Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy nhường nhịn, hãy có quan điểm thăng bằng

Hãy nhường nhịn, hãy có quan điểm thăng bằng

Hãy nhường nhịn, hãy có quan điểm thăng bằng

“Hãy nhắc lại cho các tín-đồ phải. . . dung-thứ [“tỏ ra phải lẽ”, NW]”.—TÍT 3:1, 2.

1, 2. Kinh Thánh nói gì về tính nhường nhịn, và tại sao đó là điều hợp lý?

Đức Giê-hô-va, Cha yêu thương của chúng ta ở trên trời, là Đấng khôn ngoan vô cùng. Vì là tạo vật của Ngài nên chúng ta trông cậy Ngài để được hướng dẫn trong đời sống (Thi 48:14). Môn đồ Gia-cơ cho biết: “Sự khôn-ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh-sạch, sau lại hòa-thuận, tiết-độ [“phải lẽ”, NW], nhu-mì, đầy-dẫy lòng thương-xót và bông-trái lành, không có sự hai lòng và giả-hình”.—Gia 3:17.

2 Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hãy cho mọi người đều biết nết nhu-mì của anh em” (Phi-líp 4:5). * Chúa Giê-su Christ là Chúa và là đầu hội thánh tín đồ Đấng Christ (Ê-phê 5:23). Mỗi cá nhân chúng ta biết sống phải lẽ, vâng theo sự chỉ dẫn của Đấng Christ và nhường nhịn người khác trong cách cư xử là điều quan trọng biết bao!

3, 4. (a) Hãy nêu thí dụ cho thấy lợi ích của tính nhường nhịn. (b) Chúng ta sẽ xem xét những gì?

3 Chúng ta sẽ được lợi ích nếu có quan điểm thăng bằng khi thể hiện tính nhường nhịn. Thí dụ, sau khi một âm mưu khủng bố ở Anh quốc bị phát hiện, các hành khách nói chung đều sẵn sàng tuân theo qui luật mới, không mang lên máy bay những vật dụng mà trước kia họ được phép mang theo. Ngoài ra, khi lái xe, chúng ta cần nhường đường cho người khác, chẳng hạn như khi đến vòng xoay chúng ta phải lái sao để bảo đảm an toàn cho mọi người và giao thông không bị tắc nghẽn.

4 Đối với nhiều người, nhường nhịn không phải là dễ. Để làm được điều này, chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh của việc nhường nhịn: động lực của chúng ta, thái độ đối với người có thẩm quyền và mức độ chúng ta nên nhường nhịn.

Tại sao không khăng khăng giữ quyền của mình?

5. Theo Luật Môi-se, điều gì có thể khiến một người nô lệ quyết định xin ở lại với chủ?

5 Nhường nhịn cũng hàm ý là không khăng khăng giữ quyền của mình. Một trường hợp vào trước thời Đấng Christ cho thấy rõ động lực đúng của tinh thần không khăng khăng giữ quyền của mình. Theo Luật Môi-se, những người Hê-bơ-rơ bị làm nô lệ có quyền được tự do vào năm thứ bảy hoặc vào năm Hân hỉ. Nếu năm Hân hỉ đến trước năm thứ bảy thì người nô lệ ấy cũng được trả tự do. Tuy nhiên, người đó cũng có quyền xin ở lại phục vụ chủ. (Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 21:5, 6). Điều gì khiến người nô lệ quyết định như thế? Vì thương người chủ có lòng quan tâm đến mình nên người nô lệ chọn ở lại.

6. Tình yêu thương liên quan thế nào đến việc không khăng khăng giữ quyền của mình?

6 Tương tự thế, lòng yêu thương Đức Giê-hô-va thôi thúc chúng ta dâng đời sống cho Ngài và sống theo lời hứa nguyện dâng mình (Rô 14:7, 8). Sứ đồ Giăng viết: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề” (1 Giăng 5:3). Tình yêu thương này không tìm kiếm tư lợi (1 Cô 13:4, 5). Khi cư xử với người khác, lòng yêu thương người lân cận khiến chúng ta không khăng khăng giữ quyền của mình nhưng đặt quyền của họ lên trên. Thay vì để tính ích kỷ chi phối, chúng ta quan tâm đến quyền lợi của người khác.—Phi-líp 2:2, 3.

