Bạn còn nhớ không?
Bạn còn nhớ không?
Bạn có thích đọc những số Tháp Canh gần đây không? Hãy thử xem bạn có thể trả lời các câu hỏi sau đây không:
• Tại sao “Cựu Ước” có giá trị lâu dài đến thế?
Tác giả của cả Kinh Thánh không phải là một vị thần độc ác, mà là Giê-hô-va Đức Chúa Trời đầy yêu thương. Chúa Giê-su và các môn đồ thời ban đầu vẫn tiếp tục đề cập đến phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Ngoài ra, phần này chứa đựng những lời khuyên thiết thực cho đời sống hằng ngày và đem lại hy vọng tuyệt vời cho tương lai.—1/9, trang 4-7.
• Việc Đức Giê-hô-va cho phép thời gian trôi qua kể từ khi A-đam và Ê-va phạm tội đã chứng tỏ điều gì?
Hàng ngàn năm trôi qua chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối vì A-đam, Ê-va và hàng triệu con cháu của họ đã phải chết. Thời gian đã cho thấy rằng nhân loại không thể có đời sống tốt hơn nếu họ độc lập với Đức Chúa Trời, và con người không có quyền hay khả năng để tự hướng dẫn đời sống mình.—15/9, trang 6, 7.
• Tại sao Gia-cốp không bị lên án vì đã giả mạo làm Ê-sau?
Gia-cốp có quyền nhận sự ban phước của cha vì ông đã mua lại quyền trưởng nam của người anh song sinh là Ê-sau. Hơn nữa, khi biết mình đã chúc phước cho Gia-cốp, Y-sác không tìm cách để thay đổi điều đó. Và rõ ràng, Đức Chúa Trời đã muốn Gia-cốp được chúc phước, vì Ngài có thể can thiệp trong chuyện này.—1/10, trang 31.
• Việc con người có lương tâm mâu thuẫn với thuyết tiến hóa như thế nào?
Người ta thuộc bất cứ nền văn hóa hay chủng tộc nào cũng đều sẵn lòng giúp đỡ người khác, dù có thể phải gặp nguy hiểm. Tinh thần quan tâm bất vị kỷ như thế không thể có được nếu con người giống như loài vật, chỉ biết đấu tranh sinh tồn để sống sót bằng bất cứ giá nào.—15/10, trang 20.
• Tại sao chúng ta có thể nói rằng Đức Chúa Trời là Đấng khiêm nhường, và Ngài thể hiện đức tính này như thế nào?
Vì là Đấng Cai Trị và Đấng Tạo Hóa của chúng ta, Đức Chúa Trời không có giới hạn như chúng ta. Tuy vậy, đúng với lời ghi nơi 2 Sa-mu-ên 22:36, Đức Chúa Trời khiêm nhường theo nghĩa là Ngài quan tâm và thương xót những người thấp hèn cố gắng làm vui lòng Ngài. Theo nghĩa bóng, Đức Giê-hô-va hạ mình xuống để đối xử một cách nhân từ với những người kính sợ Ngài.—1/11, trang 4, 5.
• Những mảnh gốm cổ chứng thực lời tường thuật của Kinh Thánh như thế nào?
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh gốm ở Sa-ma-ri có ghi tên của bảy dòng họ được đề cập nơi Giô-suê 17:1-6. Những mảnh gốm ở A-rát xác nhận thông tin về gia đình các thầy tế lễ và có ghi lại tên Đức Chúa Trời. Những mảnh gốm ở La-ki giúp chúng ta hiểu rõ hơn tình trạng chính trị và sự hỗn loạn của xứ Giu-đa trước khi bị quân Ba-by-lôn tấn công.—15/11, trang 12-14.
• Điều gì giúp chúng ta kết luận rằng Lu-ca viết sách Công-vụ?
Sách Phúc Âm Lu-ca và Công-vụ các Sứ-đồ đều được đề là gửi cho Thê-ô-phi-lơ nên có thể kết luận rằng Lu-ca viết cả hai sách này. Việc dùng các đại từ “chúng ta” và “chúng tôi” cho thấy Lu-ca cũng tham gia một số sự kiện được ghi lại trong sách (Công-vụ 16:8-15).—15/11, trang 18.
• Tín đồ Đấng Christ nên có quan điểm nào về việc săn bắn và câu cá?
Vào thời Nô-ê, Đức Chúa Trời cho phép con người giết và ăn thịt thú vật. Tuy nhiên, trước khi ăn, họ phải cắt tiết. Điều răn này nhấn mạnh việc cần tôn trọng sinh mạng thú vật, vì sự sống của chúng bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Tín đồ Đấng Christ không nên giết thú vật trong các môn thể thao hoặc để tìm sự phấn khích trong việc rượt đuổi và giết con mồi. Điều quan trọng là chúng ta cần tuân theo tất cả các luật của “Sê-sa” và tôn trọng lương tâm của người khác (Rô-ma 14:13).—1/12, trang 31.