Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Tàu ở Kít-tim” vượt biển

“Tàu ở Kít-tim” vượt biển

“Tàu ở Kít-tim” vượt biển

VÙNG biển phía đông Địa Trung Hải là nơi diễn ra nhiều trận thủy chiến ác liệt. Bạn hãy hình dung một cuộc chiến xảy ra vào thế kỷ thứ năm TCN. Một chiếc tàu linh hoạt có tên gọi là chiến thuyền trireme đang chèo hết tốc lực. Khoảng 170 tay chèo được bố trí thành ba cấp. Họ ra sức chèo, ngả người tới lui trên miếng đệm bằng da được buộc chặt vào người.

Với tốc độ bảy đến chín hải lý (13-17 km/giờ), chiến thuyền trireme lướt trên những đợt sóng và lao thẳng vào tàu quân địch. Vào giờ phút nguy kịch ấy, tàu quân địch cố chạy thoát nhưng nó lảo đảo và để lộ mạn tàu ra. Mũi nhọn bọc đồng của chiến thuyền trireme đâm vào phần sườn mỏng manh của nó. Tiếng ván tàu vỡ toang và tiếng nước tràn vào lỗ thủng làm cho các tay chèo hoảng loạn. Lúc này, trên chiến thuyền trireme, một nhóm binh lính có vũ trang chạy dọc theo boong tàu, băng qua và tấn công tàu địch. Các chiến thuyền cổ xưa ấy thật đáng sợ!

Các học viên Kinh Thánh rất thích tìm hiểu những câu Kinh Thánh, trong đó có một số lời tiên tri, liên quan đến “Kít-tim” và “những tàu ở Kít-tim”. (Dân-số Ký 24:24; Đa-ni-ên 11:30; Ê-sai 23:1) Nhưng Kít-tim ở đâu? Chúng ta biết gì về những tàu ở Kít-tim? Tại sao câu trả lời sẽ làm bạn thích thú?

Sử gia Do Thái Josephus gọi Kít-tim là “Chethimos”, liên kết nó với đảo Chíp-rơ. Ngoài ra, thành phố Kition (hay còn gọi là Citium) nằm ở đông nam của hòn đảo này là một chi tiết nữa cho thấy Kít-tim chính là Chíp-rơ. Đảo Chíp-rơ nằm trên giao lộ của các con đường thương mại cổ xưa. Đó là vị trí lý tưởng vì có thể hưởng nhiều lợi nhuận từ các cảng phía đông Địa Trung Hải. Nhờ vị trí địa lý và tình trạng chính trị, Chíp-rơ có thể chọn đứng về phía này hoặc phía kia trong cuộc chiến giữa các nước. Vì thế, hòn đảo này có thể trở thành một đồng minh đầy uy lực hoặc một chướng ngại đầy phiền phức.

Cư dân Chíp-rơ và biển cả

Chúng ta có thể hình dung tàu của đảo Chíp-rơ qua các bằng chứng khảo cổ học, chẳng hạn như đồ vật được tìm thấy từ biển và trong các bia mộ, cũng như các văn bản cổ xưa và những hình ảnh được khắc trên đồ gốm. Vào thời kỳ đầu, Chíp-rơ có nhiều thợ đóng tàu chuyên nghiệp. Hòn đảo của họ đầy những khu rừng rậm, và có nhiều vịnh che chở cho các cảng hình thành tự nhiên. Cây cối không chỉ dùng cho việc đóng tàu mà còn được đốt để làm nóng chảy đồng—nguồn khoáng sản giúp Chíp-rơ nổi tiếng trong thế giới cổ xưa.

Thế mạnh của ngành xuất khẩu ở Chíp-rơ không thoát khỏi cặp mắt dòm ngó của người Phê-ni-xi. Trên con đường buôn bán, họ thường biến những nơi nào họ đi qua thành thuộc địa. Một trong những nơi đó là Kition ở Chíp-rơ.—Ê-sai 23:10-12.

Dường như một số cư dân thành Ty-rơ—thành phố cảng chính của Phê-ni-xi—đã chạy đến ẩn náu ở Kít-tim khi thành Ty-rơ sụp đổ. Có lẽ thực dân Phê-ni-xi đầy kinh nghiệm đi biển đã đóng góp rất lớn cho kỹ thuật của hải quân Chíp-rơ. Vị trí chiến lược của Kition cũng là nơi ẩn náu tuyệt vời cho các tàu thuyền Phê-ni-xi.

