Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về người khác không?

Bạn có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về người khác không?

Bạn có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về người khác không?

“Trong thân không có sự phân-rẽ, mà các chi-thể phải đồng lo-tưởng đến nhau”.—1 CÔ 12:25.

1. Bạn cảm thấy thế nào khi vừa mới bước vào địa đàng thiêng liêng?

Khi chúng ta vừa mới ra khỏi thế gian hung ác và bắt đầu kết hợp với dân của Đức Giê-hô-va, rất có thể chúng ta thích thú cảm nghiệm được tình yêu thương nồng ấm và lòng quan tâm giữa các thành viên thuộc dân ấy. Quả là một sự tương phản với những người thô lỗ, thù hằn và hay gây gổ đang sống trong thế gian do Sa-tan kiểm soát! Chúng ta bước vào địa đàng thiêng liêng, nơi tràn đầy sự bình an và hợp nhất.—Ê-sai 48:17, 18; 60:18; 65:25.

2. (a) Điều gì có thể ảnh hưởng đến quan điểm của chúng ta về người khác? (b) Chúng ta cần phải làm gì?

2 Tuy nhiên với thời gian, vì bản chất bất toàn, chúng ta có thể bắt đầu nhìn anh em qua một thấu kính làm cho hình ảnh bị méo mó. Sự bất toàn có thể khiến chúng ta phóng đại lầm lỗi của anh em thay vì thấy những đức tính thiêng liêng của họ. Nói một cách đơn giản, chúng ta không có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về họ. Nếu ở trong trường hợp đó, đã đến lúc chúng ta cần xem xét quan điểm của mình và điều chỉnh cho phù hợp với quan điểm rõ ràng của Đức Giê-hô-va.—Xuất 33:13.

Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về anh em chúng ta

3. Kinh Thánh ví hội thánh tín đồ Đấng Christ với gì?

3 Như được ghi nơi 1 Cô-rinh-tô 12:2-26, sứ đồ Phao-lô so sánh hội thánh gồm những tín đồ được xức dầu với một thân thể có “nhiều chi thể”. Như các bộ phận trong cơ thể khác nhau, các thành viên trong hội thánh cũng rất khác nhau về cá tính và khả năng. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va chấp nhận sự khác nhau này. Ngài yêu thương và quý trọng mỗi người. Vì vậy, Phao-lô cũng khuyên rằng các thành viên trong hội thánh “phải đồng lo-tưởng đến nhau”. Có lẽ đây là điều khó làm vì người khác có thể có cá tính khác với cá tính của chúng ta.

4. Tại sao chúng ta cần điều chỉnh quan điểm của mình về anh em?

4 Không những thế, chúng ta còn có khuynh hướng chỉ tập trung nhìn vào nhược điểm của anh em. Làm như vậy, thật ra chúng ta đang dùng một máy ảnh và tập trung ống kính vào một tiêu điểm nhỏ. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va có cái nhìn rộng hơn, thấy cả con người lẫn cảnh vật xung quanh. Có thể chúng ta có khuynh hướng phóng to một điểm mà mình không thích, trong khi Đức Giê-hô-va nhìn toàn thể con người ấy, kể cả những tính tốt. Càng cố gắng noi gương Đức Giê-hô-va, chúng ta càng góp phần tạo bầu không khí yêu thương và hợp nhất trong hội thánh.—Ê-phê 4:1-3; 5:1, 2.

5. Tại sao xét đoán người khác là không thích đáng?

5 Chúa Giê-su biết rất rõ là loài người bất toàn thường có khuynh hướng xét đoán. Ngài khuyên: “Các ngươi đừng đoán-xét ai, để mình khỏi bị đoán-xét” (Mat 7:1). Điều đáng chú ý là trong bản tiếng Hy Lạp, Chúa Giê-su không nói: “Đừng đoán-xét” nhưng ngài nói: “Ngưng đoán-xét”. Ngài biết trong số những người nghe ngài giảng dạy, nhiều người đã có thói quen phê phán người khác. Chúng ta có thói quen ấy rồi chăng? Nếu có, chúng ta phải cố gắng thay đổi để không bị xét đoán và kết án. Thật ra chúng ta là ai mà xét đoán người được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm vào một chức vụ nào đó, hoặc cho rằng người ấy không xứng đáng là thành viên của hội thánh? Một người có thể có một số thiếu sót nhưng nếu vẫn được Đức Giê-hô-va chấp nhận, liệu có thích đáng không khi chúng ta không chấp nhận người đó? (Giăng 6:44). Chúng ta có thật sự tin rằng Đức Giê-hô-va đang lãnh đạo tổ chức của Ngài và nếu cần điều chỉnh, Ngài sẽ hành động vào đúng thời điểm không?—Đọc Rô-ma 14:1-4.

6. Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về các tôi tớ của Ngài?

6 Điều tuyệt diệu nơi Đức Giê-hô-va là Ngài có thể thấy mỗi tín đồ Đấng Christ có tiềm năng trở thành người như thế nào một khi họ đạt được tình trạng hoàn toàn trong thế giới mới. Ngài cũng biết họ đã tiến bộ về thiêng liêng như thế nào. Thế nên, Ngài không cần tập trung nhìn vào nhược điểm của mỗi người. Chúng ta đọc nơi Thi-thiên 103:12: “Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi-phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu”. Thật cảm kích biết bao khi mỗi chúng ta được Ngài cư xử như thế!—Thi 130:3.

7. Chúng ta học được gì về quan điểm của Đức Giê-hô-va đối với Đa-vít?

7 Qua bằng chứng trong Kinh Thánh, chúng ta thấy Đức Giê-hô-va có khả năng nổi bật là tập trung nhìn vào điểm tốt của một người. Về Đa-vít, Ngài phán: “Đa-vít, kẻ tôi-tớ ta, là người gìn-giữ các điều-răn ta, hết lòng theo ta, chỉ làm điều thiện tại trước mặt ta” (1 Vua 14:8). Dĩ nhiên, chúng ta biết Đa-vít đã làm một số điều sai trái. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va quyết định tập trung nhìn vào điểm tốt của ông vì biết ông có lòng ngay thẳng.—1 Sử 29:17.

Có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về anh em

8, 9. (a) Chúng ta có thể giống như Đức Giê-hô-va qua cách nào? (b) Điều này có thể được minh họa như thế nào, và chúng ta rút ra bài học nào?

8 Đức Giê-hô-va có thể đọc được lòng người, còn chúng ta thì không. Chỉ lý do này thôi cũng đủ để chúng ta không nên xét đoán ai. Chúng ta không biết hết mọi động lực của người khác. Chúng ta nên noi gương Đức Giê-hô-va bằng cách không luôn luôn để tâm đến sự bất toàn của con người, vì cuối cùng sự bất toàn ấy sẽ không còn nữa. Về phương diện này, đó chẳng phải là mục tiêu đáng để chúng ta noi gương Ngài hay sao? Khi làm thế, chúng ta sẽ góp phần đáng kể vào mối quan hệ hòa thuận với anh chị em đồng đạo.—Ê-phê 4:23, 24.

9 Chúng ta hãy xem minh họa về một căn nhà đang xuống cấp—máng xối đã rơi, kính cửa sổ bị vỡ, trần nhà dột nát. Nhìn căn nhà ấy, có lẽ đa số người ta kết luận rằng nên đập bỏ vì trông thật chướng mắt. Nhưng một người khác có thể sẽ có quan điểm ngược lại. Người đó nhìn xa hơn, nhận thấy cấu trúc căn nhà vẫn tốt và có thể sửa chữa nên bỏ tiền ra mua và sơn sửa lại. Sau đó, người đi đường khen căn nhà thật xinh. Chúng ta có giống như người này, cố gắng sửa chữa và tu bổ lại căn nhà không? Thay vì chỉ tập trung nhìn vào khuyết điểm của anh em, chúng ta có thể nhận ra những tính tốt và biết rằng họ có tiềm năng tiến bộ về thiêng liêng không? Nếu làm thế, như Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ ngày càng yêu anh em mình vì những tính tốt của họ.—Đọc Hê-bơ-rơ 6:10.

10. Lời khuyên nơi Phi-líp 2:3, 4 giúp chúng ta như thế nào?

10 Sứ đồ Phao-lô đưa ra một số lời khuyên có thể giúp chúng ta trong mối quan hệ với tất cả anh em trong hội thánh. Ông khuyên giục tín đồ Đấng Christ: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:3, 4). Tính khiêm nhường sẽ giúp chúng ta có quan điểm đúng đắn về người khác. Biểu lộ lòng quan tâm đến người khác và tìm những điểm tốt của họ cũng giúp chúng ta có quan điểm như Đức Giê-hô-va.

11. Những thay đổi nào ảnh hưởng đến một số hội thánh?

11 Trong những năm gần đây, nhiều thay đổi trên thế giới khiến người ta đi khắp nơi để sinh sống. Một số thành phố hiện nay có dân từ các nước khác đến cư ngụ. Một số người mới đến khu vực của chúng ta bắt đầu chú ý đến lẽ thật trong Kinh Thánh và cùng chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va. Những người này “bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra” (Khải 7:9). Vì vậy, có thể nói rằng trong nhiều hội thánh hiện nay ngày càng có nhiều người từ các nước trên thế giới đến.

