Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy noi gương giáo sĩ vĩ đại nhất

Hãy noi gương giáo sĩ vĩ đại nhất

Hãy noi gương giáo sĩ vĩ đại nhất

“Hãy bắt-chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt-chước Đấng Christ vậy”.—1 CÔ 11:1.

1. Tại sao chúng ta nên noi gương Chúa Giê-su Christ?

Sứ đồ Phao-lô đã noi gương Chúa Giê-su Christ, giáo sĩ vĩ đại nhất. Ông khuyến khích anh em đồng đạo: “Hãy bắt-chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt-chước Đấng Christ vậy” (1 Cô 11:1). Sau khi dạy các môn đồ bài học về gương khiêm nhường bằng cách rửa chân cho họ, Chúa Giê-su phán: “Ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi” (Giăng 13:12-15). Là tín đồ Đấng Christ ngày nay, chúng ta có trách nhiệm phải noi gương Chúa Giê-su trong lời nói, hành động và cũng thể hiện qua các đức tính của chúng ta.—1 Phi 2:21.

2. Dù chưa được Hội đồng lãnh đạo phái đi làm giáo sĩ, bạn có thể biểu lộ tinh thần nào?

2 Trong bài trước, chúng ta biết rằng giáo sĩ là người được phái đi làm người truyền giáo, tức người rao giảng tin mừng. Về phương diện này, sứ đồ Phao-lô đã nêu vài câu hỏi đặc sắc. (Đọc Rô-ma 10:11-15). Hãy lưu ý câu hỏi của Phao-lô: “Nếu chẳng ai rao-giảng, thì nghe làm sao?”. Rồi ông trích lời tiên tri của Ê-sai: “Những bàn chân kẻ rao-truyền tin lành là tốt-đẹp biết bao!” (Ê-sai 52:7). Dù chưa được bổ nhiệm và phái đi nước ngoài để làm giáo sĩ, bạn cũng có thể biểu lộ tinh thần truyền giáo, noi gương Chúa Giê-su sốt sắng rao truyền tin mừng. Năm vừa qua, có 6.957.852 người công bố về Nước Trời làm công việc truyền giáo trong 236 nước và hải đảo.—2 Ti 4:5.

“Chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo thầy”

3, 4. Chúa Giê-su để lại những gì ở trên trời? Và chúng ta phải làm gì để trở thành môn đồ ngài?

3 Để làm tròn vai trò khi ở trên đất, Chúa Giê-su “đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ”, để lại sau lưng đời sống và sự vinh hiển ở trên trời (Phi-líp 2:7). Bất cứ điều gì chúng ta làm khi noi gương Đấng Christ đều không thể sánh bằng những gì ngài đã làm khi sống trên đất. Tuy nhiên, là môn đồ ngài, chúng ta phải giữ vững đức tin và không hoài vọng về những điều mình có trong thế gian của Sa-tan.—1 Giăng 5:19.

4 Vào một dịp nọ, sứ đồ Phi-e-rơ nói với Chúa Giê-su: “Nầy, chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo thầy” (Mat 19:27). Khi được Chúa Giê-su mời gọi, Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng không chần chừ bỏ lưới đi theo ngài. Họ bỏ nghề đánh cá và chọn công việc rao giảng là chính. Theo sách Phúc Âm của Lu-ca, Phi-e-rơ nói: “Nầy, chúng tôi đã bỏ sự mình có mà theo thầy” (Lu 18:28). Hầu hết chúng ta không phải bỏ mọi “sự mình có” để theo Chúa Giê-su. Tuy nhiên, chúng ta đã “quên mình” để trở thành môn đồ của Đấng Christ và là tôi tớ hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va (Mat 16:24, NW). Lối sống ấy mang lại ân phước dồi dào. (Đọc Ma-thi-ơ 19:29). Chúng ta có được niềm vui khi noi theo Đấng Christ thể hiện tinh thần truyền giáo, dù chúng ta chỉ góp một phần nhỏ trong việc giúp người khác đến gần Đức Chúa Trời và con yêu dấu của Ngài.

5. Hãy kể lại kinh nghiệm cho thấy một người nhập cư quyết định thế nào khi học được lẽ thật.

5 Ông Valmir, một thợ mỏ vàng người Brazil, sống ở vùng nội địa nước Suriname. Ông là người nghiện rượu và có lối sống vô luân. Khi ở thành phố, một lần nọ ông gặp Nhân Chứng Giê-hô-va và bắt đầu học Kinh Thánh. Ông học mỗi ngày, thay đổi lối sống và không lâu sau thì làm báp têm. Vì thấy công việc của mình không phù hợp với niềm tin mới, ông bán cơ sở làm ăn đang phát đạt và trở về Brazil để giúp gia đình biết lẽ thật quý báu. Khi học được lẽ thật của Kinh Thánh, nhiều người nhập cư đã trở về quê hương để giúp người thân và người khác hiểu biết về thiêng liêng. Những người công bố ấy đã thật sự thể hiện tinh thần truyền giáo.

