Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đời sống có giá trị nhờ đâu?

Đời sống có giá trị nhờ đâu?

Đời sống có giá trị nhờ đâu?

“Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài”.—TRUYỀN 12:13.

1, 2. Khi xem xét sách Truyền-đạo, chúng ta nhận được lợi ích nào?

Hãy hình dung một người có vẻ như có tất cả. Ông là một lãnh tụ nổi tiếng, một trong những người giàu có nhất thế gian và là người trí thức nhất thời ông. Dù thành đạt đến thế, nhưng thật ra ông vẫn thắc mắc: “Điều gì giúp đời sống có giá trị?”

2 Đó là một người có thật, từng sống cách nay khoảng 3.000 năm. Tên ông là Sa-lô-môn. Trong sách Truyền-đạo, chúng ta sẽ thấy ông kể lại cuộc tìm kiếm sự thỏa nguyện trong đời sống (Truyền 1:13). Chúng ta có thể học được nhiều điều qua kinh nghiệm của vua Sa-lô-môn. Thật vậy, nhờ những lời khôn ngoan được ghi lại trong sách Truyền-đạo, chúng ta có thể đặt mục tiêu để có được đời sống thật sự có ý nghĩa.

“Theo luồng gió thổi”

3. Tất cả chúng ta phải đối mặt với sự thật đáng suy nghĩ nào về đời sống?

3 Sa-lô-môn cho biết Đức Chúa Trời đã tạo ra biết bao vật tuyệt đẹp trên đất—gồm các kỳ quan thiên nhiên cũng như những nguồn cảm hứng vô tận khiến chúng ta không bao giờ nhàm chán. Tuy nhiên, chúng ta khó có thể khám phá hết các công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời vì đời sống quá ngắn ngủi (Truyền 3:11; 8:17). Như Kinh Thánh cho biết, các ngày của chúng ta thật ít ỏi và qua nhanh (Gióp 14:1, 2; Truyền 6:12). Sự thật này đáng cho chúng ta suy nghĩ và thúc đẩy chúng ta dùng đời sống một cách khôn ngoan. Đây không phải là điều dễ làm vì thế gian của Sa-tan có thể hướng chúng ta đi sai đường.

4. (a) Từ “hư-không” ám chỉ điều gì? (b) Những điều nào mà chúng ta theo đuổi trong đời sống sẽ được xem xét?

4 Để nhấn mạnh mối nguy hiểm của việc lãng phí đời sống, vua Sa-lô-môn đã dùng từ “hư-không” khoảng 30 lần trong sách Truyền-đạo. Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “hư-không” ám chỉ một điều gì đó rỗng tuếch, vô ích, vô nghĩa, không có thực chất hoặc không có giá trị lâu dài (Truyền 1:2, 3). Đôi khi vua Sa-lô-môn dùng từ “hư-không” đi đôi với cụm từ “theo luồng gió thổi” (Truyền 1:14; 2:11). Dĩ nhiên, mọi nỗ lực nhằm bắt gió đều là vô ích. Người nào cố làm thế cuối cùng chẳng bắt được gì. Theo đuổi những mục tiêu thiếu khôn ngoan chỉ dẫn đến những điều phiền muộn. Đời sống trong thế gian này quá ngắn ngủi nên chúng ta không nên lãng phí đời mình vào những công trình chỉ dẫn đến hư không. Vì vậy, để tránh sai lầm này, chúng ta hãy xem một số điều bình thường mà vua Sa-lô-môn đã theo đuổi. Trước hết, hãy xem xét việc theo đuổi thú vui và chạy theo của cải vật chất. Sau đó, chúng ta sẽ thảo luận về giá trị của việc làm.

Theo đuổi thú vui có mang lại hạnh phúc?

5. Vua Sa-lô-môn tìm sự thỏa lòng ở đâu?

5 Như nhiều người ngày nay, vua Sa-lô-môn cố tìm sự thỏa lòng bằng cách theo đuổi những thú vui trong đời sống. Ông cho biết: “Ta. . . chẳng cấm điều gì lòng mình ưa-thích” (Truyền 2:10). Ông tìm thú vui ở đâu? Theo Truyền-đạo chương 2, ông “uống rượu để cho thân mình vui-sướng” (nhưng vẫn tự chủ, không uống quá nhiều), ông cũng trang trí ngoại cảnh, thiết kế những cung điện, thưởng thức âm nhạc và cao lương mỹ vị.

6. (a) Tại sao việc hưởng một số thú vui trong đời sống không có gì sai? (b) Chúng ta cần có quan điểm thăng bằng nào trong việc giải trí?

