Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự hiện diện của Đấng Christ—Có nghĩa gì đối với bạn?

Sự hiện diện của Đấng Christ—Có nghĩa gì đối với bạn?

Sự hiện diện của Đấng Christ—Có nghĩa gì đối với bạn?

“Có điềm gì chỉ về sự hiện diện của Chúa và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự?”.—MAT 24:3, NW.

1. Các sứ đồ đã hỏi Chúa Giê-su câu hỏi đáng chú ý nào?

Gần hai ngàn năm trước đây, khi đang ở trên núi Ô-li-ve, bốn sứ đồ đã hỏi riêng Chúa Giê-su, thầy của họ như sau: “Lúc nào những sự đó sẽ xảy ra và có điềm gì chỉ về sự hiện diện của Chúa và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự?” (Mat 24:3, NW). Trong câu hỏi đó, các sứ đồ đã dùng hai cụm từ rất đáng chú ý: “sự hiện diện của Chúa” và “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự”. Những cụm từ này có nghĩa gì?

2. Cụm từ “sự cuối cùng” hàm ý gì?

2 Trước tiên, chúng ta hãy xem xét cụm từ “sự cuối cùng”. Cụm từ này được dịch từ chữ Hy Lạp syn·teʹlei·a. Trong Bản dịch Thế Giới Mới (Anh ngữ), từ này luôn được dịch là “sự cuối cùng”, trong khi te’los, một từ Hy Lạp có liên quan đến từ syn·teʹlei·a, được dịch là “sự chấm dứt”. Để phân biệt ý nghĩa của hai từ này, chúng ta có thể dùng một bài giảng ở Phòng Nước Trời để làm minh họa. Phần kết luận là phần cuối của bài giảng. Trong phần này, diễn giả dành một ít thời gian để nhắc lại những điểm đã đề cập và giúp cử tọa biết áp dụng các điểm ấy. Bài giảng chấm dứt khi diễn giả rời bục. Tương tự thế, trong Kinh Thánh, cụm từ “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự” ám chỉ giai đoạn dẫn đến sự chấm dứt và kể cả lúc chấm dứt.

3. Một số diễn biến nào xảy ra trong thời kỳ Chúa Giê-su hiện diện?

3 Còn về cụm từ “sự hiện diện” mà các sứ đồ hỏi thì có nghĩa gì? Cụm từ này được dịch từ chữ Hy Lạp là pa·rou·siʹa. * Pa·rou·siʹa của Đấng Christ, hay sự hiện diện của ngài, bắt đầu từ lúc ngài lên ngôi ở trên trời vào năm 1914 và tiếp tục cho đến “hoạn-nạn lớn”, kể cả thời gian diễn ra “hoạn-nạn lớn” khi ngài đến để hủy diệt kẻ ác (Mat 24:21). Trong thời kỳ Chúa Giê-su hiện diện có nhiều diễn biến xảy ra, kể cả “ngày sau-rốt” của hệ thống gian ác này, việc thu nhóm những người được chọn và việc họ được sống lại để lên trời (2 Ti 3:1; 1 Cô 15:23; 1 Tê 4:15-17; 2 Tê 2:1). Có thể nói rằng thời kỳ gọi là “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự” (syn·teʹlei·a) thì tương ứng, hoặc diễn ra song song với thời kỳ gọi là sự hiện diện của Đấng Christ (pa·rou·siʹa).

Một giai đoạn dài

4. Sự hiện diện của Chúa Giê-su tương đồng thế nào với những sự việc diễn ra trong thời Nô-ê?

4 Vì từ pa·rou·siʹa ám chỉ một giai đoạn dài nên điều này phù hợp với những gì Chúa Giê-su nói về sự hiện diện của ngài. (Đọc Ma-thi-ơ 24:37-39). Hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su không ví sự hiện diện của ngài với giai đoạn tương đối ngắn khi xảy ra trận lụt thời Nô-ê. Thay vì thế, ngài so sánh sự hiện diện của ngài với một giai đoạn dài hơn—giai đoạn dẫn đến trận nước lụt. Trong giai đoạn ấy, Nô-ê đóng tàu và rao giảng cho đến lúc nước lụt ập đến. Những sự việc ấy diễn ra trong nhiều thập niên. Tương tự thế, sự hiện diện của Đấng Christ gồm những biến cố dẫn đến hoạn nạn lớn và cả hoạn nạn lớn.—2 Tê 1:6-9.

