Thánh”. Thật vậy, tác phẩm On Christian Doctrine gián tiếp nói đến hoặc trích dẫn Kinh Thánh hơn 9.000 lần.

Dù trước đây Milton không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình nhưng ông chưa cho xuất bản ngay luận thuyết này. Vì sao? Một lý do là ông biết những giải thích dựa trên Kinh Thánh của mình khác xa sự dạy dỗ được giáo hội chấp nhận. Ngoài ra, chế độ quân chủ đã được phục hồi, và chính quyền không thích ông. Có lẽ vì vậy ông muốn đợi đến khi tình trạng bớt xáo động. Dù trường hợp nào đi nữa, sau khi Milton qua đời, thư ký của ông đem bản thảo bằng tiếng La-tinh đến một nhà xuất bản nhưng bị từ chối. Sau đó, bộ trưởng Anh đã tịch thu bản thảo này và cất vào hồ sơ lưu trữ. Một trăm năm mươi năm sau, luận thuyết này của Milton mới được phát hiện.

Năm 1823, một người thư ký đã tình cờ tìm thấy bản thảo của nhà thơ nổi tiếng này. Sau đó, Vua George IV của Anh ra lệnh dịch và công bố tác phẩm tiếng La-tinh này. Hai năm sau, khi được xuất bản trong tiếng Anh, nó dấy lên sự tranh cãi dữ dội trong giới văn học và thần học. Một giám mục lập tức tuyên bố rằng bản thảo này là giả mạo, và không tin rằng Milton—được nhiều người xem là nhà thơ tôn giáo vĩ đại nhất nước Anh—lại có thể kiên quyết bác bỏ những giáo lý mà giáo hội rất xem trọng. Thấy trước phản ứng như thế và để xác minh Milton là tác giả, người dịch đã thêm vào ấn bản phần chú thích nêu rõ 500 điểm tương đương giữa hai tác phẩm On Christian Doctrine Paradise Lost. *

Niềm tin của Milton

Đến thời của Milton, nước Anh đã tiếp nhận Phong Trào Cải Cách của Tin Lành và tách khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã. Phái Tin Lành nói chung tin rằng chỉ Kinh Thánh chứ không phải giáo hoàng mới có thẩm quyền trong những vấn đề niềm tin và đạo đức. Dù vậy, trong On Christian Doctrine, Milton cho thấy nhiều dạy dỗ và thực hành của Tin Lành cũng không phù hợp với Kinh Thánh. Dựa trên Kinh Thánh, ông bác bỏ giáo lý tiền định của Calvin và ủng hộ sự tự do ý chí. Ông khuyến khích việc dùng danh Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va, một cách tôn kính và thường dùng danh này trong các tác phẩm của mình.

Milton đã dùng Kinh Thánh để biện luận rằng linh hồn con người có thể chết. Bình luận về Sáng-thế Ký 2:7, ông viết: “Kinh Thánh nói khi con người được tạo dựng theo cách này thì: người trở nên một loài sanh-linh. . . Khác với điều người ta thường nghĩ, con người không được tạo nên bởi hai phần khác nhau và riêng biệt: linh hồn và thể xác. Ngược lại, chính con người là linh hồn và linh hồn là con người”. Tiếp đến, Milton đặt câu hỏi: “Khi chết, cả con người đều chết hay chỉ có thể xác thôi?” Sau khi đưa ra một loạt câu Kinh Thánh cho thấy cả con người đều chết, ông nói thêm: “Nhưng lời giải thích có sức thuyết phục nhất mà tôi có thể viện dẫn về sự chết của linh hồn là lời giải thích của Đức Chúa Trời nơi Ê-xê-chi-ên 18:20: Linh-hồn nào phạm tội thì sẽ chết”. Milton cũng trích Lu-ca 20:37 và Giăng 11:25 để cho thấy hy vọng dành cho người chết là sự sống lại trong tương lai.

Điều gì khiến người ta phản ứng mạnh mẽ nhất đối với tác phẩm On Christian Doctrine? Đó là việc Milton đưa ra bằng chứng đơn giản nhưng hùng hồn dựa trên Kinh Thánh: Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời, có địa vị thấp hơn Đức Chúa Trời, Cha ngài. Sau khi trích dẫn Giăng 17:3 và Giăng 20:17, Milton hỏi: “Nếu Cha là Đức Chúa Trời của Đấng Christ và của chúng ta, và nếu chỉ có một Đức Chúa Trời, vậy ai có thể là Đức Chúa Trời ngoại trừ Cha?”

Thêm vào đó, Milton chỉ rõ: “Qua tất cả những gì chính Con cũng như các sứ đồ nói và viết đều cho thấy họ thừa nhận Cha lớn hơn Con trong mọi sự”. (Giăng 14:28) “Thật thế, chính Đấng Christ nói nơi Ma-thi-ơ 26:39: Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý-muốn Con, mà theo ý-muốn Cha. . . Nếu Đấng Christ thật sự là Đức Chúa Trời, thì tại sao ngài chỉ cầu nguyện với một mình Cha, không phải với chính ngài? Nếu vừa là con người vừa là Đức Chúa Trời tối cao, tại sao Đấng Christ lại phải cầu nguyện cho điều nằm trong phạm vi quyền lực của ngài?. . . Vì Con luôn luôn quý mến và tôn kính một mình Cha, nên ngài cũng dạy chúng ta làm thế”.

Những thiếu sót của Milton

John Milton tìm kiếm lẽ thật. Tuy nhiên, ông vẫn có những thiếu sót của con người và một số quan điểm của ông có thể bị méo mó bởi những trải nghiệm đau buồn. Chẳng hạn, không bao lâu sau khi kết hôn, vợ ông, con gái của một điền chủ thuộc chế độ bảo hoàng, đã bỏ ông và trở về với gia đình khoảng ba năm. Trong thời gian ấy, Milton viết những tiểu luận bào chữa cho việc ly dị, không chỉ dựa trên lý do không chung thủy—tiêu chuẩn duy nhất mà Chúa Giê-su đưa ra—mà còn cả trong trường hợp tính tình xung khắc. (Ma-thi-ơ 19:9) Milton cũng cổ vũ quan niệm này trong tác phẩm On Christian Doctrine.

Mặc dù Milton có những thiếu sót, tác phẩm On Christian Doctrine trình bày quan điểm của Kinh Thánh một cách thuyết phục về nhiều dạy dỗ quan trọng. Cho đến ngày nay, luận thuyết của ông làm cho độc giả phải đánh giá niềm tin của họ dựa trên tiêu chuẩn không sai lầm là Kinh Thánh.

[Chú thích]

^ đ. 14 Một bản dịch mới của On Christian Doctrine do Đại học Yale xuất bản năm 1973, còn theo sát hơn với bản thảo gốc tiếng La-tinh của Milton.

[Hình nơi trang 11]

Milton là một học viên Kinh Thánh sắc sảo

[Nguồn tư liệu]

Courtesy of The Early Modern Web at Oxford

[Hình nơi trang 12]

Thi phẩm “Paradise Lost” làm cho Milton nổi tiếng

[Nguồn tư liệu]

Courtesy of The Early Modern Web at Oxford

[Hình nơi trang 12]

Tác phẩm cuối cùng của Milton bị thất lạc trong khoảng 150 năm

[Nguồn tư liệu]

Image courtesy of Rare Books and Special Collections, Thomas Cooper Library, University of South Carolina

[Nguồn tư liệu nơi trang 11]

Image courtesy of Rare Books and Special Collections, Thomas Cooper Library, University of South Carolina