Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tìm kiếm “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”

Tìm kiếm “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”

Tìm kiếm “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”

‘Thánh-linh dò-xét mọi sự, cả đến sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời nữa’.—1 CÔ-RINH-TÔ 2:10.

1. Những lẽ thật nào trong Kinh Thánh khiến người mới học cảm thấy vui?

TRONG hội thánh tín đồ Đấng Christ, hầu hết chúng ta có thể nhớ lại niềm vui khi lần đầu học lẽ thật. Chúng ta nhận ra tại sao danh Đức Giê-hô-va là quan trọng, tại sao Ngài để cho có đau khổ, tại sao một số người được lên trời, và những người trung thành sẽ có tương lai nào. Có thể trước kia chúng ta đã đọc Kinh Thánh. Tuy nhiên, như nhiều người, chúng ta không tìm được lời giải đáp cho những vấn đề trên. Chúng ta giống như một người nhìn rặng san hô qua làn nước. Bằng mắt thường, người đó không thấy rõ những sinh vật tuyệt đẹp dưới nước. Tuy nhiên, với cặp kính bơi hoặc ngồi trên thuyền đáy thủy tinh, người đó cảm thấy thích thú khi lần đầu được thấy những dải san hô, sứa biển, những con cá màu sắc sặc sỡ và những sinh vật tuyệt đẹp khác. Tương tự thế, khi bắt đầu được một người giúp hiểu Kinh Thánh, lần đầu tiên chúng ta chỉ thoáng thấy “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”.—1 Cô-rinh-tô 2:8-10.

2. Tại sao việc học Lời Đức Chúa Trời có thể mang lại niềm vui vô tận?

2 Phải chăng chúng ta chỉ mãn nguyện với sự hiểu biết hời hợt về lẽ thật của Kinh Thánh? Cụm từ “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” bao gồm việc hiểu biết về sự khôn ngoan của Ngài. Sự khôn ngoan này được thánh linh tỏ ra cho các tín đồ Đấng Christ, nhưng bị che khuất đối với người khác. (1 Cô-rinh-tô 2:7) Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời quả là vô hạn! Việc tìm hiểu đường lối của Ngài mang lại cho chúng ta nhiều niềm vui. Không bao giờ chúng ta biết hết đường lối khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Niềm vui cảm nghiệm được khi lần đầu tiên hiểu sự dạy dỗ căn bản của Kinh Thánh có thể tồn tại mãi nếu chúng ta không ngừng tìm kiếm “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”.

3. Tại sao chúng ta phải hiểu rõ lý do của những điều mình tin?

3 Tại sao chúng ta cần hiểu những “sự sâu-nhiệm” này? Chúng ta không những phải hiểu điều mình tin mà còn phải hiểu tại sao mình tin. Lý do ấy sẽ củng cố đức tin và lòng tin chắc của chúng ta. Kinh Thánh khuyên chúng ta nên “thử [“chứng tỏ”, NW] cho [chính mình] biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”, và chúng ta có thể làm điều này bằng cách dùng khả năng suy luận. (Rô-ma 12:1, 2) Khi hiểu tại sao Đức Giê-hô-va muốn chúng ta sống theo đường lối của Ngài, chúng ta sẽ quyết tâm vâng lời. Vì vậy, nhờ hiểu biết về “sự sâu-nhiệm”, chúng ta có nghị lực để cưỡng lại những hành vi trái luật pháp Đức Chúa Trời và “sốt-sắng về các việc lành”.—Tít 2:14.

4. Việc học Kinh Thánh bao hàm những gì?

4 Muốn hiểu biết những điều sâu nhiệm, chúng ta cần phải học hỏi. Tuy nhiên, học hỏi không có nghĩa là đọc một cách hời hợt. Việc này đòi hỏi chúng ta phải xét kỹ những gì mình đọc để xem có phù hợp với điều đã biết hay không. (2 Ti-mô-thê 1:13) Ngoài ra, chúng ta cũng phải hiểu lý do tại sao những điều mình đọc lại được viết như thế. Khi học hỏi Kinh Thánh, chúng ta cũng nên suy ngẫm làm thế nào có thể áp dụng điều đã học để quyết định một cách khôn ngoan và giúp người khác. Hơn nữa, vì ‘cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn và có ích’ nên chúng ta phải học “mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17; Ma-thi-ơ 4:4) Đây có thể là một công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực! Tuy nhiên, đó cũng có thể là điều thú vị và không quá khó để hiểu được “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”.

