Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy cẩn-thận về chức-vụ mà ngươi đã nhân danh Chúa nhận-lãnh”

“Hãy cẩn-thận về chức-vụ mà ngươi đã nhân danh Chúa nhận-lãnh”

“Hãy cẩn-thận về chức-vụ mà ngươi đã nhân danh Chúa nhận-lãnh”

“Hãy cẩn-thận về chức-vụ mà ngươi đã nhân danh Chúa nhận-lãnh, để làm cho thật trọn-vẹn”.—CÔ 4:17.

1, 2. Tín đồ Đấng Christ có trách nhiệm nào đối với nhân loại?

Chúng ta có trọng trách đối với những người xung quanh. Quyết định của họ hiện nay sẽ là vấn đề sinh tử trong “cơn đại-nạn” (Khải 7:14). Đức Chúa Trời soi dẫn cho người viết sách Châm-ngôn ghi: “Hãy giải-cứu kẻ bị đùa đến sự chết, và chớ chối rỗi cho người đi xiêu-tó tới chốn hình-khổ”. Những lời ấy thật đầy ý nghĩa! Nếu không cảnh báo người ta khi họ đứng trước sự lựa chọn quan trọng ấy, chúng ta có thể mắc tội đổ huyết. Thật thế, câu Châm-ngôn kế tiếp cho biết: “Nếu con nói: Chúng tôi chẳng biết gì đến; thì Đấng mà cân-nhắc lòng người ta, há chẳng xem-xét điều ấy sao? Và Đấng gìn-giữ linh-hồn con, há không biết đến ư? Chớ thì Ngài sẽ chẳng báo mỗi người tùy theo công-việc họ làm sao?”. Rõ ràng, tôi tớ của Đức Giê-hô-va không thể nói rằng họ “chẳng biết” mối nguy hiểm đang đe dọa người ta.—Châm 24:11, 12.

2 Đức Giê-hô-va quý trọng sự sống. Ngài khuyến khích tôi tớ Ngài làm hết sức để giúp nhiều người giữ được mạng sống. Mỗi người truyền giáo của Đức Chúa Trời phải loan báo thông điệp cứu mạng được ghi trong Kinh Thánh. Nhiệm vụ của chúng ta tương tự như nhiệm vụ của người canh, thổi kèn báo động khi thấy mối nguy hiểm sắp đến. Chúng ta không muốn huyết của những người có nguy cơ bị mất mạng đổ trên đầu chúng ta (Ê-xê 33:1-7). Vì vậy, việc chúng ta bền chí “giảng đạo” thật quan trọng biết bao!—Đọc 2 Ti-mô-thê 4:1, 2, 5.

3. Trong bài này và hai bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét những gì?

3 Trong bài này chúng ta sẽ xem xét làm thế nào có thể khắc phục những trở ngại trong thánh chức cứu người, và làm thế nào có thể giúp nhiều người hơn nữa. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào có thể trau giồi nghệ thuật dạy dỗ những lẽ thật rất quan trọng. Bài thứ ba sẽ cho biết một số kết quả khích lệ của những người rao truyền về Nước Trời trên khắp thế giới. Tuy nhiên, trước khi xem xét những bài này, chúng ta nên ôn lại lý do tại sao đây là thời kỳ đầy khó khăn.

Tại sao nhiều người không có hy vọng

4, 5. Nhân loại đang trải qua những tình cảnh nào, và nhiều người phản ứng ra sao?

4 Các biến cố trên thế giới cho thấy chúng ta đang sống trong “ngày sau-rốt” và thế gian này sắp kết thúc. Nhân loại đang trải qua những biến cố và tình trạng mà Chúa Giê-su cùng các môn đồ nói rằng đó là điềm của “ngày sau-rốt”. “Sự tai-hại” bao gồm chiến tranh, đói kém, động đất và những tai họa khác gây khổ sở cho con người. Thái độ không tôn trọng luật pháp, không tin kính và tư kỷ lan tràn khắp nơi. Ngay cả đối với những người muốn sống theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh, đây cũng là “thời-kỳ khó-khăn”.—Mat 24:6-8, 12; 2 Ti 3:1-5.

5 Tuy nhiên, đa số nhân loại không nhận biết ý nghĩa thật sự của những biến cố trên thế giới. Vì vậy, nhiều người lo lắng cho sự an toàn của bản thân và gia đình. Nhiều người cảm thấy đau khổ vì mất người thân hoặc trải qua những thảm kịch. Vì không hiểu chính xác tại sao những điều đó xảy ra và không tìm được giải pháp nên họ cảm thấy vô vọng.—Ê-phê 2:12.

