Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những mảnh gốm cổ chứng thực lời tường thuật của Kinh Thánh

Những mảnh gốm cổ chứng thực lời tường thuật của Kinh Thánh

Những mảnh gốm cổ chứng thực lời tường thuật của Kinh Thánh

KINH THÁNH là lời Đức Chúa Trời soi dẫn. (2 Ti-mô-thê 3:16) Những gì Kinh Thánh nói về con người, nơi chốn, tình trạng tôn giáo và chính trị vào thời xưa đều chính xác. Tính xác thực của Kinh Thánh hiển nhiên không tùy thuộc vào những phát hiện khảo cổ, dù rằng chúng chứng thực hoặc giúp chúng ta hiểu rõ hơn những lời tường thuật trong cuốn sách cổ này.

Khi khai quật những địa điểm cổ xưa, số lượng lớn đồ vật mà các nhà khảo cổ tìm thấy là những mảnh gốm. Chúng là vật liệu viết chữ rẻ tiền được dùng ở nhiều nơi trong vùng Trung Đông cổ, kể cả Ai Cập và Mê-sô-bô-ta-mi. Chúng được sử dụng để ghi lại các bản khế ước, kê khai, buôn bán v.v.., giống như giấy ghi chú mà chúng ta dùng ngày nay. Người ta thường dùng mực để viết lên mảnh gốm, có thể một từ cho đến hàng chục dòng hoặc cột.

Khi khai quật ở Y-sơ-ra-ên, các nhà khảo cổ tìm thấy rất nhiều mảnh gốm từ thời Kinh Thánh. Ba bộ sưu tập mảnh gốm, được xác định là từ thế kỷ thứ bảy và thứ tám TCN, đặc biệt đáng chú ý vì chúng chứng thực nhiều chi tiết lịch sử trong Kinh Thánh. Đó là những mảnh gốm được tìm thấy ở Sa-ma-ri, A-rát và La-ki. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn từng bộ sưu tập này.

Những mảnh gốm ở Sa-ma-ri

Sa-ma-ri từng là thủ đô của nước Y-sơ-ra-ên mười chi phái phía bắc cho đến khi bị quân A-si-ri thôn tính vào năm 740 TCN. Sách 1 Các Vua 16:23, 24 nói về nguồn gốc của Sa-ma-ri như sau: “Năm thứ ba mươi mốt triều vua A-sa của Giu-đa [năm 947 TCN], Ôm-ri lên ngôi làm vua Y-sơ-ra-ên. . . Vua mua ngọn đồi Sa-ma-ri của Sê-me với giá hai ta-lâng bạc, rồi xây dựng nó thành một thành trì và đặt tên là Sa-ma-ri” (Bản Dịch Mới). Sa-ma-ri tồn tại đến thời La Mã, sau đó được đổi tên thành Sebaste. Cuối cùng nó biến mất vào thế kỷ thứ sáu CN.

Trong cuộc khai quật thành Sa-ma-ri cổ vào năm 1910, nhóm khảo cổ đã tìm thấy một bộ sưu tập mảnh gốm được xác định là có từ thế kỷ thứ tám TCN. Các mảnh gốm ghi lại những chuyến hàng vận chuyển dầu và rượu từ những vùng phụ cận đến Sa-ma-ri. Sách Ancient Inscriptions—Voices From the Biblical World nói về phát hiện này như sau: “Bộ sưu tập 63 mảnh gốm được tìm thấy năm 1910. . . xứng đáng được xem là một trong những bộ sưu tập vật liệu viết chữ quan trọng nhất còn sót lại của xứ Y-sơ-ra-ên xưa. Những mảnh gốm được tìm thấy ở Sa-ma-ri quan trọng không phải là vì nội dung trong đó. . . mà là vì chúng ghi lại rất nhiều tên riêng, tên dòng họ và các vị trí địa lý ở Y-sơ-ra-ên”. Những tên này chứng thực các chi tiết trong lời tường thuật của Kinh Thánh như thế nào?

Khi dân Y-sơ-ra-ên chiếm được Đất Hứa và phân chia cho các chi phái, vùng đất Sa-ma-ri thuộc lãnh thổ của chi phái Ma-na-se. Theo Giô-suê 17:1-6, mười dòng họ của chi phái Ma-na-se, sinh ra từ con cháu Ga-la-át, được nhận phần đất trong lãnh thổ này. Đó là A-bi-ê-se, Hê-léc, Át-ri-ên, Si-chem và Sê-mi-đa. Người thứ sáu là Hê-phe không có cháu trai nhưng có năm cháu gái là Mách-la, Nô-a, Hốt-la, Minh-ca và Thiệt-sa. Mỗi người trong số những cháu gái này được nhận một phần đất.—Dân-số Ký 27:1-7.