Đức Giê-hô-va giúp người khiêm nhường hiểu Kinh Thánh

5. Ai có thể hiểu “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”?

5 Ngay dù không xuất sắc ở trường và không quen với việc học hỏi, đừng nên nghĩ rằng bạn không thể lĩnh hội được “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”. Trong thời gian Chúa Giê-su thi hành thánh chức trên đất, Đức Giê-hô-va đã không tỏ ý định Ngài cho người khôn ngoan và người trí thức, nhưng lại tỏ cho người ít học và tầm thường, tức những người nhu mì chấp nhận sự dạy dỗ của tôi tớ Ngài. Họ giống như con trẻ khi so với những người có học thức cao. (Ma-thi-ơ 11:25; Công-vụ 4:13) Nói về việc “Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu-mến Ngài”, sứ đồ Phao-lô viết cho anh em đồng đạo: ‘Đức Chúa Trời đã dùng thánh-linh để bày-tỏ những sự đó cho chúng ta, vì thánh-linh dò-xét mọi sự, cả đến sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời nữa’.—1 Cô-rinh-tô 2:9, 10.

6. Câu 1 Cô-rinh-tô 2:10 có nghĩa gì?

6 Làm thế nào thánh linh dò xét “mọi sự, cả đến sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”? Thay vì tỏ lẽ thật cho từng tín đồ, Đức Giê-hô-va dùng thánh linh hướng dẫn tổ chức Ngài. Tổ chức này giúp dân tộc hợp nhất của Ngài hiểu biết về Kinh Thánh. (Công-vụ 20:28; Ê-phê-sô 4:3-6) Trên khắp thế giới, tất cả các hội thánh đều có chung một chương trình học hỏi. Trong nhiều năm, các hội thánh được học toàn bộ những điều Kinh Thánh dạy. Qua hội thánh, thánh linh giúp mọi người có thái độ cần thiết để hiểu “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”.—Công-vụ 5:32.

“Sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” bao hàm những gì?

7. Tại sao nhiều người không hiểu “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”?

7 Chúng ta đừng nên nghĩ rằng “sự sâu-nhiệm” là điều khó hiểu. Đa số người ta không hiểu biết về “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”, không phải vì khó đạt được sự khôn ngoan của Ngài, nhưng vì họ bị Sa-tan lừa dối nên từ chối sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời qua tổ chức Ngài.—2 Cô-rinh-tô 4:3, 4.

8. Phao-lô nói đến sự màu nhiệm nào trong chương 3 của lá thư gửi cho hội thánh Ê-phê-sô?

8 Chương 3 của lá thư mà sứ đồ Phao-lô gửi cho hội thánh Ê-phê-sô cho thấy “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” bao gồm nhiều lẽ thật mà hầu hết dân Đức Giê-hô-va đều hiểu rõ ràng, chẳng hạn như việc nhận ra “Dòng Dõi” mà Ngài đã hứa là ai, việc chọn những người trong nhân loại có hy vọng lên trời và Nước của Đấng Mê-si. Phao-lô viết: ‘Lẽ mầu-nhiệm trong các đời khác, chưa từng phát-lộ cho con-cái loài người, mà bây giờ đã được thánh-linh tỏ ra cho các sứ-đồ thánh và tiên-tri của Ngài. Lẽ mầu-nhiệm đó tức là: Dân ngoại là kẻ đồng kế-tự, là các chi của đồng một thể, đều có phần chung với chúng ta về lời hứa đã nhờ tin-lành mà lập trong Đức Chúa Jêsus-Christ’. Phao-lô cho biết ông đã được giao trách nhiệm “soi sáng cho mọi người biết sự phân-phát lẽ mầu-nhiệm, từ đời thượng-cổ đã giấu-kín trong Đức Chúa Trời”.—Ê-phê-sô 3:5-9.

