Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những quyết định mang lại hạnh phúc

Những quyết định mang lại hạnh phúc

Những quyết định mang lại hạnh phúc

“PHẢI CHI mình đừng làm thế!” Đã bao nhiêu lần bạn tự nhủ như vậy? Không ai trong chúng ta muốn có những quyết định mà sau này mình phải hối tiếc, nhất là những quyết định ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Vậy thì làm sao chúng ta biết quyết định để có hạnh phúc?

Trước tiên, chúng ta cần có những tiêu chuẩn đáng tin cậy. Những tiêu chuẩn ấy có hay không? Nhiều người nghĩ rằng không. Theo một cuộc thăm dò ý kiến ở Hoa Kỳ, 75 phần trăm sinh viên sắp tốt nghiệp đại học tin rằng không có gì là đúng hoặc sai, và những khái niệm về thiện hoặc ác là tùy vào “văn hóa và quan niệm của mỗi người”.

Có thật sự hợp lý không khi nghĩ rằng những tiêu chuẩn về đạo đức chỉ là quan điểm cá nhân hay của đại đa số? Không, không phải thế. Nếu mọi người tự làm theo ý mình thì sẽ dẫn đến tình trạng lộn xộn. Ai lại muốn sống ở một nơi không có luật pháp, không có tòa án hoặc cảnh sát? Ngoài ra, ý kiến cá nhân không phải lúc nào cũng cho chúng ta sự hướng dẫn đáng tin cậy. Có thể chúng ta quyết định làm một điều gì đó mà mình cho là đúng nhưng sau này mới nhận ra là mình đã sai. Thật thế, lịch sử nhân loại cho thấy Kinh Thánh nói rất đúng: “Người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”. (Giê-rê-mi 10:23) Vậy, chúng ta có thể tìm sự hướng dẫn ở đâu cho những vấn đề quan trọng trong đời sống?

Vị quan trẻ tuổi được đề cập trong bài trước đã khôn ngoan đến gặp Chúa Giê-su. Như chúng ta thấy, Chúa Giê-su nhắc đến Luật Pháp Đức Chúa Trời khi đáp lời vị quan ấy. Chúa Giê-su biết rõ hai điều. Thứ nhất, Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Nguồn tối cao của tri thức và khôn ngoan. Thứ hai, Đức Chúa Trời biết điều gì tốt nhất cho các tạo vật của Ngài. Vì thế, Chúa Giê-su phán: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến”. (Giăng 7:16) Đúng vậy, Lời Đức Chúa Trời là nguồn hướng dẫn đáng tin cậy. Lời Ngài sẽ giúp chúng ta có những quyết định khôn ngoan trong đời sống. Chúng ta hãy xem xét vài nguyên tắc trong Lời Ngài, và nếu áp dụng, những nguyên tắc ấy sẽ giúp chúng ta có hạnh phúc dồi dào.

Luật Vàng

Trong Bài Giảng trên Núi được nhiều người biết đến, Chúa Giê-su dạy một nguyên tắc căn bản có thể giúp chúng ta quyết định khôn ngoan trong việc giao tiếp với người khác. Ngài phán: “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. (Ma-thi-ơ 7:12) Nguyên tắc về cách cư xử này thường được gọi là Luật Vàng.

Một số người nói câu tương tự theo cách thụ động: “Đừng làm cho người khác những gì mình không muốn người khác làm cho mình”. Để thấy sự khác biệt giữa Luật Vàng và câu nói thụ động đó, chúng ta hãy xem dụ ngôn Chúa Giê-su nói về người Sa-ma-ri nhân lành. Một người Do Thái bị cướp đánh đập, bỏ nằm dở sống dở chết bên lề đường. Một thầy tế lễ và một người Lê-vi nhìn thấy người bị nạn nhưng cứ tiếp tục đi. Vì hai người này không làm gì khiến người bị nạn đau khổ thêm, chúng ta có thể nói rằng họ đã làm theo câu nói thụ động kể trên. Ngược lại, một người Sa-ma-ri đi ngang qua, thấy người bị nạn nên dừng lại băng bó vết thương, rồi đưa người đó vào nhà quán. Ông đã làm điều mà ông muốn người khác làm cho mình. Ông đã làm theo Luật Vàng—và đã quyết định đúng.—Lu-ca 10:30-37.

