Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi tập tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va

Tôi tập tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va

Tự Truyện

Tôi tập tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va

Do Aubrey Baxter kể lại

Vào một tối thứ Bảy, năm 1940, có hai người đàn ông bất ngờ nhào đến đánh tôi ngã lăn xuống đất. Hai cảnh sát đứng gần đấy chẳng những không giúp đỡ mà còn nguyền rủa tôi và khen hai tên kia. Nguyên nhân dẫn đến hành động thô bạo của hai tên đó bắt nguồn từ những sự kiện xảy ra 5 năm về trước, khi tôi còn là một thợ mỏ. Tôi xin kể lại.

TÔI sinh năm 1913, ở Swansea, một thành phố thuộc miền duyên hải tiểu bang New South Wales, nước Úc. Tôi là con trai thứ ba trong gia đình có bốn anh em. Khi tôi lên 5, cả gia đình tôi mắc bệnh cúm Tây Ban Nha, một đại dịch đã cướp đi hàng triệu sinh mạng trên khắp thế giới. Mừng thay, chúng tôi đều qua khỏi. Tuy nhiên, đến năm 1933, tai họa ập xuống khi mẹ tôi qua đời ở tuổi 47. Mẹ là một người kính sợ Đức Chúa Trời. Trước đó, mẹ đã nhận được hai tập của bộ sách Light, một công cụ để học hỏi Kinh Thánh do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bấy giờ, tôi làm việc trong một mỏ than. Vì công việc của tôi có lúc phải tập trung cao độ nhưng cũng có lúc rảnh rỗi, nên tôi mang sách theo và đọc dưới ánh sáng ngọn đèn gắn trên mũ bảo hộ của thợ mỏ. Không lâu sau, tôi nhận ra mình đã tìm được lẽ thật. Tôi cũng bắt đầu nghe chương trình phát thanh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi cảm thấy vui hơn khi bố và các anh đều chú ý đến lẽ thật của Kinh Thánh.

Năm 1935, tai họa một lần nữa lại ập xuống gia đình tôi khi em tôi là Billy mắc bệnh viêm phổi và qua đời. Năm ấy em chỉ mới 16 tuổi. Tuy nhiên, lần này gia đình tôi được an ủi nhờ niềm tin nơi sự sống lại. (Công-vụ 24:15) Theo thời gian, bố cùng hai anh Verner và Harold, cũng như hai chị dâu của tôi đều dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Hiện nay, trong gia đình, tôi là người duy nhất còn sống. Tuy nhiên, chị Marjorie, vợ kế của anh Verner và chị Elizabeth, vợ anh Harold vẫn còn sống và sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va.

Tập tin cậy nơi Đức Giê-hô-va

Lần đầu tiên tôi được gặp Nhân Chứng Giê-hô-va là khoảng cuối năm 1935, khi một phụ nữ người Ukraine đi rao giảng bằng xe đạp ghé qua nhà tôi. Vào Chủ Nhật tuần đó, lần đầu tiên tôi dự buổi họp của đạo Đấng Christ, và tuần kế tiếp thì tham gia nhóm rao giảng. Anh Nhân Chứng điều khiển buổi họp rao giảng đưa cho tôi vài cuốn sách nhỏ, và thật ngạc nhiên là anh ấy để tôi đi một mình! Đến nhà đầu tiên, tôi bối rối đến độ muốn độn thổ! Tuy nhiên, người chủ nhà tỏ ra vui vẻ và còn nhận tạp chí nữa.

Những câu Kinh Thánh như Truyền-đạo 12:1 và Ma-thi-ơ 28:19, 20 gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi, và tôi muốn trở thành người tiên phong, tức người rao giảng trọn thời gian. Bố ủng hộ quyết định của tôi. Dù chưa báp têm, tôi chọn ngày 15-7-1936 là ngày bắt đầu công việc này. Vào ngày đó, tôi đến văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Sydney và được mời làm việc với 12 người tiên phong ở Dulwich Hill thuộc ngoại ô Sydney. Họ chỉ tôi cách dùng cối xay lúa mì bằng tay, dụng cụ mà các tiên phong thời bấy giờ dùng để xay bột nhằm giảm chi phí mua lương thực.