9. Tại sao hiểu được “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” là một đặc ân?

9 Trong câu kế tiếp, Phao-lô giải thích là Đức Chúa Trời cũng có ý để ‘sự khôn-sáng mọi đường của Đức Chúa Trời cậy Hội-thánh mà bày-tỏ ra cho các nơi trên trời’. (Ê-phê-sô 3:10) Các thiên sứ được lợi ích nhờ thấy và hiểu sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va trong việc Ngài cư xử với hội thánh tín đồ Đấng Christ. Thật là một đặc ân cho chúng ta khi được hiểu những điều mà các thiên sứ cũng muốn biết! (1 Phi-e-rơ 1:10-12) Kế tiếp, Phao-lô viết rằng chúng ta nên cố gắng “hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” của niềm tin đạo Đấng Christ. (Ê-phê-sô 3:11, 18) Giờ đây chúng ta hãy xem xét vài ví dụ về sự sâu nhiệm giúp chúng ta mở rộng tầm hiểu biết.

Vài trường hợp về sự sâu nhiệm

10, 11. Theo Kinh Thánh, khi nào Chúa Giê-su trở nên thành phần chính của “dòng-dõi người nữ” trên trời?

10 Chúng ta biết Chúa Giê-su là thành phần chính thuộc “dòng-dõi người nữ” trên trời của Đức Chúa Trời được đề cập nơi Sáng-thế Ký 3:15. Để mở rộng tầm hiểu biết, chúng ta có thể tự hỏi: ‘Khi nào Chúa Giê-su trở thành Dòng Dõi như được hứa? Đó là trước khi ngài xuống thế, khi ngài được sinh ra làm người, lúc ngài làm báp têm hay là khi ngài được sống lại?’.

11 Đức Chúa Trời hứa rằng phần trên trời của tổ chức Ngài—được đề cập trong lời tiên tri là “người nữ” của Ngài—sẽ sinh ra một dòng dõi để giày đạp đầu con rắn. Nhưng hàng ngàn năm đã trôi qua mà người nữ của Đức Chúa Trời vẫn chưa sinh ra dòng dõi nào có khả năng hủy diệt Sa-tan và công việc của hắn. Vì vậy, lời tiên tri của Ê-sai gọi người nữ ấy là “kẻ son-sẻ” và “phiền-rầu trong lòng”. (Ê-sai 54:1, 5, 6) Cuối cùng, Chúa Giê-su được sinh ra ở Bết-lê-hem. Tuy nhiên, chỉ sau khi ngài làm báp têm, tức được sinh lại bằng thánh linh để trở thành con thiêng liêng của Đức Chúa Trời, thì bấy giờ chính Đức Chúa Trời phán: “Nầy là Con yêu dấu của ta”. (Ma-thi-ơ 3:17; Giăng 3:3) Vậy, thành phần chính của “dòng-dõi” người nữ đã hiện diện. Về sau, các môn đồ của Chúa Giê-su cũng được xức dầu và sinh lại bằng thánh linh. “Người nữ” của Đức Giê-hô-va từ lâu cảm thấy mình là “kẻ son-sẻ, không sanh-đẻ” giờ đây có thể “hát-xướng reo-mừng”.—Ê-sai 54:1; Ga-la-ti 3:29.

12, 13. Những câu Kinh Thánh nào cho thấy các tín đồ được xức dầu sống trên đất hợp thành “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”?