5. Làm thế nào lời tường thuật nơi chương 6 của sách Khải-huyền cho thấy sự hiện diện của Chúa Giê-su là một giai đoạn dài?

5 Những lời tiên tri khác trong Kinh Thánh cho thấy rõ sự hiện diện của Đấng Christ ám chỉ một giai đoạn dài, chứ không chỉ là lúc ngài đến để diệt kẻ ác. Sách Khải-huyền miêu tả Chúa Giê-su cưỡi ngựa bạch và được ban mão triều thiên. (Đọc Khải-huyền 6:1-8). Sau khi được phong vương vào năm 1914, Chúa Giê-su được miêu tả là đấng “đã thắng lại đến đâu cũng thắng”. Lời tường thuật này cũng cho biết sau đó là những kỵ mã cưỡi những con ngựa màu khác. Theo nghĩa tiên tri, những kỵ mã này tượng trưng cho chiến tranh, đói kém, dịch lệ. Tất cả những điều này xảy ra trong một giai đoạn dài được gọi là “ngày sau-rốt”. Chúng ta chứng kiến những lời tiên tri đó đang được ứng nghiệm trong đời chúng ta.

6. Chương 12 của sách Khải-huyền giúp chúng ta hiểu thế nào về sự hiện diện của Đấng Christ?

6 Chương 12 của sách Khải-huyền cho biết thêm chi tiết về việc thành lập Nước Đức Chúa Trời ở trên trời. Nơi đây, chúng ta đọc thấy một cuộc chiến ở cõi thần linh. Mi-chen—Chúa Giê-su khi ở trên trời—và các thiên sứ của ngài chiến đấu với Sa-tan và các quỉ. Kết cuộc là Sa-tan Ma-quỉ và những kẻ theo hắn bị quăng xuống trái đất. Lời tường thuật cho biết lúc ấy Ma-quỉ vô cùng giận dữ vì “biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu”. (Đọc Khải-huyền 12:7-12). Vậy, rõ ràng Nước của Đấng Christ được thành lập ở trên trời, tiếp theo là một giai đoạn được đánh dấu bởi sự “khốn-nạn” ngày càng gia tăng trên đất và trên dân cư ở đó.

7. Bài Thi-thiên thứ hai nói về điều gì và cho biết về cơ hội nào?

7 Bài Thi-thiên thứ hai cũng tiên tri về việc Chúa Giê-su được lên ngôi ở núi Si-ôn trên trời. (Đọc Thi-thiên 2:5-9; 110:1, 2). Tuy nhiên, bài Thi-thiên này cũng cho thấy có một giai đoạn mà những nhà cai trị của thế gian và dân chúng có cơ hội vâng phục quyền cai trị của Đấng Christ. Họ được khuyên “hãy khôn-ngoan” và chịu “sự dạy-dỗ”. Thật vậy, trong thời gian đó “kẻ nào nương-náu mình nơi Người [Đức Giê-hô-va]” bằng cách phụng sự Ngài và vị vua được Ngài bổ nhiệm thì “có phước thay!”. Vậy, có một cơ hội mở ra trong thời kỳ Chúa Giê-su hiện diện khi ngài nắm vương quyền.—Thi 2:10-12.

Nhận ra điềm

8, 9. Ai nhận ra điềm chỉ về sự hiện diện của Đấng Christ và hiểu ý nghĩa của điềm ấy?