12. Chúng ta cần giữ quan điểm nào đối với nhau, và tại sao đôi khi điều này có thể là một thử thách?

12 Trong hội thánh, có lẽ chúng ta cần chú tâm nhiều hơn đến việc giữ quan điểm đúng đắn đối với nhau. Vì thế, chúng ta phải ghi nhớ lời khuyên của sứ đồ Phi-e-rơ là bày tỏ lòng “yêu-thương anh em cách thật-thà” và “yêu nhau sốt-sắng hết lòng” (1 Phi 1:22). Vun trồng tình yêu thương và lòng trìu mến chân thành có thể là một thử thách trong hội thánh có nhiều người thuộc các quốc gia khác nhau. Anh em đồng đạo có thể có văn hóa, giáo dục, kinh tế và chủng tộc rất khác với chúng ta. Bạn có cảm thấy khó hiểu được lối suy nghĩ hoặc phản ứng của một số người không? Có thể họ cũng cảm thấy khó hiểu về bạn. Dù sao chăng nữa, tất cả chúng ta đều được dạy: “Hãy yêu thương cả đoàn thể anh em”.—1 Phi 2:17, NW.

13. Chúng ta cần điều chỉnh những gì trong lối suy nghĩ?

13 Điều cần thiết là chúng ta phải điều chỉnh một vài lối suy nghĩ để mở rộng lòng yêu thương tất cả anh em. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 6:12, 13). Có bao giờ bạn nhận thấy mình nói những lời như: “Tôi không có thành kiến, nhưng. . . “ và rồi kể lại những điểm chúng ta cho là không hay của các anh chị thuộc chủng tộc nào đó trong hội thánh không? Những cảm nghĩ như thế cho thấy chúng ta cần loại bỏ thành kiến tiềm ẩn sâu thẳm trong lòng. Chúng ta có thể tự hỏi: “Thường thường tôi có cố gắng làm quen để biết những người khác văn hóa với mình không?” Việc tự xét mình như thế có thể giúp chúng ta ngày càng quý trọng và chấp nhận đoàn thể anh em quốc tế.

14, 15. (a) Hãy nêu trường hợp của những người đã điều chỉnh quan điểm của mình về người khác? (b) Chúng ta có thể noi gương họ như thế nào?

14 Kinh Thánh cho biết gương của những người từng điều chỉnh quan điểm của mình, trong đó có sứ đồ Phi-e-rơ. Là người Do Thái, hẳn ông tránh vào nhà người dân ngoại. Hãy tưởng tượng cảm nghĩ của Phi-e-rơ khi được phái đến nhà Cọt-nây, một người dân ngoại không cắt bì! Phi-e-rơ đã điều chỉnh quan điểm của mình, nhận biết rằng Đức Chúa Trời muốn mọi dân trở thành thành viên của hội thánh đạo Đấng Christ (Công 10:9-35). Ông Sau-lơ, người sau này trở thành sứ đồ Phao-lô, cũng phải thay đổi quan điểm và loại bỏ thành kiến. Ông thừa nhận mình đã ghét tín đồ Đấng Christ đến mức “bắt-bớ và phá-tán Hội-thánh của Đức Chúa Trời quá chừng”. Tuy nhiên, khi Chúa Giê-su giúp Phao-lô điều chỉnh lối suy nghĩ sai lầm, ông đã thay đổi rất nhiều, thậm chí chấp nhận sự hướng dẫn của những người trước đây từng bị ông bắt bớ.—Ga 1:13-20.

15 Chắc chắn với sự trợ giúp của thánh linh Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể điều chỉnh thái độ của mình. Nếu nhận thấy trong lòng còn tiềm ẩn dấu vết của thành kiến, chúng ta hãy cố gắng loại bỏ và ‘dùng dây hòa-bình mà giữ-gìn sự hiệp một của thánh-linh’ (Ê-phê 4:3-6). Kinh Thánh khuyến khích chúng ta hãy “mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành”.—Cô 3:14.

Noi gương Đức Giê-hô-va khi thi hành thánh chức

16. Đức Chúa Trời có ý định gì đối với mọi người?

16 Sứ đồ Phao-lô cho biết Đức Chúa Trời “chẳng vị-nể ai đâu” (Rô 2:11). Trong ý định của Đức Giê-hô-va, Ngài cũng sắp đặt cho mọi người thuộc các dân thờ phượng Ngài. (Đọc 1 Ti-mô-thê 2:3, 4). Nhằm đạt mục tiêu này, Ngài đã sắp đặt để ‘tin-lành đời đời’ được rao truyền cho “mọi nước, mọi chi-phái, mọi tiếng, và mọi dân-tộc” (Khải 14:6). Chúa Giê-su nói: “Ruộng, là thế-gian” (Mat 13:38). Câu này có ý nghĩa gì đối với bạn và gia đình?