Những mảnh gốm ở Sa-ma-ri ghi lại tên của bảy trong số các dòng họ đó—cả năm con trai của Ga-la-át, cũng như hai cháu gái của Hê-phe là Hốt-la và Nô-a. Bản dịch Kinh Thánh NIV Archaeological Study Bible cho biết: “Ngoài các bằng chứng trong Kinh Thánh, tên các dòng họ trên những mảnh gốm ở Sa-ma-ri cung cấp thêm bằng chứng để liên kết các dòng họ của chi phái Ma-na-se với vùng đất Kinh Thánh nói họ được định cư”. Vì thế, các mảnh gốm này chứng thực lịch sử thời kỳ đầu của các chi phái Y-sơ-ra-ên như được miêu tả trong Kinh Thánh.

Những mảnh gốm ở Sa-ma-ri cũng xác nhận tình trạng tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên đúng như lời Kinh Thánh miêu tả. Vào thời của những mảnh gốm này, dân Y-sơ-ra-ên hòa đồng sự thờ phượng Đức Giê-hô-va với việc thờ thần Ba-anh của dân Ca-na-an. Nhà tiên tri Ô-sê cũng viết cuốn sách mang tên ông vào thế kỷ thứ tám TCN. Ông báo trước thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên sẽ ăn năn và gọi Đức Giê-hô-va là “Chồng tôi”, chứ không phải là “Chủ tôi” hoặc “Ba-anh của tôi”. (Ô-sê 2:16, 17; BDM) Một số tên riêng được viết trên các mảnh gốm này có nghĩa “Ba-anh là cha tôi”, “Ba-anh hát”, “Ba-anh mạnh mẽ”, “Ba-anh nhớ đến” v.v.. Cứ 11 tên có dạng danh Đức Giê-hô-va thì 7 tên có tên thần Ba-anh.

Những mảnh gốm ở A-rát

A-rát là một thành phố cổ nằm trong vùng bán sa mạc gọi là Nam-phương (Negeb), ở phía nam khá xa Giê-ru-sa-lem. Khi khai quật ở A-rát, người ta tìm thấy một pháo đài của người Y-sơ-ra-ên được xây lại sáu lần, bắt đầu từ triều đại Vua Sa-lô-môn (năm 1037-998 TCN) cho đến khi quân Ba-by-lôn hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem (năm 607 TCN). Tại A-rát, những người khai quật đã đào được một bộ sưu tập lớn nhất gồm các mảnh gốm từ thời Kinh Thánh, trong đó hơn 200 mảnh có ghi chữ bằng tiếng Hê-bơ-rơ, A-ram và những ngôn ngữ khác.

Một số mảnh gốm ở A-rát chứng thực lời tường thuật của Kinh Thánh về các gia đình thuộc dòng thầy tế lễ. Chẳng hạn, một mảnh gốm có đề cập đến các con trai của Cô-rê, như được ghi ở Xuất Ê-díp-tô Ký 6:24 và Dân-số Ký 26:11. Những lời ghi chú đầu các bài Thi-thiên 42, 44-49, 84, 85, 87 và 88 đặc biệt cho biết những bài này do “con-cháu Cô-rê” soạn thảo. Ngoài ra, những mảnh gốm ở A-rát cũng nhắc đến hai gia đình khác thuộc dòng thầy tế lễ là Pha-sua và Mê-rê-mốt.—1 Sử-ký 9:12; E-xơ-ra 8:33.

Hãy xem thí dụ về một pháo đài bị tàn phá vào giai đoạn trước khi quân Ba-by-lôn hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem. Khi đào bới tàn tích của pháo đài này, các nhà khai quật đã tìm thấy một mảnh gốm có ghi là gửi cho vị tướng của pháo đài. Cuốn The Context of Scripture trích lời của mảnh gốm này như sau: “Gửi đến chúa tôi là Elyashib. Cầu xin Đức Yavê [Đức Giê-hô-va] ban phước cho ngài. . . Mệnh lệnh ngài giao cho tôi đã được hoàn thành tốt: người đó đang ở đền thờ của Đức Yavê”. Nhiều học giả cho rằng đền thờ ở đây chính là đền thờ Giê-ru-sa-lem, ban đầu được xây dựng vào thời Sa-lô-môn.

Những mảnh gốm ở La-ki

Thành La-ki cổ xưa nằm cách Giê-ru-sa-lem về phía tây nam 43 cây số. Trong những cuộc khai quật vào năm 1930, người ta tìm thấy một loạt các mảnh gốm. Có ít nhất 12 mảnh là những lá thư được xem là “vô cùng quan trọng. . . vì chúng miêu tả tình trạng chính trị và sự hỗn loạn khi dân Giu-đa chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công không thể tránh khỏi của [vua Ba-by-lôn] Nê-bu-cát-nết-sa”.