8 Khi người Pha-ri-si hỏi lúc nào Nước Trời sẽ đến, Chúa Giê-su trả lời rằng Nước Trời không đến “rõ-ràng” theo quan điểm của họ (Lu 17:20, 21). Những người không tin thì không thể hiểu được điều này. Làm sao họ hiểu được khi ngay cả Chúa Giê-su là vị vua tương lai mà họ còn không nhận biết! Vậy, ai sẽ nhận ra điềm chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su và hiểu ý nghĩa của điềm ấy?

9 Chúa Giê-su nói tiếp rằng các môn đồ của ngài sẽ thấy rõ điềm ấy, rõ như thấy “chớp nháng lòe từ dưới phương trời nầy đến dưới phương trời kia”. (Đọc Lu-ca 17:24-29). Hãy lưu ý, điều thú vị là Ma-thi-ơ 24:23-27 trực tiếp liên kết đặc điểm nói trên với điềm chỉ về sự hiện diện của Đấng Christ.

Thế hệ nhận ra điềm

10, 11. (a) Trước kia, cụm từ “dòng-dõi” hay “thế hệ” đề cập nơi Ma-thi-ơ 24:34 được giải thích như thế nào? (b) Chắc chắn các môn đồ hiểu “dòng-dõi” ấy gồm những ai?

10 Trước kia, tạp chí này đã giải thích rằng vào thế kỷ thứ nhất, cụm từ “dòng-dõi nầy” hay “thế hệ này” (Tòa Tổng Giám Mục) được đề cập nơi Ma-thi-ơ 24:34 có nghĩa là “thế hệ đương thời gồm những người Do Thái không tin ngài”. * Lời giải thích này có vẻ hợp lý vì từ “dòng-dõi” trong tất cả những câu nói khác của Chúa Giê-su được ghi lại đều mang nghĩa tiêu cực, và trong đa số các trường hợp, ngài đều dùng một tính từ tiêu cực, chẳng hạn như “hung-ác”, để miêu tả dòng dõi ấy (Mat 12:39; 17:17; Mác 8:38). Vì vậy, tạp chí này cho rằng trong sự ứng nghiệm thời nay, Chúa Giê-su muốn ám chỉ đến “dòng-dõi” gian ác gồm những kẻ không tin kính sẽ thấy những đặc điểm đánh dấu cả “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự” (syn·teʹlei·a) lẫn sự chấm dứt hệ thống này (teʹlos).

11 Thật vậy, khi Chúa Giê-su dùng từ “dòng-dõi” theo nghĩa tiêu cực, ngài cũng nói về những người ác trong thời ngài. Tuy nhiên, lời của ngài nơi Ma-thi-ơ 24:34 có thật sự đúng như thế không? Hãy nhớ rằng bốn người trong số các môn đồ của Chúa Giê-su đến nói “riêng” với ngài (Mat 24:3). Vì khi nói với họ về “dòng-dõi nầy”, Chúa Giê-su không dùng tính từ mang nghĩa tiêu cực nên chắc chắn các sứ đồ hiểu rằng họ và các môn đồ khác sẽ thuộc về “dòng-dõi” ấy—dòng dõi sẽ chẳng qua đi “trước khi mọi điều kia chưa xảy đến”.

12. Liên quan đến những người mà Chúa Giê-su muốn ám chỉ khi dùng cụm từ “dòng-dõi”, văn cảnh cho thấy gì?

12 Dựa trên cơ bản nào chúng ta có thể kết luận như thế? Bằng cách xem xét kỹ văn cảnh. Theo lời tường thuật nơi Ma-thi-ơ 24:32, 33, Chúa Giê-su phán: “Hãy nghe [“học hỏi”, TTGM] lời ví-dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa”. (So sánh Mác 13:28-30; Lu-ca 21:30-32). Giờ đây chúng ta đọc Ma-thi-ơ 24:34: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng-dõi nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến”.

13, 14. Tại sao chúng ta có thể nói rằng “dòng-dõi” mà Chúa Giê-su ám chỉ hẳn là các môn đồ ngài?

