Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trên đường tiến đến thế giới mới

Trên đường tiến đến thế giới mới

Tự Truyện

Trên đường tiến đến thế giới mới

Do Jack Pramberg kể lại

Nằm ở ngoại ô Arboga, một thị trấn xinh đẹp thuộc miền trung Thụy Điển, Nhân Chứng Giê-hô-va có một văn phòng chi nhánh với hơn 80 người tình nguyện. Đó là nơi tôi và vợ tôi là Karin sống và làm việc. Điều gì đã đưa đẩy chúng tôi đến đó?

KHOẢNG cuối thế kỷ 19, một cô gái Thụy Điển 15 tuổi đã di cư sang Hoa Kỳ. Tại một nơi tạm cư ở thành phố New York, cô đã gặp một thủy thủ người Thụy Điển. Hai người yêu nhau, kết hôn và sinh một bé trai, đó là tôi. Tôi ra đời tại Bronx, bang New York, Hoa Kỳ vào năm 1916, trong lúc Thế Chiến I đang diễn ra.

Ít lâu sau, gia đình tôi dọn đến Brooklyn, cách Brooklyn Heights chỉ vài khu phố. Sau này cha cho biết cha và tôi đã lái thử một chiếc thuyền mẫu gần cầu Brooklyn, có thể thấy chiếc cầu này từ trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va. Lúc ấy, tôi không hề biết những hoạt động tại đó sẽ có ảnh hưởng lớn thế nào đến cuộc đời của tôi về sau.

Năm 1918, Thế chiến I chấm dứt, cuộc tàn sát vô nghĩa ở châu Âu đã kết thúc. Khi trở về nhà, các binh lính phải đối mặt với kẻ thù khác: nạn thất nghiệp và nghèo đói. Cha tôi nghĩ tốt nhất là trở về Thụy Điển và chúng tôi đã làm thế vào năm 1923. Cuối cùng chúng tôi đến sinh sống ở Erikstad, một ngôi làng nhỏ gần ga xe lửa vùng Dalsland. Nơi đây cha tôi mở một tiệm gia công kim loại, đó cũng là nơi tôi lớn lên.

Hạt giống được gieo

Công việc làm ăn của cha tôi không mấy thành công. Vì thế, vào khoảng đầu thập niên 1930, cha trở lại nghề thủy thủ. Mẹ ở nhà với nhiều nỗi lo lắng còn tôi thì phải quản lý cửa tiệm. Một hôm, mẹ đi thăm người anh rể là dượng Johan. Với nhiều nỗi suy tư về tình trạng thế giới, mẹ hỏi: “Anh Johan, tình trạng sẽ mãi như thế này hay sao?”.

Dượng trả lời: “Không đâu”. Rồi dượng nói với mẹ về lời hứa của Đức Chúa Trời là qua Nước Trời do Chúa Giê-su làm Vua, Ngài sẽ chấm dứt sự gian ác và thiết lập sự cai trị công bình trên toàn cầu (Ê-sai 9:5, 6; Đa-ni-ên 2:44). Dượng giải thích rằng Nước Trời, nước mà Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện, là chính phủ công bình sẽ đem lại địa đàng trên đất.—Ma-thi-ơ 6:9, 10; Khải-huyền 21:3, 4.

Những lời hứa ấy gây ấn tượng sâu sắc với mẹ. Suốt quãng đường về nhà, mẹ cảm tạ Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, cả cha và tôi đều không thích việc mẹ chú ý đến đạo giáo. Vào thời gian này, khoảng giữa thập niên 1930, tôi dọn đến Trollhättan thuộc miền tây Thụy Điển, và xin được việc làm tại một xưởng gia công kim loại. Không lâu sau, mẹ và cha (cha vừa trở về) cũng dọn đến đó. Thế là gia đình chúng tôi lại đoàn tụ.

Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của mình, mẹ tìm các Nhân Chứng Giê-hô-va ở gần nhà. Vào lúc ấy, họ nhóm họp tại nhà của nhau, giống như các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu (Phi-lê-môn 1, 2). Một hôm, đến lượt mẹ dùng nhà để nhóm họp. Với lòng e ngại, mẹ hỏi cha về việc mời những người bạn về nhà. Cha trả lời: “Bạn của em cũng là bạn của anh”.

Thế là nhà chúng tôi được dùng để nhóm họp. Tôi rời khỏi nhà khi thấy bạn của mẹ đến. Tuy nhiên, không lâu sau tôi quyết định ở lại. Sự nồng ấm cũng như các lý luận thực tế của Nhân Chứng đã phá đổ thành kiến trong trí tôi. Hạt giống đã nẩy mầm trong lòng tôi—một hy vọng về tương lai.

