Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hãy mặc lấy sự khiêm-nhường’

‘Hãy mặc lấy sự khiêm-nhường’

‘Hãy mặc lấy sự khiêm-nhường’

ÔNG sống ở một thành phố nổi tiếng, được sinh ra là công dân La Mã và có lẽ thuộc một gia đình danh giá. Đó là Sau-lơ, người được hấp thu một trong những nền giáo dục tối ưu vào thế kỷ thứ nhất CN. Ông nói ít nhất hai thứ tiếng, và thuộc giáo phái nổi tiếng của Do Thái là Pha-ri-si.

Hẳn Sau-lơ có khuynh hướng coi khinh người dân thường và hãnh diện về sự công bình của mình. (Lu-ca 18:11, 12; Công-vụ 26:5) Những người cùng phái Pha-ri-si với Sau-lơ tự cho mình là cao trọng, thích được tôn cao và chuộng chức danh. (Ma-thi-ơ 23:6, 7; Lu-ca 11:43) Giao tiếp với những người đó hẳn đã khiến Sau-lơ trở nên kiêu ngạo. Chúng ta biết ông từng là người sốt sắng bắt bớ tín đồ Đấng Christ. Nhiều năm sau, khi trở thành sứ đồ Phao-lô, ông nói mình trước kia là “người phạm-thượng, hay bắt-bớ, hung-bạo”.—1 Ti-mô-thê 1:13.

Thật thế, Sau-lơ đã trở thành tín đồ Đấng Christ và được gọi là sứ đồ Phao-lô. Bấy giờ, tính tình ông thay đổi hoàn toàn. Với tư cách là một sứ đồ, ông khiêm nhường cho biết mình là “kẻ hèn hơn hết mọi thánh-đồ”. (Ê-phê-sô 3:8) Ông rất thành công trong công việc rao giảng nhưng không xem đó là công trạng của mình. Ông quy mọi vinh hiển cho Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 3:5-9; 2 Cô-rinh-tô 11:7) Chính Phao-lô đã khuyên anh em đồng đạo: “Hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhân-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục”.—Cô-lô-se 3:12.

Lời khuyên ấy có áp dụng được vào thế kỷ 21 này không? Có đáng để khiêm nhường không? Khiêm nhường có thật sự là dấu hiệu của sức mạnh không?

Đấng Tạo Hóa Toàn Năng có khiêm nhường không?

Mỗi khi nói về tính khiêm nhường, chúng ta phải xem quan điểm của Đức Chúa Trời về đức tính này. Tại sao? Vì Ngài là Đấng Cai Trị và là Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Khác với Ngài, chúng ta phải nhìn nhận rằng mình có giới hạn. Chúng ta phải nương tựa nơi Ngài. Một người khôn ngoan thời xưa tên Ê-li-hu nói: “Luận về Đấng Toàn-năng, ta không tìm thấy đến Ngài được: Ngài vốn rất quyền-năng”. (Gióp 37:23) Thật vậy, chỉ cần suy ngẫm về vũ trụ bao la cũng đủ khiến chúng ta khiêm nhường! Nhà tiên tri Ê-sai mời gọi: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật này? Ấy là Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức-mạnh Ngài lớn lắm, và quyền-năng Ngài rất cao”.—Ê-sai 40:26.

Song song với bản chất toàn năng, Giê-hô-va Đức Chúa Trời còn có tính khiêm nhường. Vua Đa-vít cầu nguyện với Ngài như sau: “Chúa đã ban sự chửng-cứu cho tôi làm cái khiên, và sự hiền-từ Chúa đã làm cho tôi nên sang-trọng”. (2 Sa-mu-ên 22:36) Đức Chúa Trời khiêm nhường theo nghĩa là Ngài quan tâm và thương xót những người thấp hèn cố gắng làm Ngài vui lòng. Theo nghĩa bóng, Đức Giê-hô-va từ trên trời hạ mình xuống để đối xử một cách nhân từ với những người kính sợ Ngài.—Thi-thiên 113:5-7.

Hơn nữa, Đức Giê-hô-va quý những tôi tớ khiêm nhường. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”. (1 Phi-e-rơ 5:5) Nói về tính kiêu ngạo, một người viết Kinh Thánh cho biết quan điểm của Đức Chúa Trời: “Phàm ai có lòng kiêu-ngạo lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va”. (Châm-ngôn 16:5) Vậy, làm thế nào tính khiêm nhường có thể là dấu hiệu của sức mạnh?

Khiêm nhường không có nghĩa là gì?

Khiêm nhường không có nghĩa là bị khinh thường. Trong một số nền văn hóa cổ xưa, người khiêm nhường điển hình là người nô lệ—một người hèn hạ, khốn khổ và đáng thương hại. Trái với điều này, Kinh Thánh nhấn mạnh rằng những người khiêm nhường sẽ được tôn trọng. Chẳng hạn, vị vua khôn ngoan là Sa-lô-môn viết: “Phần thưởng của sự khiêm-nhượng và sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng-sống”. (Châm-ngôn 22:4) Và chúng ta đọc nơi Thi-thiên 138:6: “Dầu Đức Giê-hô-va cao-cả, thì cũng đoái đến những người hèn-hạ; còn kẻ kiêu-ngạo, Ngài nhận-biết từ xa”.

