Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được cứu thoát khỏi lưới của kẻ bẫy chim

Được cứu thoát khỏi lưới của kẻ bẫy chim

Được cứu thoát khỏi lưới của kẻ bẫy chim

“[Đức Giê-hô-va] sẽ giải-cứu ngươi khỏi bẫy chim”.—THI-THIÊN 91:3.

1. Ai là “người bẫy chim”, và tại sao hắn nguy hiểm?

TẤT CẢ tín đồ thật của Đấng Christ đều phải đối mặt với một kẻ săn mồi thông minh siêu phàm và mưu mẹo mà Thi-thiên 91:3 trong bản dịch Trịnh Văn Căn miêu tả là “người bẫy chim”. Kẻ thù này là ai? Kể từ số Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-6-1883, Sa-tan Ma-quỉ bị vạch trần là kẻ bẫy chim. Giống như người bẫy chim, kẻ thù ghê gớm này cố dẫn dụ và gài bẫy dân Đức Giê-hô-va bằng những mưu mô xảo quyệt.

2. Tại sao Kinh Thánh ví Sa-tan là kẻ bẫy chim?

2 Thời xưa, người ta thường bẫy chim để ăn thịt, thưởng thức giọng hót, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoặc dùng làm của lễ. Tuy nhiên, chim là loài rất thận trọng và có cảnh giác cao nên người ta khó bẫy chúng. Vì thế, vào thời Kinh Thánh được viết ra, người bẫy chim phải quan sát để tìm hiểu về đặc điểm và thói quen của giống chim mà mình muốn bắt. Sau đó, ông dùng những cách khéo léo để bẫy chúng. Ví Sa-tan là kẻ bẫy chim, Kinh Thánh giúp chúng ta biết những mưu kế xảo quyệt của hắn. Sa-tan Ma-quỉ quan sát, để ý đến thói quen và đặc điểm của mỗi người, rồi đặt những bẫy tinh vi nhằm bắt sống chúng ta. (2 Ti-mô-thê 2:26) Khi sa vào bẫy của hắn, chúng ta bị suy sụp về thiêng liêng và cuối cùng sẽ mất sự sống. Do đó, để tự bảo vệ mình, chúng ta cần nhận ra những mưu kế của kẻ bẫy chim này.

3, 4. Khi nào Sa-tan tấn công như sư tử? Và khi nào như rắn hổ mang?

3 Người viết Thi-thiên cũng dùng một hình ảnh sống động để ví mưu kế của Sa-tan như cách săn mồi của sư tử hoặc rắn hổ mang. (Thi-thiên 91:13) Như sư tử, có lúc Sa-tan tấn công trực diện bằng cách dùng luật pháp hoặc những hình thức bắt bớ để chống đối dân Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 94:20) Cách tấn công này có thể khiến một số người lìa bỏ Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, mưu kế ấy thường phản tác dụng và kết quả là dân Đức Chúa Trời lại hợp nhất với nhau. Còn những cách Sa-tan tấn công quỷ quyệt như rắn hổ mang thì sao?

4 Như rắn độc núp nơi kín đáo, Sa-tan dùng trí thông minh siêu phàm để lừa đảo và bất ngờ tấn công khiến nạn nhân tử vong. Bằng cách này, hắn đã thành công trong việc đầu độc tâm trí một số người thuộc dân Đức Giê-hô-va, lường gạt họ làm theo ý hắn thay vì ý của Ngài, và điều này dẫn đến hậu quả bi thảm. Mừng thay, chúng ta chẳng phải là không biết mưu chước của hắn. (2 Cô-rinh-tô 2:11) Giờ đây chúng ta hãy xem bốn loại bẫy nguy hiểm mà kẻ bẫy chim dùng.

Sợ loài người

5. Tại sao sự “sợ loài người” là cạm bẫy rất lợi hại của Sa-tan?

5 Kẻ bẫy chim hiểu rằng người ta thường muốn được người khác chấp nhận. Tín đồ Đấng Christ không phải là những người vô cảm, bất chấp người xung quanh nghĩ gì về mình. Biết điều này, Ma-quỉ muốn lợi dụng điểm yếu đó của các tín đồ. Chẳng hạn, hắn đã khiến một số người trong dân Đức Chúa Trời sa vào bẫy “sợ loài người”. (Châm-ngôn 29:25) Nếu vì sợ loài người, tôi tớ Đức Chúa Trời nghe theo người khác làm điều Ngài cấm hoặc không làm theo Kinh Thánh, thì họ đã rơi vào bẫy của kẻ bẫy chim.—Ê-xê-chi-ên 33:8; Gia-cơ 4:17.