Làm tiên phong nơi vùng hoang dã

Sau khi làm báp têm vào khoảng cuối năm đó, tôi được bổ nhiệm đến miền trung tiểu bang Queensland cùng với hai tiên phong khác là anh Aubrey Wills và Clive Shade. Trang thiết bị của chúng tôi gồm một xe tải nhỏ của anh Aubrey, vài chiếc xe đạp, một máy hát đĩa xách tay để phát thanh các bài giảng dựa trên Kinh Thánh, ba cái giường, một cái bàn, một cái nồi và một cái lều để chúng tôi dùng làm nơi trú ngụ trong ba năm. Một ngày nọ đến phiên tôi nấu ăn, tôi nghĩ mình sẽ chuẩn bị một bữa tối “đặc biệt” gồm rau và bột mì, nhưng không ai ăn nổi. Tình cờ có một con ngựa ở gần đấy nên tôi “mời” nó ăn. Nó khịt mũi, lắc đầu và bỏ đi! Thế là cuộc thử nghiệm tài nấu nướng của tôi chấm dứt.

Với thời gian, chúng tôi quyết định hoàn thành sớm trách nhiệm rao giảng trong khu vực được chỉ định. Chúng tôi chia khu vực thành ba phần, và mỗi người rao giảng một phần. Vào cuối ngày, tôi thường ở xa nơi dựng lều nên không thể đạp xe về. Vì thế, đôi khi tôi phải ngủ nhờ ở nhà của những người dân quê hiếu khách. Có lần tôi được ngủ trên chiếc giường sang trọng trong phòng khách của một trại nuôi bò, nhưng đêm sau thì lại ngủ trên sàn đất của căn chòi thợ săn kanguru, xung quanh là những đống da chưa thuộc bốc mùi hôi thối. Thường thì tôi phải ngủ trong rừng. Có lần, những con chó rừng lảng vảng cách tôi một quãng, tru lên những tiếng rợn người trong bóng đêm. Sau một đêm thức trắng, tôi mới biết mình không phải là mục tiêu của chúng, nhưng thật ra chúng chỉ quan tâm đến đống thịt thối gần đấy.

Rao giảng bằng xe phóng thanh

Chúng tôi tận dụng xe phóng thanh để rao truyền về Nước Đức Chúa Trời. Ở thành phố Townsville thuộc miền bắc tiểu bang Queensland, cảnh sát cho phép chúng tôi đậu xe ở trung tâm thành phố để phát thanh. Tuy nhiên, bài giảng thu âm khiến một số thành viên của Đội quân Cứu tế nổi giận và đuổi chúng tôi đi. Khi chúng tôi từ chối, năm người của họ đã dùng sức lay mạnh xe của chúng tôi. Bấy giờ tôi đang điều chỉnh âm thanh ở trong xe! Chúng tôi nghĩ rằng nếu khăng khăng giữ quyền của mình thì có vẻ thiếu khôn ngoan, nên khi họ ngưng lay xe, chúng tôi rời khỏi khu vực đó.

Ở Bundaberg, một người đàn ông chú ý đến Kinh Thánh cho chúng tôi mượn thuyền để phát thanh trên dòng sông Burnett chảy qua thành phố. Anh Aubrey và Clive lên thuyền cùng với máy phóng thanh để đi rao giảng, còn tôi thì ở lại nhà mà chúng tôi thuê. Đêm hôm đó, giọng nói hùng hồn của anh Joseph F. Rutherford—thuộc trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va—vang khắp thị trấn Bundaberg, loan báo thông điệp mạnh mẽ của Kinh Thánh. Chắc chắn trong giai đoạn sôi động ấy, dân Đức Chúa Trời phải có lòng dạn dĩ và trung thành.