Người khiêm nhường không phải là người không có khả năng hoặc không có thành tích. Chẳng hạn, Chúa Giê-su không bao giờ phủ nhận ngài là Con một của Đức Giê-hô-va. Ngài cũng không bao giờ phủ nhận tầm quan trọng của thánh chức mà ngài phải thực hiện khi còn ở trên đất. (Mác 14:61, 62; Giăng 6:51) Tuy nhiên, Chúa Giê-su thể hiện tinh thần khiêm nhường bằng cách quy mọi thành quả của ngài cho Cha. Ngài cũng thể hiện tinh thần này bằng cách dùng quyền phép để phục vụ và giúp đỡ người khác chứ không phải để cai trị và áp bức họ.

Dấu hiệu của sức mạnh

Chắc chắn, Chúa Giê-su được những người đồng thời biết đến qua các “việc quyền-phép”. (Công-vụ 2:22) Tuy nhiên, dưới mắt một số người, ngài là “kẻ rất hèn-hạ trong loài người”. (Đa-ni-ên 4:17) Không những Chúa Giê-su sống rất giản dị mà ngài còn nhiều lần giảng dạy về giá trị của tính khiêm nhường. (Lu-ca 9:48; Giăng 13:2-16) Tuy nhiên, tính khiêm nhường không khiến ngài trở thành người nhu nhược. Ngài đã dạn dĩ bênh vực cho danh Cha và chu toàn thánh chức của ngài. (Phi-líp 2:6-8) Trong Kinh Thánh, Chúa Giê-su được miêu tả như một sư tử dũng mãnh. (Khải-huyền 5:5) Gương của Chúa Giê-su cho thấy tính khiêm nhường có thể sánh với lập trường vững chắc về đạo đức và có nghị lực.

Khi cố gắng vun trồng tính khiêm nhường chân thật, chúng ta nhận ra rằng điều này đòi hỏi phải thật sự nỗ lực để thể hiện đức tính này trong đời sống. Khiêm nhường bao hàm thái độ luôn vâng phục ý muốn Đức Chúa Trời thay vì chọn giải pháp dễ dàng hoặc chiều theo khuynh hướng xác thịt. Vun trồng tính khiêm nhường đòi hỏi phải có lập trường vững chắc về đạo đức, vì chúng ta cần gạt bỏ quyền lợi riêng để phụng sự Đức Giê-hô-va và phục vụ người khác một cách bất vị kỷ.

Lợi ích của tính khiêm nhường

Khiêm nhường là không kiêu ngạo hoặc tự cao tự đại. Một người có tinh thần khiêm nhường nhờ biết nhận thức đúng về bản thân—tức nhận ra ưu điểm và khuyết điểm, thành công cũng như thất bại của mình. Ông Phao-lô đã đưa ra lời khuyên thực tế: “Tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm-tình tầm-thường”. (Rô-ma 12:3) Bất cứ ai làm theo lời khuyên này thì người đó đang biểu lộ tính khiêm nhường.

Chúng ta cũng thể hiện tính khiêm nhường khi chân thành đặt quyền lợi người khác lên trên quyền lợi riêng. Dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời, Phao-lô khuyến khích tín đồ Đấng Christ: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình”. (Phi-líp 2:3) Điều này phù hợp với lời của Chúa Giê-su phán với các môn đồ: “Ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi. Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên”.—Ma-thi-ơ 23:11, 12.

Thật vậy, người khiêm nhường sẽ được Đức Chúa Trời nhắc lên. Môn đồ Gia-cơ nhấn mạnh điểm này khi viết: “Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên”. (Gia-cơ 4:10) Ai lại chẳng muốn được Đức Chúa Trời nhắc lên?

Thiếu tinh thần khiêm nhường sẽ gây ra tình trạng lộn xộn và bất hòa giữa những cá nhân hoặc một nhóm người. Ngược lại, thái độ khiêm nhường mang lại kết quả tốt đẹp. Chúng ta có thể được Đức Chúa Trời chấp nhận và điều đó làm chúng ta ấm lòng. (Mi-chê 6:8) Chúng ta có sự bình an nội tâm vì người khiêm nhường thường hạnh phúc và thỏa lòng hơn người kiêu ngạo. (Thi-thiên 101:5) Mối quan hệ của chúng ta đối với gia đình, bạn bè, bạn cùng trường và người khác sẽ êm đẹp và vui vẻ hơn. Người khiêm nhường tránh tinh thần bất đồng và độc đoán cũng như những hành động dẫn đến sự nóng giận, lạnh nhạt, oán trách và cay đắng.—Gia-cơ 3:14-16.

Thật thế, vun trồng tính khiêm nhường là cách tốt nhất để duy trì mối quan hệ hòa thuận với người khác. Đức tính này giúp chúng ta đương đầu với những thách đố trong thế giới đầy cạnh tranh và ích kỷ. Với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, sứ đồ Phao-lô đã khắc phục được tính kiêu ngạo và thái độ tự cao trước đó. Tương tự thế, chúng ta nên cưỡng lại bất cứ khuynh hướng nào dẫn đến tính kiêu ngạo hoặc nghĩ rằng mình tài giỏi hơn người khác. Kinh Thánh cảnh báo: “Sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau, và tánh tự-cao đi trước sự sa-ngã”. (Châm-ngôn 16:18) Noi theo gương và lời khuyên của sứ đồ Phao-lô, chúng ta sẽ biết rằng ‘mặc lấy sự khiêm-nhượng’ là điều khôn ngoan.—Cô-lô-se 3:12.

[Hình nơi trang 4]

Sứ đồ Phao-lô đã khắc phục được tính kiêu ngạo và thái độ tự cao

[Hình nơi trang 7]

Tính khiêm nhường giúp chúng ta có mối quan hệ tốt với người khác

[Nguồn tư liệu nơi trang 5]

Anglo-Australian Observatory/David Malin Images