Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và Nước Trời

Quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và Nước Trời

Quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và Nước Trời

“Hỡi Đức Giê-hô-va! sự cao-cả, quyền-năng, vinh-quang, toàn-thắng, và oai-nghi đáng qui về Ngài. . . Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài”.—1 SỬ-KÝ 29:11.

1. Tại sao Đức Giê-hô-va chính đáng là Đấng Cai Trị Tối Cao của vũ trụ?

“ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, Nước Ngài cai-trị trên muôn vật” (Thi-thiên 103:19). Qua những lời đó, người viết Thi-thiên cho thấy sự thật cơ bản về quyền cai trị. Là Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời chính đáng là Đấng Cai Trị Tối Cao của vũ trụ.

2. Đa-ni-ên miêu tả thế nào về lĩnh vực thần linh của Đức Giê-hô-va?

2 Dĩ nhiên, để cai trị, một vị vua phải có thần dân. Trước hết, Đức Giê-hô-va cai trị các tạo vật thần linh mà Ngài đã tạo ra, đầu tiên là Con độc sanh và kế tiếp là muôn vàn thiên sứ (Cô-lô-se 1:15-17). Sau đó rất lâu, nhà tiên tri Đa-ni-ên được nhìn thoáng qua về cảnh tượng ở trên trời. Ông ghi lại: “Ta nhìn-xem cho đến chừng các ngôi đã đặt, và có Đấng Thượng-cổ ngồi ở trên. . . Ngàn ngàn hầu-hạ Ngài và muôn muôn đứng trước mặt Ngài” (Đa-ni-ên 7:9, 10). Từ hàng tỉ năm, Đức Giê-hô-va, “Đấng Thượng-cổ”, với tư cách là Đấng Cai Trị, đã điều khiển gia đình to lớn và trật tự gồm các con thần linh. Những người con này giữ vai trò ‘tôi-tớ làm theo ý-chỉ Ngài’.—Thi-thiên 103:20, 21.

3. Đức Giê-hô-va mở rộng sự cai trị như thế nào?

3 Với thời gian, Đức Giê-hô-va mở rộng sự cai trị của Ngài bằng cách tạo ra vũ trụ vật chất bao la và phức tạp, trong đó có trái đất (Gióp 38:4, 7). Theo sự quan sát của người sống trên đất, các thiên thể chuyển động một cách rất trật tự và chính xác, như thể không cần có ai điều khiển. Thế nhưng, người viết Thi-thiên tuyên bố: “[Đức Giê-hô-va] ra lịnh, thảy bèn được dựng nên. Ngài lập cho vững các vật ấy đến đời đời vô-cùng; cũng đã định mạng, sẽ không có ai vi-phạm mạng ấy” (Thi-thiên 148:5, 6). Thật vậy, Đức Giê-hô-va luôn hướng dẫn, điều hành và chỉ huy các hoạt động trong lĩnh vực thần linh cũng như trong vũ trụ vật chất.—Nê-hê-mi 9:6.

4. Đức Giê-hô-va cai trị loài người như thế nào?

4 Sau khi tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên, Đức Chúa Trời thể hiện quyền cai trị qua một cách khác nữa. Ngoài việc cung cấp cho con người mọi thứ cần thiết để có một đời sống ý nghĩa và thỏa nguyện, Đức Giê-hô-va còn ban cho họ quyền quản trị các tạo vật thấp kém hơn trên đất, đó là một sự ủy quyền (Sáng-thế Ký 1:26-28; 2:8, 9). Rõ ràng là sự cai trị của Đức Chúa Trời không những nhân từ và có lợi cho con người mà còn xem trọng phẩm giá của họ. Miễn là A-đam và Ê-va phục tùng sự cai trị của Đức Giê-hô-va, họ có triển vọng sống mãi mãi trong địa đàng.—Sáng-thế Ký 2:15-17.

5. Chúng ta có thể nói gì về sự cai trị của Đức Giê-hô-va?

5 Chúng ta có thể kết luận gì qua những điều nói trên? Thứ nhất, Đức Giê-hô-va luôn luôn nắm quyền cai trị tất cả tạo vật. Thứ nhì, sự cai trị của Đức Chúa Trời là nhân từ và tôn trọng phẩm giá của thần dân. Thứ ba, khi vâng phục và ủng hộ quyền cai trị của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được hưởng ân phước muôn đời. Không ngạc nhiên gì khi vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên xưa đã cảm động thốt lên: “Hỡi Đức Giê-hô-va! sự cao-cả, quyền-năng, vinh-quang, toàn-thắng, và oai-nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa-tể của muôn vật”.—1 Sử-ký 29:11.