6. Trường hợp nào cho thấy cách một người trẻ có thể rơi vào bẫy của kẻ bẫy chim?

6 Thí dụ, một người trẻ có thể cầm điếu thuốc lên hút vì áp lực của bạn cùng trường. Trước khi đến trường, học sinh ấy không hề nghĩ là mình sẽ hút thuốc. Tuy nhiên, không lâu sau em nghiện hút thuốc, một thói quen vừa có hại cho sức khỏe, vừa làm buồn lòng Đức Chúa Trời. (2 Cô-rinh-tô 7:1) Làm sao em vướng vào thói xấu này? Có lẽ vì em giao thiệp với bạn bè xấu và sợ bạn chế giễu. Hỡi các người trẻ, đừng để kẻ bẫy chim lừa bạn vào bẫy! Để tránh sa bẫy, chớ thỏa hiệp bất cứ điều gì, dù chỉ là một việc nhỏ! Hãy nghe lời Kinh Thánh cảnh báo tránh giao du với bạn bè xấu.—1 Cô-rinh-tô 15:33.

7. Làm thế nào Sa-tan có thể khiến một số bậc cha mẹ mất quan điểm thăng bằng?

7 Những bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ xem trọng trách nhiệm được ghi trong Kinh Thánh có bổn phận cung cấp vật chất cho gia đình. (1 Ti-mô-thê 5:8) Tuy nhiên, mục tiêu của Sa-tan là làm cho tín đồ Đấng Christ mất quan điểm thăng bằng trong vấn đề này. Có lẽ họ có thói quen bỏ nhóm họp vì chịu áp lực của chủ phải làm thêm giờ. Có lẽ họ sợ xin nghỉ phép để dự đầy đủ các ngày hội nghị, hầu có thể cùng anh em đồng đạo thờ phượng Đức Giê-hô-va. Phương cách để tránh rơi vào cạm bẫy này là “tin-cậy Đức Giê-hô-va”. (Châm-ngôn 3:5, 6) Hơn nữa, hãy nhớ rằng chúng ta đều là thành viên trong gia đình của Đức Giê-hô-va và Ngài yêu thương chăm sóc chúng ta. Khi nhớ hai điều này, chúng ta sẽ giữ được quan điểm thăng bằng. Hỡi các bậc cha mẹ, bạn có tin rằng khi làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ chăm sóc bạn và gia đình bằng mọi cách không? Hoặc Ma-quỉ sẽ khiến bạn sa vào bẫy và làm theo ý hắn chỉ vì bạn sợ loài người? Chúng tôi tha thiết mong bạn hãy thành tâm xem xét những câu hỏi này.

Chủ nghĩa vật chất

8. Sa-tan dùng chủ nghĩa vật chất làm mồi nhử như thế nào?

8 Sa-tan cũng dùng chủ nghĩa vật chất để làm mồi nhử. Hệ thống thương mại của thế gian cổ vũ những mánh khóe làm giàu nhanh chóng nhằm đánh lừa một số người trong dân Đức Chúa Trời. Đôi khi có người được khuyên: “Bây giờ hãy chịu khó làm việc đi! Khi có đủ tiền rồi, bạn không phải lo lắng nữa và chỉ hưởng nhàn. Thậm chí bạn còn có thể làm tiên phong nữa!” Đó có thể là lý luận thiếu thăng bằng của vài tín đồ lợi dụng anh em đồng đạo trong việc làm ăn. Hãy suy nghĩ kỹ về mối lợi hấp dẫn đó. Chẳng phải lập luận ấy giống như lối suy nghĩ của người đàn ông giàu có dại dột trong minh họa của Chúa Giê-su sao?—Lu-ca 12:16-21.

