Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhiều người trên thế giới đang được hợp nhất—Bằng cách nào?

Nhiều người trên thế giới đang được hợp nhất—Bằng cách nào?

Nhiều người trên thế giới đang được hợp nhất—Bằng cách nào?

THEO bạn “đoàn kết” có nghĩa gì? Đối với một số người, từ này chỉ đơn giản có nghĩa là không có mâu thuẫn hoặc xung đột. Chẳng hạn, nếu hai hay nhiều quốc gia ký kết hiệp ước hòa bình và thỏa thuận về các điều khoản trong đó, thì có thể nói là họ đoàn kết. Nhưng có thật vậy không? Không hẳn thế.

Hãy xem xét điều này: Trong suốt lịch sử, hàng ngàn hiệp ước hòa bình đã được ký kết và bị vi phạm. Tại sao? Bởi vì các nhà lãnh đạo thế giới thường quan tâm đến uy thế của họ hơn là hòa bình hay đoàn kết. Thêm vào đó, một số quốc gia lo sợ những gì có thể xảy ra nếu họ không theo kịp các nước khác về sức mạnh quân sự.

Vì thế, việc hai quốc gia không tranh chiến với nhau không có nghĩa là họ đoàn kết hay hợp nhất trong hòa bình. Thử nghĩ xem, nếu hai người cầm súng chĩa vào nhau nhưng chưa ai bóp cò, có thể nào nói họ đang sống hòa thuận không? Suy nghĩ như thế thật vô lý! Thế nhưng ngày nay nhiều quốc gia đang ở trong tình huống đó. Vì ngày càng ngờ vực nhau, họ lo sợ một ngày nào đó vũ khí sẽ được khai hỏa. Người ta đã làm gì để ngăn chặn thảm họa đó xảy ra?

Lo sợ vũ khí hạt nhân—Mối đe dọa cho sự hợp nhất

Nhiều người đặt hy vọng vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Được thông qua vào năm 1968, hiệp ước này cấm phát triển vũ khí hạt nhân ở những xứ chưa có loại vũ khí này và hạn chế việc phổ biến chúng ở những nơi đã có. Mục tiêu của NPT là cuối cùng sẽ hoàn toàn giải trừ quân bị và cho đến nay đã được hơn 180 nước phê chuẩn.

Tuy đó có vẻ là mục tiêu cao đẹp, một số nhà phê bình xem NPT là một phương tiện để ngăn cản một số nước gia nhập “hiệp hội các nước có vũ khí hạt nhân”—nhằm ngăn chặn những nước không có vũ khí hạt nhân phát triển chúng. Vì thế, người ta sợ rằng một số nước đã ký kết hiệp ước có thể suy xét lại. Thật vậy, một số quốc gia cho rằng quá bất công khi bị cấm phát triển vũ khí mà họ nghĩ rằng sẽ giúp họ tự bảo vệ.

Điều khiến vấn đề càng thêm phức tạp, có lẽ còn làm tăng mối nguy hiểm, là không một nước nào bị cấm phát triển năng lượng hạt nhân. Điều này khiến một số người e ngại các quốc gia được cho là đang sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục tiêu hòa bình, có thể lại bí mật phát triển vũ khí hạt nhân.

Ngay cả các nước đã có vũ khí hạt nhân cũng có thể coi thường NPT. Các nhà phê bình nói thật ngờ nghệch nếu nghĩ rằng những nước có vũ khí hạng nặng sẽ giải trừ hoặc ngay cả cắt giảm kho vũ khí của họ. Theo một nguồn tin, “muốn thực hiện điều này. . . các nước đang đối đầu với nhau phải có tình hữu nghị chặt chẽ và lòng tin cậy lẫn nhau, đó là điều khó có thể xảy ra”.

Những nỗ lực của con người để có sự đoàn kết, dù chân thật đến đâu, cũng là vô ích. Điều này không làm các học viên Kinh Thánh ngạc nhiên, vì Lời Đức Chúa Trời nói: “Người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình” (Giê-rê-mi 10:23). Kinh Thánh cũng nói thẳng thắn: “Có một con đường coi dường chánh-đáng cho loài người; nhưng cuối-cùng nó thành ra cái nẻo sự chết” (Châm-ngôn 16:25). Các chính phủ của loài người chỉ có thể đoàn kết hay hợp nhất ở một mức độ nào đó. Dù vậy, chúng ta không hoàn toàn vô vọng.