Trở thành thủy thủ

Chắc hẳn cha đã truyền cho tôi niềm yêu thích nghề đi biển, vì tôi cũng trở thành thủy thủ. Tôi ngày càng quan tâm nhiều đến nhu cầu tâm linh của mình. Khi cập bến, tôi luôn tìm cách liên lạc với Nhân Chứng Giê-hô-va. Tại Amsterdam, Hà Lan, tôi vào bưu điện hỏi thăm để biết Nhân Chứng Giê-hô-va ở đâu. Sau một lúc, tôi có được một địa chỉ và liền đi đến đó. Một bé gái mười tuổi niềm nở ra đón tôi. Tuy là người lạ, nhưng tôi nhanh chóng cảm thấy thân thiết với gia đình em. Vì thế, tôi có dịp cảm nghiệm tình anh em quốc tế thật tuyệt diệu!

Dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng khi gia đình này lấy ra một quyển lịch, bảng lịch trình xe lửa và vẽ bản đồ, thì tôi hiểu rằng có một hội nghị sắp được tổ chức ở thị trấn Haarlem gần đó. Tôi đã đến dự, và dù không hiểu gì cả nhưng tôi rất thích hội nghị này. Khi thấy Nhân Chứng phân phát giấy mời người dân địa phương đến nghe bài giảng công cộng vào ngày chủ nhật, tôi cảm thấy được thôi thúc để tham gia. Thế là tôi nhặt những tờ giấy mời mà người ta bỏ và phát tiếp.

Một lần nọ, chúng tôi cập cảng Buenos Aires, Argentina, tôi thấy trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Phía bên trong có một văn phòng và nhà kho. Tại bàn làm việc, một phụ nữ đang ngồi đan và một bé gái, có lẽ là con bà ấy, đang chơi búp bê. Lúc đó đã rất khuya, một người đàn ông lấy vài quyển sách trên kệ, trong đó có cuốn Creation bằng tiếng Thụy Điển. Nhìn thấy gương mặt thân thiện và hạnh phúc của họ, tôi muốn trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Trên đường về, tàu chúng tôi vớt những nhân viên của chiếc máy bay quân sự Canada đã bị rơi xuống bờ biển Newfoundland. Vài ngày sau, chúng tôi đến gần Scotland và bị tàu hải quân Anh bắt giữ. Họ đưa chúng tôi đến Kirkwall, thuộc đảo Orkney để kiểm tra. Lúc ấy, Thế Chiến II đã bắt đầu, quân quốc xã của Hitler xâm chiếm Ba Lan vào tháng 9 năm 1939. Vài ngày sau, chúng tôi được trả tự do và trở về Thụy Điển mà không gặp sự cố nào.

Tôi đã về nhà theo nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng. Giờ đây, tôi muốn thuộc về dân tộc của Đức Chúa Trời và không muốn bỏ các buổi nhóm họp (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Tôi vui sướng khi nhớ lại lúc còn là thủy thủ, tôi luôn làm chứng cho các thủy thủ khác và tôi được biết một người trong số họ đã trở thành Nhân Chứng.

Một công việc phụng sự đặc biệt

Đầu năm 1940, tôi đến tham quan văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Stockholm. Tôi được anh Johan H. Eneroth đón tiếp, lúc ấy anh trông coi công việc rao giảng tại Thụy Điển. Khi tôi bày tỏ ước muốn tham gia công việc rao giảng trọn thời gian với tư cách là người tiên phong, anh chăm chú nhìn tôi rồi hỏi: “Em có tin đây là tổ chức của Đức Chúa Trời không?”.

Tôi trả lời: “Dạ có”. Thế là tôi báp têm vào ngày 22 tháng 6 năm 1940, và rồi bắt đầu phụng sự tại chi nhánh, nơi có khung cảnh tuyệt đẹp và các anh chị gương mẫu. Chúng tôi dùng những ngày cuối tuần để đi rao giảng. Vào mùa hè, chúng tôi thường đạp xe đến những khu vực ở xa để rao giảng trong suốt hai ngày cuối tuần và ngủ trên những đống rơm vào ban đêm.