Góp phần làm phát đạt nền thương mại quốc tế

Hoạt động thương mại ở phía đông Địa Trung Hải trong thời kỳ này rất phức tạp. Các sản phẩm có giá trị được vận chuyển bằng tàu từ Chíp-rơ đến Cơ-rết, Sardinia và Sicily, cũng như đến các đảo ở vùng biển Aegean. Các loại chai lọ của Chíp-rơ được tìm thấy ở những nơi này, và rất nhiều đồ gốm đẹp kiểu Hy Lạp cũng được tìm thấy ở Chíp-rơ. Khi phân tích những thỏi đồng được khai quật ở Sardinia, các học giả tin rằng chúng xuất xứ từ Chíp-rơ.

Năm 1982, người ta phát hiện một chiếc tàu bị đắm vào thế kỷ 14 TCN gần bờ biển phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Họ tìm thấy trong con tàu ấy một kho báu lớn gồm hổ phách, gỗ mun, ngà voi, cũng như các thỏi đồng được xem là đến từ Chíp-rơ, chai lọ và một bộ sưu tập nữ trang vàng bạc của người Ca-na-an, vật trang trí hình bọ cánh cứng và nhiều thứ khác đến từ Ai Cập. Khi phân tích đất sét của đồ gốm trên tàu, một số người cho rằng con tàu này có thể xuất xứ từ Chíp-rơ.

Điều thú vị là trong khoảng thời gian con tàu bị đắm, Ba-la-am đã nhắc đến những tàu từ Kít-tim trong “lời ca” của ông. (Dân-số Ký 24:15, 24) Rõ ràng, tàu của Chíp-rơ rất nổi tiếng ở Trung Đông vào thời đó. Những chiếc tàu này trông thế nào?

Những chiếc tàu buôn

Người ta tìm thấy nhiều mẫu tàu thuyền bằng đất sét trong các hầm mộ ở thành phố Amathus cổ xưa, thuộc Chíp-rơ. Những mẫu này cho biết nhiều thông tin quan trọng về hình dạng các tàu ở đây. Một số mẫu tàu bằng đất sét ấy hiện đang được trưng bày tại các viện bảo tàng.

Các mẫu tàu này cho thấy rõ ràng vào thời kỳ đầu, tàu chỉ được dùng với mục đích thương mại. Những loại tàu nhỏ hơn thường được vận hành bởi 20 tay chèo. Thân tàu được thiết kế rộng và sâu để vận chuyển hàng hóa và hành khách trong những chuyến đi ngắn dọc bờ biển Chíp-rơ. Học giả Pliny the Elder cho biết cư dân Chíp-rơ đã thiết kế loại tàu nhỏ và khá nhẹ có mái chèo với sức chứa đến 90 tấn.

Ngoài ra, cũng có nhiều loại tàu buôn lớn hơn, chẳng hạn như chiếc tàu bị đắm gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ được đề cập ở trên. Một số chiếc có thể dong buồm ra biển lớn với 450 tấn hàng hóa. Những chiếc tàu lớn này dài đến 30 mét, có cột buồm cao hơn 10 mét và có thể phải cần tới 50 tay chèo, mỗi bên 25 người.

Tàu chiến “Kít-tim” trong lời tiên tri của Kinh Thánh

Thánh linh Đức Giê-hô-va soi dẫn để viết lời tuyên bố này: “Sẽ có những tàu từ gành Kít-tim đến, hà-khắc A-su”. (Dân-số Ký 24:2, 24) Lời tiên tri này có ứng nghiệm không? Những tàu ở Chíp-rơ góp phần vào sự ứng nghiệm này như thế nào? “Những tàu từ gành Kít-tim” được nói đến ở đây không phải là những chiếc tàu buôn hiền hòa đang vượt biển Địa Trung Hải, nhưng chúng là những chiến hạm mang lại nhiều tai họa.

Vì đòi hỏi của các cuộc chiến, những thiết kế cơ bản của tàu được nâng cấp để chúng có thể chạy nhanh hơn và có sức tấn công mạnh hơn. Những tàu chiến thời ban đầu của Chíp-rơ có thể giống như chiếc tàu trong một bức tranh được tìm thấy ở Amathus. Chiếc tàu ấy hẹp và dài, có đuôi cong vút lên, tương tự như chiến thuyền của người Phê-ni-xi. Tàu có một mũi nhọn phía trước, và cả hai bên thân phía gần đuôi và mũi tàu có trang bị những tấm chắn hình tròn.