Các lá thư quan trọng nhất ghi lại những cuộc trao đổi giữa Yaosh, có lẽ là vị tướng chỉ huy của thành La-ki, và một viên chức dưới quyền ông. Ngôn ngữ trong thư giống như cách viết của nhà tiên tri Giê-rê-mi, người sống cùng thời với họ. Hãy xem hai trong số những lá thư này ủng hộ lời Kinh Thánh miêu tả về giai đoạn quyết định đó như thế nào.

Nơi Giê-rê-mi 34:7, nhà tiên tri miêu tả về thời kỳ đó: “Trong khi đạo-binh của vua Ba-by-lôn đánh Giê-ru-sa-lem và các thành của Giu-đa còn sót lại, tức thành La-ki và thành A-xê-ca; vì trong các thành của Giu-đa chỉ hai thành bền-vững đó còn lại”. Tác giả một lá thư ở La-ki dường như cũng mô tả cùng một sự kiện. Ông viết: “Chúng tôi đang chờ dấu hiệu (bằng lửa) của La-ki. . . vì chúng tôi không thể thấy A-xê-ca”. Nhiều học giả cho rằng lá thư này cho thấy thành A-xê-ca đã bị quân Ba-by-lôn đánh đổ, và tiếp theo là thành La-ki. Một chi tiết thú vị trong lá thư là “dấu hiệu bằng lửa”. Câu Giê-rê-mi 6:1 cũng đề cập đến cách báo hiệu này khi nói “lên vọi [“đốt lửa báo hiệu”, BDM]”.

Người ta cũng tin rằng một lá thư khác ở La-ki ủng hộ lời của tiên tri Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên về việc vua Giu-đa nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ của Ê-díp-tô để chống lại Ba-by-lôn. (Giê-rê-mi 37:5-8; 46:25, 26; Ê-xê-chi-ên 17:15-17) Lá thư ấy viết: “Bầy tôi của ngài đã nhận được thông tin sau: Tướng Konyahu, con trai của ngài Elnatan, đã đi về hướng nam để vào Ê-díp-tô”. Các học giả cho rằng vị tướng này đến Ê-díp-tô để tìm sự trợ giúp quân sự.

Những mảnh gốm ở La-ki cũng nói đến một số tên riêng có trong sách Giê-rê-mi. Đó là Nê-ri-gia, Gia-a-xa-nia, Ghê-ma-ria, Ên-na-than và Hô-sa-gia. (Giê-rê-mi 32:12; 35:3; 36:10, 12; 42:1) Người ta không chắc chắn tên trên các mảnh gốm ấy có chỉ về những người mà Giê-rê-mi đề cập hay không. Tuy nhiên, vì Giê-rê-mi sống trong thời đó nên sự trùng hợp có thể xảy ra.

Đặc điểm chung

Những bộ sưu tập mảnh gốm ở Sa-ma-ri, A-rát và La-ki chứng thực nhiều chi tiết được ghi lại trong Kinh Thánh. Trong đó có tên các dòng họ, vị trí địa lý cũng như một số khía cạnh về tình trạng tôn giáo và chính trị thời ấy. Nhưng cả ba bộ sưu tập này đều có cùng một đặc điểm quan trọng khác.

Những lá thư trong bộ sưu tập ở A-rát và La-ki có đề cập đến danh Đức Giê-hô-va, chẳng hạn như: “Cầu xin Đức Giê-hô-va ban bình an”. Bảy thông điệp trên những mảnh gốm ở La-ki nhắc đến danh Đức Chúa Trời tổng cộng 11 lần. Hơn nữa, nhiều tên riêng tiếng Hê-bơ-rơ được tìm thấy trong cả ba bộ sưu tập này đều có dạng viết tắt của danh Đức Giê-hô-va. Vì thế, những mảnh gốm này chứng minh rằng vào thời đó, dân Y-sơ-ra-ên đã dùng danh Đức Chúa Trời trong đời sống hằng ngày.

[Hình nơi trang 13]

Một mảnh gốm tìm thấy trong tàn tích của A-rát có ghi là gửi cho người đàn ông tên Elyashib

[Nguồn tư liệu]

Photograph © Israel Museum, Jerusalem; courtesy of Israel Antiquities Authority

[Hình nơi trang 14]

Một lá thư trên mảnh gốm ở La-ki có ghi danh Đức Chúa Trời

[Nguồn tư liệu]

Photograph taken by courtesy of the British Museum