Chiến tranh gây nhiều thử thách hơn

Ngay sau khi Thế Chiến II bùng nổ vào tháng 9 năm 1939, tạp chí Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1 tháng 11 năm đó nói về quan điểm trung lập của tín đồ Đấng Christ đối với chính trị và chiến tranh. Sau này, tôi mừng là mình đã học được những bài ấy thật đúng lúc. Trong giai đoạn đó, sau ba năm cùng phụng sự Đức Giê-hô-va, anh Aubrey, anh Clive và tôi mỗi người mỗi ngả vì được phân bổ nhiệm sở mới. Tôi được bổ nhiệm làm giám thị lưu động ở miền bắc Queensland, một nhiệm vụ thường thử thách lòng tin cậy của tôi nơi Đức Giê-hô-va.

Tháng 8 năm 1940, tôi phục vụ tại hội thánh Townsville, một hội thánh có bốn tiên phong—vợ chồng anh Percy và chị Ilma Iszlaub *, cùng hai anh em Norman và Beatrice Bellotti. Sáu năm sau, Beatrice trở thành vợ tôi. Vào một tối thứ Bảy, sau khi nhóm chúng tôi đi rao giảng xong thì tôi bị tấn công như đề cập ở đầu bài. Tuy nhiên, dù chuyện xảy ra là điều bất công nhưng tôi càng quyết tâm hơn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.

Hai chị em tiên phong là Una và Merle Kilpatrick đang sốt sắng rao giảng ở miền bắc. Sau một ngày rao giảng thật thú vị với hai chị ấy, họ nhờ tôi chèo thuyền chở họ qua bên kia sông để thăm viếng một gia đình chú ý đến lẽ thật. Vậy là tôi phải bơi đến một chiếc thuyền đang neo ở bờ bên kia, rồi chèo về đón hai chị và đưa họ qua sông. Tuy nhiên, khi bơi đến chiếc thuyền ấy thì tôi phát hiện thuyền không có mái chèo. Sau này chúng tôi biết có người chống đối đã đem giấu mái chèo, nhưng mưu kế đó không ngăn được chúng tôi. Tôi từng là nhân viên cứu hộ trong nhiều năm và vẫn còn bơi giỏi. Vì vậy, tôi buộc dây neo thuyền quanh thắt lưng, kéo thuyền đến đón hai chị và đưa họ qua sông. Đức Giê-hô-va đã ban phước cho nỗ lực của chúng tôi vì sau này gia đình ấy đã trở thành Nhân Chứng.

Dưới sự che chở của Đức Giê-hô-va

Vì lý do an ninh, quân đội dựng một rào chắn ở phía nam thị trấn Innisfail. Vì là người thường trú ở đấy nên tôi được phép ra vào thị trấn, và quyền này đặc biệt thuận lợi khi có các anh đại diện chi nhánh đến thăm. Để đưa họ qua rào chắn, tôi giấu họ trong khoang dưới ghế sau.

Thời đó, xăng dầu được phân phối một cách hạn chế nên nhiều xe có thêm một bộ phận tạo khí. Để cung cấp nhiên liệu cho động cơ, thiết bị này tạo khí từ than đá nóng. Tôi phải đi vào ban đêm, chở theo những bao than đá chất trong khoang mà các anh đang trốn. Khi đến rào chắn, tôi làm cho toán lính canh bị phân tâm bằng cách vẫn để máy nổ và giữ cho than luôn nóng đỏ. Tôi gào lên với toán lính canh đêm ấy: “Nếu tắt máy xe thì khó mà khởi động lại được”. Để tránh cái nóng, tiếng ồn của động cơ và khói đen, toán lính gác chỉ xét qua loa và cho tôi đi.

Trong thời gian đó, tôi được giao trách nhiệm tổ chức hội nghị địa hạt tại Townsville cho Nhân Chứng địa phương. Vì thực phẩm được phân phối hạn chế nên muốn có đủ số lượng cần thiết, tôi phải được sự chấp thuận của quan hành chính địa phương. Bấy giờ, anh em chúng ta đang bị tù vì giữ lập trường trung lập. Vì vậy, khi xin hẹn gặp ông ấy, tôi nghĩ thầm: ‘Không biết mình làm thế có đúng không, hay lại chọc cho cọp giận?’. Dù vậy, tôi vẫn tiến hành công việc được giao.