Tuy nhiên, chúng tôi thường rao giảng từng nhà ở Stockholm và vùng phụ cận. Có một lần, tôi gặp một người đang tất bật sửa bồn nước nóng ở tầng hầm. Tôi liền xăn tay áo lên giúp ông ấy. Khi đã trám xong chỗ bị rỉ, ông ấy nhìn tôi với lòng biết ơn rồi nói: “Tôi nghĩ có lẽ anh đến đây với mục đích khác. Chúng ta hãy lên nhà trên, rửa tay và dùng một tách cà phê”. Trong lúc uống cà phê, tôi làm chứng cho ông. Cuối cùng, ông đã trở thành một người anh em tín đồ Đấng Christ.

Tuy Thụy Điển đã chính thức tuyên bố trung lập, nhưng người dân vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến. Ngày càng có nhiều người bị gọi nhập ngũ, trong đó có tôi. Khi từ chối tập luyện quân sự, tôi bị bỏ tù trong thời gian ngắn. Sau đó, tôi bị kết án và bị đưa đến trại lao động. Những Nhân Chứng trẻ thường bị triệu đến trước mặt các quan tòa, và chúng tôi đã có dịp làm chứng về Nước Trời. Điều này đúng với lời tiên tri của Chúa Giê-su: “Vì cớ ta mà các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng-đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại”.—Ma-thi-ơ 10:18.

Sự thay đổi trong cuộc đời

Vào năm 1945, châu Âu đã ngưng tiếng súng. Cuối năm đó, anh Nathan H. Knorr, lúc ấy dẫn đầu công việc trên khắp thế giới, cùng với thư ký là anh Milton Henschel từ Brooklyn đến thăm chúng tôi. Cuộc viếng thăm của họ rất quan trọng đối với việc tái tổ chức công việc rao giảng ở Thụy Điển và đối với cá nhân tôi. Khi được biết mình có thể tham dự Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh, tôi liền nộp đơn.

Năm sau, tôi được ngồi trong lớp học của Trường Ga-la-át, lúc ấy ở ngoại ô South Lansing, New York. Sự huấn luyện trong năm tháng đã giúp tôi quý trọng Kinh Thánh và tổ chức Đức Giê-hô-va hơn nữa. Tôi nhận thấy các anh dẫn đầu trong công việc rao giảng trên toàn thế giới là những người thân thiện và có lòng quan tâm đến người khác. Họ siêng năng làm việc với chúng tôi (Ma-thi-ơ 24:14). Tuy không ngạc nhiên, nhưng tôi rất sung sướng khi được tận mắt chứng kiến điều đó.

Chẳng mấy chốc, đã đến ngày 9 tháng 2 năm 1947, là ngày tốt nghiệp khóa thứ tám của trường Ga-la-át. Anh Knorr thông báo cho các học viên biết họ sẽ được phái đến nước nào. Đến phiên tôi, anh nói: “Anh Pramberg sẽ trở về Thụy Điển để phục vụ các anh em ở đó”. Thú thật, tôi không cảm thấy phấn khởi khi phải trở về quê nhà.

Một nhiệm vụ đầy thách đố

Khi trở về Thụy Điển, tôi được cho biết về một công việc mới bắt đầu ở nhiều nước trên khắp thế giới, đó là công việc địa hạt. Tôi được bổ nhiệm làm giám thị địa hạt đầu tiên ở Thụy Điển, và tôi có nhiệm vụ phải trông coi công việc trên khắp đất nước này. Tôi sắp xếp và giám sát những cuộc họp mà sau này gọi là hội nghị vòng quanh, được tổ chức ở các thành phố và thị trấn khắp Thụy Điển. Vì đây là sự sắp đặt hoàn toàn mới nên tôi chỉ nhận được ít lời chỉ dẫn. Tôi cùng anh Eneroth cố gắng hết sức để chuẩn bị một chương trình. Tôi lo sợ khi nhận nhiệm vụ này và đã cầu nguyện với Đức Giê-hô-va rất nhiều lần. Tôi có đặc ân phụng sự trong công việc địa hạt 15 năm.

Thời đó rất khó tìm được những nơi thích hợp để nhóm họp. Chúng tôi phải dùng phòng khiêu vũ và những nơi tương tự. Những chỗ này thường không đủ ấm và đôi khi rất tồi tàn. Hội nghị ở Rökiö, Phần Lan là một điển hình. Phòng họp là trung tâm cộng đồng đã cũ và bị bỏ hoang một thời gian. Trời hôm đó có bão tuyết, và nhiệt độ là âm 20°C. Vì thế, chúng tôi đốt lửa trong hai lò sưởi lớn làm bằng thùng dầu. Tuy nhiên, chúng tôi không biết là chim đã xây tổ trong ống khói. Thế là khói bay mù mịt phủ lấy chúng tôi! Tuy phải quấn mình trong áo choàng và bị cay mắt, nhưng mọi người vẫn ngồi tại chỗ. Sự việc này làm cho hội nghị ấy đặc biệt đáng nhớ.