Nguồn của sự hợp nhất thật

Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời hứa là thế giới sẽ được hợp nhất nhưng không do nỗ lực của con người. Đấng Tạo Hóa có ý định cho nhân loại sống trong một thế giới hòa bình, và Ngài sẽ thực hiện những điều mà con người không thể làm được. Đối với một số người, điều này thật khó tin. Tuy nhiên, ngay từ đầu Đức Chúa Trời đã có ý định này. * Nhiều câu trong Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời vẫn giữ ý định hợp nhất nhân loại. Hãy xem vài thí dụ:

• “Hãy đến nhìn-xem các công-việc của Đức Giê-hô-va, sự phá-tan Ngài đã làm trên đất là dường nào! Ngài dẹp yên giặc cho đến đầu-cùng trái đất, bẻ gãy các cung, chặt các giáo ra từng miếng, và đốt xe nơi lửa”.—THI-THIÊN 46:8, 9.

• “Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của ta; vì thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”.—Ê-SAI 11:9.

• “Ngài đã nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt, và trừ-bỏ sự xấu-hổ của dân Ngài khỏi cả thế-gian; vì Đức Giê-hô-va đã phán vậy”.—Ê-SAI 25:8.

• “Theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở”.—2 PHI-E-RƠ 3:13.

• “[Đức Chúa Trời] sẽ lau sạch tất cả nước mắt nơi mắt họ, sẽ không còn chết chóc, tang chế hoặc khóc than hay đau khổ nữa, vì những việc trước đã qua rồi”.—KHẢI-HUYỀN 21:4, Bản Dịch Mới.

Những lời hứa này đều đáng tin cậy. Vì sao? Bởi vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Ngài có quyền lực và khả năng đưa nhân loại đến sự hợp nhất (Lu-ca 18:27). Hơn nữa, Ngài cũng muốn làm điều đó. Thật vậy, Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời có “ý-muốn. . . hội-hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất”.—Ê-phê-sô 1:8-10.

Lời hứa của Đức Chúa Trời về ‘đất mới, nơi sự công-bình ăn-ở’ không phải là mơ ước hão huyền (2 Phi-e-rơ 3:13). Liên quan đến những điều Ngài hứa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời tuyên bố: “Lời nói của ta. . . chẳng trở về luống-nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận-lợi công-việc ta đã sai-khiến nó”.—Ê-sai 55:11.

Hợp nhất nhờ Lời Đức Chúa Trời

Như đã đề cập ở bài trước, tôn giáo thường góp phần chia rẽ hơn là hợp nhất nhân loại. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc, vì nếu chấp nhận có một Đấng Tạo Hóa, chẳng phải nghĩ rằng những người thờ phượng Ngài sống hòa bình và hợp nhất với nhau là điều hợp lý sao? Tất nhiên là hợp lý!

Việc tôn giáo gây chia rẽ nhân loại không làm Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Lời Ngài bị mất uy tín. Đúng hơn, đó là hậu quả khi tôn giáo đề cao kế hoạch của con người nhằm đem lại sự hợp nhất thay vì ủng hộ ý định của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su gọi những nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời ngài là “kẻ giả-hình” và nói với họ: “Ê-sai đã nói tiên-tri về các ngươi phải lắm, mà rằng: Dân nầy lấy môi-miếng thờ-kính ta; nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ-lạy ta là vô-ích, vì chúng nó dạy theo những điều-răn mà chỉ bởi người ta đặt ra”.—Ma-thi-ơ 15:7-9.