6 Kinh Thánh có lên án việc chúng ta vui chơi với bạn bè không? Hoàn toàn không. Chẳng hạn, vua Sa-lô-môn nhận thấy rằng sau một ngày làm việc mệt nhọc, việc dùng bữa trong bầu không khí thoải mái là sự ban cho của Đức Chúa Trời. (Đọc Truyền-đạo 2:24; 3:12, 13). Hơn nữa, chính Đức Giê-hô-va khuyến khích những người trẻ ‘hãy vui-mừng và hớn-hở’, vui chơi có chừng mực (Truyền 11:9). Chúng ta cần thư giãn và giải trí lành mạnh. (So sánh Mác 6:31). Tuy nhiên, chúng ta sống không chỉ để giải trí mà thôi. Thay vì thế, chúng ta nên xem việc giải trí như món tráng miệng, chứ không phải món ăn chính. Hẳn bạn cũng đồng ý rằng dù thích món tráng miệng ngon ngọt đến mức nào đi nữa, bạn sẽ chóng chán nếu không dùng thêm món khác. Ngoài ra, chỉ món tráng miệng thôi thì không đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tương tự thế, vua Sa-lô-môn nhận thấy rằng sống chỉ để theo đuổi thú vui là “theo luồng gió thổi”.—Truyền 2:10, 11.

7. Tại sao chúng ta nên cẩn thận khi chọn các loại hình giải trí?

7 Hơn nữa, không phải loại hình giải trí nào cũng lành mạnh. Nhiều loại hình giải trí rất tai hại về phương diện thiêng liêng lẫn đạo đức. Biết bao triệu người đã lâm vào nỗi tuyệt vọng chỉ vì muốn “vui một chút” khi dùng ma túy, ham mê rượu chè và cờ bạc! Đức Giê-hô-va nhân từ cảnh báo rằng nếu chúng ta để lòng và mắt xui giục làm những điều tai hại, chúng ta phải ý thức là mình sẽ gánh chịu hậu quả.—Ga 6:7.

8. Tại sao ngẫm nghĩ về cuộc đời mình là điều khôn ngoan?

8 Ngoài ra, việc đam mê theo đuổi những thú vui sẽ khiến chúng ta không quan tâm đến những vấn đề quan trọng hơn. Hãy nhớ rằng đời người trôi qua rất nhanh, không có gì bảo đảm là chúng ta luôn khỏe mạnh và không bao giờ gặp một trở ngại nào. Như vua Sa-lô-môn nhận xét thêm, đó là lý do tại sao chúng ta nhận được nhiều lợi ích khi dự tang lễ, đặc biệt là tang lễ của một anh hay một chị trung thành, hơn là đến “nhà vui-sướng”. (Đọc Truyền-đạo 7:2, 4). Tại sao thế? Khi nghe bài diễn văn tang lễ và ngẫm nghĩ về lúc sinh thời của một tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, điều đó có thể khiến chúng ta suy nghĩ về cuộc đời mình. Nhờ vậy, chúng ta có thể nhận ra rằng mình cần điều chỉnh mục tiêu để dùng quãng đời còn lại một cách khôn ngoan.—Truyền 12:1.

Tài sản có mang lại thỏa nguyện?

9. Liên quan đến việc có nhiều của cải, vua Sa-lô-môn nhận ra điều gì?

9 Vua Sa-lô-môn là người giàu nhất thế gian khi ông viết sách Truyền-đạo (2 Sử 9:22). Ông có khả năng đạt được mọi điều mong muốn. Ông viết: “Ta chẳng từ điều gì mắt mình ước-ao” (Truyền 2:10). Dù vậy, ông nhận ra rằng của cải tự nó không mang lại sự thỏa nguyện. Ông kết luận: “Kẻ tham tiền-bạc chẳng hề chán-lắc tiền-bạc; kẻ ham của-cải chẳng hề chán về huê-lợi”.—Truyền 5:10.

10. Điều gì làm cho chúng ta thật sự thỏa nguyện và giàu có?

10 Tuy của cải chỉ có giá trị tạm thời nhưng sự giàu sang vẫn có mãnh lực thu hút người ta. Trong một cuộc thăm dò ý kiến ở Hoa Kỳ, 75% sinh viên năm thứ nhất cho biết mục tiêu chính trong đời họ là “kiếm được nhiều tiền”. Ngay dù đã đạt mục tiêu, liệu họ có thật sự hạnh phúc không? Không hẳn thế. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc đặt nặng vật chất thật ra là điều cản trở người ta có được hạnh phúc và sự thỏa lòng. Thuở xưa, vua Sa-lô-môn đã nghiệm được điều này. Ông viết: “Ta cũng thâu chứa bạc vàng, và những vật báu của các vua. . . kìa, mọi điều đó là sự hư-không và theo luồng gió thổi” * (Truyền 2:8, 11). Trái lại, nếu chúng ta dùng đời sống để hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va và nhờ đó nhận được ân phước, chúng ta sẽ thật sự giàu có.—Đọc Châm-ngôn 10:22.