7. Tinh thần nhân nhượng quyền của mình đóng vai trò nào trong thánh chức?

7 Chúng ta không để lời nói hoặc hành động của mình gây vấp phạm cho người khác (Ê-phê 4:29). Thật thế, vì tình yêu thương nên chúng ta tránh làm bất cứ điều gì có thể cản trở những người có gốc gác và nền văn hóa khác khiến họ không tiến tới việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Điều này thường đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần nhân nhượng quyền của mình. Chẳng hạn, các chị giáo sĩ quen trang điểm hoặc mang vớ da không khăng khăng cho rằng mình có quyền giữ thói quen này khi đến những nơi mà cách phục sức như thế có thể khiến người địa phương hiểu lầm về hạnh kiểm của các chị và làm người khác vấp phạm.—1 Cô 10:31-33.

8. Làm thế nào lòng yêu thương Đức Chúa Trời giúp chúng ta thể hiện mình là ‘kẻ hèn-mọn hơn hết’?

8 Lòng yêu thương đối với Đức Giê-hô-va giúp chúng ta loại bỏ tính kiêu ngạo. Sau khi các môn đồ cãi lẫy với nhau, xem ai là người cao trọng hơn hết, Chúa Giê-su để một đứa trẻ đứng giữa họ và nói: “Hễ ai vì danh ta mà tiếp con trẻ nầy, tức là tiếp ta; còn ai tiếp ta, tức là tiếp Đấng đã sai ta. Vì kẻ nào hèn-mọn hơn hết trong vòng các ngươi, ấy chính người đó là kẻ cao-trọng” (Lu 9:48; Mác 9:36). Về phần chúng ta, có lẽ mỗi người cảm thấy khó thể hiện mình là ‘kẻ hèn-mọn hơn hết’. Tội lỗi di truyền và khuynh hướng kiêu ngạo có thể khiến chúng ta tìm kiếm danh vọng địa vị nhưng tính khiêm nhường sẽ giúp chúng ta tránh tinh thần đó.—Rô 12:10.

9. Để thể hiện tinh thần vâng phục, chúng ta phải xét đến điều gì?

9 Một khía cạnh khác của tính nhường nhịn là tinh thần vâng phục. Để thể hiện tinh thần vâng phục, chúng ta phải nghĩ đến uy quyền của những người được Đức Chúa Trời bổ nhiệm. Mọi tín đồ Đấng Christ chân chính đều nhìn nhận nguyên tắc quan trọng của quyền làm đầu. Sứ đồ Phao-lô nói rõ điều này với anh em ở thành Cô-rinh-tô: “Tôi muốn anh em biết Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn-ông là đầu người đàn-bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ”.—1 Cô 11:3.

10. Việc vâng phục uy quyền của Đức Giê-hô-va cho thấy điều gì?

10 Vâng phục uy quyền của Đức Chúa Trời cho thấy chúng ta tin cậy Ngài là Cha yêu thương của chúng ta. Ngài biết mọi việc xảy ra và có thể ban thưởng cho chúng ta. Hiểu được điều này sẽ giúp chúng ta nhường nhịn khi bị người khác cư xử thiếu tôn trọng hoặc khi họ tức giận và nổi nóng với chúng ta. Sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”. Ông nhấn mạnh lời khuyên ấy qua lời chỉ dẫn sau: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng”.—Rô 12:18, 19.

11. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình vâng phục quyền làm đầu của Đấng Christ?