Tại sao cần Nước Trời?

6. Sự cai trị của Đức Chúa Trời và Nước Trời có mối tương quan nào?

6 Đức Giê-hô-va, Đấng Tối Cao của vũ trụ, luôn luôn nắm giữ quyền lực và sức mạnh, vậy tại sao cần đến Nước Trời? Một nhà cai trị thường sử dụng quyền hành thông qua một cơ quan đại diện. Vì thế, Nước Trời là một cách Đức Chúa Trời thể hiện quyền tối cao trong vũ trụ, một phương tiện Ngài dùng để cai trị.

7. Tại sao Đức Giê-hô-va áp dụng một cách mới để cai trị?

7 Đức Giê-hô-va đã thể hiện quyền cai trị qua những cách khác nhau vào những giai đoạn khác nhau. Ngài áp dụng một cách mới khi hoàn cảnh biến đổi. Điều này đã xảy ra khi người con thần linh là Sa-tan phản loạn và dụ dỗ được A-đam lẫn Ê-va chống lại quyền cai trị của Ngài. Sự phản loạn đó là một thách thức đối với quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Tại sao chúng ta nói thế? Khi bảo Ê-va là bà “chẳng chết đâu” nếu ăn trái cấm, Sa-tan ám chỉ Đức Giê-hô-va không thành thật và vì thế không đáng tin cậy. Sa-tan còn bảo Ê-va: “Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”. Hắn có ý là A-đam và Ê-va sẽ được nhiều lợi ích hơn nếu lờ đi mệnh lệnh của Đức Chúa Trời và đi theo đường lối riêng (Sáng-thế Ký 3:1-6). Đó là một sự công kích quyền cai trị chính đáng của Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ làm gì?

8, 9. (a) Một vị vua đối phó với cuộc phản loạn trong lãnh thổ của mình như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va đã làm gì để xử lý cuộc phản loạn trong vườn Ê-đen?

8 Chúng ta nghĩ một nhà cai trị sẽ làm gì khi có sự nổi loạn trong lãnh thổ của mình? Những người quen thuộc lịch sử có thể nhớ lại một số trường hợp như thế. Thay vì lờ đi vấn đề, thường thì một vị vua, ngay cả người rất nhân từ, cũng kết tội những kẻ nổi loạn là phản quốc. Kế đến vị vua giao cho một người nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng phản loạn và tái lập hòa bình. Tương tự thế, Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài nắm trọn quyền kiểm soát tình hình khi lập tức xử lý sự việc, kết án những kẻ phản loạn. Ngài tuyên bố A-đam và Ê-va không xứng đáng được sống đời đời và đuổi họ ra khỏi vườn Ê-đen.—Sáng-thế Ký 3:16-19, 22-24.

9 Khi tuyên án Sa-tan, Đức Giê-hô-va tiết lộ một cách mới để thể hiện quyền cai trị của Ngài, một phương tiện qua đó Ngài sẽ tái lập hòa bình và trật tự trong khắp vũ trụ. Ngài nói với Sa-tan: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người” (Sáng-thế Ký 3:15). Như vậy, Đức Giê-hô-va tiết lộ ý định của Ngài là ban quyền cho một “dòng-dõi” để tiêu diệt Sa-tan và lực lượng của hắn, đồng thời chứng tỏ quyền cai trị của Ngài là chính đáng.—Thi-thiên 2:7-9; 110:1, 2.

10. (a) Ai đã chứng tỏ là “dòng-dõi”? (b) Phao-lô nói gì về sự ứng nghiệm của lời tiên tri đầu tiên?

10 “Dòng-dõi” đó cuối cùng được nhận diện là Chúa Giê-su Christ, cùng với một nhóm những người đồng cai trị. Họ hợp thành Nước của Đấng Mê-si hay Nước Trời (Đa-ni-ên 7:13, 14, 27; Ma-thi-ơ 19:28; Lu-ca 12:32; 22:28-30). Tuy nhiên, tất cả những điều này không được tiết lộ ngay. Thật vậy, trong một thời gian dài, sự ứng nghiệm lời tiên tri đầu tiên từng là “lẽ mầu-nhiệm, là lẽ đã giấu kín từ mọi đời trước” (Rô-ma 16:25). Trải qua nhiều thế kỷ, những người có đức tin trông đợi thời kỳ mà “lẽ mầu-nhiệm” sẽ được tỏ ra và lời tiên tri đầu tiên được ứng nghiệm để biện minh cho quyền cai trị của Đức Giê-hô-va.—Rô-ma 8:19-21.

“Lẽ mầu-nhiệm” dần dần được tiết lộ

11. Đức Giê-hô-va đã cho Áp-ra-ham biết điều gì?