Ngồi bệ vệ sau một cái bàn lớn, vị quan mời tôi ngồi. Khi tôi trình bày mục đích của cuộc gặp gỡ, ông nghiêm nét mặt và lạnh lùng nhìn tôi một hồi lâu. Sau đó, ông dịu xuống và nói: “Anh cần bao nhiêu lương thực?”. Tôi trao cho ông tờ giấy ghi số lượng tối thiểu các mặt hàng mà chúng tôi cần. Ông xem rồi nói: “Chừng này có lẽ không đủ, các anh cần số lượng gấp đôi”. Tôi rời văn phòng, lòng vô cùng cảm tạ Đức Giê-hô-va, Đấng đã dạy tôi thêm một bài học về lòng tin cậy nơi Ngài.

Tháng Giêng năm 1941, Nhân Chứng Giê-hô-va ở Úc bị cấm đoán. Nhiều người nghi ngờ, thậm chí còn buộc tội chúng tôi là do thám của Nhật Bản! Có lần, hai xe cảnh sát và quân nhân ập vào Nông Trại Nước Trời, một khu đất ở cao nguyên Atherton mà chúng tôi đã mua để trồng rau củ. Họ lục soát xem chúng tôi có đèn báo hiệu cho kẻ thù hay không. Chúng tôi cũng bị buộc tội là trồng bắp theo hình thức làm mật hiệu cho máy bay! Dĩ nhiên những lời buộc tội ấy đều không đúng sự thật.

Vì bị cấm đoán nên chúng tôi phải cẩn thận và khéo léo khi phân phối các ấn phẩm. Chẳng hạn, khi sách Children được ra mắt, tôi nhận một thùng ở Brisbane và mang về miền Bắc bằng xe lửa và giao sách tại những trạm dừng nào có hội thánh. Để làm cho cảnh sát và thanh tra quân đội không muốn mở thùng, tôi buộc một lưỡi cưa trên thùng trước khi tàu rời ga. Tuy đơn giản nhưng kế này luôn hữu hiệu. Dân của Đức Giê-hô-va cảm thấy nhẹ nhõm khi nhà cầm quyền bãi bỏ lệnh cấm vào tháng 6 năm 1943 vì tòa án cho rằng đó là án lệnh “độc đoán, tùy hứng và áp bức”.

Bị gọi nhập ngũ

Trong năm trước đó, hai anh Aubrey Wills, Norman Bellotti và tôi bị gọi nhập ngũ. Anh Aubrey và Norman bị gọi ra trình diện trước tôi một tuần, và mỗi anh lãnh án sáu tháng tù. Trong thời gian đó, bưu điện không phát tạp chí Tháp Canh cho những người họ biết là Nhân Chứng, nhưng vẫn phát cho những người đăng ký dài hạn. Nhiệm vụ chúng tôi là tìm ra những người này, mượn Tháp Canh của họ để đi sao lại và phân phối cho anh em Nhân Chứng. Nhờ vậy, chúng tôi đều đặn nhận được thức ăn thiêng liêng.

Tôi nghĩ mình sẽ lãnh án sáu tháng tù nên khi tòa tuyên án, tôi lập tức kháng cáo như chi nhánh ở Sydney hướng dẫn. Mục đích là để trì hoãn cho đến khi có người được bổ nhiệm trông nom công việc. Tôi tận dụng thời gian này để đi thăm 21 Nhân Chứng bị giam ở miền bắc Queensland. Phần lớn họ bị giam chung một tù, và viên cai ngục ở đấy rất ghét chúng tôi. Khi tôi nhắc ông rằng giáo sĩ của các đạo khác đều có thể thăm viếng chiên họ thì ông nổi trận lôi đình. Ông hét lên: “Nếu có quyền, tao sẽ bắt hết bọn Nhân Chứng đứng xếp hàng và bắn bỏ!”. Toán lính canh vội vàng điệu tôi ra ngoài.