11 Trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, chúng ta cũng vâng phục uy quyền của những người được Đức Chúa Trời bổ nhiệm. Chương 1 của sách Khải-huyền miêu tả Chúa Giê-su cầm các “ngôi sao” của hội thánh trong tay hữu (Khải 1:16, 20). Nói chung, các “ngôi sao” này tượng trưng cho hội đồng trưởng lão hoặc giám thị trong các hội thánh. Những giám thị được bổ nhiệm ấy vâng theo sự lãnh đạo của Đấng Christ và noi gương ngài trong cách cư xử tử tế với người khác. Mọi người trong hội thánh vâng theo sự sắp đặt mà Chúa Giê-su giao cho “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” để cung cấp thức ăn thiêng liêng đúng giờ (Mat 24:45-47). Ngày nay, việc chúng ta sẵn lòng học và áp dụng tài liệu này cho thấy chúng ta vâng phục quyền làm đầu của Đấng Christ. Điều này giúp hội thánh được bình an và hợp nhất.—Rô 14:13, 19.

Vâng phục đến mức độ nào?

12. Tại sao chúng ta chỉ vâng phục đến một mức độ nào đó?

12 Tuy nhiên, vâng phục không có nghĩa là thỏa hiệp đức tin hoặc các nguyên tắc Kinh Thánh. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã thể hiện lập trường nào khi các nhà lãnh đạo tôn giáo cấm họ nhân danh Chúa Giê-su mà rao giảng? Phi-e-rơ và các sứ đồ khác đã dạn dĩ trả lời: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công 4:18-20; 5:28, 29). Vậy ngày nay, khi các nhà cầm quyền cố buộc chúng ta ngưng rao truyền tin mừng, chúng ta không làm thế. Chúng ta có thể thay đổi cách thức để đối phó với tình thế một cách khéo léo. Nếu việc rao giảng từng nhà bị hạn chế, chúng ta có thể tìm cách khác để tiếp xúc với chủ nhà và tiếp tục thi hành sứ mạng Đức Chúa Trời giao. Tương tự thế, khi “các đấng cầm quyền trên mình” không cho phép chúng ta nhóm họp, chúng ta kín đáo họp lại thành từng nhóm nhỏ.—Rô 13:1; Hê 10:24, 25.

13. Chúa Giê-su nói gì về việc vâng phục những người có quyền?

13 Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su cho thấy rõ việc phải vâng phục người có quyền: “Nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa; nếu ai [“người được ủy quyền”, NW] muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ” (Mat 5:40, 41). * Lòng quan tâm đến người khác và ước muốn giúp đỡ họ thúc đẩy chúng ta làm nhiều hơn những gì họ đòi hỏi, như thể chúng ta đi hai dặm với họ.—1 Cô 13:5; Tít 3:1, 2.

14. Tại sao chúng ta không bao giờ nhân nhượng sự bội đạo?

14 Tuy nhiên, chớ bao giờ vì muốn nhân nhượng mà chúng ta thỏa hiệp với những kẻ bội đạo. Lập trường vững vàng và rõ ràng trong vấn đề này là cần thiết để giữ cho lẽ thật được tinh khiết và hội thánh được hợp nhất. Nói về “mấy người anh em giả”, sứ đồ Phao-lô viết: “Chúng tôi không nhường họ một giây-phút nào, chối chẳng chịu thuộc dưới quyền họ, hầu cho lẽ thật của Tin-lành được vững-bền trong anh em” (Ga 2:4, 5). Trường hợp bội đạo hiếm khi xảy ra, nhưng nếu có, tín đồ Đấng Christ tin kính vẫn cương quyết làm điều đúng.