17. Làm thế nào chúng ta có thể giúp những người thuộc mọi thành phần?

17 Không phải mọi người đều có thể đi đến những nơi xa để rao truyền thông điệp Nước Trời cho người khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể mang thông điệp này đến với những người thuộc các quốc gia khác hiện sống trong khu vực của chúng ta. Phải chăng chúng ta nhạy bén nắm bắt cơ hội để làm chứng cho người thuộc mọi thành phần, chứ không chỉ cho những người chúng ta đã rao giảng trong nhiều năm? Sao chúng ta không chủ động rao giảng cho những người chưa được nghe tin mừng?—Rô 15:20, 21.

18. Chúa Giê-su biểu lộ mối quan tâm nào đối với người ta?

18 Chúa Giê-su tha thiết muốn giúp đỡ mọi người. Ngài không chỉ rao giảng trong một vùng mà thôi. Một lời tường thuật trong Kinh Thánh cho chúng ta biết ngài “đi khắp các thành, các làng”. Và khi ‘ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương-xót’ và bày tỏ ý muốn giúp đỡ họ.—Mat 9:35-37.

19, 20. Qua những cách nào chúng ta có thể phản ánh lòng quan tâm mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thể hiện đối với người thuộc mọi thành phần?

19 Chúng ta có thể biểu lộ thái độ giống như Chúa Giê-su qua những cách nào? Một số người cố gắng làm chứng ở những nơi không được rao giảng thường xuyên trong khu vực. Những nơi này có thể là khu thương mại, công viên, bến xe, trước cửa những cao ốc mà người lạ khó vào. Có những người cố gắng học ngoại ngữ để rao giảng cho các nhóm sắc tộc khác hiện đang sống trong khu vực của họ hoặc cho những nhóm mà trước đây ít có người đến rao giảng. Học cách chào hỏi những người đó bằng ngôn ngữ của họ là cách hữu hiệu cho thấy chúng ta rất quan tâm đến họ. Nếu hoàn cảnh không cho phép học ngoại ngữ, chúng ta có thể khuyến khích những người đang học không? Chắc chắn, chúng ta không muốn tỏ thái độ tiêu cực hoặc chất vấn người khác tại sao lại chịu khó rao giảng cho người nước ngoài. Sự sống của mỗi người đều đáng quý trước mắt Đức Chúa Trời, và chúng ta muốn có quan điểm giống như Ngài.—Cô 3:10, 11.

20 Có quan điểm của Đức Chúa Trời về mọi người cũng có nghĩa là rao giảng cho mọi người dù hoàn cảnh của họ thế nào đi nữa. Một số người có thể là người vô gia cư, ăn mặc lôi thôi hoặc sống vô luân. Nếu bị người nào đối xử tồi tệ, chúng ta không nên vì thế mà vơ đũa cả nắm, nghĩ xấu về nhóm sắc tộc hoặc dân tộc đó. Ông Phao-lô bị một số người đối xử tồi tệ nhưng điều đó không khiến ông ngưng rao giảng cho người thuộc dân ấy (Công 14:5-7, 19-22). Ông tin rằng một số người trong dân ấy sẽ nghe và cảm kích thông điệp ông rao truyền.

21. Có quan điểm của Đức Giê-hô-va về người khác giúp bạn như thế nào?

21 Ngày nay, hơn bao giờ hết, rõ ràng là chúng ta cần có một quan điểm đúng đắn—quan điểm của Đức Giê-hô-va—trong cách cư xử với anh em địa phương, đoàn thể anh em quốc tế và những người trong khu vực rao giảng. Càng phản ánh quan điểm của Đức Giê-hô-va, chúng ta càng góp phần nhiều hơn trong việc tạo bầu không khí hòa thuận và hợp nhất. Và như thế, chúng ta có thể giúp người khác quý mến Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời “chẳng tư-vị” nhưng thể hiện lòng quan tâm trìu mến với tất cả mọi người, vì “hết thảy là công-việc của tay Ngài”.—Gióp 34:19.

Bạn trả lời thế nào?

• Chúng ta nên tránh có quan điểm nào về anh em?

• Chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va như thế nào về quan điểm đối với anh em?

• Chúng ta rút ra bài học nào về quan điểm của mình đối với đoàn thể anh em quốc tế?

• Khi đi rao giảng, làm thế nào chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va về quan điểm đối với người khác?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 26]

Làm sao bạn có thể làm quen để biết những người có văn hóa khác với mình?

[Hình nơi trang 28]

Bạn có thể rao giảng tin mừng cho nhiều người hơn qua những cách nào?