Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao sự gian ác tồn tại?

Tại sao sự gian ác tồn tại?

Tại sao sự gian ác tồn tại?

THEO Kinh Thánh, “Đức Giê-hô-va là công-bình trong mọi đường Ngài”. (Thi-thiên 145:17; Khải-huyền 15:3) Nhà tiên tri Môi-se nói: “Công-việc của [Đức Chúa Trời] là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội; Ngài là công-bình và chánh-trực”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Hơn nữa, Gia-cơ 5:11 cho biết: “Chúa đầy lòng thương-xót và nhân-từ”. Đức Chúa Trời không thể nào và không bao giờ gây ra sự gian ác.

Môn đồ Gia-cơ viết: “Chớ có ai đương bị cám-dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám-dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai”. (Gia-cơ 1:13) Giê-hô-va Đức Chúa Trời không cám dỗ người ta phạm điều gian ác, Ngài cũng không dụ dỗ họ làm những hành động xấu xa. Vậy, ai gây ra sự gian ác và đau khổ?

Ai gây ra sự gian ác?

Người viết Kinh Thánh là Gia-cơ nói rằng con người chịu một phần trách nhiệm về sự gian ác. Ông nói: “Mỗi người bị cám-dỗ khi mắc tư-dục xui-giục mình. Đoạn, lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác; tội-ác đã trọn, sanh ra sự chết”. (Gia-cơ 1:14, 15) Người ta có thể hành động theo ước muốn sai trái của mình. Cũng hãy xem ảnh hưởng của tội lỗi di truyền trên loài người. Dưới ảnh hưởng của tội lỗi, những ước muốn sai trái trở nên mãnh liệt hơn và dẫn đến hậu quả tai hại. (Rô-ma 7:21-23) Thật thế, tội lỗi di truyền “đã cai-trị” nhân loại, khiến họ làm những điều ác gây ra nhiều đau khổ. (Rô-ma 5:21) Hơn nữa, kẻ ác có thể xúi giục người khác trở nên bại hoại.—Châm-ngôn 1:10-16.

Tuy nhiên, thủ phạm chính của sự gian ác là Sa-tan Ma-quỉ. Hắn đã gieo rắc sự ác vào thế gian. Chúa Giê-su gọi Sa-tan là “Kẻ Ác” và là “vua-chúa thế-gian [xã hội loài người bất công]”. Loài người nói chung theo sự xúi giục của Sa-tan, lờ đi đường lối công bình của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Khi làm thế, họ vâng phục hắn. (Ma-thi-ơ 6:13, Bản Dịch Mới; Giăng 14:30; 1 Giăng 2:15-17) Nơi 1 Giăng 5:19 cho biết: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. Thật vậy, Sa-tan cũng như các quỉ của hắn “dỗ-dành cả thiên-hạ” và chỉ gây tai họa cho loài người. (Khải-huyền 12:9, 12) Vì vậy nói thẳng ra, Sa-tan Ma-quỉ phải chịu phần lớn trách nhiệm về sự gian ác.

Nơi Truyền-đạo 9:11 cho biết một nguyên nhân khác gây ra đau khổ: “Thời-thế và cơ-hội [“sự bất trắc”, NW] xảy đến cho mọi người”. Thí dụ, Chúa Giê-su nói về tai họa của 18 người bị một cái tháp đổ xuống đè chết. (Lu-ca 13:4) Họ chịu “tai bay vạ gió” vì đã có mặt ở đấy không đúng lúc. Ngày nay, điều tương tự cũng xảy ra. Chẳng hạn, viên gạch có thể từ tòa nhà cao tầng rơi xuống trúng một người đi đường. Có phải Đức Chúa Trời gây ra điều đó không? Không. Đó là một sự cố ngoài ý muốn và bất ngờ. Tương tự thế, khi một người trong gia đình bị bệnh hoặc người chủ gia đình đột ngột qua đời bỏ lại vợ góa con côi, đó cũng là những tình huống bất ngờ và ngoài ý muốn.

Vậy, rõ ràng Đức Chúa Trời không gây ra cả sự gian ác lẫn đau khổ. Ngược lại, ý định của Đức Giê-hô-va là loại bỏ sự gian ác và những ai gây ra điều ác. (Châm-ngôn 2:22) Trên thực tế, Ngài sẽ làm nhiều hơn thế nữa. Kinh Thánh cho biết ý định của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su là “hủy-phá công-việc của ma-quỉ”. (1 Giăng 3:8) Thế gian hiện tại—xây dựng trên nền tảng là hành động tham lam, thù hận và gian ác—sẽ bị hủy diệt. Đức Chúa Trời sẽ “lau ráo hết nước mắt khỏi mắt” mọi người và chấm dứt sự đau khổ. (Khải-huyền 21:4) Nhưng bạn có thể tự hỏi: ‘Tại sao Đức Chúa Trời chưa làm điều này? Tại sao Ngài để cho sự gian ác và đau khổ tiếp tục đến ngày nay?’ Chìa khóa của vấn đề được tìm thấy trong Kinh Thánh, qua lời tường thuật về cặp vợ chồng đầu tiên, A-đam và Ê-va.