6. Chúng ta có thể làm gì nếu không thể dọn đến những vùng cần người rao giảng?

6 Một số Nhân Chứng có thể dọn đến những vùng cần người rao giảng. Thậm chí một số người đến nước khác để phục vụ. Về phần chúng ta, có lẽ chúng ta không có điều kiện để làm như thế nhưng vẫn có thể noi gương Chúa Giê-su bằng cách luôn làm hết sức mình trong thánh chức.

Đức Giê-hô-va huấn luyện

7. Có những trường nào để huấn luyện những người công bố về Nước Trời muốn trau giồi khả năng của mình?

7 Như Chúa Giê-su được Cha huấn luyện, chúng ta cũng tận dụng những hình thức mà Đức Giê-hô-va huấn luyện chúng ta ngày nay. Chính Chúa Giê-su nói: “Các sách tiên-tri có chép rằng: Ai nấy đều sẽ được Đức Chúa Trời dạy-dỗ” (Giăng 6:45; Ê-sai 54:13). Ngày nay, có những trường với các chương trình đặc biệt nhằm giúp chúng ta trở thành người rao giảng tin mừng về Nước Trời. Hiển nhiên, tất cả chúng ta đều được lợi ích từ Trường thánh chức trong hội thánh địa phương. Các tiên phong có đặc ân tham dự Trường huấn luyện tiên phong. Một số người tiên phong có kinh nghiệm được đặc ân tham dự trường này lần thứ hai. Các trưởng lão và tôi tớ thánh chức được tham dự Trường thánh chức Nước Trời để cải tiến khả năng dạy dỗ và phục vụ anh em đồng đức tin. Nhiều trưởng lão và tôi tớ thánh chức độc thân được tham dự Trường huấn luyện thánh chức. Trường này huấn luyện họ giúp người khác trong công việc rao giảng. Nhiều anh chị được bổ nhiệm làm giáo sĩ ở nước ngoài sau một khóa huấn luyện tại Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh.

8. Một số anh chị quý trọng sự huấn luyện của Đức Giê-hô-va như thế nào?

8 Nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va đã điều chỉnh hoàn cảnh để tham dự những trường này. Để tham dự Trường huấn luyện thánh chức ở Canada, anh Yugu phải nghỉ việc vì chủ không đồng ý cho anh nghỉ phép. Anh nói: “Tôi không hề hối tiếc. Thật ra, nếu họ cho tôi nghỉ phép như là một ân huệ, có lẽ họ muốn tôi phải trung thành với công ty và làm việc ở đấy suốt đời. Nhưng giờ đây tôi có thể nhận bất cứ trách nhiệm nào Đức Giê-hô-va giao phó”. Muốn tận dụng những lợi ích từ sự huấn luyện của Đức Chúa Trời, nhiều người phải hy sinh những gì họ quý chuộng.—Lu 5:28.

9. Hãy nêu một trường hợp cho thấy kết quả của việc dạy Kinh Thánh với lòng nhiệt tình.

9 Dạy Kinh Thánh với lòng nhiệt tình sẽ mang lại kết quả tốt đẹp (2 Ti 3:16, 17). Hãy xem trường hợp của em Saulo ở Guatemala. Em bị chậm phát triển trí tuệ từ lúc sơ sinh, và một cô giáo đã bảo mẹ em rằng không nên ép buộc em tập đọc vì làm như thế chỉ khiến em bực bội. Saulo nghỉ học và không biết đọc. Tuy nhiên, một Nhân Chứng đã dạy em tập đọc bằng sách mỏng Gắng công tập đọc và tập viết (Anh ngữ). Cuối cùng, em tiến bộ đến độ có thể nói bài giảng trong Trường thánh chức. Sau này, khi đi rao giảng từng nhà, mẹ của Saulo đã gặp cô giáo em. Khi biết Saulo đã biết đọc, cô giáo ấy ngỏ ý muốn gặp em vào tuần tới. Vào tuần kế tiếp, cô hỏi Saulo: “Em muốn dạy cô điều gì?”. Saulo đọc một đoạn trong sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?. Cô giáo nói: “Thật cô không thể nào tin rằng giờ đây em lại dạy cô!”. Cô không cầm được nước mắt và ôm Saulo vào lòng.

