Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va không?

Bạn có ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va không?

Bạn có ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va không?

“Hãy nói giữa các nước rằng: Đức Giê-hô-va cai-trị”.—THI-THIÊN 96:10.

1, 2. (a) Sự kiện quan trọng nào đã xảy ra khoảng tháng 10 năm 29 CN? (b) Sự kiện đó có ý nghĩa gì đối với Chúa Giê-su?

MỘT sự kiện quan trọng chưa từng thấy trên đất đã xảy ra khoảng tháng 10 năm 29 CN. Sau khi làm báp têm, Chúa Giê-su ra khỏi nước; các từng trời mở ra, Giăng Báp-tít thấy thánh linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên ngài. Người viết Phúc Âm là Ma-thi-ơ tường thuật: “Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”. Đây là một trong vài sự kiện được cả bốn người viết Phúc Âm ghi lại.—Ma-thi-ơ 3:16, 17; Mác 1: 9-11; Lu-ca 3:21, 22; Giăng 1:32-34.

2 Việc thánh linh ngự xuống Chúa Giê-su xác nhận rằng ngài là Đấng Xức Dầu, có nghĩa là Đấng Mê-si hay Christ (Giăng 1:33). Cuối cùng, “dòng-dõi” được hứa từ trước đã xuất hiện! Đứng trước mặt Giăng Báp-tít là đấng sẽ bị Sa-tan “cắn gót chân” và ngài “sẽ giày-đạp đầu” kẻ thù đó cũng là kẻ chống lại quyền cai trị của Đức Giê-hô-va (Sáng-thế Ký 3:15). Từ đó trở đi, Chúa Giê-su biết rõ là ngài phải gắng sức thực hiện ý định của Đức Giê-hô-va liên quan tới quyền tối thượng và Nước Trời.

3. Chúa Giê-su chuẩn bị như thế nào cho vai trò của ngài trong việc ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va?

3 Để chuẩn bị cho nhiệm vụ trước mắt, Chúa Giê-su “đầy dẫy Thánh Linh, từ Giô-đanh trở về, thì được Thánh Linh đưa đến đồng vắng” (Lu-ca 4:1, Ghi-đê-ôn; Mác 1:12). Bốn mươi ngày ở đó, Chúa Giê-su có thời gian để suy ngẫm sâu sắc về vấn đề quyền tối thượng mà Sa-tan đã nêu ra và về công việc ngài phải làm để ủng hộ quyền cai trị của Đức Giê-hô-va. Vấn đề đó liên quan đến tất cả các tạo vật thông minh, trên trời lẫn dưới đất. Vậy chúng ta nên xem xét gương trung thành của Chúa Giê-su để biết mình phải làm gì hầu cho thấy mình muốn ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va.—Gióp 1:6-12; 2:2-6.

Vấn đề về quyền tối thượng

4. Hành động nào của Sa-tan cho thấy rõ vấn đề về quyền tối thượng?

4 Tất nhiên, Sa-tan chú ý đến các sự kiện nói trên. Ngay lập tức, hắn tấn công “dòng-dõi” chính của “người nữ” (Sáng-thế Ký 3:15). Sa-tan cám dỗ Chúa Giê-su ba lần, hắn đề nghị ngài nên làm những điều dường như có lợi cho ngài thay vì làm những điều Cha ngài muốn. Đặc biệt, vấn đề về quyền tối thượng được nêu rõ trong lần cám dỗ thứ ba. Chỉ cho Chúa Giê-su thấy “các nước thế-gian cùng sự vinh-hiển các nước ấy”, Sa-tan trâng tráo nói: “Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ-lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy”. Chúa Giê-su biết rõ Ma-quỉ thật sự có quyền trên “các nước thế-gian”. Ngài cho thấy lập trường của mình về vấn đề quyền tối thượng khi đáp lại: “Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ-phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi”.—Ma-thi-ơ 4:8-10.