Có nhiều cách để chúng ta áp dụng Luật Vàng hầu đạt được kết quả mỹ mãn. Giả sử có một gia đình mới dọn đến khu xóm của bạn. Sao bạn không chủ động đến gặp và chào hỏi họ? Bạn có thể giúp họ quen thuộc với khu vực mới, và nếu họ cần biết điều gì, hãy sẵn lòng hướng dẫn và giúp đỡ. Khi chủ động bày tỏ lòng quan tâm đến người hàng xóm, bạn sẽ tạo được mối quan hệ tốt với họ. Bạn cũng cảm thấy mãn nguyện khi biết mình làm hài lòng Đức Chúa Trời. Đó không phải là quyết định khôn ngoan sao?

Quyết định dựa trên tình yêu thương đối với người khác

Ngoài Luật Vàng, Chúa Giê-su còn đưa ra lời chỉ dẫn khác để giúp bạn quyết định một cách khôn ngoan. Khi người ta hỏi ngài điều răn nào lớn nhất trong Luật Pháp Môi-se, Chúa Giê-su phán: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều-răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều-răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân-cận như mình. Hết thảy luật-pháp và lời tiên-tri đều bởi hai điều-răn đó mà ra”.—Ma-thi-ơ 22:36-40.

Vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Giê-su ban cho môn đồ “một điều-răn mới” là phải yêu thương nhau. (Giăng 13:34) Tại sao ngài nói đó là điều răn mới? Suy cho cùng, chẳng phải ngài đã nói rằng tình yêu thương đối với người lân cận là một trong hai điều răn mà cả Luật Pháp căn cứ vào đó sao? Theo Luật Pháp Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên được khuyên: “Hãy yêu-thương kẻ lân-cận ngươi như mình”. (Lê-vi Ký 19:18) Tuy nhiên, giờ đây Chúa Giê-su bảo các môn đồ phải làm nhiều hơn thế nữa. Cũng vào đêm ấy, Chúa Giê-su nói cùng các môn đồ rằng ngài sắp hy sinh mạng sống cho họ. Rồi ngài phán: “Điều-răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn-hữu mà phó sự sống mình”. (Giăng 15:12, 13) Đúng vậy, điều răn này là mới vì nó đòi hỏi chúng ta phải đặt quyền lợi người khác lên trên quyền lợi của mình.

Có nhiều cách chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương bất vị kỷ, không chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng nhưng cũng nghĩ đến người khác nữa. Giả sử bạn sống trong một chung cư và thích mở nhạc thật lớn nhưng điều đó làm phiền hàng xóm. Bạn có sẵn lòng vặn vừa đủ nghe để khỏi làm phiền họ không? Nói cách khác, bạn có đặt quyền lợi của người hàng xóm lên trên quyền lợi của mình không?

Hãy xem một trường hợp khác. Vào một ngày mùa đông lạnh giá ở Canada có tuyết rơi nhiều, hai Nhân Chứng Giê-hô-va đến gõ cửa nhà một người cao niên. Trong khi trò chuyện, cụ ông cho biết vì mắc bệnh tim nên không thể xúc tuyết trước cửa nhà. Khoảng một giờ sau, cụ nghe có tiếng xúc tuyết. Hai anh đó đã trở lại và xúc hết tuyết ở các bậc thềm và lối ra vào. Cụ gửi thư đến văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Canada. Trong thư cụ viết: “Hôm nay tôi cảm nhận được tình yêu thương chân thật của tín đồ Đấng Christ. Tôi thường có quan điểm tiêu cực về thế giới ngày nay, nhưng hành động của hai thanh niên đó đã giúp tôi có cái nhìn tích cực hơn. Việc làm của hai anh này càng khiến tôi quý trọng công việc quý vị đang thực hiện trên khắp thế giới”. Đúng thế, việc quyết định giúp người khác—dù chỉ là việc nhỏ—có thể có tác động tích cực. Thật vui biết bao khi quyết định giúp người khác một cách bất vị kỷ!

