Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Ma-thi-ơ

Những điểm nổi bật trong sách Ma-thi-ơ

Lời Đức Giê-hô-va là lời sống

Những điểm nổi bật trong sách Ma-thi-ơ

Người đầu tiên ghi lại một cách sống động về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su là Ma-thi-ơ, một môn đồ gần gũi với Chúa Giê-su và từng là người thâu thuế. Sách Phúc Âm của Ma-thi-ơ—được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ và sau này được dịch sang tiếng Hy Lạp—hoàn tất vào khoảng năm 41 CN và là cầu nối giữa phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp.

Hiển nhiên sách Phúc Âm này được viết chủ yếu cho người Do Thái. Đây cũng là cuốn sách đầy ý nghĩa và cảm động cho thấy Chúa Giê-su—con của Đức Chúa Trời—là Đấng Mê-si mà Ngài đã hứa. Chú tâm đến thông điệp của sách này sẽ củng cố đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời, nơi Con Ngài và những lời Ngài hứa.—Hê 4:12.

“NƯỚC THIÊN-ĐÀNG ĐÃ ĐẾN GẦN!”

(Mat 1:1–20:34)

Ma-thi-ơ nêu bật chủ đề về Nước Trời và sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, dù khi làm thế là ông đã không ghi lại các sự kiện theo đúng thứ tự thời gian. Chẳng hạn, Bài Giảng trên Núi được ghi lại nơi phần đầu của sách trong khi Chúa Giê-su nói bài này vào khoảng giữa giai đoạn ngài thi hành thánh chức.

Trong thời gian thi hành thánh chức ở Ga-li-lê, Chúa Giê-su làm nhiều phép lạ, cho 12 sứ đồ những lời hướng dẫn về thánh chức, lên án những người Pha-ri-si và đưa ra những minh họa về Nước Trời. Sau đó, ngài rời Ga-li-lê và đi đến “bờ cõi xứ Giu-đê, bên kia sông Giô-đanh” (Mat 19:1). Trên đường, ngài nói với các môn đồ: ‘Chúng ta đi lên thành Giê-ru-sa-lem, và Con người sẽ bị giết, đến ngày thứ ba, ngài sẽ sống lại’.—Mat 20:18, 19.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

3:16—Sự kiện “các từng trời mở ra” vào lúc Chúa Giê-su chịu phép báp têm có nghĩa gì? Dường như điều này ám chỉ rằng ngài nhớ lại thời gian ở trên trời, trước khi ngài xuống thế.

5:21, 22—Phải chăng thốt ra những lời giận dữ còn nghiêm trọng hơn là nuôi lòng oán giận? Chúa Giê-su cảnh báo rằng một người nuôi lòng oán giận anh em mình là phạm tội trọng. Tuy nhiên, thốt ra những lời giận dữ mắng nhiếc anh em mình còn nghiêm trọng hơn. Người nào nói những lời như thế sẽ bị đưa ra tòa án cấp cao hơn tòa án địa phương.

5:48—Có thể nào chúng ta thật sự “trọn-vẹn, như Cha [chúng ta] ở trên trời là trọn-vẹn” không? Theo nghĩa tương đối, chúng ta có thể giống như Cha trên trời. Khi nói những lời này, Chúa Giê-su đang đề cập đến tình yêu thương và khuyên người nghe hãy noi gương Đức Chúa Trời, trở nên hoàn toàn hay trọn vẹn trong tình yêu thương (Mat 5:43-47). Bằng cách nào? Bằng cách biểu lộ tình yêu thương ngay cả đối với kẻ thù.

7:16—“Trái” nào giúp nhận ra tôn giáo thật? Những trái này không chỉ bao hàm hạnh kiểm mà phải kể cả niềm tin của chúng ta—những sự dạy dỗ mà chúng ta làm theo.

10:34-38—Tình trạng gia đình bị chia rẽ có phải là lỗi của Kinh Thánh không? Không phải vậy. Đúng hơn, sự chia rẽ là do quan điểm của những thành viên không cùng đức tin trong gia đình. Có lẽ họ không chấp nhận hoặc chống đối sự dạy dỗ của đạo Đấng Christ, làm cho gia đình bị chia rẽ.—Lu 12:51-53.