Trái lại, sự thờ phượng thật làm cho người ta hợp nhất. Nhà tiên tri Ê-sai đã báo trước: “Sẽ xảy ra trong những ngày sau-rốt, núi của nhà Đức Giê-hô-va sẽ được lập vững trên đỉnh các núi, cao hơn các đồi. Mọi nước sẽ đổ về đó. . . Ngài sẽ làm sự phán-xét trong các nước, đoán-định về nhiều dân. Bấy giờ họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi-cày, lấy giáo rèn lưỡi-liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến-tranh”.—Ê-sai 2:2, 4.

Ngày nay trong hơn 230 xứ, Nhân Chứng Giê-hô-va đang hưởng ứng sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời về đường lối đem lại sự hợp nhất. Điều gì là nền tảng cho sự hợp nhất của họ? Sứ đồ Phao-lô viết: “Phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành” (Cô-lô-se 3:14). Trong nguyên ngữ, từ mà sứ đồ Phao-lô dùng được dịch là “dây” có thể ám chỉ dây chằng trong cơ thể con người. Các dây chằng này chắc như dây thừng, và chúng có hai chức năng quan trọng. Chúng cố định các bộ phận trong cơ thể và giữ chặt các xương với nhau.

Tình yêu thương cũng vậy. Đức tính này không chỉ ngăn cản người ta giết nhau. Nhờ thể hiện tình yêu thương giống như Chúa Giê-su, những người có gốc gác khác nhau biết cách sống hòa thuận. Chẳng hạn, nó giúp người ta sống phù hợp với một trong những nguyên tắc nổi tiếng của Chúa Giê-su được gọi là Luật Vàng. Như ghi nơi Ma-thi-ơ 7:12, Chúa Giê-su nói: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. Làm theo nguyên tắc này đã giúp nhiều người vượt qua thành kiến.

“Các ngươi yêu nhau”

Nhân Chứng Giê-hô-va quyết tâm chứng tỏ họ là môn đồ Chúa Giê-su bằng cách làm theo điều ngài nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:35). Tình yêu thương đó được thể hiện một cách phi thường trong những giai đoạn xung đột về chủng tộc và bất ổn về chính trị. Chẳng hạn, trong cuộc diệt chủng vào năm 1994 ở Rwanda, Nhân Chứng Giê-hô-va đã thể hiện tình yêu thương với nhau. Các Nhân Chứng người Hutu đã liều mạng để bảo vệ những anh em người Tutsi.

Tất nhiên, mong đợi các quốc gia phát huy tình yêu thương đồng loại đến mức đem lại sự hợp nhất trên thế giới là điều không thực tế. Theo Kinh Thánh, điều đó sẽ được Đức Chúa Trời thực hiện vào đúng thời điểm của Ngài. Tuy nhiên, ngay bây giờ, người ta có thể mặc lấy tình yêu thương và có được sự hợp nhất.

Trong năm vừa qua, Nhân Chứng Giê-hô-va đã dành hơn một tỉ giờ để đến thăm và nói chuyện với người ta về Kinh Thánh và những giá trị của sách này trong đời sống ngày nay. Sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời đã hợp nhất hàng triệu người, một số người này trước đây đã từng hận thù nhau. Trong số này có người Ả Rập và Do Thái, người Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ, người Đức và Nga, đó chỉ là mới kể một vài nhóm.

Bạn có muốn biết thêm về việc Lời Đức Chúa Trời tức Kinh Thánh giúp chúng ta hợp nhất như thế nào không? Nếu muốn, xin liên hệ với Nhân Chứng Giê-hô-va tại địa phương hoặc gửi thư đến một trong những địa chỉ được liệt kê nơi trang 2 của tạp chí này.

[Chú thích]

^ đ. 12 Để biết thêm về ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại, xin xem chương 3 sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Câu nổi bật nơi trang 4]

Hàng ngàn hiệp ước hòa bình đã được ký kết và bị vi phạm

[Câu nổi bật nơi trang 7]

Việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh thực hiện được điều mà các chính phủ loài người không thể làm được

[Hình nơi trang 5]

Lời Đức Chúa Trời cho biết Nguồn của sự hợp nhất thật

[Hình nơi trang 7]

Nhân Chứng Giê-hô-va gốc Hutu và Tutsi cùng nhau xây dựng một nơi thờ phượng