12 Trường hợp thứ hai về sự sâu nhiệm được tỏ ra cho chúng ta có liên quan đến ý định của Đức Chúa Trời trong việc chọn 144.000 người từ giữa nhân loại. (Khải-huyền 14:1, 4) Chúng ta hiểu và tin rằng tất cả các tín đồ được xức dầu sống trên đất—vào bất cứ thời điểm nào—đều hợp thành “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Chúa Giê-su cho biết đầy tớ này sẽ cung cấp “đồ ăn” cho người nhà ngài. (Ma-thi-ơ 24:45) Câu Kinh Thánh nào cho thấy sự dạy dỗ ấy là chính xác? Phải chăng ngài ám chỉ về bất cứ tín đồ nào cung cấp thức ăn thiêng liêng để xây dựng đức tin của anh em mình?

13 Đức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy-tớ ta đã chọn”. (Ê-sai 43:10) Tuy nhiên, vào ngày 11 tháng Ni-san năm 33 CN, Chúa Giê-su nói với các nhà lãnh đạo Do Thái rằng Đức Chúa Trời đã từ bỏ dân tộc này và không xem họ là tôi tớ của Ngài nữa. Chúa Giê-su phán: “Nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết-quả của nước đó”. Ngài nói với đám đông: “Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!”. (Ma-thi-ơ 21:43; 23:38) Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, dân Y-sơ-ra-ên không khôn ngoan cũng không trung thành với Ngài. (Ê-sai 29:13, 14) Cũng trong ngày đó, Chúa Giê-su hỏi: “Ai là đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan?”. Thật ra, ngài có ý hỏi: ‘Dân tộc khôn ngoan nào sẽ thay thế dân Y-sơ-ra-ên để làm tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời?’. Sứ đồ Phi-e-rơ đã đưa ra lời giải đáp khi ông nói với hội thánh gồm những tín đồ xức dầu: “Anh em là. . . dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 1:4; 2:9) Dân thánh ấy, tức “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, trở thành tôi tớ mới của Đức Giê-hô-va. (Ga-la-ti 6:16) Như toàn thể dân Y-sơ-ra-ên xưa hợp thành “tôi tớ” Đức Chúa Trời, tất cả các tín đồ được xức dầu sống trên đất vào bất cứ thời điểm nào cũng đều hợp thành “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Thật là một đặc ân khi chúng ta nhận được “đồ ăn” từ “đầy-tớ” của Đức Chúa Trời!

Học hỏi cá nhân có thể là niềm vui

14. Tại sao việc học Kinh Thánh, chứ không phải chỉ đọc qua loa, mang lại niềm vui?

14 Khi có sự hiểu biết mới về Kinh Thánh, lẽ nào chúng ta lại không vui vì đức tin mình được củng cố hay sao? Thế nên, việc học Kinh Thánh, chứ không phải chỉ đọc qua loa, có thể là niềm vui. Vì vậy, khi bạn đọc các ấn phẩm của đạo Đấng Christ, hãy tự hỏi: ‘Về đề tài này, lời giải thích hiện nay so với điều tôi hiểu trước đây khác như thế nào? Tôi có thể nghĩ đến những câu Kinh Thánh hoặc lý lẽ nào khác hỗ trợ các điểm trong bài này?’. Nếu cần tra cứu thêm, hãy ghi lại thắc mắc của mình và dùng làm đề tài để nghiên cứu sau này.

15. Những chương trình nghiên cứu nào có thể mang lại niềm vui, và làm sao chúng ta được lợi ích lâu dài?

15 Những chương trình nghiên cứu nào sẽ mang lại cho bạn niềm vui khi có sự hiểu biết sâu sắc? Những chương trình phân tích sâu về các giao ước mà Đức Chúa Trời thiết lập nhằm mang lại lợi ích cho loài người, như được đề cập nơi chương 19 của sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, * sẽ giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh rõ hơn. Bạn có thể củng cố đức tin bằng cách nghiên cứu những lời tiên tri chỉ về Chúa Giê-su, hoặc xem xét từng câu trong một sách tiên tri trong Kinh Thánh, hoặc dùng Danh mục ấn phẩm Tháp Canh 1995-2005 giải thích các câu Kinh Thánh. * Đức tin bạn cũng có thể được vững mạnh khi ôn lại lịch sử hiện đại của Nhân Chứng Giê-hô-va. Khi đọc lại phần “Độc giả thắc mắc” đăng trong tạp chí Tháp Canh, chắc chắn bạn sẽ hiểu một số câu Kinh Thánh rõ ràng hơn. Hãy đặc biệt chú ý đến những lý luận dựa trên Kinh Thánh dẫn đến kết luận của bài. Việc này sẽ giúp bạn rèn luyện “tâm-tư” và phát triển khả năng suy xét. (Hê-bơ-rơ 5:14) Khi nghiên cứu, hãy ghi chú vào cuốn Kinh Thánh của bạn hoặc vào một tờ giấy, vì điều đó sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho bạn và những người bạn giúp.