Sự dạy dỗ động đến lòng

10. Chúng ta có công cụ tuyệt diệu nào để dạy lẽ thật của Kinh Thánh?

10 Chúa Giê-su dạy dỗ theo những gì Đức Giê-hô-va trực tiếp dạy ngài và dựa trên Kinh Thánh (Lu 4:16-21; Giăng 8:28). Chúng ta noi gương Chúa Giê-su bằng cách áp dụng những lời ngài khuyên và làm theo Kinh Thánh. Vì vậy, tất cả chúng ta có thể hiệp một ý và đồng một tiếng nói với nhau, và điều này góp phần vào sự hợp nhất (1 Cô 1:10). Chúng ta thật biết ơn khi được lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh để giúp chúng ta giữ được sự hợp nhất trong việc dạy dỗ và đạt kết quả trong việc truyền giáo (Mat 24:45; 28:19, 20). Một trong các ấn phẩm này là sách Kinh Thánh dạy, nay được xuất bản trong 179 ngôn ngữ.

11. Làm thế nào một chị ở Ethiopia đã dùng sách Kinh Thánh dạy để vượt qua sự chống đối?

11 Dùng sách Kinh Thánh dạy trong việc hướng dẫn Kinh Thánh có thể làm thay đổi quan điểm của người chống đối. Chị Lula, một tiên phong ở Ethiopia, có lần đang điều khiển một cuộc học hỏi Kinh Thánh thì một thân nhân của học viên bước ào vào và bảo họ không cần phải học. Chị Lula điềm tĩnh giải thích với người ấy bằng cách dùng minh họa về tiền giả nơi chương 15 của sách Kinh Thánh dạy. Người phụ nữ ấy dịu xuống và cho phép họ tiếp tục. Trong lần học sau, bà đã có mặt và muốn được học Kinh Thánh, thậm chí còn đề nghị trả học phí nữa! Chẳng lâu sau, bà học ba lần mỗi tuần và tiến bộ nhanh.

12. Hãy kể lại một trường hợp cho thấy người trẻ cũng có thể dạy lẽ thật trong Kinh Thánh một cách hữu hiệu.

12 Người trẻ cũng có thể dùng sách Kinh Thánh dạy để giúp người khác. Keanu, một em trai 11 tuổi ở Hawaii đang đọc sách này ở trường thì người bạn cùng lớp hỏi em: “Tại sao cậu không ăn mừng các ngày lễ?” Keanu đọc câu trả lời ngay trong phần phụ lục có đề tài: “Chúng ta có nên giữ các ngày lễ không?” Sau đó, em mở đến mục lục của sách và hỏi xem bạn ấy thích đề tài nào nhất. Và thế là em có một cuộc học hỏi Kinh Thánh. Năm vừa qua, Nhân Chứng Giê-hô-va đã điều khiển 6.561.426 cuộc học hỏi Kinh Thánh, và nhiều người đã dùng sách Kinh Thánh dạy. Bạn có dùng sách này để học hỏi Kinh Thánh không?

13. Việc học Kinh Thánh có thể tác động mạnh mẽ thế nào đến học viên?

13 Dùng sách Kinh Thánh dạy trong việc học hỏi có thể tác động mạnh mẽ đến những người muốn làm theo ý của Đức Chúa Trời. Một cặp vợ chồng tiên phong đặc biệt ở Norway bắt đầu học Kinh Thánh với một gia đình đến từ Zambia. Cặp vợ chồng người Zambia này đã có ba cô con gái và không muốn có con nữa. Thế nên, khi người vợ có thai, họ quyết định phá thai. Vài ngày trước khi đi đến bác sĩ, họ học chương “Có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời về sự sống”. Hình thai nhi trong chương ấy khiến họ vô cùng xúc động và quyết định không phá thai. Họ tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng và lấy tên của anh tiên phong để đặt cho đứa bé trai mới sinh.