6. Tại sao “Ba-by-lôn lớn” không thể giúp các tín đồ của mình?

6 “Ba-by-lôn lớn”, đế quốc tôn giáo sai lầm, đã không đem lại niềm an ủi thật sự cho nhân loại. Ngược lại, “rượu tà-dâm của nó” khiến nhiều người bị lầm lạc về thiêng liêng. Hơn nữa, như một dâm phụ, các tôn giáo sai lầm dụ dỗ và điều khiển “các vua trong thiên-hạ”. Dâm phụ này dùng những giáo lý giả dối và ma thuật để khiến người ta vâng phục các thành phần chính trị. Vì thế, tôn giáo sai lầm có nhiều thế lực và ảnh hưởng nhưng đồng thời lại hoàn toàn bác bỏ lẽ thật.—Khải 17:1, 2, 5; 18:23.

7. Đa số nhân loại đứng trước tương lai nào, và một số người được giúp như thế nào?

7 Chúa Giê-su nói rằng đa số nhân loại đang đi trên con đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất (Mat 7:13, 14). Một số người chọn con đường này vì họ quyết định bác bỏ những điều Kinh Thánh dạy, còn những người khác làm thế vì họ bị lường gạt, hoặc bị giữ trong sự tối tăm về thiêng liêng. Họ không biết Đức Giê-hô-va thật sự mong muốn họ phải làm gì. Có lẽ một số người sẽ thay đổi lối sống nếu hiểu rõ lý do tại sao Kinh Thánh dạy họ làm thế. Riêng đối với những người vẫn ở trong Ba-by-lôn lớn và tiếp tục bác bỏ các tiêu chuẩn của Kinh Thánh, họ sẽ không được giải cứu ra khỏi “cơn đại-nạn”.—Khải 7:14.

Cứ rao truyền tin mừng mãi

8, 9. Khi gặp sự chống đối, các tín đồ thời ban đầu đã làm gì và tại sao?

8 Chúa Giê-su nói rằng các môn đồ ngài là những người rao giảng tin mừng về Nước Trời và đào tạo môn đồ (Mat 28:19, 20). Vì thế, tín đồ thật của Đấng Christ luôn xem việc tham gia thánh chức rao giảng là cách biểu lộ lòng trung thành với Đức Chúa Trời và là điều cơ bản cho thấy mình có đức tin. Thế nên, các môn đồ thời ban đầu kiên trì thi hành nhiệm vụ này dù phải đương đầu với sự chống đối. Họ nương tựa nơi Đức Giê-hô-va để có sức mạnh, cầu xin Ngài giúp họ tiếp tục “rao-giảng đạo Ngài một cách dạn-dĩ”. Đức Giê-hô-va nhậm lời và ban cho họ đầy dẫy thánh linh. Nhờ đó, họ dạn dĩ rao giảng lời Ngài.—Công 4:18, 29, 31.

9 Khi sự chống đối lên đến mức hung bạo, các môn đồ của Chúa Giê-su có sờn lòng trong việc rao giảng tin mừng không? Không. Tức tối vì các sứ đồ tiếp tục rao giảng, những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã bắt giam, đe dọa và đánh đòn họ. Dù vậy, các sứ đồ “cứ dạy-dỗ rao-truyền mãi về Tin-lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ”. Họ biết rõ rằng “thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”.—Công 5:28, 29, 39-42.

10. Tín đồ Đấng Christ ngày nay gặp những thử thách nào? Tuy nhiên, hạnh kiểm tốt của họ có thể mang lại kết quả nào?

10 Đa số các tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay không bị đánh đập hoặc bị bỏ tù vì công việc rao giảng. Tuy nhiên, tất cả những tín đồ chân chính đều gặp một số thử thách nào đó. Chẳng hạn, nhờ lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện nên bạn không theo trào lưu hiện đại hoặc có hạnh kiểm khác biệt với người xung quanh. Đồng nghiệp, bạn học hoặc hàng xóm có thể nghĩ rằng bạn là người lập dị vì những quyết định của bạn luôn dựa trên các nguyên tắc Kinh Thánh. Dù thế nào chăng nữa, đừng để quan điểm tiêu cực của họ làm bạn nản lòng. Thế gian đang ở trong sự tối tăm về thiêng liêng, nhưng tín đồ Đấng Christ phải “chiếu sáng như đuốc” (Phi-líp 2:15). Một số người thành thật có lẽ nhận thấy và quý trọng công việc tốt lành của bạn nên họ tôn vinh Đức Giê-hô-va.—Đọc Ma-thi-ơ 5:16.

11. (a) Một số người phản ứng thế nào đối với việc rao giảng? (b) Sứ đồ Phao-lô gặp sự chống đối nào, và ông phản ứng ra sao?