5. Chúa Giê-su phải hoàn thành nhiệm vụ khó khăn nào?

5 Đời sống Chúa Giê-su cho thấy rõ mục tiêu hàng đầu của ngài là ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su thật sự hiểu rằng để chứng minh quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va là chính đáng, ngài phải trung thành cho đến khi chết dưới bàn tay Sa-tan, như đã được tiên tri là “dòng-dõi” người nữ sẽ bị cắn gót chân (Ma-thi-ơ 16:21; 17:12). Ngài cũng làm chứng rằng Nước Trời là phương tiện Đức Giê-hô-va dùng để đánh bại kẻ phản loạn là Sa-tan và tái lập hòa bình, trật tự cho mọi tạo vật (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Chúa Giê-su đã làm gì để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này?

“Nước Đức Chúa Trời đã đến gần”

6. Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy Nước Trời là phương tiện Đức Chúa Trời dùng để “hủy-phá công việc của ma-quỉ”?

6 Trước hết, Chúa Giê-su đến miền Ga-li-lê, rao giảng tin mừng của Đức Chúa Trời. Ngài phán: “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần” (Mác 1:14, 15). Thật thế, Chúa Giê-su nêu rõ lý do ngài phải loan báo tin mừng về Nước Đức Chúa Trời khi nói: “Vì cốt tại việc đó mà ta được sai đến” (Lu-ca 4:18-21, 43). Ngài đi khắp xứ giảng dạy và rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời (Lu-ca 8:1). Chúa Giê-su cũng thực hiện nhiều phép lạ: cung cấp thực phẩm cho đoàn dân, chế ngự sức mạnh thiên nhiên, chữa lành người bệnh và làm người chết sống lại. Qua những phép lạ đó, ngài cho thấy Đức Chúa Trời có khả năng xóa bỏ mọi thiệt hại, đau khổ bởi sự phản loạn trong vườn Ê-đen và như thế “hủy-phá công-việc của ma-quỉ”.—1 Giăng 3:8.

7. Chúa Giê-su chỉ dẫn các môn đồ làm gì, và kết quả ra sao?

7 Để tin mừng Nước Trời được giảng ra khắp nơi, Chúa Giê-su đã tập hợp một nhóm môn đồ trung thành và huấn luyện họ làm công việc đó. Trước hết, ngài ban quyền năng cho 12 sứ đồ, rồi sai họ “đi rao-giảng về nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 9:1, 2). Sau đó, ngài sai 70 môn đồ khác đi loan báo thông điệp: “Nước Đức Chúa Trời đến gần các ngươi” (Lu-ca 10:1, 8, 9). Khi các môn đồ trở về báo cáo rằng họ đã thành công trong việc rao giảng, ngài nói: “Ta đã thấy quỉ Sa-tan từ trời sa xuống như chớp”.—Lu-ca 10:17, 18.

8. Đời sống của Chúa Giê-su cho thấy rõ điều gì?

8 Chúa Giê-su luôn nỗ lực và không bỏ lỡ cơ hội để làm chứng về Nước Trời. Ngài làm việc không ngừng, cả ngày lẫn đêm, thậm chí từ bỏ những tiện nghi của đời sống bình thường. Ngài nói: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu” (Lu-ca 9:58; Mác 6:31; Giăng 4:31-34). Ít lâu trước khi chết, Chúa Giê-su nói thẳng với Bôn-xơ Phi-lát: “Vì sao ta đã giáng-thế: Ấy là để làm chứng cho lẽ thật” (Giăng 18:37). Đời sống của Chúa Giê-su cho thấy ngài đến, không chỉ để làm thầy vĩ đại hay người làm phép lạ hoặc ngay cả Đấng Cứu Thế hy sinh quên mình, nhưng để ủng hộ ý muốn của Đấng Tối Thượng và để chứng tỏ Đức Chúa Trời có khả năng thực hiện ý muốn đó qua Nước Trời.—Giăng 14:6.