Một vấn đề trọng yếu được nêu lên

Nguyên nhân Đức Chúa Trời để cho sự gian ác tiếp tục đến ngày nay gắn liền với biến cố xảy ra trong buổi đầu của lịch sử nhân loại. Biến cố đó nêu lên một vấn đề trọng yếu có liên quan đến chính Đấng Tạo Hóa—một vấn đề không thể được giải quyết cách nhanh chóng và dễ dàng. Chúng ta hãy xem xét điều gì đã xảy ra.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã tạo ra hai người hoàn toàn là A-đam, Ê-va và để họ sống trong địa đàng. Họ được ban cho một khả năng khác biệt với loài thú—sự tự do ý chí. (Sáng-thế Ký 1:28; 2:15, 19) Là con người với khả năng phân biệt điều lành điều dữ, A-đam và Ê-va có thể dùng trí tuệ để yêu thương, phụng sự và vâng lời Đấng Tạo Hóa. Hoặc họ có thể chọn đường lối độc lập với Đức Chúa Trời và cố ý không vâng lời Ngài.

Đức Chúa Trời cho A-đam và Ê-va cơ hội để biểu lộ tình yêu thương của họ đối với Ngài bằng cách đặt ra một giới hạn. Ngài phán với A-đam: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”. (Sáng-thế Ký 2:16, 17) Để tiếp tục nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời, vì lợi ích của chính họ và con cháu trong tương lai, A-đam và Ê-va không được ăn trái của cây đó. Liệu họ có vâng lời không?

Kinh Thánh cho chúng ta biết điều gì đã xảy ra. Dùng con rắn như người phát ngôn, Sa-tan Ma-quỉ đến gần Ê-va và nói: “Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?” Khi Ê-va lặp lại mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, Sa-tan nói: “Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”. Cuối cùng, Ê-va thèm muốn trái của cây này đến nỗi bà “bèn hái ăn”. Sau đó, bà “trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa”. (Sáng-thế Ký 3:1-6) Vì vậy, cả A-đam và Ê-va đã lạm dụng sự tự do ý chí của họ và phạm tội vì không vâng lời Đức Chúa Trời.

Bạn có thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề này không? Ma-quỉ nói ngược lại điều Đức Chúa Trời đã phán với A-đam. Lời của Sa-tan hàm ý rằng A-đam và Ê-va không cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời để quyết định điều gì thiện và điều gì ác. Như vậy, Sa-tan đặt nghi vấn rằng: ‘Sự cai trị của Đức Giê-hô-va trên loài người có chính đáng và hợp pháp không?’ Vì thế, vấn đề quan trọng mà Sa-tan nêu lên là quyền tối thượng chính đáng của Đức Giê-hô-va. Ngài đã giải quyết thách thức này như thế nào?

Cần thời gian để giải quyết vấn đề

Đức Giê-hô-va có quyền năng để hủy diệt ba kẻ phản nghịch—Sa-tan, A-đam và Ê-va. Hiển nhiên, Đức Chúa Trời mạnh hơn họ. Nhưng Sa-tan không đặt nghi vấn về quyền năng của Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, hắn nêu nghi vấn về quyền cai trị của Ngài. Vấn đề này ảnh hưởng đến mọi tạo vật có sự tự do ý chí. Họ cần hiểu rằng sự tự do ý chí phải được dùng cách đúng đắn—theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời về thể chất, đạo đức và tâm linh. Nếu không làm thế, họ phải chịu hậu quả tai hại. Cũng giống như một người nhảy từ nóc tòa nhà cao tầng, bất chấp định luật về trọng lực, tất sẽ bị thương nặng. (Ga-la-ti 6:7, 8) Mọi tạo vật thông minh có thể nhận được lợi ích khi họ thấy hậu quả nghiêm trọng của việc chọn đường lối không theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Điều này đòi hỏi phải có thời gian.

Chúng ta có thể đưa ra một minh họa cho thấy rằng cần có thời gian để giải quyết một số vấn đề cách rõ ràng. Một người cha nọ thách thức người cha của một gia đình khác đọ sức với nhau. Chuyện này có thể giải quyết nhanh chóng. Sức mạnh có thể được đánh giá bằng cách nâng những hòn đá. Người cha nào nâng được hòn đá nặng nhất sẽ là người mạnh hơn. Nhưng giả sử sự thách thức là người cha nào thật sự yêu thương con cái và chúng có yêu ông hay không. Hoặc nói sao nếu vấn đề được nêu lên là người cha nào đối xử tốt nhất với gia đình mình? Thể hiện sức mạnh hoặc chỉ qua lời nói thôi thì không đủ. Muốn giải quyết vấn đề, cần phải có thời gian để quan sát cẩn thận và rút ra kết luận đúng đắn.