Các giám thị cần biểu lộ tính nhường nhịn

15. Khi họp nhau lại, những giám thị đạo Đấng Christ phải biểu lộ tính nhường nhịn như thế nào?

15 Một trong những điều kiện để được bổ nhiệm làm giám thị là các anh phải sẵn sàng nhường nhịn. Sứ đồ Phao-lô viết: “Vậy, người giám-mục cần phải. . . mềm-mại” (1 Ti 3:2, 3). Điều này đặc biệt quan trọng khi các anh họp nhau lại để xem xét vấn đề trong hội thánh. Trước khi quyết định, mỗi trưởng lão được tự do phát biểu dù không đòi hỏi mọi người phải có ý kiến. Trong cuộc thảo luận, một anh có thể thay đổi quan điểm khi nghe những anh khác nêu lên các nguyên tắc Kinh Thánh áp dụng trong vấn đề đang thảo luận. Thay vì bác bỏ ý kiến của người khác và khăng khăng giữ quan điểm của mình, một trưởng lão thành thục sẽ biểu lộ tính nhường nhịn. Khi bắt đầu cuộc thảo luận thường thì có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng qua việc cầu nguyện và suy ngẫm, những trưởng lão có lòng khiêm nhường và nhường nhịn sẽ hiệp một với nhau.—1 Cô 1:10; đọc Ê-phê-sô 4:1-3.

16. Giám thị đạo đấng Christ nên thể hiện tinh thần nào?

16 Trong mọi hoạt động, trưởng lão nên hết sức ủng hộ sự sắp đặt thần quyền. Tinh thần ấy cũng phải được thể hiện ngay cả trong việc chăn bầy, giúp trưởng lão biểu lộ lòng quan tâm và tử tế với người khác. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao-phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ-bẩn, bèn là hết lòng mà làm”.—1 Phi 5:2.

17. Mọi người trong hội thánh biểu lộ tinh thần nhường nhịn như thế nào khi cư xử với nhau?

17 Người cao tuổi trong hội thánh cảm kích sự giúp đỡ quý báu của những người nhỏ tuổi hơn và tôn trọng nhân phẩm của họ. Các thanh thiếu niên thì tôn trọng những người lớn tuổi hơn—những người giàu kinh nghiệm qua nhiều năm phụng sự Đức Giê-hô-va (1 Ti 5:1, 2). Trưởng lão tìm những anh hội đủ điều kiện để giao phó một số trách nhiệm và huấn luyện họ để chăm sóc bầy của Đức Chúa Trời (2 Ti 2:1, 2). Mỗi tín đồ phải quý trọng lời mà sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để khuyên anh em: “Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy,—bởi các người ấy tỉnh-thức về linh-hồn anh em, dường như phải khai-trình,—hầu cho các người ấy lấy lòng vui-mừng mà làm xong chức-vụ mình, không phàn-nàn chi, vì ấy chẳng ích-lợi gì cho anh em”.—Hê 13:17.

Hãy nhường nhịn nhau trong gia đình

18. Tại sao biểu lộ tinh thần nhường nhịn trong gia đình là thích đáng?

18 Tinh thần nhường nhịn cũng có vai trò quan trọng trong gia đình. (Đọc Cô-lô-se 3:18-21). Kinh Thánh cho thấy vai trò của mỗi thành viên trong gia đình tín đồ Đấng Christ. Chồng vừa là đầu của vợ vừa là người chịu trách nhiệm chính trong việc dạy dỗ con cái. Người vợ nên nhìn nhận uy quyền của chồng, con cái nên cố gắng vâng lời cha mẹ, và đường lối đó làm đẹp lòng Chúa. Mỗi thành viên có thể góp phần làm cho gia đình được trên thuận dưới hòa bằng cách nhường nhịn nhau một cách hợp lý và phải lẽ. Một số trường hợp trong Kinh Thánh giúp làm sáng tỏ điểm này.

19, 20. (a) Hãy nêu điểm tương phản giữa cách cư xử của ông Hê-li và của Đức Giê-hô-va ? (b) Các bậc cha mẹ có thể rút ra những bài học nào qua hai trường hợp này?