11 Để tiếp tục công việc rao truyền thông điệp về Nước Trời, chúng ta cần có lòng can đảm. Một số người, kể cả những người thân, có thể chế giễu hoặc qua những cách khác làm bạn nản lòng (Mat 10:36). Sứ đồ Phao-lô bị đánh đập nhiều lần vì ông bền đỗ thi hành thánh chức. Hãy xem ông phản ứng thế nào trước sự chống đối. Ông viết: “Sau khi bị đau-đớn và sỉ-nhục. . . chúng tôi trông-cậy Đức Chúa Trời, cứ rao-truyền đạo Tin-lành của Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ giữa cơn đại-chiến” (1 Tê 2:2). Chắc chắn là một thử thách để Phao-lô tiếp tục rao truyền tin mừng sau khi ông bị bắt, bị xé áo, bị đánh đòn và bị bỏ vào ngục (Công 16:19-24). Điều gì giúp ông có sự dạn dĩ để tiếp tục công việc này? Đó là lòng ao ước mãnh liệt muốn thi hành công việc rao giảng mà Đức Chúa Trời giao.—1 Cô 9:16.

12, 13. Một số người đương đầu với những thử thách nào, và họ đã cố gắng như thế nào để vượt qua?

12 Giữ lòng sốt sắng rao giảng trong những khu vực mà chúng ta hiếm khi gặp chủ nhà hoặc có ít người hưởng ứng thông điệp về Nước Trời cũng có thể là một thử thách. Chúng ta có thể làm gì trong những hoàn cảnh như thế? Có lẽ chúng ta cần can đảm nhiều hơn để làm chứng vào mọi dịp. Chúng ta cũng có thể điều chỉnh thời gian biểu hoặc tập trung nỗ lực rao giảng trong những khu vực mà mình có thể tiếp xúc với nhiều người hơn.—So sánh Giăng 4:7-15; Công-vụ 16:13; 17:17.

13 Những khó khăn khác mà nhiều người phải đương đầu là tuổi già và sức khỏe kém. Những điều này có thể hạn chế khả năng rao giảng của họ. Nếu ở trong trường hợp ấy, xin bạn chớ nản lòng. Đức Giê-hô-va hiểu rõ giới hạn của bạn và Ngài quý trọng những gì bạn làm được. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 8:12). Bất kể nghịch cảnh nào—dù đó là sự chống đối, thái độ thờ ơ hoặc tình trạng sức khỏe kém—bạn hãy làm hết sức mình trong hoàn cảnh cho phép để chia sẻ tin mừng với người khác.—Châm 3:27; so sánh Mác 12:41-44.

‘Hãy cẩn thận về chức vụ của bạn’

14. Sứ đồ Phao-lô đã nêu gương nào cho anh em đồng đức tin? Và ông đã khuyên điều gì?

14 Sứ đồ Phao-lô xem trọng thánh chức của mình và khuyến khích anh em đồng đức tin cũng có thái độ như thế (Công 20:20, 21; 1 Cô 11:1). Người mà ông đặc biệt lưu tâm để khuyến khích là A-chíp, một tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Trong thư gửi cho anh em ở thành Cô-lô-se, ông viết: “Hãy nói với A-chíp rằng: Hãy cẩn-thận về chức-vụ mà ngươi đã nhân danh Chúa nhận-lãnh, để làm cho thật trọn-vẹn” (Cô 4:17). Chúng ta không biết thân thế cũng như hoàn cảnh của A-chíp, nhưng rõ ràng ông đã chấp nhận thi hành sứ mạng rao giảng. Nếu là tín đồ đã dâng mình, bạn cũng chấp nhận thi hành sứ mạng này. Bạn có luôn cẩn thận để làm trọn chức vụ của mình không?

15. Đối với tín đồ Đấng Christ, việc dâng mình bao hàm điều gì? Và vì thế chúng ta có những câu hỏi nào?

15 Trước khi làm báp têm, chúng ta đã hứa dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện chân thành. Điều này có nghĩa là chúng ta quyết tâm làm theo ý muốn Ngài. Vì thế chúng ta nên tự hỏi: ‘Làm theo ý muốn Đức Chúa Trời có thật sự là điều quan trọng nhất trong đời mình không?’. Có nhiều trách nhiệm mà Đức Giê-hô-va muốn chúng ta chu toàn, như việc chu cấp vật chất cho gia đình (1 Ti 5:8). Nhưng chúng ta dùng năng lực và thì giờ còn lại như thế nào? Bạn xem điều gì là ưu tiên trong đời sống?—Đọc 2 Cô-rinh-tô 5:14, 15.

16, 17. Những người trẻ hoặc người không có nhiều trách nhiệm nên suy nghĩ về điều gì?