Công việc nào mang lại thỏa nguyện thật sự?

11. Kinh Thánh cho thấy gì về giá trị của công việc?

11 Chúa Giê-su phán: “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy” (Giăng 5:17). Rõ ràng là Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đều cảm thấy thỏa nguyện khi làm việc. Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va mãn nguyện với công trình sáng tạo của Ngài: “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành” (Sáng 1:31). Các thiên sứ “cất tiếng reo mừng” khi thấy tất cả những gì Đức Chúa Trời đã tạo nên (Gióp 38:4-7). Vua Sa-lô-môn cũng quý trọng giá trị của việc làm đầy ý nghĩa.—Truyền 3:13.

12, 13. (a) Nói về sự thỏa lòng nhờ lao động trung thực, có hai người đã nhận xét thế nào? (b) Tại sao công việc ngoài đời đôi khi có thể gây phiền muộn?

12 Nhiều người hiểu được giá trị của thành quả lao động trung thực. Chẳng hạn như anh José, một họa sĩ thành đạt nói: “Khi vẽ được một bức tranh sơn dầu mà bạn hình dung trong trí, bạn có cảm giác như mình đã chinh phục được một ngọn núi cao”. Anh Miguel, * một doanh nhân, cho biết: “Công việc mang lại sự thỏa lòng vì bạn có thể chu cấp cho gia đình. Công việc đó cũng mang lại cho bạn cảm giác thành đạt”.

13 Trái lại, có nhiều công việc rất đơn điệu và không có cơ hội sáng tạo. Đôi khi, chính sở làm lại là nơi gây ra bực bội và thậm chí là nơi xảy ra cảnh bất công. Như vua Sa-lô-môn cho thấy, kẻ lười biếng có lẽ nhờ quen biết với người quyền thế nên được hưởng công lao của người lao động siêng năng (Truyền 2:21). Những yếu tố khác cũng có thể dẫn đến nỗi thất vọng. Cái ban đầu gọi là cơ hội làm ăn béo bở có thể kết thúc bằng sự thua lỗ vì nền kinh tế xuống dốc hoặc vì những bất trắc không lường trước được. (Đọc Truyền-đạo 9:11). Nhiều khi người ta phấn đấu hết sức để thành công nhưng rốt cuộc chỉ thấy cay đắng và phiền muộn vì nhận ra rằng mình “chịu lao-khổ đặng theo luồng gió thổi”.—Truyền 5:16.

14. Công việc nào luôn giúp người ta thật sự thỏa lòng?

14 Có công việc nào không bao giờ gây thất vọng không? Anh José, người họa sĩ được đề cập ở trên nhận xét: “Với thời gian, những bức tranh có thể bị lạc mất hoặc bị hư hại. Điều này không thể xảy ra đối với việc phụng sự Đức Chúa Trời. Bằng cách vâng lời Đức Giê-hô-va trong công việc rao truyền tin mừng, tôi đã giúp những người khác biết kính sợ Đức Chúa Trời và điều đó mang lại lợi ích lâu dài cho họ. Đó là điều vô giá” (1 Cô 3:9-11). Anh Miguel cũng nói rằng công việc rao truyền thông điệp về Nước Trời mang lại cho anh sự thỏa lòng nhiều hơn là công việc ngoài đời. Anh nói: “Không có gì thay thế niềm vui bạn cảm nghiệm được khi chia sẻ lẽ thật của Kinh Thánh với người khác và thấy điều đó động đến lòng họ”.

“Hãy liệng bánh ngươi nơi mặt nước”

15. Điều gì giúp đời sống thật sự có giá trị?

15 Tóm lại, điều gì thật sự giúp đời sống có giá trị? Chúng ta cảm thấy thật sự thỏa lòng nếu dùng cuộc đời ngắn ngủi hiện nay để làm điều lành và làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể tạo mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời, truyền lại cho con cái giá trị của những điều thiêng liêng, giúp người khác biết về Đức Giê-hô-va và thắt chặt tình bạn với anh em đồng đạo (Ga 6:10). Tất cả những nỗ lực này có giá trị lâu dài và mang lại ân phước cho những ai làm thế. Vua Sa-lô-môn dùng một hình ảnh so sánh rất thú vị để miêu tả giá trị của việc làm điều lành. Ông nói: “Hãy liệng bánh ngươi nơi mặt nước, vì khỏi lâu ngày ngươi sẽ tìm nó lại” (Truyền 11:1). Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ: “Hãy cho, người sẽ cho mình” (Lu 6:38). Hơn nữa, chính Đức Giê-hô-va hứa ban thưởng cho những người làm điều lành cho người khác.—Châm 19:17; đọc Hê-bơ-rơ 6:10.