Trong số những chỉ dẫn về việc tổ chức hội nghị vòng quanh ba ngày, có hướng dẫn về việc cung cấp thức ăn cho các đại biểu. Lúc đầu chúng tôi không có dụng cụ và kinh nghiệm để làm công việc này. Song, chúng tôi có các anh chị tuyệt vời sẵn lòng đảm nhận thách thức đó. Vào ngày trước hội nghị, họ lom khom cạnh cái chậu, gọt vỏ khoai trong lúc thích thú kể lại kinh nghiệm. Tình bạn lâu bền giữa nhiều anh chị đã bắt đầu vào những dịp làm việc khó nhọc bên nhau như thế.

Một đặc điểm khác của công việc thời đó là đi bộ trên đường với những áp phích quảng cáo cho các hội nghị vòng quanh này. Chúng tôi tuần tự đi qua một làng hay thị trấn, mời người ta đến nghe diễn văn công cộng. Người ta nói chung thường rất tử tế và lịch sự. Một lần nọ tại thị trấn Finspång, các công nhân từ một nhà máy đi ra dọc đường phố. Thình lình có một người la lên: “Ê, xem kìa, đó là nhóm người mà Hitler không thắng được!”.

Một sự kiện quan trọng trong đời tôi

Chẳng bao lâu sau khi tôi gặp Karin, một cô gái tuyệt vời, cuộc sống làm giám thị lưu động của tôi đã thay đổi. Cả hai chúng tôi được mời dự hội nghị quốc tế ở sân vận động Yankee, New York vào tháng 7 năm 1953. Ở đó, vào thứ hai ngày 20 tháng 7, lúc nghỉ trưa, anh Milton Henschel cử hành hôn lễ cho chúng tôi. Đây là sự kiện khác thường được tổ chức tại thành trì này của giới bóng chày. Sau đó, tôi và Karin phụng sự với nhau trong công việc lưu động đến năm 1962, và rồi được mời đến phục vụ tại nhà Bê-tên Thụy Điển. Lúc đầu, tôi làm việc trong Ban tạp chí. Sau đó, vì từng là một thợ máy, tôi được giao cho công việc trông coi máy in và những máy khác ở chi nhánh. Karin làm việc nhiều năm ở phòng giặt quần áo. Nhiều năm nay, Karin phục vụ trong Ban đọc và sửa bản in thử.

Trong hơn 54 năm cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng tôi có được một cuộc sống thật hạnh phúc, ý nghĩa và với nhiều sự kiện quan trọng. Đức Giê-hô-va quả thật đã ban phước cho tổ chức gồm các tôi tớ tận tụy và yêu thương của Ngài. Vào năm 1940, khi tôi bắt đầu phụng sự tại chi nhánh, chỉ có 1.500 Nhân Chứng ở Thụy Điển. Nhưng ngày nay con số này lên đến hơn 22.000. Ở những nơi khác trên thế giới, sự gia tăng còn lớn hơn nữa, hiện nay chúng ta có hơn sáu triệu rưỡi Nhân Chứng trên toàn cầu.

Thánh linh Đức Giê-hô-va hỗ trợ công việc của chúng tôi, nói theo nghĩa bóng, Ngài luôn thổi căng những cánh buồm của chúng tôi. Với cặp mắt đức tin, khi nhìn biển người luôn dao động, chúng tôi không nao núng. Trước mắt, chúng tôi thấy rõ thế giới mới của Đức Chúa Trời. Tôi và Karin biết ơn Đức Giê-hô-va về mọi sự tốt lành của Ngài, hằng ngày cầu xin có sức lực để giữ lòng trung kiên hầu cuối cùng đạt được mục tiêu—được Đức Chúa Trời chấp nhận và ban cho sống vĩnh cửu!—Ma-thi-ơ 24:13.

[Hình nơi trang 12]

Ngồi trên đùi của mẹ

[Hình nơi trang 13]

Nơi cha và tôi lái thử chiếc thuyền mẫu vào đầu thập niên 1920

[Hình nơi trang 15]

Bắt tay anh Herman Henschel (cha của anh Milton) tại Trường Ga-la-át năm 1946

[Các hình nơi trang 16]

Chúng tôi kết hôn tại sân vận động Yankee ngày 20-7-1953