Quyết định dựa trên tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời

Khi quyết định, chúng ta phải xem xét một yếu tố khác mà Chúa Giê-su gọi là điều răn lớn nhất: chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời. Đó là lời Chúa Giê-su nói với dân Do Thái, một dân tộc đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, mỗi người Y-sơ-ra-ên phải quyết định họ có muốn phụng sự Ngài hết lòng và hết linh hồn hay không.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:15, 16.

Tương tự thế, quyết định của bạn cho thấy bạn nghĩ thế nào về Đức Chúa Trời. Thí dụ, khi bạn ngày càng quý trọng những giá trị thực tiễn của Kinh Thánh, bạn cũng phải đứng trước một quyết định. Bạn có sẵn lòng theo chương trình học Kinh Thánh với mục tiêu trở thành môn đồ của Chúa Giê-su không? Quyết định đó chắc chắn sẽ mang lại hạnh phúc cho bạn, vì Chúa Giê-su đã phán: “Phúc cho ai biết tâm linh mình nghèo khổ”.—Ma-thi-ơ 5:3, Bản Diễn Ý.

Chúng ta không biết vị quan trẻ đó có hối hận vì đã quyết định như thế không. Tuy nhiên, chúng ta biết cảm nghĩ của sứ đồ Phi-e-rơ sau khi theo Chúa Giê-su nhiều năm. Khoảng năm 64 CN, vào cuối cuộc đời, Phi-e-rơ khuyến khích những anh em đồng đạo: “Phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”. (2 Phi-e-rơ 1:14; 3:14) Hiển nhiên, Phi-e-rơ đã không hối tiếc khi quyết định theo Chúa Giê-su 30 năm trước đó, và ông khuyến khích người khác tiếp tục thực hiện những gì mình đã quyết định.

Làm theo lời khuyên của Phi-e-rơ có nghĩa là quyết định nhận trách nhiệm của môn đồ Chúa Giê-su và vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời. (Lu-ca 9:23; 1 Giăng 5:3) Điều này dường như khó khăn, nhưng chúng ta được Chúa Giê-su hứa chắc: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”.—Ma-thi-ơ 11:28-30.

Hãy xem trường hợp của anh Arthur. Năm lên mười, anh bắt đầu học chơi đàn vĩ cầm với triển vọng trở thành nhạc sĩ. Khi lên 14, anh được mời chơi đàn trong ban nhạc hòa tấu. Tuy nhiên, anh không cảm thấy hạnh phúc. Cha anh luôn thắc mắc về ý nghĩa của đời sống và mời các thầy dạy đạo đến nhà, nhưng những lời giải thích của họ không làm ông thỏa mãn. Cả gia đình anh thường thắc mắc không biết Đức Chúa Trời có thật sự hiện hữu hay không, và tại sao Ngài để cho điều ác xảy ra. Một hôm, cha của anh có dịp nói chuyện với Nhân Chứng Giê-hô-va. Ông rất thích lời giải đáp thỏa đáng của họ và sau đó cả gia đình đều học Kinh Thánh.

Với thời gian, nhờ học Kinh Thánh, anh Arthur hiểu tại sao Đức Chúa Trời để sự đau khổ xảy ra và thấy rõ ý nghĩa của đời sống. Anh và ba người trong gia đình đã quyết định một điều mà họ không bao giờ hối tiếc: dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Anh nói: “Tôi cảm thấy hạnh phúc vì Đức Giê-hô-va đã cho tôi biết lẽ thật và giải thoát tôi khỏi sự cạnh tranh trong giới nhạc sĩ. Trong nghề này, người ta có thể làm bất cứ điều gì để tiến thân”.

Anh Arthur vẫn thích chơi đàn cho bạn bè nghe, nhưng anh không gắn bó với cuộc đời nghệ sĩ. Thay vì thế, anh dành đời mình để phụng sự Đức Chúa Trời. Anh đang phục vụ tại một văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Không như vị quan trẻ tuổi giàu có, bạn cũng có thể quyết định giống như anh Arthur và hàng triệu người khác để có được hạnh phúc lớn nhất—đó là nhận lời mời của Chúa Giê-su để trở thành môn đồ ngài.

[Hình nơi trang 6]

Quyết định của bạn có thể tác động đến người khác

[Hình nơi trang 7]

Bạn có muốn học Kinh Thánh và trở thành môn đồ của Chúa Giê-su không?