9. Tại sao một số tín đồ Đấng Christ có thể mắc bẫy vì ham muốn vật chất?

9 Sa-tan điều khiển thế gian này theo cách dụ dỗ người ta ao ước có được mọi thứ. Mong ước đó dần len lỏi vào đời sống tín đồ Đấng Christ, làm cho nghẹt ngòi đạo và trở nên “không trái”. (Mác 4:19) Kinh Thánh khuyên chúng ta phải thỏa lòng khi đủ ăn đủ mặc. (1 Ti-mô-thê 6:8) Tuy nhiên, nhiều người mắc bẫy của kẻ bẫy chim vì không làm theo lời khuyên đó. Có phải tính sĩ diện khiến họ cảm thấy phải theo một mức sống nào đó không? Riêng chúng ta thì sao? Lòng ham muốn vật chất có khiến chúng ta xem nhẹ việc thờ phượng không? (A-ghê 1:2-8) Đáng buồn thay, trong thời buổi kinh tế khó khăn, một số người đã lơ là các sinh hoạt thiêng liêng để duy trì mức sống mà họ đã quen. Thái độ thiên về vật chất đó làm vui lòng kẻ bẫy chim!

Hình thức giải trí không lành mạnh

10. Mỗi tín đồ Đấng Christ cần phải tự xét về điều gì?

10 Một mưu kế khác của kẻ bẫy chim là khiến người ta không còn phân biệt rõ điều tốt và điều xấu. Dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ thời xưa cũng như vậy, và giờ đây tinh thần này lan tràn trong ngành công nghệ giải trí. Ngay cả truyền hình, sách báo đều đưa tin tức về bạo lực và khiêu dâm để chạy theo thị hiếu của công chúng. Hầu hết các chương trình giải trí trên phương tiện truyền thông làm người ta khó “phân-biệt điều lành và dữ”. (Hê-bơ-rơ 5:14) Tuy nhiên, hãy nhớ lại lời Đức Giê-hô-va phán qua nhà tiên tri Ê-sai: “Khốn thay cho kẻ gọi dữ là lành, gọi lành là dữ”. (Ê-sai 5:20) Phải chăng kẻ bẫy chim đang ngấm ngầm đầu độc lối suy nghĩ của bạn bằng những hình thức giải trí không lành mạnh? Vậy, chúng ta cần phải tự xét mình.—2 Cô-rinh-tô 13:5.

11. Tạp chí Tháp Canh cảnh báo thế nào về những bộ phim tình cảm lãng mạn?

11 Gần 25 năm trước đây, tạp chí Tháp Canh đã đưa ra lời cảnh báo đầy yêu thương cho những người thờ phượng Đức Chúa Trời về phim truyền hình nhiều tập. * Sau đây là lời nhận xét của tạp chí này về ảnh hưởng tinh vi của những bộ phim tình cảm lãng mạn: “Tình yêu được dùng để biện minh cho bất cứ hành động nào. Thí dụ, một thiếu nữ mang thai khi chưa kết hôn nói với bạn: ‘Nhưng em yêu anh Victor! Em bất chấp tất cả. . . Có con với anh ấy là em mãn nguyện rồi!’ Vì nhạc nền êm dịu nên người xem khó nhận ra lối sống của cô ấy là vô luân. Bạn cũng thấy mến Victor và thông cảm với cô. Bạn ‘hiểu’ tại sao cô làm điều đó. Sau khi xem phim, một khán giả tự nhủ: ‘Sao mình lại nghĩ như thế được nhỉ? Mình vẫn biết vô luân là xấu. . . nhưng sao lại đồng tình với cô ấy!’ ”

12. Những sự việc nào cho thấy lời cảnh báo về một số chương trình truyền hình là phù hợp với tình trạng hiện nay?

12 Từ khi tạp chí Tháp Canh đăng những bài cảnh giác như thế, các chương trình giải trí đồi trụy ngày càng lan tràn. Tại nhiều nơi, những chương trình này được chiếu suốt ngày đêm. Đàn ông, phụ nữ và giới trẻ thường để những loại hình giải trí như thế chiếm hết tâm trí họ. Tuy nhiên, chúng ta đừng tự dối mình bằng những lý luận sai lầm. Thật sai lầm khi cho rằng những chương trình giải trí đồi bại ấy không tệ hơn thực trạng xã hội. Có thể nào tín đồ Đấng Christ chọn xem chương trình của những diễn viên mà không bao giờ mình nghĩ rằng sẽ mời họ đến nhà?