“Mọi việc đã được trọn”

9. Làm thế nào Sa-tan đã thành công trong việc cắn gót chân “dòng-dõi” người nữ của Đức Chúa Trời?

9 Tất cả những gì Chúa Giê-su làm liên quan đến Nước Trời đã khiến kẻ thù là Sa-tan Ma-quỉ bực tức. Qua “dòng-dõi” của hắn trên đất, cả thành phần chính trị lẫn tôn giáo, nhiều lần Sa-tan đã cố tiêu diệt “dòng-dõi” người nữ của Đức Chúa Trời. Từ lúc sanh ra cho đến lúc kết thúc đời sống trên đất, Chúa Giê-su là mục tiêu tấn công của Sa-tan và những kẻ theo hắn. Cuối cùng, vào mùa xuân năm 33 CN, Con Người bị nộp trong tay Kẻ Thù để bị cắn gót chân (Ma-thi-ơ 20:18, 19; Lu-ca 18:31-33). Lời tường thuật của Phúc Âm cho thấy rõ nhiều người—từ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đến các thầy tế lễ cả, thầy thông giáo, người Pha-ri-si và người La Mã—đã bị Sa-tan điều khiển để kết án Chúa Giê-su và khiến ngài chịu chết đau đớn trên cây khổ hình.—Công-vụ 2:22, 23.

10. Khi chết trên cây khổ hình, Chúa Giê-su đã hoàn thành trách nhiệm chính yếu nào?

10 Bạn liên tưởng điều gì khi nghĩ đến việc Chúa Giê-su chết một cách từ từ và đau đớn trên cây khổ hình? Có lẽ bạn nhớ đến giá chuộc mà ngài đã cung cấp cho nhân loại tội lỗi (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 15:13). Hẳn bạn cảm kích về tình yêu thương bao la mà Đức Giê-hô-va bày tỏ qua việc cung cấp giá chuộc này (Giăng 3:16). Có lẽ bạn có cùng cảm nghĩ với thầy đội La Mã, ông đã thốt lên: “Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 27:54). Tất cả những phản ứng này đều thích hợp. Mặt khác, hãy nhớ lại những lời cuối cùng của Chúa Giê-su trên cây khổ hình: “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30). Điều gì đã hoàn tất? Qua đời sống và cái chết của ngài, Chúa Giê-su thực hiện được nhiều điều, nhưng chẳng phải ngài giáng thế chủ yếu để giải quyết vấn đề về quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va sao? Chẳng phải lời tiên tri đã nói trước là Chúa Giê-su, tức “dòng-dõi”, phải chịu thử thách cực độ dưới bàn tay của Sa-tan để xóa bỏ mọi sỉ nhục khỏi danh Đức Giê-hô-va sao? (Ê-sai 53:3-7). Đây là những trách nhiệm nặng nề, thế nhưng Chúa Giê-su đã hoàn thành tất cả. Đó quả là một thành tựu to lớn!

11. Chúa Giê-su sẽ làm gì để lời tiên tri trong vườn Ê-đen được ứng nghiệm trọn vẹn?

11 Vì trung thành, Chúa Giê-su được sống lại, không để làm người, mà là “thần ban sự sống” (1 Cô-rinh-tô 15:20, 44, 45). Đức Giê-hô-va đã hứa với người Con vinh hiển: “Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng ta đặt kẻ thù-nghịch ngươi làm bệ chân cho ngươi” (Thi-thiên 110:1). “Kẻ thù-nghịch” này bao gồm thủ phạm chính, Sa-tan, và tất cả những kẻ hợp thành “dòng-dõi” hắn. Là vua Mê-si của Nước Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su Christ sẽ dẫn đầu trong việc tiêu diệt tất cả những kẻ phản loạn, trên trời cũng như dưới đất (Khải-huyền 12:7-9; 19:11-16; 20:1-3, 10). Lúc ấy sẽ ứng nghiệm trọn vẹn lời tiên tri nơi Sáng-thế Ký 3:15 cũng như lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời”.—Ma-thi-ơ 6:10; Phi-líp 2:8-11.

Một gương để noi theo

12, 13. (a) Ngày nay, tin mừng về Nước Trời đang được hưởng ứng thế nào? (b) Chúng ta phải xem xét điều gì để noi theo dấu chân của Chúa Giê-su?

