Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Rút ra bài học từ những lầm lỗi của dân Y-sơ-ra-ên

Rút ra bài học từ những lầm lỗi của dân Y-sơ-ra-ên

Rút ra bài học từ những lầm lỗi của dân Y-sơ-ra-ên

Dân Y-sơ-ra-ên biết Đức Giê-hô-va muốn họ phải làm gì khi vào Đất Hứa. Qua Môi-se, Đức Chúa Trời phán: “Phải đuổi hết thảy dân của xứ khỏi trước mặt các ngươi, phá-hủy hết thảy hình-tượng chạm và hình đúc, cùng đạp đổ các nơi cao của chúng nó”.—Dân 33:52.

Dân Y-sơ-ra-ên không được lập giao ước với dân ở xứ mà họ sẽ vào và cũng không được làm sui gia với dân ở đó (Phục 7:2, 3). Quả thật, dân Y-sơ-ra-ên, dân được Đức Chúa Trời chọn, đã được Ngài cảnh báo: “Hãy cẩn-thận, đừng lập giao-ước cùng dân của xứ mà ngươi sẽ vào, e chúng nó sẽ thành cái bẫy giữa ngươi chăng” (Xuất 34:12). Tuy nhiên, dân Y-sơ-ra-ên đã không nghe lời Đức Chúa Trời và bị mắc bẫy. Điều gì đã khiến họ rơi vào cảnh khổ sở? Chúng ta có thể rút ra được bài học cảnh báo nào qua trường hợp của họ?—1 Cô 10:11.

Từ kết thân đến thờ hình tượng

Khi chiếm hữu Đất Hứa, dân Y-sơ-ra-ên thắng dân bản xứ trong những trận chiến ban đầu. Tuy nhiên, dân Y-sơ-ra-ên không hoàn toàn vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Họ không đánh đuổi hết kẻ thù (Quan 1:1–2:10). Trái lại, khi sống chung với “bảy dân-tộc” cư ngụ trong xứ, dân Y-sơ-ra-ên kết bạn với họ vì thường xuyên giao tiếp với những dân đó (Phục 7:1). Điều này ảnh hưởng đến dân Y-sơ-ra-ên như thế nào? Kinh Thánh nói: “Dân Y-sơ-ra-ên. . . cưới con gái của chúng nó làm vợ, gả con gái mình cho con trai chúng nó, và hầu việc các thần của chúng nó. Dân Y-sơ-ra-ên còn làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, cúng-thờ các hình-tượng Ba-anh và A-sê-ra” (Quan 3:5-7). Đối với dân Y-sơ-ra-ên, việc kết bạn với dân Ca-na-an đã khiến họ làm sui gia với dân ấy và thờ hình tượng. Một khi đã kết tình sui gia rồi thì rất khó cho dân Y-sơ-ra-ên đuổi họ ra khỏi xứ. Sự thờ phượng thật không còn thanh sạch nữa và dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu thờ phượng các thần giả.

Là bạn của dân Y-sơ-ra-ên, cư dân sống trong Đất Hứa là mối de dọa lớn về mặt thiêng liêng, lớn hơn mối de dọa khi họ là kẻ thù của Y-sơ-ra-ên. Hãy xem xét một cách khác có thể đã dẫn đến sự bại hoại về tôn giáo.

Từ việc trồng trọt đến việc thờ thần Ba-anh

Khi vào Đất Hứa, dân Y-sơ-ra-ên không còn là dân du mục nữa nhưng nhiều người đã chuyển sang nghề nông. Phương pháp cày cấy và trồng trọt của họ có lẽ giống như phương pháp của người bản xứ. Hiển nhiên, trong giai đoạn giao thời này, dân Y-sơ-ra-ên không chỉ bắt chước phương pháp trồng trọt của dân Ca-na-an mà còn giao tiếp với dân địa phương. Điều này khiến họ chấp nhận thờ phượng các thần nông nghiệp.