11:2-6—Mặc dù đã nghe lời Đức Chúa Trời chấp nhận Chúa Giê-su và biết Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, tại sao Giăng lại hỏi ngài có phải là “Đấng phải đến” không? Có lẽ Giăng hỏi câu ấy vì muốn chính Chúa Giê-su khẳng định điều này. Ngoài ra, Giăng muốn biết còn có “đấng khác” sẽ đến với quyền lực Nước Trời và thực hiện những mơ ước của người Do Thái hay không. Lời đáp của Chúa Giê-su cho thấy không có đấng nào khác.

19:28—Ai tượng trưng cho “mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” sẽ bị xét đoán? Đây không có ý nói về 12 chi phái của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng (Ga 6:16; Khải 7:4-8). Những sứ đồ nghe lời phán này của Chúa Giê-su sẽ là thành viên của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, và họ sẽ không xét đoán các thành viên khác. Chúa Giê-su đã lập giao ước và ‘ban nước cho họ’. Họ sẽ “nên nước, và thầy tế-lễ cho Đức Chúa Trời” (Lu 22:28-30; Khải 5:10). Vì thế, những người thuộc dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng sẽ ngồi trên ngôi “xét-đoán thế-gian” (1 Cô 6:2). Họ sẽ xét đoán “mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên”. Rõ ràng, 12 chi phái này không thuộc lớp người làm vua và thầy tế lễ, nhưng tượng trưng cho nhân loại—hình bóng của 12 chi phái trong Ngày Lễ Chuộc tội.—Lê 16:1-34.

Bài học cho chúng ta:

4:1-10. Lời tường thuật này cho chúng ta biết Sa-tan là nhân vật có thật chứ không phải là sự ác. Hắn dùng “sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời” để cám dỗ chúng ta. Tuy nhiên, áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta giữ được lòng trung thành với Đức Chúa Trời.—1 Giăng 2:16.

5:1–7:29. Hãy ý thức về nhu cầu thiêng liêng, sống hòa thuận, tránh những ý nghĩ vô luân và luôn giữ lời hứa. Khi cầu nguyện, hãy đặt việc làm theo ý định Đức Chúa Trời lên trên những vấn đề thuộc về vật chất. Hãy giàu có nơi Đức Chúa Trời. Trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài. Chớ xét đoán. Hãy làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Những bài học rút ra từ Bài Giảng trên Núi quả là thực tế!

9:37, 38. Chúng ta nên hành động phù hợp với lời cầu xin Chủ mùa gặt “sai con gặt đến trong mùa mình” bằng cách sốt sắng tham gia vào việc đào tạo môn đồ.—Mat 28:19, 20.

10:32, 33. Chúng ta chớ nên sợ hãi khi nói về niềm tin của mình.

13:51, 52. Việc hiểu lẽ thật về Nước Trời đi kèm với trách nhiệm dạy dỗ người khác và chia sẻ lẽ thật quý báu này với họ.

14:12, 13, 23. Những lúc ở riêng một mình là khoảng thời gian cần thiết để suy ngẫm về những điều quan trọng.—Mác 6:46; Lu 6:12.

17:20. Chúng ta cần có đức tin để đương đầu với những khó khăn và để vượt qua những trở ngại lớn như núi làm cản trở sự tiến bộ của chúng ta về thiêng liêng. Chúng ta không nên lơ là trong việc xây đắp và củng cố đức tin nơi Đức Giê-hô-va và những lời hứa của Ngài.—Mác 11:23; Lu 17:6.

18:1-4; 20:20-28. Vì bản chất bất toàn và lớn lên trong một tôn giáo xem trọng địa vị, các môn đồ của Chúa Giê-su đã quan tâm quá mức đến địa vị. Chúng ta nên vun trồng tính khiêm nhường, đồng thời cảnh giác trước khuynh hướng tội lỗi và giữ quan điểm đúng về các đặc ân cũng như trách nhiệm trong hội thánh.