Thời gian đã chứng tỏ điều gì?

Khoảng 6.000 năm đã trôi qua kể từ khi Sa-tan đặt nghi vấn về quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Lịch sử cho thấy gì? Hãy xem xét hai khía cạnh trong lời buộc tội của Sa-tan nghịch lại Đức Chúa Trời. Hắn trơ trẽn nói với Ê-va: “Hai ngươi chẳng chết đâu”. (Sáng-thế Ký 3:4) Khi nói rằng A-đam và Ê-va sẽ không chết nếu họ ăn trái cấm, Sa-tan thật sự cho rằng Đức Giê-hô-va nói dối. Quả là một lời buộc tội nặng nề! Nếu Đức Chúa Trời không chân thật trong vấn đề này, làm thế nào các tạo vật có thể tin Ngài về những vấn đề khác? Tuy nhiên, thời gian trôi qua đã chứng tỏ điều gì?

A-đam và Ê-va đã trải qua bệnh tật, đau khổ, tuổi già và cuối cùng phải chết. Kinh Thánh nói: “A-đam hưởng-thọ được chín trăm ba mươi tuổi, rồi qua đời”. (Sáng-thế Ký 3:19; 5:5) Buồn thay, A-đam đã truyền lại những điều này cho tất cả nhân loại. (Rô-ma 5:12) Thời gian đã chứng tỏ Sa-tan là “kẻ nói dối và là cha sự nói dối”, còn Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời chân-thật”.—Giăng 8:44; Thi-thiên 31:5.

Sa-tan cũng nói với Ê-va: “Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”. (Sáng-thế Ký 3:5) Bằng những lời xảo trá, Sa-tan bày ra trước mắt loài người cơ hội tự trị. Nhằm mục đích lừa dối họ, Sa-tan ngụ ý rằng con người sẽ có đời sống tốt hơn nếu Đức Chúa Trời không cai trị họ. Thực tế có đúng như vậy không?

Các cường quốc đã xuất hiện và rồi qua đi trong suốt lịch sử nhân loại. Người ta đã thử mọi hình thức cai trị mà họ có thể nghĩ ra. Tuy nhiên, những điều khủng khiếp vẫn tái diễn. Khoảng 3.000 năm trước, một người viết Kinh Thánh đã đưa ra lời kết luận khôn ngoan: “Người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”. (Truyền-đạo 8:9) Nhà tiên tri Giê-rê-mi đã viết: “Người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”. (Giê-rê-mi 10:23) Ngay cả những thành tựu khoa học và kỹ thuật trong những năm gần đây cũng không thể phủ nhận tính chính xác của những lời trên. Thời gian chứng minh các nhận xét này là đúng.

Bạn sẽ làm gì?

Đức Chúa Trời đã cho phép một thời gian trôi qua. Thời gian ấy chứng minh sự sai lầm của Sa-tan về quyền tối thượng chính đáng của Đức Giê-hô-va. Ngài là Đấng Tối Cao tuyệt đối của vũ trụ, có quyền cai trị trên mọi tạo vật và cách cai trị của Ngài là ưu việt. Các tạo vật thần linh sống rất nhiều năm dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời nghĩ sao về vấn đề này? Họ nói: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”.—Khải-huyền 4:11.

Bạn cảm thấy thế nào về quyền cai trị của Đức Chúa Trời? Bạn có đồng ý rằng Đức Chúa Trời xứng đáng cai trị chúng ta không? Nếu cảm thấy thế, bạn phải chấp nhận quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Bạn có thể làm điều này bằng cách áp dụng những lẽ thật và lời khuyên tuyệt diệu của Kinh Thánh, Lời Ngài, trong mọi khía cạnh của đời sống. Luật pháp và điều răn của Đức Chúa Trời dựa trên tình yêu thương đối với các tạo vật, vì Ngài “là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:8) Đức Giê-hô-va không giấu chúng ta điều tốt lành nào. Vì vậy, bạn có thể tin cậy lời khuyên nơi Kinh Thánh: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”.—Châm-ngôn 3:5, 6.

[Hình nơi trang 7]

Bằng cách tìm hiểu và áp dụng những dạy dỗ của Kinh Thánh trong đời sống, bạn chấp nhận sự cai trị của Đức Chúa Trời

[Nguồn tư liệu nơi trang 4]

© Jeroen Oerlemans/Panos Pictures