Hãy giúp con cái thích học Kinh Thánh

16. Làm thế nào bạn có thể giúp con cái ở độ tuổi thanh thiếu niên thích học Kinh Thánh?

16 Cha mẹ có thể làm nhiều cách để khơi dậy nơi con cái lòng yêu thích những điều thiêng liêng. Đừng đánh giá thấp khả năng của con cái ở độ tuổi thanh thiếu niên và cho rằng chúng không thể hiểu những điều sâu nhiệm. Nếu giao cho các em một đề tài nghiên cứu để chuẩn bị cho buổi học gia đình, sau đó bạn hãy hỏi xem các em đã học được gì. Buổi học gia đình có thể cũng gồm cả phần thực tập để giúp các em học cách bênh vực đức tin và chứng minh rằng những điều các em được dạy là đúng. Ngoài ra, bạn có thể dùng sách mỏng ‘Hãy xem xứ tốt-tươi’ * để dạy các em về địa lý trong Kinh Thánh và làm sáng tỏ những điều bạn đang học trong chương trình đọc Kinh Thánh hằng tuần.

17. Tại sao chúng ta cần có quan điểm thăng bằng trong việc nghiên cứu riêng về Kinh Thánh?

17 Việc nghiên cứu riêng về Kinh Thánh có thể rất thú vị và làm vững mạnh đức tin, nhưng hãy cẩn thận, đừng để việc đó choán hết thì giờ dành cho việc chuẩn bị các buổi họp. Các buổi họp là một cách khác để Đức Giê-hô-va dạy dỗ chúng ta qua “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thêm có thể góp phần giúp bạn có những lời bình luận sâu sắc tại buổi họp, chẳng hạn như Buổi Học Cuốn Sách hoặc trong phần các điểm Kinh Thánh nổi bật hằng tuần của Trường Thánh Chức.

18. Tại sao nỗ lực của bạn trong việc học “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” là điều đáng giá?

18 Việc học kỹ Lời Đức Chúa Trời có thể giúp bạn đến gần Ngài. Để cho thấy giá trị của việc học hỏi như thế, Kinh Thánh nói: “Sự khôn-ngoan che thân cũng như tiền-bạc che thân vậy; nhưng sự khôn-ngoan thắng hơn, vì nó giữ mạng-sống cho người nào đã được nó”. (Truyền-đạo 7:12) Vì vậy, nỗ lực của bạn trong việc đào sâu sự hiểu biết về thiêng liêng là điều đáng giá. Kinh Thánh hứa với những người tiếp tục tìm kiếm thì sẽ “tìm được điều tri-thức của Đức Chúa Trời”.—Châm-ngôn 2:4, 5.

[Chú thích]

^ đ. 15 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 15 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 16 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn giải thích thế nào?

• “Sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” là gì?

• Tại sao chúng ta không nên ngưng học những điều sâu nhiệm?

• Tại sao mọi tín đồ Đấng Christ đều có cơ hội hưởng được niềm vui khi hiểu “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”?

• Làm thế nào bạn có thể nhận được lợi ích trọn vẹn qua “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 28]

Khi nào Chúa Giê-su trở thành Dòng Dõi như được hứa?

[Hình nơi trang 31]

Cha mẹ có thể giao cho con cái đề tài nghiên cứu để chuẩn bị cho buổi học gia đình