16 Là một tín đồ trẻ đã dâng mình, bạn đã học xong hoặc sắp hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông chưa? Rất có thể bạn chưa gánh những trách nhiệm nặng nề trong gia đình. Vì thế, bạn dự tính gì cho đời mình? Những quyết định nào là tốt nhất để bạn có thể giữ trọn lời hứa làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va? Nhiều người đã sắp xếp công việc để tham gia thánh chức tiên phong, và có được niềm vui cũng như sự thỏa lòng.—Thi 110:3; Truyền 12:1.

17 Có lẽ bạn là một tín đồ ở độ tuổi thanh niên. Bạn có việc làm trọn thời gian nhưng không gánh vác nhiều trách nhiệm trong gia đình, ngoại trừ việc nuôi bản thân. Chắc hẳn bạn cảm thấy vui khi tham gia các hoạt động của hội thánh trong phạm vi mà thời gian của bạn cho phép. Bạn có thể gia tăng niềm vui ấy hơn nữa không? Bạn có nghĩ đến việc tham gia nhiều hơn trong thánh chức không? (Thi 34:8; Châm 10:22). Trong một số khu vực, chúng ta vẫn còn nhiều việc cần làm để đem thông điệp mang lại sự sống đến với mọi người. Bạn có thể điều chỉnh cuộc sống để phục vụ ở nơi cần có nhiều người rao truyền về Nước Trời không?—Đọc 1 Ti-mô-thê 6:6-8.

18. Một cặp vợ chồng trẻ đã điều chỉnh cuộc sống như thế nào, và kết quả ra sao?

18 Hãy xem trường hợp của vợ chồng anh Kevin và Elena ở Hoa Kỳ. * Họ thấy cần phải mua một căn nhà vì đó là chuyện bình thường đối với những cặp vợ chồng mới cưới ở vùng họ sinh sống. Cả hai đều đi làm suốt ngày để giữ được cuộc sống tiện nghi. Tuy nhiên, việc làm và việc nhà đã chiếm nhiều thời gian, vì thế họ chỉ còn ít thì giờ để đi rao giảng. Họ nhận ra rằng mình đã dành hầu hết thời gian và năng lực để chăm sóc tài sản. Tuy nhiên, khi thấy đời sống giản dị và hạnh phúc của một cặp vợ chồng tiên phong, anh chị Kevin và Elena quyết định thay đổi thứ tự ưu tiên trong đời sống. Sau khi cầu nguyện và xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn, họ bán nhà và chuyển đến một căn hộ trong chung cư. Chị Elena giảm bớt giờ làm việc và tham gia thánh chức tiên phong. Khi thấy vợ có nhiều niềm vui, anh Kevin được khích lệ nên xin nghỉ công việc trọn thời gian và làm tiên phong. Một thời gian sau, họ dọn đến một nước thuộc Nam Mỹ để phục vụ ở nơi cần nhiều người rao giảng. Anh Kevin nói: “Vợ chồng tôi luôn hạnh phúc, nhưng khi cùng hướng về mục tiêu thiêng liêng, chúng tôi càng hạnh phúc hơn”.—Đọc Ma-thi-ơ 6:19-22.

19, 20. Tại sao rao truyền tin mừng là công việc quan trọng nhất ngày nay?

19 Rao truyền tin mừng là công việc quan trọng nhất trên khắp đất ngày nay (Khải 14:6, 7). Công việc này góp phần làm thánh danh Đức Giê-hô-va (Mat 6:9). Mỗi năm, thông điệp của Kinh Thánh giúp hàng ngàn người cải thiện đời sống. Họ là những người chấp nhận thông điệp, và nhờ thế được cứu rỗi. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô hỏi: “Nếu chẳng ai rao-giảng, thì nghe làm sao?” (Rô 10:14, 15). Thật thế, nếu chẳng ai rao giảng thì làm sao người ta nghe? Bạn có thể gắng hết sức để chu toàn thánh chức không?

20 Trau giồi khả năng dạy dỗ là một cách khác để bạn giúp người ta hiểu tầm quan trọng của thời kỳ khó khăn này và hệ quả của những quyết định của họ. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào bạn có thể trau giồi khả năng này.

[Chú thích]

^ đ. 18 Tên đã đổi.

Bạn trả lời thế nào?

• Tín đồ Đấng Christ có trách nhiệm nào đối với nhân loại?

• Chúng ta đối phó thế nào khi gặp trở ngại trong việc rao giảng?

• Làm thế nào chúng ta có thể chu toàn thánh chức mà mình đã chấp nhận?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 5]

Can đảm là điều cần thiết khi đương đầu với sự chống đối trong việc rao giảng

[Hình nơi trang 7]

Bạn có thể làm gì nếu rao giảng trong khu vực hiếm khi gặp chủ nhà?