19 Khi Sa-mu-ên còn bé, ông Hê-li là thầy tế lễ thượng phẩm ở Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, hai con trai của Hê-li là Hóp-ni và Phi-nê-a là “người gian-tà, chẳng nhận-biết Đức Giê-hô-va”. Ông Hê-li nghe rằng hai con trai mình làm nhiều điều xấu xa, kể cả việc họ nằm cùng các người nữ hầu việc tại cửa hội mạc. Ông phản ứng ra sao? Hê-li nói với hai người con rằng nếu họ phạm tội cùng Đức Giê-hô-va thì không có ai cầu thay cho họ. Tuy nhiên, ông đã không sửa trị và trừng phạt họ. Hậu quả là các con của Hê-li tiếp tục làm điều ác. Cuối cùng, Đức Giê-hô-va quyết định thi hành công lý là họ phải lãnh án chết. Khi nghe tin hai con trai chết, ông Hê-li ngã từ trên ghế xuống và tắt thở. Thật là một hậu quả bi thảm! Rõ ràng, ông Hê-li đã sai khi nhân nhượng những hành động gian ác của các con. Theo một nghĩa nào đó, ông đã dung túng họ làm điều ác.—1 Sa-mu-ên 2:12-17, 22-25, 34, 35; 4:17, 18.

20 Khác với Hê-li, hãy xem cách Đức Chúa Trời cư xử với thiên sứ, các con trai của Ngài. Nhà tiên tri Mi-chê có một sự hiện thấy đáng chú ý về buổi họp giữa Đức Giê-hô-va và các thiên sứ. Đức Giê-hô-va hỏi xem thiên sứ nào có thể đánh lừa vua A-háp của Y-sơ-ra-ên để chấm dứt triều đại của vua ác ấy. Ngài lắng nghe ý kiến của những người con thần linh. Rồi, có một thiên sứ thưa rằng sẽ làm điều đó. Đức Giê-hô-va hỏi thiên sứ ấy sẽ làm cách nào. Ngài hài lòng và giao cho thiên sứ ấy trách nhiệm thực hiện kế hoạch (1 Vua 22:19-23). Về phần loài người, lẽ nào các thành viên trong gia đình lại không học được bài học nào về tính nhường nhịn hay sao? Trong gia đình tín đồ Đấng Christ, tốt hơn là người chồng và người cha nên cân nhắc ý kiến và lời đề nghị của vợ con. Ngược lại, vợ con nên hiểu rằng nếu đã nêu ý kiến và nói lên sở thích, thì họ cần phải tôn trọng và vâng theo sự hướng dẫn của người mà Kinh Thánh cho quyền quyết định.

21. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét điều gì?

21 Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va đã cho chúng ta những lời nhắc nhở đầy yêu thương và khôn ngoan về tính nhường nhịn! (Thi 119:99). Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét việc nhường nhịn một cách phải lẽ mang lại niềm vui trong hôn nhân như thế nào.

[Chú thích]

^ đ. 2 Sứ đồ Phao-lô dùng một từ mà tiếng Việt có thể dùng nhiều từ để diễn đạt ý nghĩa của từ ấy. Từ mà Phao-lô dùng được dịch là “nết nhu-mì” cũng có nghĩa là nhường nhịn. Theo một tài liệu tham khảo, từ này “bao hàm tinh thần sẵn sàng nhường quyền, bày tỏ lòng quan tâm và thể hiện tính mềm mại với người khác”. Vì thế, trong tiếng Việt, tùy văn cảnh, chúng ta có thể dùng những từ như: nhân nhượng, vâng phục, vâng theo. Từ nhường nhịn còn có nghĩa là theo tinh thần chứ không phải theo lời văn của luật pháp, và cũng có nghĩa là không khăng khăng giữ quyền của mình.

^ đ. 13 Xin xem bài “Nếu bạn ‘bị bắt đi làm phu’ ” trong Tháp Canh ngày 15-2-2005, trang 23-26.

Bạn trả lời thế nào?

• Tính nhường nhịn mang lại kết quả nào?

• Các giám thị có thể biểu lộ tinh thần nhường nhịn như thế nào?

• Tại sao thể hiện tinh thần nhường nhịn là quan trọng trong đời sống gia đình?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 4]

Trưởng lão noi gương Đấng Christ cư xử tử tế với người khác

[Hình nơi trang 6]

Khi các trưởng lão họp lại, việc cầu nguyện, suy ngẫm và tinh thần nhường nhịn giúp họ hiệp một với nhau