14. Hãy nêu một trường hợp cho thấy kết quả của việc sống phù hợp với những gì chúng ta dạy.

14 Một khía cạnh quan trọng trong cách Chúa Giê-su dạy dỗ là sống phù hợp với những gì ngài dạy. Nhiều người có ấn tượng tốt về hạnh kiểm của Nhân Chứng Giê-hô-va, những người noi gương Chúa Giê-su về phương diện này. Một doanh nhân ở New Zealand bị kẻ trộm mở cửa xe lấy mất cái cặp. Ông đi báo cảnh sát và được cho biết: “Ông chỉ có cơ may lấy lại được cái cặp ấy trừ khi có một Nhân Chứng Giê-hô-va nhặt được”. Một Nhân Chứng làm nghề giao báo đã tìm thấy cái cặp. Khi hay tin chị Nhân Chứng nhặt được cặp của mình, ông đến nhà chị. Ông cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy những giấy tờ quan trọng vẫn còn đấy. Chị Nhân Chứng nói với ông: “Việc tôi trả lại ông cái cặp là chuyện đương nhiên, nhất là tôi là một Nhân Chứng Giê-hô-va”. Ông hết sức ngạc nhiên và nhớ lại lời của viên cảnh sát nói với ông sáng hôm đó. Rõ ràng, tín đồ Đấng Christ chân chính sống phù hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh và noi gương Chúa Giê-su.—Hê 13:18.

Noi theo thái độ của Chúa Giê-su đối với mọi người

15, 16. Làm thế nào có thể thu hút người khác chú ý đến thông điệp của chúng ta?

15 Thái độ của Chúa Giê-su đối với người khác thu hút họ chú ý đến thông điệp của ngài. Chẳng hạn, tình yêu thương và lòng khiêm nhường của ngài thu hút những người tầm thường đến với ngài. Ngài biểu lộ lòng trắc ẩn với những người đến cùng ngài, dùng lời tử tế để an ủi họ và chữa lành bệnh cho nhiều người. (Đọc Mác 2:1-5). Chúng ta không thể làm phép lạ nhưng có thể bày tỏ tình yêu thương, sự khiêm nhường và lòng trắc ẩn—những đức tính thu hút người khác đến với lẽ thật.

16 Lòng trắc ẩn đóng vai trò quan trọng khi một chị tiên phong tên là Tariua đến gõ cửa nhà một cụ già tên Beere. Cụ sống trên hòn đảo Kiribati xa xôi hẻo lánh ở Nam Thái Bình Dương. Mặc dù cụ cho biết là không muốn nghe chị nói nhưng chị Tariua xúc động khi thấy cụ bị liệt nửa người. Chị hỏi: “Cụ có biết Đức Chúa Trời hứa gì với những người cao tuổi và bệnh tật không?”. Rồi chị đọc một đoạn trong lời tiên tri của Ê-sai. (Đọc Ê-sai 35:5, 6). Cụ lấy làm ngạc nhiên và nói: “Tôi đã đọc Kinh Thánh từ lâu và trong nhiều năm qua cũng có một giáo sĩ của đạo tôi đến thăm, nhưng chưa bao giờ tôi thấy câu này trong Kinh Thánh”. Cụ Beere bắt đầu học Kinh Thánh và tiến bộ nhanh. Tuy bị tàn tật nhưng giờ đây cụ đã làm báp têm, dẫn đầu trong việc chăm sóc một nhóm ở vùng hẻo lánh và đi khắp đảo để rao giảng tin mừng.

Tiếp tục noi gương Đấng Christ

17, 18. (a) Bạn có thể làm gì để trở thành người truyền giáo hữu hiệu? (b) Những người xem trọng thánh chức sẽ cảm nghiệm được điều gì?

17 Những kinh nghiệm đầy khích lệ thường gặp trong thánh chức cho thấy chúng ta có thể là những người truyền giáo hữu hiệu nếu vun trồng và thể hiện những đức tính giống như Chúa Giê-su. Vậy, thật hợp lý để chúng ta noi gương Đấng Christ làm người truyền giáo sốt sắng!

18 Là một trong số những người trở thành môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất, Phi-e-rơ hỏi: “Chúng tôi sẽ được chi?”. Chúa Giê-su đáp: “Hễ ai vì danh ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con-cái, đất-ruộng, nhà-cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời” (Mat 19:27-29). Chắc chắn đó là điều chúng ta cảm nghiệm được nếu tiếp tục noi gương Chúa Giê-su, giáo sĩ vĩ đại nhất.

Bạn trả lời ra sao?

• Đức Giê-hô-va huấn luyện chúng ta như thế nào để làm người truyền giáo?

• Tại sao sách Kinh Thánh dạy rất hữu hiệu trong thánh chức?

• Chúng ta có thể noi theo thái độ của Chúa Giê-su đối với người khác như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 17]

Khi Chúa Giê-su mời gọi Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng theo ngài, họ đã hưởng ứng ngay

[Hình nơi trang 19]

Các ấn phẩm như sách “Kinh Thánh dạy” giúp chúng ta hợp nhất trong việc dạy Kinh Thánh