12 Như Chúa Giê-su đã tiên tri, ngày nay tin mừng về Nước Trời đang được rao giảng trong nhiều xứ (Ma-thi-ơ 24:14). Kết quả là hàng triệu người đã dâng đời sống cho Đức Chúa Trời. Họ phấn khởi về những ân phước mà Nước Trời sẽ mang lại. Họ trông mong được sống đời đời trong hòa bình, yên ổn trên một địa đàng, và họ rất vui mừng cho người khác biết về hy vọng này (Thi-thiên 37:11; 2 Phi-e-rơ 3:13). Bạn có ở trong hàng ngũ những người đang công bố về Nước Trời không? Nếu có, bạn đáng được khen ngợi. Tuy nhiên, còn một điều khác nữa mà mỗi người chúng ta cần phải xem xét.

13 Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài” (1 Phi-e-rơ 2:21). Hãy lưu ý trong câu này, Phi-e-rơ không nói đến lòng sốt sắng trong công việc rao giảng hoặc kỹ năng dạy dỗ của Chúa Giê-su, nhưng nói đến việc ngài chịu khổ. Được tận mắt chứng kiến, Phi-e-rơ biết rõ Chúa Giê-su sẵn sàng chịu khổ đến mức nào để phục tùng quyền cai trị của Đức Giê-hô-va và chứng tỏ Sa-tan đúng là kẻ nói dối. Vậy chúng ta có thể noi theo dấu chân Chúa Giê-su như thế nào? Chúng ta phải tự hỏi: ‘Tôi sẵn sàng chịu khổ đến mức nào để ủng hộ và tôn vinh quyền cai trị của Đức Giê-hô-va? Qua lối sống và cách thi hành thánh chức, tôi có cho thấy mình xem việc ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va là quan trọng nhất không?’.—Cô-lô-se 3:17.

14, 15. (a) Chúa Giê-su đã phản ứng thế nào trước những lời đề nghị sai lầm, và tại sao? (b) Chúng ta phải luôn ghi nhớ vấn đề gì? (Bình luận thêm dựa trên khung “Đứng về phía Đức Giê-hô-va”).

14 Hằng ngày, chúng ta phải đương đầu với những thử thách và quyết định lớn cũng như nhỏ. Điều gì sẽ là yếu tố quyết định cách chúng ta phản ứng? Thí dụ, khi đối mặt với cám dỗ để làm một điều có thể phương hại đến vị thế của mình là tín đồ Đấng Christ, chúng ta phản ứng ra sao? Khi Phi-e-rơ khuyên Chúa Giê-su đừng quá khắt khe với bản thân, ngài đã phản ứng thế nào? Ngài quở trách: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta!. . . Ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta” (Ma-thi-ơ 16:21-23). Hoặc khi có những cơ hội kiếm thêm nhiều tiền hay thăng tiến trong nghề nghiệp nhưng lại mất mát về phương diện thiêng liêng, chúng ta có phản ứng giống như Chúa Giê-su không? Khi biết những người đã thấy ngài làm các phép lạ “có ý đến ép Ngài để tôn làm vua”, Chúa Giê-su vội tránh đi nơi khác.—Giăng 6:15.

15 Tại sao Chúa Giê-su phản ứng mạnh như thế trong trường hợp này và các trường hợp khác? Bởi vì ngài thấy rõ vấn đề không chỉ liên quan đến sự an toàn hoặc lợi ích cá nhân. Bằng mọi giá, ngài muốn thực hiện ý định Cha ngài và ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 26:50-54). Vì vậy, nếu chúng ta không luôn luôn nhận thức rõ vấn đề về quyền tối thượng, như Chúa Giê-su, thì sẽ có nguy cơ không làm điều đúng. Tại sao thế? Bởi vì chúng ta dễ mắc bẫy của Sa-tan, là kẻ rất lão luyện trong việc làm những điều sai trái trông có vẻ hấp dẫn, như hắn đã làm khi cám dỗ Ê-va.—2 Cô-rinh-tô 11:14; 1 Ti-mô-thê 2:14.

