Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chỉ cần sống cho hôm nay là đủ?

Chỉ cần sống cho hôm nay là đủ?

Chỉ cần sống cho hôm nay là đủ?

“TÔI không bao giờ nghĩ về tương lai. Điều gì đến thì nó sẽ đến”. Người ta cho rằng câu nói này là của nhà khoa học nổi tiếng Albert Einstein. Nhiều người cũng có quan điểm tương tự. Họ nghĩ: “Sao phải lo lắng về tương lai?” Có lẽ bạn đã nghe người ta nói: “Cứ việc sống bình thường”, “Phải sống hết mình vì hôm nay”, “Tương lai là chuyện xa vời”.

Quan điểm này không có gì mới lạ. Những người theo trường phái Khoái lạc của triết gia Epicurus thời cổ đại từng có phương châm: “Hãy ăn, uống và hưởng thụ. Đời chỉ có thế”. Vào thời ông Phao-lô, một sứ đồ của Chúa Giê-su, nhiều người cũng nghĩ như thế. Họ nói: “Hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!” (1 Cô-rinh-tô 15:32) Vì tin tất cả những gì họ có là đời sống ngắn ngủi này, nên họ chủ trương tận hưởng đời sống.

Tuy nhiên, đối với hàng triệu người thời nay, sống không có nghĩa là tận hưởng thú vui. Nhiều người ở trong cảnh bần cùng, nên đời sống họ chỉ là cuộc đấu tranh sinh tồn đầy gian khổ. Tương lai họ dường như ảm đạm và vô vọng. Vậy thì nghĩ đến ngày mai làm gì?

Có cần nghĩ về tương lai không?

Ngay cả những người không sống trong cảnh bần cùng cũng thường cho rằng nghĩ về tương lai là điều vô ích. Họ nghĩ: “Lo xa làm gì?” Một số người lý luận rằng những ai dự tính cho tương lai cuối cùng cũng thất vọng. Một tộc trưởng rất giàu có thời xưa là ông Gióp đã từng dự tính về một tương lai tươi sáng và hạnh phúc cho gia đình, nhưng rồi mọi sự tan thành mây khói khiến ông thất vọng não nề.—Gióp 17:11; Truyền-đạo 9:11.

Robert Burns, một nhà thơ người Scotland, đã ví số phận con người với cảnh đáng thương của một chú chuột đồng. Hang của nó vừa mới bị lưỡi cày của ông vô tình phá vỡ. Thế giới của nó hoàn toàn đảo lộn, và nó không thể làm gì hơn là cố chạy thoát thân. Nhà thơ này nghĩ: ‘Biết bao nhiêu lần chúng ta cũng thấy mình bất lực trước những tình huống hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, khiến ngay cả những kế hoạch đã được tính toán kỹ lưỡng cũng tiêu tan’.

Vậy thì dự tính cho tương lai có vô ích không? Thực tế cho thấy rằng không trù tính thì hậu quả có thể rất tai hại, chẳng hạn khi tai ương ập đến. Hãy nghĩ đến cơn bão Katrina. Đành rằng không ai có thể ngăn được nó, nhưng nếu dự đoán trước các tình huống và có phương án đối phó thì đã có thể giảm thiểu những thiệt hại về người và của.

Còn bạn, bạn nghĩ sao? Có khôn ngoan không khi chỉ sống cho hôm nay mà không nghĩ đến ngày mai? Bài tiếp theo sẽ trả lời câu hỏi này.

[Các hình nơi trang 3]

“Hãy ăn, uống và hưởng thụ. Đời chỉ có thế”

[Hình nơi trang 4]

Nếu dự đoán trước các tình huống và có phương án đối phó thì hẳn đã giảm thiểu được thiệt hại của cơn bão Katrina

[Nguồn tư liệu]

U.S. Coast Guard Digital