13, 14. Một số người cho biết họ được lợi ích thế nào nhờ những lời cảnh báo về phim truyền hình?

13 Nhiều người nhận được lợi ích khi nghe theo lời cảnh báo của lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. (Ma-thi-ơ 24:45-47) Sau khi đọc lời khuyên thẳng thắn dựa trên Kinh Thánh, một số người viết về tòa soạn cho biết các bài báo ấy đã tác động đến họ thế nào. * Một chị thú nhận: “Suốt 13 năm mê những bộ phim tình cảm lãng mạn, tôi nghĩ rằng tình trạng thiêng liêng của mình không bị ảnh hưởng vì tôi vẫn đi nhóm họp và cũng có lúc đi rao giảng. Tuy nhiên, các loại phim này khiến tôi có quan điểm của thế gian là nếu bị chồng ngược đãi hoặc không yêu thương, tôi có lý do để ngoại tình vì đó là lỗi của anh ấy. Vì vậy, khi cảm thấy có ‘lý do chính đáng’, tôi đã ngoại tình và có tội với Đức Giê-hô-va và với chồng”. Nữ tín đồ này đã bị khai trừ. Sau đó, chị nhận ra sai trái của mình, thật lòng ăn năn và được hội thánh nhận lại. Nhờ những bài cảnh báo về các bộ phim tình cảm lãng mạn, chị ấy đã có đủ nghị lực để không xem những điều Đức Giê-hô-va ghét.—A-mốt 5:14, 15.

14 Một độc giả khác cũng mê loại phim này và thổ lộ: “Tôi không cầm được nước mắt khi đọc những bài đó vì nhận ra rằng lòng mình không còn trọn vẹn với Đức Giê-hô-va. Tôi hứa với Ngài sẽ không làm nô lệ cho những bộ phim ấy nữa”. Sau khi bày tỏ lòng cảm kích về những bài cảnh báo đó, một nữ tín đồ khác đã thừa nhận mình mê phim tình cảm và cho biết: “Tôi thắc mắc. . . không biết mối quan hệ của tôi với Đức Chúa Trời có bị ảnh hưởng hay không. Làm sao tôi có thể vừa làm bạn với những ‘diễn viên ấy’ lại vừa làm bạn với Đức Giê-hô-va?” Nếu 25 năm trước đây những chương trình truyền hình đó đã đồi trụy như thế thì nay còn tệ đến mức nào? (2 Ti-mô-thê 3:13) Chúng ta phải cảnh giác trước cạm bẫy của Sa-tan về mọi hình thức giải trí không lành mạnh, dù đó là các bộ phim truyền hình lãng mạn, trò chơi điện tử bạo lực, nhạc video với hình ảnh vô luân.

Những mối bất đồng

15. Một số người đã rơi vào bẫy của Ma-quỉ như thế nào?

15 Sa-tan dùng những mối bất đồng làm cạm bẫy để gây chia rẽ dân Đức Chúa Trời. Dù có đặc ân phụng sự nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể mắc bẫy này. Một số người rơi vào bẫy của Ma-quỉ vì đã để mối bất đồng cá nhân phá hoại sự bình an, hợp nhất và tình trạng thịnh vượng về thiêng liêng mà Đức Chúa Trời ban cho dân Ngài.—Thi-thiên 133:1-3.

16. Sa-tan quỷ quyệt phá hoại sự hợp nhất giữa anh em chúng ta như thế nào?

16 Trong Thế Chiến I, Sa-tan cố tiêu diệt phần ở trên đất của tổ chức Đức Giê-hô-va bằng cách tấn công trực diện nhưng hắn đã thất bại. (Khải-huyền 11:7-13) Kể từ đấy, hắn quỷ quyệt phá hoại sự hợp nhất giữa anh em chúng ta. Khi để cho những mối bất đồng cá nhân làm mất sự hợp nhất, chúng ta đã tạo cơ hội cho kẻ bẫy chim. Như thế, chúng ta làm cho thánh linh không thể hoạt động dễ dàng trong đời sống mình cũng như trong hội thánh. Nếu như điều đó xảy ra, Sa-tan sẽ rất vui vì bất cứ sự bất hòa và chia rẽ nào trong hội thánh cũng sẽ cản trở công việc rao giảng.—Ê-phê-sô 4:27, 30-32.