Ở Hy Lạp, những chiến thuyền bireme đầu tiên (loại có các tay chèo được bố trí thành hai cấp) xuất hiện vào thế kỷ thứ tám TCN. Chúng dài khoảng 24 mét và rộng 3 mét. Ban đầu tàu này chỉ được dùng để vận chuyển quân lính, còn những trận chiến thật sự thì diễn ra trên đất liền. Không lâu sau, người ta nhận thấy thuận lợi của việc thêm vào một cấp tay chèo thứ ba và một mũi nhọn bọc đồng ở mũi tàu. Chiếc tàu mới này trở thành chiến thuyền trireme, như được đề cập ở đầu bài. Chiến thuyền này trở nên nổi tiếng nhờ trận thủy chiến Sa-la-min (năm 480 TCN), khi quân Hy Lạp đánh bại hải quân Ba Tư.

Sau này, để bành trướng sự thống trị, Vua A-léc-xan-đơ Đại Đế đã huy động một hạm đội gồm các chiến thuyền trireme thẳng tiến về hướng đông. Những tàu này được thiết kế cho chiến tranh, chứ không dành cho những cuộc hành trình vượt biển vì chúng có ít chỗ chứa đồ dùng và thực phẩm. Vì thế, chúng phải dừng lại tại các đảo thuộc vùng biển Aegean để được tiếp tế và sửa chữa. Mục đích của A-léc-xan-đơ là tiêu diệt hạm đội Ba Tư. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này, trước hết ông phải vượt qua thành Ty-rơ, một pháo đài kiên cố trên đảo. Trên đường đi đến thành này, ông dừng chân ở Chíp-rơ.

Cư dân đảo Chíp-rơ ủng hộ A-léc-xan-đơ Đại Đế suốt cuộc bao vây thành Ty-rơ (năm 332 TCN), cung cấp cho ông một hạm đội gồm 120 chiến thuyền. Ba vị vua của Chíp-rơ dẫn đầu các hạm đội đến tham chiến với A-léc-xan-đơ. Họ cùng hợp tác trong cuộc bao vây thành Ty-rơ kéo dài bảy tháng. Cuối cùng, thành Ty-rơ sụp đổ và lời tiên tri trong Kinh Thánh được ứng nghiệm. (Ê-xê-chi-ên 26:3, 4; Xa-cha-ri 9:3, 4) Để tỏ lòng biết ơn, A-léc-xan-đơ cho ba vua chư hầu này nhiều đặc quyền.

Một sự ứng nghiệm đáng chú ý

Một sử gia thế kỷ thứ nhất là Strabo cho biết A-léc-xan-đơ đã ra lệnh cho Chíp-rơ và Phê-ni-xi gửi các tàu chiến đến chiến trường của ông ở Ả-rập. Những tàu này nhẹ và dễ tháo dỡ, nên chúng đã được chuyển đến thành phố Thapsacus (Típ-sắc) ở phía bắc Sy-ri chỉ trong vòng bảy ngày. (1 Các Vua 4:24) Từ đây chúng có thể đến thẳng thành Ba-by-lôn.

Một câu Kinh Thánh dường như không mấy quan trọng nhưng đã được ứng nghiệm một cách đáng chú ý khoảng mười thế kỷ sau đó! Hòa hợp với Dân-số Ký 24:24, đội quân của A-léc-xan-đơ Đại Đế đi từ Ma-xê-đoan và không ngừng tiến về phía đông, chinh phục xứ A-si-ri, và cuối cùng đánh bại Đế quốc Mê-đi Phe-rơ-sơ hùng mạnh.

Dù ít ỏi nhưng thông tin về “những tàu ở Kít-tim” cho thấy sự ứng nghiệm đáng kinh ngạc của lời tiên tri trong Kinh Thánh. Đây là bằng chứng lịch sử giúp chúng ta càng tin chắc nơi những lời tiên tri trong cuốn sách cổ này. Nhiều lời tiên tri trong số đó liên quan đến tương lai của chính chúng ta, nên điều hữu ích là cẩn thận xem xét chúng.

[Bản đồ nơi trang 16, 17]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Ý

Sardinia

Sicily

Biển Aegean

HY LẠP

Cơ-rết

LIBYA

THỔ NHĨ KỲ

CHÍP-RƠ

Kition

Ty-rơ

AI CẬP

[Hình nơi trang 16]

Mô hình tàu chiến Hy Lạp: chiến thuyền trireme

[Nguồn tư liệu]

Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.

[Hình nơi trang 17]

Mô hình tàu chiến Phê-ni-xi cổ xưa: chiến thuyền bireme

[Nguồn tư liệu]

Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.

[Hình nơi trang 17]

Chiếc bình khắc hình một con tàu của Chíp-rơ

[Nguồn tư liệu]

Published by permission of the Director of Antiquities and the Cyprus Museum

[Hình nơi trang 18]

Những chiếc tàu buôn cổ xưa được đề cập nơi Ê-sai 60:9