11 Với thời gian, Đức Giê-hô-va dần dần tiết lộ những khía cạnh của “sự mầu-nhiệm của nước Đức Chúa Trời” (Mác 4:11). Một trong những người mà Ngài cho biết về điều này là Áp-ra-ham, người được gọi là “bạn Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 2:23). Đức Giê-hô-va hứa với Áp-ra-ham là Ngài sẽ làm cho ông nên “một dân lớn”. Về sau, Đức Chúa Trời cho ông biết thêm: “Các vua sẽ do nơi ngươi mà ra”, và “các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước”.—Sáng-thế Ký 12:2, 3; 17:6; 22:17, 18.

12. Sau trận nước lụt, dòng dõi của Sa-tan đã lộ diện như thế nào?

12 Đến thời Áp-ra-ham, đã có nhiều người tìm cách cai trị người khác. Chẳng hạn, về Nim-rốt là chắt của Nô-ê, Kinh Thánh nói: “Người bắt đầu làm anh-hùng trên mặt đất. Người là một tay thợ săn can-đảm trước mặt [“đối địch với”, NW ] Đức Giê-hô-va” (Sáng-thế Ký 10:8, 9). Rõ ràng, Nim-rốt và những người tự phong mình làm nhà cai trị là bù nhìn của Sa-tan. Họ và những người ủng hộ họ đã trở thành một phần của dòng dõi Sa-tan.—1 Giăng 5:19.

13. Đức Giê-hô-va nói trước điều gì qua Gia-cốp?

13 Bất chấp những nỗ lực của Sa-tan lập lên những người cai trị, Đức Giê-hô-va vẫn tiếp tục thực hiện ý định của Ngài. Qua cháu nội Áp-ra-ham là Gia-cốp, Đức Giê-hô-va tiết lộ: “Cây phủ-việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập-pháp không dứt khỏi giữa chân nó, cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới, và các dân vâng-phục Đấng đó” (Sáng-thế Ký 49:10). Từ “Si-lô” có nghĩa là “Đấng có quyền”. Vì vậy, lời tiên tri này cho thấy sẽ có một đấng được quyền nhận “cây phủ-việt”, hay quyền cai trị trên “các dân”, tức toàn thể nhân loại. Thế thì Đấng đó là ai?

“Cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới”

14. Đức Giê-hô-va lập giao ước nào với Đa-vít?

14 Người đầu tiên trong dòng dõi Giu-đa được Đức Giê-hô-va chọn làm vua để cai trị dân Ngài, là chàng chăn chiên Đa-vít, con của Y-sai * (1 Sa-mu-ên 16:1-13). Tuy đã phạm tội và có nhiều lỗi lầm, nhưng vì trung thành phục tùng quyền cai trị của Đức Giê-hô-va nên Đa-vít vẫn được ơn trước mặt Ngài. Làm sáng tỏ thêm lời tiên tri trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va đã lập giao ước với Đa-vít: “Ta sẽ lập dòng-giống ngươi kế-vị ngươi, là dòng-giống do ngươi sanh ra, và ta sẽ khiến cho nước nó bền-vững”. Điều này không chỉ nói đến con và người kế vị Đa-vít là Sa-lô-môn, vì trong giao ước có đề cập: “Ta sẽ khiến cho ngôi cùng nước nó vững bền đời đời”. Giao ước đó cho thấy rõ “dòng-giống” Nước Trời này cuối cùng sẽ đến trong dòng họ Đa-vít.—2 Sa-mu-ên 7:12, 13.

15. Tại sao có thể xem nước Giu-đa là một hình thức của Nước Đức Chúa Trời?

15 Đa-vít bắt đầu một triều đại gồm các vị vua được thầy tế lễ xức dầu thánh. Vì thế, những vị vua này có thể được gọi là những người được xức dầu, hay mê-si (1 Sa-mu-ên 16:13; 2 Sa-mu-ên 2:4; 5:3; 1 Các Vua 1:39). Kinh Thánh nói họ ngồi trên ngôi của Đức Giê-hô-va để làm vua thay Ngài cai trị tại Giê-ru-sa-lem (2 Sử-ký 9:8). Theo nghĩa đó, nước Giu-đa đại diện cho Nước Đức Chúa Trời, một cách Đức Giê-hô-va thể hiện quyền cai trị của Ngài.