16. Khi nào là thời điểm lý tưởng để lên kế hoạch cho đời mình?

16 Kinh Thánh khuyến khích chúng ta khi còn trẻ hãy quyết định khôn ngoan về cách dùng đời sống của mình. Làm thế, chúng ta có thể tránh được những điều bực bội sau này (Truyền 12:1). Nếu chúng ta lãng phí những năm tháng tốt nhất của cuộc đời để chạy theo những lôi cuốn của thế gian, và rồi chỉ thấy tất cả không khác gì ngọn gió thổi. Như thế thật đáng buồn biết bao!

17. Điều gì giúp bạn chọn lối sống tốt nhất?

17 Như bất cứ một người cha đầy yêu thương nào, Đức Giê-hô-va muốn bạn vui hưởng cuộc sống, làm điều lành và tránh những điều đau lòng (Truyền 11:9, 10). Điều gì giúp bạn làm thế? Hãy đặt những mục tiêu thiêng liêng và rồi gắng sức đạt những mục tiêu đó. Cách nay gần 20 năm, anh Javier phải chọn lựa giữa nghề bác sĩ đầy hứa hẹn và công việc rao giảng trọn thời gian. Anh nói: “Dù nghề bác sĩ có thể mang lại sự thỏa lòng nhưng không gì có thể so với niềm vui tôi cảm nghiệm được khi giúp nhiều người biết lẽ thật. Công việc rao giảng trọn thời gian giúp tôi có một đời sống tốt đẹp. Tôi chỉ tiếc là mình đã không bắt đầu sớm hơn”.

18. Tại sao đời sống trên đất của Chúa Giê-su rất có giá trị?

18 Vậy, điều gì là quý giá nhất mà chúng ta nên gắng sức đạt được? Sách Truyền-đạo nói: “Danh-tiếng hơn dầu quí-giá; ngày chết hơn ngày sanh” (Truyền 7:1). Không có gì làm sáng tỏ điều này hơn là cuộc đời của Chúa Giê-su. Ngài chắc chắn đã tạo được danh tiếng nổi bật trước mắt Đức Giê-hô-va. Khi Chúa Giê-su chết một cách trung thành, ngài biện minh cho quyền cai trị hoàn vũ của Cha ngài và cung cấp của-lễ hy sinh làm giá chuộc, nhờ đó chúng ta được cứu rỗi (Mat 20:28). Trong thời gian ngắn ngủi sống trên đất, ngài cho chúng ta một gương hoàn hảo về đời sống có giá trị thật sự—một gương xứng đáng cho chúng ta cố gắng noi theo.—1 Cô 11:1; 1 Phi 2:21.

19. Vua Sa-lô-môn đưa ra lời khuyên khôn ngoan nào?

19 Chúng ta cũng có thể tạo danh tiếng tốt trước mắt Đức Chúa Trời. Đối với chúng ta, có danh tiếng tốt trước mắt Đức Giê-hô-va còn quý hơn sự giàu sang rất nhiều. (Đọc Ma-thi-ơ 6:19-21). Mỗi ngày, chúng ta có thể tìm cách làm những điều khiến Đức Giê-hô-va đẹp lòng và khiến cho đời sống chúng ta trở nên phong phú. Chẳng hạn, chúng ta có thể chia sẻ tin mừng với người khác, xây dựng nền tảng hôn nhân và gia đình cho vững chắc, thắt chặt mối quan hệ với Đức Giê-hô-va qua việc học hỏi cá nhân và tham dự các buổi họp (Truyền 11:6; Hê 13:16). Vậy, bạn có muốn hưởng một đời sống có giá trị không? Nếu muốn, hãy làm theo lời khuyên của vua Sa-lô-môn: “Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi”.—Truyền 12:13.

[Chú thích]

^ đ. 10 Vua Sa-lô-môn có thu nhập căn bản hằng năm là 666 ta-lâng vàng (hơn 22.000 kg).—2 Sử 9:13, Bản Diễn Ý.

^ đ. 12 Tên đã thay đổi.

Bạn trả lời thế nào?

• Điều gì khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về các mục tiêu trong đời sống?

• Chúng ta nên có quan điểm nào về việc theo đuổi thú vui và chạy theo của cải vật chất?

• Công việc nào sẽ mang lại sự thỏa lòng lâu dài?

• Điều có giá trị nào chúng ta nên cố gắng có được?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Chúng ta nên có quan điểm nào về việc giải trí?

[Hình nơi trang 24]

Điều gì khiến công việc rao giảng mang lại sự thỏa nguyện sâu xa?