13 Như chúng ta thấy nơi Ma-thi-ơ 24:33, Chúa Giê-su nói rằng các môn đồ ngài—những người sắp được xức dầu bằng thánh linh—là những người phải có khả năng rút ra kết luận khi thấy “mọi điều ấy” xảy đến. Vì thế, Chúa Giê-su hẳn ám chỉ đến các môn đồ khi ngài nói: “Dòng-dõi nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến”.

14 Khác với những người không tin, các môn đồ của Chúa Giê-su không những nhìn thấy điềm mà còn hiểu ý nghĩa của điềm ấy. Họ “học hỏi” từ những đặc điểm của điềm và “biết” ý nghĩa thật sự của những đặc điểm đó. Họ hiểu rõ rằng“ngài đương ở trước cửa”. Vào thế kỷ thứ nhất, cả những người Do Thái không tin Chúa Giê-su lẫn các tín đồ trung thành được xức dầu đều thấy một phần sự ứng nghiệm của lời ngài. Tuy nhiên, chỉ những tín đồ được xức dầu thời đó mới có thể “học hỏi” từ những biến cố ấy, nghĩa là họ hiểu ý nghĩa thật sự của những điều họ thấy.

15. (a) Những ai hợp thành “dòng-dõi” trong thời hiện đại mà Chúa Giê-su nói đến? (b) Tại sao chúng ta không thể tính chính xác “dòng-dõi nầy” hay “thế hệ này” kéo dài bao nhiêu năm? (Xem khung nơi trang 25).

15 Ngày nay, những người không có sự hiểu biết về thiêng liêng cảm thấy rằng điềm chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su không “rõ-ràng”. Họ lý luận rằng mọi việc vẫn như xưa (2 Phi 3:4). Ngược lại, những anh em trung thành được xức dầu của Đấng Christ, tức lớp người Giăng thời hiện đại, đã nhận ra điềm như thể thấy ánh chớp lóe sáng và hiểu ý nghĩa thật sự của điềm ấy. Với tư cách một lớp người, những tín đồ được xức dầu ấy hợp thành một “dòng-dõi” trong thời hiện đại. Dòng dõi này, gồm những người xức dầu sống cùng thời, sẽ chẳng qua đi “trước khi mọi điều kia chưa xảy đến”. * Điều này hàm ý rằng một số anh em xức dầu của Đấng Christ vẫn còn sống trên đất khi hoạn nạn lớn bắt đầu—cơn hoạn nạn đã được báo trước.

“Hãy tỉnh-thức!”

16. Tất cả môn đồ của Đấng Christ phải làm gì?

16 Chỉ nhận ra điềm thôi thì chưa đủ, chúng ta còn cần phải hành động. Chúa Giê-su nói tiếp: “Điều mà ta nói cùng các ngươi, ta cũng nói cho mọi người: Hãy [“tiếp tục”, NW] tỉnh-thức!” (Mác 13:37). Điều này là tối quan trọng cho tất cả chúng ta ngày nay, dù thuộc lớp người được xức dầu hay thuộc đám đông. Hơn 90 năm đã trôi qua kể từ khi Chúa Giê-su lên ngôi vào năm 1914. Dù khó khăn thế nào, chúng ta phải chứng tỏ mình sẵn sàng và tiếp tục tỉnh thức. Hiểu rằng Đấng Christ hiện đang cai trị với tư cách là vua trên trời giúp chúng ta làm được điều này. Nhờ sự hiểu biết ấy, chúng ta cũng được cảnh báo rằng không lâu nữa ngài sẽ đến để hủy diệt kẻ thù ‘trong giờ chúng ta không ngờ’.—Lu 12:40.

17. Chúng ta nên cảm thấy thế nào khi hiểu ý nghĩa sự hiện diện của Đấng Christ, và chúng ta nên quyết tâm làm gì?

17 Hiểu biết ý nghĩa sự hiện diện của Đấng Christ giúp chúng ta gia tăng tinh thần khẩn trương. Chúng ta biết Chúa Giê-su đã hiện diện và cai trị với tư cách là vua ở trên trời từ năm 1914. Không lâu nữa, ngài sẽ hủy diệt kẻ ác và thay đổi nhiều điều trên toàn cầu. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta quyết tâm tham gia công việc Chúa Giê-su đã báo trước: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng [“sự chấm dứt”, “NW” hay teʹlos] sẽ đến”.—Mat 24:14.