16. Sự cai trị của các vua nước Giu-đa dẫn đến điều gì và kết cuộc ra sao?

16 Khi vua và dân chúng phục tùng quyền cai trị của Đức Giê-hô-va, họ được Ngài che chở và ban phước. Đặc biệt triều đại của Sa-lô-môn là thời kỳ yên ổn và thịnh vượng nhất, cho thấy trước sự cai trị của Nước Trời khi mà ảnh hưởng của Sa-tan hoàn toàn bị loại bỏ và quyền cai trị của Đức Giê-hô-va được biện minh (1 Các Vua 4:20, 25). Điều đáng buồn là đa số các vị vua trong dòng Đa-vít đã không làm theo đúng luật pháp Đức Giê-hô-va; dân chúng phạm tội thờ hình tượng và vô luân. Cuối cùng, Đức Chúa Trời cho phép quân Ba-by-lôn hủy diệt nước này vào năm 607 TCN. Sa-tan có vẻ thắng thế trong việc làm người ta nghi ngờ sự cai trị của Đức Giê-hô-va.

17. Mặc dù nước thuộc dòng Đa-vít đã sụp đổ, điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va vẫn nắm trọn quyền kiểm soát?

17 Sự sụp đổ của nước thuộc dòng Đa-vít, và của nước Y-sơ-ra-ên phương bắc trước đó, không chứng minh sự cai trị của Đức Giê-hô-va đã thiếu sót hay thất bại, nhưng đó là hậu quả thê thảm do ảnh hưởng của Sa-tan và đường lối độc lập của con người (Châm-ngôn 16:25; Giê-rê-mi 10:23). Để chứng tỏ Ngài vẫn nắm quyền cai trị, Đức Giê-hô-va tuyên bố qua nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên: “Hãy cất mũ nầy, lột mão triều-thiên nầy. . . Ta sẽ úp-đổ, úp-đổ, úp-đổ nó; sự nầy cũng sẽ không còn nữa, cho đến chừng nào Đấng đáng được sẽ đến, thì ta sẽ giao cho” (Ê-xê-chi-ên 21:31, 32). Dựa vào những lời này, chúng ta thấy rằng “dòng-dõi” đã hứa, “Đấng đáng được”, khi ấy vẫn chưa đến.

18. Thiên sứ Gáp-ri-ên thông báo điều gì cho trinh nữ Ma-ri?

18 Chúng ta hãy đi đến năm 2 TCN. Thiên sứ Gáp-ri-ên được phái đến gặp Ma-ri, một trinh nữ ở thành Na-xa-rét, thuộc vùng Ga-li-lê, miền bắc Pha-lê-tin. Thiên sứ báo tin: “Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn-trọng, được xưng là Con của Đấng Rất-Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài. Ngài sẽ trị-vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô-cùng”.—Lu-ca 1:31-33.

19. Cuối cùng, đã gần đến lúc diễn ra những biến cố quan trọng nào?

19 Cuối cùng, đã gần đến lúc để tiết lộ “sự mầu-nhiệm”. Nhân vật chính của “dòng-dõi” được hứa trước sắp xuất hiện (Ga-la-ti 4:4; 1 Ti-mô-thê 3:16). Ngài sẽ bị Sa-tan cắn gót chân. Nhưng sau đó “dòng-dõi” ấy sẽ đạp đầu Sa-tan, chấm dứt hoạt động và ảnh hưởng của hắn cùng những kẻ theo hắn. Ngài cũng làm chứng rằng qua Nước Trời, mọi thiệt hại mà Sa-tan gây ra sẽ được xóa bỏ và quyền cai trị của Đức Giê-hô-va được biện minh (Hê-bơ-rơ 2:14; 1 Giăng 3:8). Chúa Giê-su thực hiện điều này như thế nào? Ngài để lại gương nào cho chúng ta noi theo? Bài kế tiếp sẽ trả lời những câu hỏi này.

[Chú thích]

^ đ. 14 Sau-lơ, người đầu tiên được Đức Chúa Trời chọn để cai trị dân Y-sơ-ra-ên, là người thuộc chi phái Bên-gia-min.—1 Sa-mu-ên 9:15, 16; 10:1.

Bạn giải thích thế nào?

• Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va chính đáng là Đấng Cai Trị Tối Cao của vũ trụ?

• Tại sao Đức Giê-hô-va có ý định thiết lập Nước Trời?

• Đức Giê-hô-va dần dần tiết lộ “lẽ mầu-nhiệm” như thế nào?

• Mặc dù nước thuộc dòng Đa-vít bị sụp đổ, điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va vẫn nắm trọn quyền kiểm soát?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Qua Áp-ra-ham, Đức Giê-hô-va đã cho biết trước điều gì?

[Hình nơi trang 25]

Tại sao sự sụp đổ của nước thuộc dòng Đa-vít không chứng minh sự cai trị của Đức Giê-hô-va đã thất bại?