Dân Ca-na-an thờ nhiều thần Ba-anh vì tin rằng những vị thần này sẽ giúp cho đất đai được màu mỡ. Với thời gian, ngoài việc cày bừa và gặt hái, dân Y-sơ-ra-ên cùng với dân Ca-na-an tôn thờ các thần của dân này vì tin rằng sự sung túc của họ là nhờ những thần ấy. Nhiều người Y-sơ-ra-ên bề ngoài ra vẻ thờ phượng Đức Giê-hô-va nhưng thật ra họ bội đạo một cách trắng trợn.

Lời cảnh báo mạnh mẽ cho chúng ta ngày nay

Khi mới tiếp xúc với dân bản xứ ở Đất Hứa, rất có thể dân Y-sơ-ra-ên đã không có ý định tham gia vào việc thờ thần Ba-anh và những thực hành đồi bại trong sự thờ phượng. Tuy nhiên, việc giao tiếp với dân bản xứ đã đưa họ vào con đường đó. Phải chăng chúng ta nghĩ rằng mình sẽ không gặp hậu quả tai hại nếu kết bạn với những người có vẻ thân thiện nhưng không cùng đức tin, nguyên tắc hoặc tiêu chuẩn đạo đức? Dĩ nhiên, việc tiếp xúc với những người không cùng đức tin tại sở làm, trường học, hoặc có lẽ ngay cả tại nhà là điều cần thiết. Dù vậy, trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên là một gương cảnh báo chúng ta rằng việc tìm kiếm bạn bè như thế chỉ chuốc họa vào thân. Kinh Thánh cho chúng ta biết sự thật hiển nhiên: “Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”.—1 Cô 15:33.

Ngày nay, chúng ta phải đối phó với những thử thách tương tự những thử thách mà dân Y-sơ-ra-ên đã gặp. Xã hội tân tiến thời nay cũng có nhiều thần tượng như: tiền bạc, ca sĩ, minh tinh, vận động viên, nhà lãnh đạo tôn giáo và ngay cả thành viên trong gia đình. Chúng ta có thể để một trong những thần tượng kể trên trở thành trọng tâm của đời sống. Thân thiết với những người không yêu mến Đức Giê-hô-va có thể ảnh hưởng tai hại đến mối quan hệ của chúng ta với Ngài.

Tình dục bất chính là một phần cơ bản trong việc thờ phượng thần Ba-anh và đã cám dỗ, lôi cuốn nhiều người Y-sơ-ra-ên. Ngày nay, trong dân sự của Đức Chúa Trời vẫn có người rơi vào những cạm bẫy tương tự như thế. Chẳng hạn, chỉ xem những hình ảnh vô luân trên Internet tại nhà cũng đủ khiến một người nhẹ dạ hoặc có tính tò mò mất đi lương tâm trong sạch. Nếu một tín đồ bị vướng vào bẫy xem hình ảnh vô luân trên Internet thì thật đáng buồn thay!

“Phước cho những người gìn-giữ chứng-cớ Ngài”

Trong việc chọn bạn, mỗi cá nhân tự quyết định vâng lời Đức Giê-hô-va hay không (Phục 30:19, 20). Vì thế, chúng ta cần tự hỏi mình: ‘Ai là người tôi thường giao thiệp trong những lúc rảnh rang? Họ có quan điểm thế nào về đạo đức và tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời? Họ có thờ phượng Đức Giê-hô-va không? Trong khi giao tiếp, họ có khuyến khích tôi trở thành tín đồ tốt hơn không?’.

Người viết Thi-thiên hát: “Phước cho những người trọn-vẹn trong đường-lối mình, đi theo luật-pháp của Đức Giê-hô-va. Phước cho những người gìn-giữ chứng-cớ Ngài, và hết lòng tìm-cầu Ngài” (Thi 119: 1, 2). Thật vậy, “phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường-lối Ngài!” (Thi 128:1). Khi chọn những người mình kết giao, mong sao chúng ta rút tỉa được bài học từ những lầm lỗi của dân Y-sơ-ra-ên và hoàn toàn vâng lời Đức Giê-hô-va.—Châm 13:20.

[Hình nơi trang 26]

Giao tiếp thân mật với những người không yêu mến Đức Giê-hô-va có thể dẫn chúng ta đến việc thờ hình tượng