16. Trong việc giúp người khác, mục tiêu chính của chúng ta là gì?

16 Trong thánh chức, chúng ta cố gắng nói với người ta về những điều họ quan tâm và cho họ thấy lời giải đáp trong Kinh Thánh. Đây là cách hữu hiệu để khuyến khích họ học Kinh Thánh. Tuy nhiên, mục tiêu chính của chúng ta không chỉ là giúp người ta biết những gì Kinh Thánh dạy hoặc những ân phước mà Nước Trời mang lại. Chúng ta phải giúp họ hiểu rõ vấn đề về quyền tối thượng. Họ có sẵn sàng trở thành tín đồ thật của Đấng Christ và vác cây khổ hình, chịu khổ vì Nước Trời không? (Mác 8:34). Họ có sẵn sàng gia nhập hàng ngũ những người ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, qua đó chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối và là kẻ vu khống không? (Châm-ngôn 27:11). Việc giúp chính mình và người khác làm thế là một đặc ân.—1 Ti-mô-thê 4:16.

Khi Đức Chúa Trời là “mọi sự cho mọi người”

17, 18. Chúng ta có thể chờ đợi thời kỳ huy hoàng nào nếu cho thấy mình ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va?

17 Nếu trong hiện tại chúng ta nỗ lực gìn giữ hạnh kiểm và thi hành thánh chức để cho thấy mình ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể mong chờ đến thời điểm Chúa Giê-su “giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha”. Khi nào điều đó sẽ xảy ra? Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Khi Ngài đã phá-diệt mọi đế-quốc, mọi quyền cai-trị, và mọi thế-lực; vì Ngài phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù-nghịch dưới chân mình. Khi muôn vật phục Ngài, thì bấy giờ chính mình Con sẽ phục Đấng đã làm cho muôn vật phục mình, hầu cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự”.—1 Cô-rinh-tô 15:24, 25, 28.

18 Khi “Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự”, hoặc theo Bản Dịch Mới, “Đức Chúa Trời là mọi sự cho mọi người”, thì đó sẽ là một thời kỳ huy hoàng biết bao! Lúc ấy, Nước Trời đã hoàn thành sứ mạng và tất cả những kẻ chống lại quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va đã bị tiêu diệt. Hòa bình và trật tự được tái lập trên khắp vũ trụ. Theo lời của người viết Thi-thiên, mọi tạo vật sẽ hát: “Hãy tôn-vinh xứng-đáng cho danh Đức Giê-hô-va. . . Hãy nói giữa các nước rằng: Đức Giê-hô-va cai-trị”.—Thi-thiên 96:8, 10.

Bạn trả lời thế nào?

• Chúa Giê-su luôn chú trọng đến vấn đề về quyền tối thượng như thế nào?

• Qua thánh chức và cái chết, Chúa Giê-su đã hoàn thành trách nhiệm chính yếu nào?

• Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su như thế nào để cho thấy mình ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Các hình nơi trang 29]

ĐỨNG VỀ PHÍA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Theo kinh nghiệm của nhiều anh ở Hàn Quốc và những nơi khác, khi đương đầu với thử thách gay go, việc tín đồ Đấng Christ ghi nhớ lý do tại sao mình gặp những thử thách như thế là điều hữu ích.

Một Nhân Chứng Giê-hô-va từng bị bỏ tù dưới chế độ Xô Viết trước đây, phát biểu: “Điều giúp chúng tôi chịu đựng là hiểu rõ vấn đề được nêu lên trong vườn Ê-đen: vấn đề về quyền cai trị chính đáng của Đức Chúa Trời. . . Chúng tôi biết mình có cơ hội ủng hộ quyền cai trị của Đức Giê-hô-va. . . Nhờ đó chúng tôi có được sức mạnh để giữ lòng trung kiên”.

Một Nhân Chứng cho biết điều gì đã giúp anh và những Nhân Chứng khác chịu đựng trong trại lao động khổ sai. Anh nói: “Đức Giê-hô-va đã giúp sức chúng tôi, dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi vẫn tỉnh thức về thiêng liêng. Chúng tôi luôn khích lệ lẫn nhau bằng ý tưởng tích cực là mình đã chọn đứng về phía Đức Giê-hô-va trong vấn đề liên quan đến quyền tối thượng hoàn vũ”.

[Hình nơi trang 26]

Trước sự cám dỗ của Sa-tan, Chúa Giê-su đã ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va như thế nào?

[Hình nơi trang 28]

Cái chết của Chúa Giê-su đã thực hiện được điều gì?