17. Điều gì có thể giúp người ta giải quyết mối bất đồng?

17 Bạn có thể làm gì nếu có mối bất đồng với anh em cùng đức tin? Mỗi trường hợp mỗi khác. Dù có nhiều lý do làm nảy sinh mối bất hòa nhưng chúng ta không có lý do để không giải quyết vấn đề. (Ma-thi-ơ 5:23, 24; 18:15-17) Lời khuyên trong Kinh Thánh do Đức Chúa Trời soi dẫn luôn hoàn hảo. Áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.

18. Tại sao chúng ta có thể giải quyết được mối bất đồng khi noi gương Đức Giê-hô-va?

18 Đức Giê-hô-va “sẵn tha-thứ” và Ngài thật sự “tha-thứ”. (Thi-thiên 86:5; 130:4) Khi noi gương Đức Giê-hô-va, chúng ta cho thấy mình là con cái yêu dấu của Ngài. (Ê-phê-sô 5:1) Tất cả chúng ta đều là người tội lỗi và cần được Đức Giê-hô-va tha thứ. Vì vậy, nếu có khuynh hướng không tha thứ người khác, chúng ta phải cẩn thận. Có thể chúng ta giống người đầy tớ trong minh họa của Chúa Giê-su. Tuy được chủ tha một món nợ rất lớn nhưng người đầy tớ này nhất quyết không tha nợ cho bạn mình, dù món nợ đó rất nhỏ. Khi chủ hay được chuyện này, ông đã ra lệnh tống giam kẻ bất nhân ấy. Chúa Giê-su kết thúc câu chuyện như sau: “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy”. (Ma-thi-ơ 18:21-35) Khi suy ngẫm về minh họa trên và nhớ lại biết bao lần Đức Giê-hô-va tha thứ cho chúng ta, chắc chắn điều đó sẽ giúp chúng ta cố gắng giải quyết mối bất đồng với anh em!—Thi-thiên 19:14.

Được an toàn trong “nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao”

19, 20. Trong thời kỳ đầy khó khăn này, chúng ta nên nghĩ thế nào về “nơi kín-đáo” và “bóng” của Đức Giê-hô-va?

19 Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy nguy hiểm. Nếu không được Đức Giê-hô-va yêu thương che chở, chắc chắn tất cả chúng ta sẽ bị Sa-tan tiêu diệt. Vì thế, để tránh mắc bẫy của kẻ bẫy chim, chúng ta phải luôn ở nơi ẩn náu theo nghĩa bóng, tức “ở nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao” và “hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn-năng”.—Thi-thiên 91:1.

20 Mong sao chúng ta luôn xem những lời Đức Giê-hô-va nhắc nhở và hướng dẫn là sự che chở chứ không phải sự gò bó. Tất cả chúng đều phải đối mặt với một kẻ săn mồi thông minh siêu phàm. Nếu không có sự giúp đỡ đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va, không ai trong chúng ta sẽ thoát khỏi bẫy. (Thi-thiên 124:7, 8) Vậy, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giải cứu chúng ta khỏi bẫy của kẻ bẫy chim.—Ma-thi-ơ 6:13.

[Chú thích]

^ đ. 11 Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-12-1982, trang 3-7.

^ đ. 13 Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-12-1983, trang 23.

Bạn có nhớ không?

• Tại sao sự “sợ loài người” là cạm bẫy rất nguy hiểm?

• Ma-quỉ dùng chủ nghĩa vật chất làm mồi nhử như thế nào?

• Sa-tan dùng những hình thức giải trí không lành mạnh để gài bẫy một số người như thế nào?

• Ma-quỉ dùng cạm bẫy nào để phá hoại sự hợp nhất giữa anh em chúng ta?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 27]

Một số người mắc bẫy vì “sợ loài người”

[Hình nơi trang 28]

Bạn có thích những hình thức giải trí mà Đức Giê-hô-va ghét không?

[Hình nơi trang 29]

Nếu có mối bất đồng với anh em cùng đức tin, bạn có thể làm gì?