[Chú thích]

^ đ. 3 Chúng ta có thể hiểu nghĩa của từ pa·rou·siʹa khi thấy sự tương phản giữa từ “có mặt” hoặc hiện diện và từ “vắng mặt” mà sứ đồ Phao-lô dùng nơi 2 Cô-rinh-tô 10:10, 11 và Phi-líp 2:12. Muốn biết thêm chi tiết, xin xem Thông hiểu Kinh Thánh (Anh ngữ), Tập 2, trang 676-679.

^ đ. 10 Xem Tháp Canh ngày 1-11-1995, trang 11-15, 19, 30, 31.

^ đ. 15 Giai đoạn mà “dòng-dõi” hay thế hệ này sống dường như diễn ra song song với giai đoạn ứng nghiệm sự hiện thấy đầu tiên trong sách Khải-huyền (Khải 1:10–3:22). Đặc điểm này về ngày của Chúa kéo dài từ năm 1914 cho đến khi tín đồ cuối cùng của lớp người trung thành được xức dầu qua đời và sống lại.—Xem sách Khải-huyền gần đến cực điểm vinh quang! (Anh ngữ) trang 24, đoạn 4.

Bạn trả lời thế nào?

• Làm sao chúng ta biết sự hiện diện của Chúa Giê-su là một giai đoạn dài?

• Ai nhận ra điềm chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su và hiểu ý nghĩa của điềm ấy?

• Ai hợp thành dòng dõi thời hiện đại được nói đến nơi Ma-thi-ơ 24:34?

• Tại sao chúng ta không thể tính chính xác “dòng-dõi nầy” hay “thế hệ này” kéo dài bao nhiêu năm?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 25]

Chúng ta có thể tính “dòng-dõi nầy” hay “thế hệ này” kéo dài bao nhiêu năm không?

Từ “dòng-dõi” hay “thế hệ” thường ám chỉ những người thuộc nhiều lứa tuổi sống trong cùng một thời điểm hoặc một biến cố đặc biệt. Chẳng hạn, Xuất Ê-díp-tô Ký 1:6 cho biết: “Vả, Giô-sép và anh em người cùng mọi kẻ đồng đời đó đều chết hết”. Giô-sép và anh em của ông thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng họ trải qua kinh nghiệm chung trong cùng một giai đoạn. Trong số những “kẻ đồng đời đó”, có một số người là anh của Giô-sép. Những người này sinh trước ông nhưng có người lại sống thọ hơn ông (Sáng 50:24). Những người khác thuộc “đồng đời đó”, chẳng hạn như Bên-gia-min, sinh sau Giô-sép và có lẽ vẫn còn sống sau khi Giô-sép qua đời.

Vậy, khi cụm từ “dòng-dõi” được dùng để nói đến những người sống cùng một thời nào đó thì khoảng thời gian ấy tuy không thể tính chính xác là bao lâu, nhưng nó không thể kéo dài quá lâu và phải chấm dứt ở một thời điểm nào đó. Vì vậy, khi dùng cụm từ “dòng-dõi nầy” nơi Ma-thi-ơ 24:34, Chúa Giê-su không cho các môn đồ một công thức để họ có thể tính khi nào “ngày sau-rốt” sẽ chấm dứt. Ngược lại, Chúa Giê-su tiếp tục nhấn mạnh rằng họ sẽ không biết “về ngày và giờ đó”.—2 Ti 3:1; Mat 24:36.

[Hình nơi trang 22, 23]

Sau khi được phong vương vào năm 1914, Chúa Giê-su được miêu tả là đấng “đến đâu cũng thắng”

[Hình nơi trang 24]

“Dòng-dõi nầy [“thế hệ này”, TTGM] chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến”