Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy dạy con biết sống hòa thuận

Hãy dạy con biết sống hòa thuận

Hãy dạy con biết sống hòa thuận

Háo hức về việc gia đình sắp dọn đi xa, Nicole, tám tuổi, thường kể mọi chuyện với bạn thân là Gabrielle. Một ngày nọ, Gabrielle bỗng gắt lên là em chẳng cần biết Nicole có dọn nhà hay không. Bị tổn thương và tức giận, Nicole nói với mẹ: “Con chẳng chơi với Gabrielle nữa!”.

NHỮNG cơn khủng hoảng thời niên thiếu như của Nicole và Gabrielle thường cần có sự can thiệp của cha mẹ—không chỉ để xoa dịu nỗi đau nhưng còn để hướng dẫn cách xử lý vấn đề. Tất nhiên, trẻ em thể hiện “những điều thuộc về con trẻ”, và chúng thường không nhận thức được lời nói và hành động của mình có thể gây tổn thương như thế nào (1 Cô-rinh-tô 13:11). Các em cần sự giúp đỡ để phát triển những đức tính có thể giúp chúng sống hòa thuận với người khác trong phạm vi gia đình cũng như ở những nơi khác.

Các bậc cha mẹ đạo Đấng Christ rất quan tâm đến việc dạy con cái biết “tìm sự hòa-bình mà đuổi theo” (1 Phi-e-rơ 3:11). Những người biết sống hòa thuận sẽ hạnh phúc. Vì thế, cố gắng chế ngự những cảm giác nghi ngờ, bực bội và thù ghét là điều rất đáng công. Nếu là bậc cha mẹ, làm thế nào bạn có thể dạy con sống hòa thuận?

Hãy giúp con vun trồng ước muốn làm vui lòng “Đức Chúa Trời của sự bình-an”

Đức Giê-hô-va được gọi là “Đức Chúa Trời của sự bình-an” (Phi-líp 4:9; Rô-ma 15:33). Vì thế, các bậc cha mẹ khôn ngoan sẽ khéo dùng Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh để giúp con phát huy ước muốn làm vui lòng Ngài và noi theo những đức tính của Ngài. Chẳng hạn, hãy giúp con bạn hình dung sự hiện thấy rất ấn tượng mà sứ đồ Giăng ghi lại—một cái mống hay cầu vồng rực rỡ màu lục bửu thạch bao chung quanh ngai Đức Giê-hô-va * (Khải-huyền 4:2, 3). Hãy giải thích rằng cái mống này tượng trưng cho sự hòa bình và thanh thản bao quanh Đức Giê-hô-va, và rằng tất cả những ai vâng lời Ngài sẽ được hưởng ân phước như thế.

Đức Giê-hô-va cũng cung cấp sự hướng dẫn qua Con Ngài là Chúa Giê-su, đấng được gọi là “Chúa Bình-an” (Ê-sai 9:5, 6). Vì thế, hãy đọc và thảo luận với con trẻ về những lời tường thuật của Kinh Thánh, mà qua đó Chúa Giê-su đã dạy những bài học hữu ích về việc tránh cãi nhau (Ma-thi-ơ 26:51-56; Mác 9:33-35). Hãy giải thích tại sao Phao-lô, từng là người “hung-bạo”, đã thay đổi đường lối và viết rằng “tôi-tớ của Chúa không nên ưa sự tranh-cạnh; nhưng phải ở tử-tế với mọi người. . . [phải có tính] nhịn-nhục” (1 Ti-mô-thê 1:13; 2 Ti-mô-thê 2:24). Cách con bạn phản ứng có thể là một sự bất ngờ thú vị.

Evan kể lại lúc bảy tuổi, em bị một đứa trêu chọc trên xe buýt của trường. Evan nói: “Em tức nó quá, chỉ muốn trả đũa. Nhưng rồi em nhớ lại điều mình học được ở nhà về những người hay gây sự. Em biết Đức Giê-hô-va không muốn em ‘lấy ác trả ác cho ai’ và ‘hết sức mình hòa-thuận với mọi người’ ” (Rô-ma 12:17, 18). Nhờ vậy, Evan có nghị lực và can đảm để làm dịu tình huống đang sôi sục bằng cách phản ứng ôn hòa. Em muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời của sự bình an.

Hãy là bậc cha mẹ có tính ôn hòa

Gia đình bạn có phải là một nơi yên bình không? Nếu có, con cái bạn có thể học được nhiều điều về sự bình yên, hòa thuận ngay cả khi bạn không nói một lời. Hiệu quả của bạn trong việc dạy con biết sống hòa thuận phần lớn tùy thuộc vào mức độ bạn noi theo đường lối hòa bình của Đức Chúa Trời và Đấng Christ.—Rô-ma 2:21.

Anh Russ và chị Cindy cố gắng dạy hai con trai, khuyên bảo chúng cư xử nhân ái khi người khác làm chúng bực tức. Chị Cindy nói: “Thái độ của tôi và anh Russ đối với hai đứa con cũng như đối với người khác khi có khó khăn, là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cách chúng xử lý những tình huống tương tự”.

Ngay cả khi bạn lầm lỗi (và cha mẹ nào chẳng có lúc sai lầm?), bạn vẫn có thể dùng cơ hội đó để dạy những bài học hữu ích. Anh Stephen thừa nhận: “Đôi lúc tôi và vợ là Terry phản ứng quá mạnh và sửa trị ba đứa con trước khi hiểu rõ vấn đề. Khi điều đó xảy ra, chúng tôi xin lỗi”. Chị Terry nói thêm: “Chúng tôi cho con cái biết chúng tôi cũng không hoàn hảo và có khi sai lầm. Chúng tôi cảm thấy điều này không những góp phần tạo được bầu không khí bình yên, hòa thuận trong gia đình mà còn giúp con cái học cách theo đuổi hòa bình”.

Con bạn có đang học tính ôn hòa qua việc quan sát cách bạn đối xử với chúng không? Chúa Giê-su khuyên: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ” (Ma-thi-ơ 7:12). Mặc dù có khuyết điểm, nhưng hãy tin chắc là tình yêu thương trìu mến của bạn đối với con cái sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Con bạn sẽ sẵn sàng đáp ứng khi bạn dạy chúng bằng tình thương.

Hãy chậm nóng giận

Châm-ngôn 19:11 nói: “Sự khôn-ngoan [“hiểu biết”, Bản Dịch Mới] của người khiến cho người chậm nóng-giận”. Làm thế nào bạn có thể giúp con phát triển sự hiểu biết đó? Anh David cho biết phương cách thực tiễn mà anh và vợ là Mariann thấy hữu ích để giúp con trai và con gái mình. Anh nói: “Khi chúng tức giận người nào vì họ đã nói hoặc làm một điều gì gây tổn thương, chúng tôi giúp các con có lòng thông cảm. Chúng tôi hỏi con những câu đơn giản như: ‘Người ấy có cảm thấy căng thẳng ngày hôm đó không? Phải chăng người ấy ghen tị? Hay bị ai đó làm tổn thương?’ ”. Chị Mariann nói thêm: “Điều này thường giúp các cháu bình tĩnh hơn thay vì cứ bứt rứt với những ý nghĩ tiêu cực hoặc tranh cãi ai phải ai trái”.

Sự dạy dỗ như thế có thể mang lại kết quả tuyệt diệu. Hãy lưu ý Nicole, đã đề cập ở đầu bài, được mẹ là Michelle giúp như thế nào để làm lành với Gabrielle, đồng thời học được nhiều điều khác nữa. Chị Michelle nói: “Tôi và con cùng đọc chương 14 của sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại.  * Sau đó tôi giải thích Chúa Giê-su có ý nói gì khi bảo chúng ta phải tha thứ người khác ‘đến bảy mươi lần bảy’. Sau khi chăm chú lắng nghe Nicole bày tỏ nỗi lòng, tôi giúp con cảm nhận nỗi buồn và thất vọng của Gabrielle khi người bạn thân của mình sắp dọn đi xa”.—Ma-thi-ơ 18:21, 22.

Nhờ có được sự hiểu sâu sắc về lý do có thể đã khiến Gabrielle thốt lên những lời bực dọc, Nicole biết thông cảm và điều đó thúc đẩy em gọi điện thoại để xin lỗi Gabrielle. Chị Michelle nói: “Kể từ đó, Nicole cảm thấy hạnh phúc khi quan tâm đến cảm xúc của người khác và khi làm điều tử tế để khích lệ họ”.—Phi-líp 2:3, 4.

Hãy giúp con bạn tránh khó chịu trước những sai phạm và hiểu lầm. Có lẽ bạn sẽ thỏa lòng khi thấy con mình bày tỏ lòng tốt và tình yêu thương mềm mại với người khác.—Rô-ma 12:10; 1 Cô-rinh-tô 12:25.

Hãy khuyến khích tính hay tha thứ

Châm-ngôn 19:11 nói: “Người lấy làm danh-dự mà bỏ qua tội phạm”. Trong giây phút đau đớn nhất, Chúa Giê-su noi gương Cha ngài và bày tỏ lòng khoan dung (Lu-ca 23:34). Con bạn có thể học được phẩm chất cao đẹp của tính tha thứ khi chính chúng cảm nhận được niềm an ủi qua sự tha thứ của bạn.

Chẳng hạn, em Willy, năm tuổi, thích tô màu với bà ngoại. Một lần nọ, trong lúc hai bà cháu đang tô màu, bà tự nhiên ngưng lại, mắng cháu rồi đi chỗ khác. Willy buồn bực. Cha em là Sam nói: “Bà ngoại Willy bị bệnh Alzheimer. Vì thế chúng tôi giải thích cho cháu bằng ngôn từ nó có thể hiểu được”. Sau khi nhắc Willy là em đã được tha thứ nhiều lần và em cũng nên tha thứ người khác, anh Sam ngạc nhiên trước cách Willy phản ứng. Anh nói: “Bạn có thể tưởng tượng tôi và vợ tôi cảm thấy thế nào không khi nhìn con trai chúng tôi đến bên cạnh bà ngoại đã 80 tuổi, nói với giọng xin lỗi rồi nắm tay dắt bà trở lại bàn?”.

Quả là điều cao đẹp khi con trẻ học cách “nhường-nhịn”, chịu đựng những thiếu sót hay lỗi lầm của người khác và tha thứ cho họ (Cô-lô-se 3:13). Ngay cả khi người khác cố tình cư xử không hòa nhã, hãy bảo đảm với con bạn là cách phản ứng ôn hòa có thể có tác động, vì “khi tánh-hạnh của người nào đẹp lòng Đức Giê-hô-va, thì Ngài cũng khiến các thù-nghịch người ở hòa-thuận với người”.—Châm-ngôn 16:7.

Hãy luôn giúp con bạn sống hòa thuận

Khi cha mẹ dùng Lời Đức Chúa Trời để dạy dỗ con cái “trong sự hòa-bình” và với tư cách ‘những người làm sự hòa-bình’, họ thật sự là nguồn ân phước cho con mình (Gia-cơ 3:18). Các bậc cha mẹ này đang trang bị cho con những gì chúng cần để giải quyết xung đột và sống hòa thuận. Điều này góp phần rất lớn vào hạnh phúc và sự thỏa nguyện trong suốt cuộc đời của con cái.

Anh Dan và Chị Kathy có ba người con tuổi thanh thiếu niên; tất cả đều tiến bộ tốt về thiêng liêng. Anh Dan nói: “Mặc dù có nhiều khó khăn trong việc dạy dỗ khi chúng còn nhỏ, chúng tôi rất vui sướng là con mình đều tiến bộ tốt. Giờ đây chúng hòa thuận với người khác, và rộng lượng tha thứ khi có vấn đề đe dọa hòa khí”. Chị Kathy nói: “Điều này khiến chúng tôi rất phấn khởi, vì sự bình an, hòa thuận là một phần của trái thánh linh”.—Ga-la-ti 5:22.

Vậy có lý do chính đáng để các bậc cha mẹ đạo Đấng Christ không “trễ-nải” hay “mệt-nhọc” trong việc dạy con biết sống hòa thuận, dù lúc đầu chúng tiến bộ chậm. Khi làm thế, hãy tin chắc rằng “Đức Chúa Trời sự yêu-thương và sự bình-an sẽ ở cùng [bạn]”.—Ga-la-ti 6:9; 2 Cô-rinh-tô 13:11.

[Chú thích]

^ đ. 6 Xin xem hình nơi trang 75 của sách Revelation—Its Grand Climax At Hand!, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 16 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung/​Hình nơi trang 20]

MỘT ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC?

Một bài tiểu luận của Media Awareness Network có tựa đề “Bạo lực trong chương trình giải trí trên phương tiện truyền thông” nhận xét: “Ý niệm bạo lực là biện pháp để giải quyết vấn đề, được nhấn mạnh trong các chương trình giải trí mà qua đó kẻ côn đồ lẫn anh hùng đều thường xuyên dùng vũ lực”. Trong số những chương trình TV, phim ảnh và video ca nhạc được phân tích, chỉ khoảng 10% cho thấy hậu quả của bạo lực. Bài tiểu luận nói: “Bạo lực được xem là chính đáng, thông thường và không tránh được—giải pháp rõ ràng nhất cho vấn đề”.

Bạn có thấy cần phải điều chỉnh việc xem TV của gia đình không? Đừng để các chương trình giải trí làm suy yếu nỗ lực của bạn nhằm dạy con biết sống hòa thuận.

[Hình nơi trang 17]

Hãy khắc ghi vào lòng con bạn ước muốn làm vui lòng “Đức Chúa Trời của sự bình-an”

[Hình nơi trang 18]

Hãy dành thì giờ sửa lại cách nói năng và hành động gây tổn thương

[Hình nơi trang 19]

Con bạn nên học cách xin lỗi và tha thứ