Đến vụ kháng cáo của tôi, tòa cho tôi một luật sư để biện hộ. Tuy nhiên, trên thực tế thì tôi tự biện hộ cho mình. Điều đó có nghĩa là tôi phải tin cậy nơi Đức Giê-hô-va rất nhiều. Quả thật, Ngài đã không bỏ rơi tôi. (Lu-ca 12:11, 12; Phi-líp 4:6, 7) Thật ngạc nhiên là tôi thắng kiện vì trong biên bản của tòa có những sai sót!

Năm 1944, tôi được bổ nhiệm đến một vòng quanh rất lớn gồm cả miền nam nước Úc, phía bắc tiểu bang Victoria và thành phố Sydney thuộc New South Wales. Năm sau, toàn thế giới bắt đầu có chương trình cho các anh nói bài giảng công cộng. Mỗi diễn giả phải sửa soạn bài giảng dựa trên dàn bài dài một trang do tổ chức cung cấp. Nói bài giảng dài một tiếng đồng hồ là một thách đố mới, nhưng chúng tôi vẫn làm với lòng tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va và Ngài đã ban phước cho chúng tôi.

Kết hôn và nhận những trách nhiệm mới

Tháng 7 năm 1946, tôi kết hôn với Beatrice Bellotti và vợ chồng tôi cùng làm tiên phong. Nhà của chúng tôi là một căn nhà lưu động bằng ván ép. Cô con gái duy nhất của chúng tôi là Jannyce (Jann) ra đời vào tháng 12 năm 1950. Chúng tôi làm tiên phong ở một số nơi, trong đó có thị trấn Kempsey thuộc tiểu bang New South Wales. Ở đấy, chỉ có gia đình chúng tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va. Mỗi Chủ Nhật, tôi đến nơi sinh hoạt cộng đồng ở địa phương và sẵn sàng nói bài giảng theo như giấy mời mà chúng tôi đã phát. Trong vài tháng, khán giả duy nhất của tôi là Beatrice và bé Jann. Nhưng không lâu sau, những người khác dần dần đến tham dự. Hiện nay thị trấn Kempsey có hai hội thánh đang phát triển mạnh.

Năm bé Jann lên hai tuổi, chúng tôi sống ở Brisbane. Khi cháu học xong trung học, cả gia đình tôi làm tiên phong trong bốn năm ở thị trấn Cessnock, thuộc tiểu bang New South Wales. Sau đó, chúng tôi về lại Brisbane để giúp mẹ của Beatrice vì bà bị bệnh. Hiện nay, tôi có đặc ân phục vụ với tư cách là trưởng lão của hội thánh Chermside.

Vợ chồng tôi tạ ơn Đức Giê-hô-va vì Ngài ban ân phước dồi dào cho chúng tôi, kể cả đặc ân giúp 32 người đến với lẽ thật. Riêng tôi, tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi một người vợ đáng yêu. Dù là người dịu dàng và đằm thắm, nhưng Beatrice rất can đảm khi bênh vực lẽ thật của Kinh Thánh. Lòng yêu mến và tin cậy Đức Chúa Trời cũng như ‘con mắt đơn thuần’ đã giúp Beatrice trở thành một người vợ và người mẹ đảm đang. (Ma-thi-ơ 6:22, 23, Nguyễn Thế Thuấn; Châm-ngôn 12:4) Từ đáy lòng, vợ chồng tôi có thể nói: “Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ-cậy Đức Giê-hô-va”.—Giê-rê-mi 17:7.

[Chú thích]

^ đ. 19 Tự truyện của anh Percy Iszlaub được đăng trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-5-1981.

[Hình nơi trang 9]

Chúng tôi dùng xe phóng thanh này ở miền bắc Queensland

[Hình nơi trang 10]

Giúp chị em nhà Kilpatrick đẩy xe trong mùa mưa lũ ở miền bắc Queensland

[Hình nơi trang 12]

Chúng tôi trong ngày cưới