“CON NGƯỜI SẼ BỊ NỘP”

(Mat 21:1–28:20)

Ngày 9 tháng Ni-san năm 33 CN, Chúa Giê-su “cỡi lừa” vào thành Giê-ru-sa-lem (Mat 21:5). Hôm sau, ngài đến đền thờ và đuổi những người buôn bán ở đó. Ngày 11 tháng Ni-san, ngài giảng dạy trong đền thờ, lên án các thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Sau đó, ngài cho các môn đồ biết ‘điềm chỉ về sự Chúa đến và tận-thế’ (Mat 24:3). Ngày kế tiếp, ngài nói với họ: “Các ngươi biết rằng còn hai ngày nữa thì đến lễ Vượt-qua, và Con người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh”.—Mat 26:1, 2.

Ngày 14 tháng Ni-san, sau khi thiết lập Lễ Tưởng Niệm cái chết của ngài, Chúa Giê-su bị phản bội, bị bắt, bị đưa ra tòa xét xử và bị đóng đinh. Vào ngày thứ ba, ngài được sống lại. Trước khi trở về trời, ngài phán cùng các môn đồ: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân”.—Mat 28:19.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

22:3, 4, 9—Ba lời mời tham dự tiệc cưới được đưa ra khi nào? Lời mời thứ nhất được đưa ra khi Chúa Giê-su và các môn đồ bắt đầu rao giảng từ năm 29 CN cho đến năm 33 CN nhằm thu nhóm những người thuộc lớp vợ mới cưới của Chiên Con. Lời mời thứ nhì được đưa ra kể từ lúc thánh linh đổ trên các môn đồ vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN đến năm 36 CN. Cả hai lời mời này chỉ dành cho người Do Thái, người cải đạo Do Thái và người Sa-ma-ri. Tuy nhiên, lời mời thứ ba dành cho những người trên khắp các nẻo đường ở ngoại thành, tức những người dân ngoại không cắt bì. Lời mời này được đưa ra từ năm 36 CN, bắt đầu với viên sĩ quan La Mã cải đạo là Cọt-nây và tiếp tục cho đến ngày nay.

23:15—Tại sao những người cải đạo theo người Pha-ri-si lại “trở nên người địa-ngục gấp hai” người Pha-ri-si? Một số người cải đạo theo người Pha-ri-si có thể trước kia là người rất tội lỗi. Tuy nhiên, khi cải đạo và theo tinh thần cực đoan của người Pha-ri-si, họ trở nên tệ hơn người Pha-ri-si, rất có thể họ còn cực đoan hơn thầy của họ—những người đã bị Đức Chúa Trời lên án. Vì thế, họ “trở nên người địa-ngục”, thậm chí gấp hai lần so với người Pha-ri-si gốc Do Thái.

27:3-5—Giu-đa cảm thấy day dứt vì điều gì? Không điều gì cho thấy sự day dứt của Giu-đa chứng tỏ ông thành thật ăn năn. Thay vì cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ, ông thú tội với các thầy cả thượng phẩm và các trưởng lão đạo Do Thái. Vì phạm tội “đến nỗi chết”, Giu-đa hẳn cảm thấy vô cùng tội lỗi và tuyệt vọng (1 Giăng 5:16). Ông cảm thấy day dứt vì vô vọng.

Bài học cho chúng ta:

21:28-31. Đức Giê-hô-va thật sự xem trọng những điều chúng ta làm theo ý muốn Ngài. Chẳng hạn, chúng ta nên sốt sắng trong việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ.—Mat 24:14; 28:19, 20.

22:37-39. Hai điều răn lớn nhất mà Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi những người thờ phượng Ngài được tóm lược ngắn gọn và rõ ràng biết bao!

[Hình nơi trang 31]

Bạn có sốt sắng tham gia công việc gặt hái không?

[Nguồn tư liệu]

2003 BiblePlaces.com

[Hình nơi trang 31]

Ma-thi-ơ nêu bật chủ đề về Nước Trời