Sy-ra-cu-sơ—Một trạm dừng trong chuyến đi của Phao-lô
Sy-ra-cu-sơ—Một trạm dừng trong chuyến đi của Phao-lô
VÀO khoảng năm 59 CN, một chiếc thuyền giong buồm đi từ đảo Man-tơ (Địa Trung Hải) thẳng tiến đến Ý. Mũi thuyền có khắc hình mà người ta gọi là “Đi-ốt-cua”, có nghĩa là “các con của thần Zeus”. Đó là những vị thần hộ mệnh của các thủy thủ. Người viết Kinh Thánh là Lu-ca tường thuật rằng con thuyền “tới thành Sy-ra-cu-sơ” thuộc phía đông nam bờ biển Sicily và ‘ở lại đó ba ngày’. (Công-vụ 28:11, 12) Lúc ấy, Lu-ca, A-ri-tạc và sứ đồ Phao-lô đã có mặt trên con thuyền này, và Phao-lô đang bị giải đến tòa án ở Rô-ma.—Công-vụ 27:2.
Chúng ta không biết Phao-lô có được phép ra khỏi thuyền và vào thành phố Sy-ra-cu-sơ hay không. Nếu ông hoặc hai người bạn cùng đi với ông được vào thành phố thì họ sẽ thấy gì?
Vào thời Hy Lạp và La Mã, Sy-ra-cu-sơ là một thành phố phồn thịnh ngang tầm A-thên và Rô-ma. Theo sử sách, người Cô-rinh-tô đã lập nên thành phố này vào năm 734 TCN. Sy-ra-cu-sơ từng có thời kỳ huy hoàng và là cái nôi của nhiều nhân vật nổi tiếng thời bấy giờ, chẳng hạn nhà soạn kịch Epicharmus và nhà toán học Archimedes. Vào năm 212 TCN, quân đội La Mã đã xâm chiếm thành phố Sy-ra-cu-sơ.
Đến viếng thăm thành phố Sy-ra-cu-sơ hiện đại có thể giúp bạn hình dung phần nào thành phố này vào thời sứ đồ Phao-lô. Sy-ra-cu-sơ được chia thành hai phần: một là thuộc hòn đảo nhỏ Ortygia, nơi thuyền của Phao-lô có lẽ đã cập bến; và hai là thuộc đất liền.
Ngày nay, bạn có thể tìm thấy ở hòn đảo này kiểu kiến trúc của đền thờ Hy Lạp cổ xưa nhất ở Sicily: đền thờ thần Apollo từ thế kỷ thứ sáu TCN. Nơi đây cũng có những cây cột của đền thờ thần Athena được xây dựng vào thế kỷ thứ năm TCN, nhưng hiện nay đền thờ này đã trở thành một phần của thánh đường.
Trung tâm của thành phố Sy-ra-cu-sơ hiện đại nằm ở đất liền. Khi đến đây, bạn có thể thăm công viên khảo cổ Neapolis. Gần lối ra vào của công viên là nhà hát Hy Lạp. Nhà hát này tiêu biểu cho kiểu kiến trúc nhà hát vĩ đại nhất còn lại của Hy Lạp. Do được thiết kế nhìn ra biển nên nó tạo thêm phong cảnh ngoạn mục cho các cuộc trình diễn. Tận cùng phía nam công viên là khán đài vòng cung của La Mã có từ thế kỷ thứ ba CN. Khán đài này lớn thứ ba ở Ý với chiều dài 140 mét và rộng 119 mét.
Nếu có dịp đến Sy-ra-cu-sơ, bạn hãy ngồi trên chiếc ghế dài trước bãi biển Ortygia, mở Kinh Thánh nơi Công-vụ 28:12 và hình dung cảnh sứ đồ Phao-lô đứng trên boong thuyền khi nó lướt nhẹ vào cảng.
[Biểu đồ/Bản đồ nơi trang 30]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Man-tơ
Sicily
Sy-ra-cu-sơ
Ý
Rô-ma
Bu-xô-lơ
Rê-ghi-um
[Hình nơi trang 30]
Tàn tích của một nhà hát Hy Lạp ở Sy-ra-cu-sơ