Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ngày lễ ngoại giáo có thể nào trở thành ngày lễ đạo Đấng Christ?

Ngày lễ ngoại giáo có thể nào trở thành ngày lễ đạo Đấng Christ?

Ngày lễ ngoại giáo có thể nào trở thành ngày lễ đạo Đấng Christ?

VÀO mùa đông năm 2004, Lễ Giáng Sinh ở nước Ý được đánh dấu bởi một cuộc tranh luận sôi nổi. Một số nhà giáo dục ủng hộ việc giảm tối thiểu hoặc cắt bỏ hoàn toàn các truyền thống tôn giáo liên quan đến Lễ Giáng Sinh. Lý do là vì ngày càng có nhiều học sinh không theo đạo Công Giáo hay Tin Lành. Mặt khác, cũng có những nhà giáo dục và nhiều người khác yêu cầu phải tiếp tục tôn kính và giữ gìn nguyên vẹn những truyền thống này.

Tuy nhiên, các truyền thống của Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ đâu? Khi cuộc tranh luận lên đến đỉnh điểm, tờ báo L’Osservatore Romano của Vatican đã đưa ra một số nhận xét đáng lưu ý.

Tờ báo ấy nói về ngày người ta tổ chức Lễ Giáng Sinh như sau: “Theo lịch sử, ngày sinh thật sự của Chúa Giê-su vẫn còn ẩn giấu sau tấm màn. Cả lịch sử La Mã, cuộc điều tra dân số của đế quốc này và các cuộc nghiên cứu trong hàng thế kỷ cũng không cho biết ngày tháng chính xác. . . Mọi người đều biết vào thế kỷ thứ tư CN, Giáo hội La Mã đã chọn ngày 25 tháng 12 làm sinh nhật của Chúa Giê-su. Đây là ngày mà người La Mã thời ấy dành riêng cho thần Mặt trời. . . Mặc dù đạo Đấng Christ đã được công nhận ở La Mã qua lệnh của hoàng đế Constantine, huyền thoại về. . . thần Mặt trời vẫn được lan truyền khắp nơi, đặc biệt trong vòng các chiến binh. Những lễ hội ấy đều được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 và bắt nguồn từ các truyền thống phổ biến. Điều đó khiến Giáo hội La Mã nảy ra ý là làm cho ngày này trở thành ngày lễ của đạo Đấng Christ. Họ thay thế thần Mặt trời với vị thần Công Chính chói lòa, Chúa Giê-su, và chọn ngày này để ăn mừng sinh nhật của ngài”.

Còn về cây thông Giáng Sinh là một phần của truyền thống đạo Công Giáo hiện nay thì sao?

Một bài trong tờ báo Công Giáo này cho biết vào thời xưa, các cây xanh, bao gồm “cây nhựa ruồi, nguyệt quế cũng như các nhánh của cây thông, được xem là có phép mầu cũng như sức mạnh chữa lành và xua đuổi bệnh tật”. Bài báo nói tiếp: “Vào đêm Giáng Sinh, ngày 24 tháng 12, người ta tưởng nhớ đến A-đam và Ê-va qua câu chuyện nổi tiếng về Cây trái cấm trong vườn Địa Đàng. . . Lẽ ra đây phải là cây táo, nhưng vì loại cây này không thích hợp với khí hậu mùa đông nên được thay thế bằng cây thông. Người ta đặt cây thông lên bục và treo một vài trái táo trên cành, tượng trưng cho sự Cứu rỗi sắp đến. Họ cũng làm bánh thánh bằng cách nghiền bánh quy và để vào một khuôn đặc biệt. Bánh này tượng trưng cho thân thể của Chúa Giê-su. Cũng có kẹo và quà dành cho trẻ em”. Sau đó thì sao?

Theo tờ L’Osservatore Romano, lần đầu tiên cây thông Giáng Sinh xuất hiện là vào thế kỷ 16 ở Đức. Tờ báo cũng đề cập đến truyền thống này như sau: “Nước Ý là một trong những nước cuối cùng chấp nhận cây thông Giáng Sinh, một phần là vì khắp nơi đồn rằng đây là một thực hành của đạo Tin Lành và nên thay thế cây thông bằng máng cỏ [cảnh Chúa hài đồng giáng sinh]”. Giáo Hoàng Phao-lô VI “đã khơi nguồn cho việc đặt một cây thông Giáng Sinh khổng lồ [tại quảng trường thánh Phê-rô ở Rô-ma]” bên cạnh máng cỏ.

Nếu một nhà lãnh đạo tôn giáo biến các sự kiện và phong tục ngoại giáo cổ xưa thành một phần của đạo Đấng Christ, bạn nghĩ điều đó có phù hợp không? Kinh Thánh khuyên các tín đồ Đấng Christ chân chính nên đi theo con đường đúng bởi vì: “Công-bình với gian-ác có hội-hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông-đồng nhau được chăng?”.—2 Cô-rinh-tô 6:14-17.

[Các hình nơi trang 8, 9]

Cây thông Giáng Sinh (trang bên cạnh) và cảnh Chúa hài đồng giáng sinh ở Vatican

[Nguồn tư liệu]

© 2003 BiblePlaces.com

[Hình nơi trang 9]

Thần mặt trời

[Nguồn tư liệu]

Museum Wiesbaden