Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hôn nhân và thiên chức làm cha mẹ trong kỳ sau rốt

Hôn nhân và thiên chức làm cha mẹ trong kỳ sau rốt

Hôn nhân và thiên chức làm cha mẹ trong kỳ sau rốt

“Thì-giờ ngắn-ngủi”.—1 CÔ 7:29.

1. (a) Trong số các “khó-khăn”, có những biến đổi nào đang xảy ra? (b) Tại sao những thay đổi về giá trị của gia đình làm chúng ta quan tâm?

Lời Đức Chúa Trời báo trước “kỳ sau-rốt” sẽ được đánh dấu bởi chiến tranh, động đất, đói kém và dịch lệ (Đa 8:17, 19; Lu 21:10, 11). Kinh Thánh cũng cảnh báo rằng giai đoạn quyết định này của lịch sử nhân loại sẽ là một giai đoạn có nhiều biến đổi lớn trong xã hội. Một trong những “khó-khăn” của “ngày sau-rốt” là đời sống gia đình có nhiều xáo trộn (2 Ti 3:1-4). Tại sao những biến đổi đó làm chúng ta quan tâm? Vì những biến đổi ấy ngày càng lan tràn và có tác động mạnh mẽ đến mức có thể ảnh hưởng đến quan điểm của tín đồ Đấng Christ ngày nay về hôn nhân và thiên chức làm cha mẹ. Ảnh hưởng như thế nào?

2. Thế gian nói chung có quan điểm nào về hôn nhân và ly dị?

2 Ngày nay, người ta dễ dàng ly dị và tình trạng này rất phổ biến. Tỉ lệ ly dị tại nhiều nước đang leo thang. Tuy nhiên, về vấn đề hôn nhân và ly dị, chúng ta nên nhớ rõ rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời có quan điểm hoàn toàn khác với những người xung quanh chúng ta nói chung. Vậy, quan điểm của Đức Giê-hô-va là gì?

3. Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su có quan điểm nào về hôn nhân?

3 Giê-hô-va Đức Chúa Trời muốn những người đã kết hôn phải trung thành với lời thề ước hôn nhân. Khi tác hợp cặp vợ chồng đầu tiên, Đức Giê-hô-va phán: “Người nam sẽ. . . dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt”. Sau này, Chúa Giê-su nhắc lại lời ấy và nói thêm: “Vậy, loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!”. Chúa Giê-su cũng nói: “Nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại-tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà-dâm” (Sáng 2:24; Mat 19:3-6, 9). Vì vậy, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su xem hôn nhân là sự ràng buộc trọn đời, và mối quan hệ này chỉ chấm dứt khi một người hôn phối qua đời (1 Cô 7:39). Vì hôn nhân là một sự sắp đặt thánh khiết nên chúng ta không thể xem nhẹ việc ly dị. Thật thế, Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va ghét việc ly dị không dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh. *Đọc Ma-la-chi 2:13-16; 3:6.

Trách nhiệm giữa vợ chồng

4. Tại sao một số tín đồ trẻ tuổi cảm thấy hối tiếc khi vội kết hôn?

4 Trong thế gian không tin kính mà chúng ta đang sống, người ta thường chú trọng đến tình dục. Mỗi ngày, vô số hình ảnh khiêu dâm—như những làn sóng—luôn đập vào mắt chúng ta. Không thể xem thường ảnh hưởng của các hình ảnh ấy đối với chúng ta, nhất là đối với những người trẻ yêu quý trong hội thánh. Hình ảnh ấy gợi lên những ham muốn tình dục trong lòng họ, dù biết đó là điều sai trái. Vậy, các tín đồ trẻ nên phản ứng thế nào? Một số tín đồ đối phó với vấn đề này bằng cách kết hôn khi còn rất trẻ. Làm như thế, họ hy vọng sẽ tránh được nguy cơ phạm tội tà dâm. Nhưng không lâu sau khi kết hôn, một số cặp vợ chồng trẻ cảm thấy hối tiếc về quyết định của mình. Tại sao? Một khi cảm xúc mới lạ trong hôn nhân trở nên phai nhạt, họ nhận ra rằng chính mình và người hôn phối thường không có cùng quan điểm trong những vấn đề hằng ngày. Điều dễ hiểu là những cặp vợ chồng trẻ như thế rồi cũng phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng.

5. Điều gì giúp các cặp vợ chồng giữ lời thề ước hôn nhân? (Xin xem thêm cước chú).

5 Kết hôn với một người, ngay cả với người cùng đức tin, chắc chắn sẽ có khó khăn vì người hôn phối thật ra khác hẳn với người trong mộng (1 Cô 7:28). Tuy nhiên, dù khó khăn đến mức nào, tín đồ thật của Đấng Christ biết rằng việc ly dị không theo nguyên tắc Kinh Thánh không phải là giải pháp để giải quyết những vấn đề trong hôn nhân. Vì vậy, những ai cố gắng gìn giữ hôn nhân vì muốn giữ lời thề ước thì xứng đáng được hội thánh tôn trọng và giúp đỡ một cách yêu thương. *

6. Các tín đồ trẻ tuổi nên có quan điểm nào về hôn nhân?

6 Có phải bạn còn trẻ và chưa kết hôn không? Nếu thế, bạn nên có quan điểm nào về hôn nhân? Bạn có thể tránh được sự đau lòng nếu đợi đến khi trưởng thành về thể chất, tâm lý và thiêng liêng. Lúc ấy, bạn sẵn sàng để bắt đầu tìm hiểu một tín đồ khác phái. Dĩ nhiên, Kinh Thánh không nói cụ thể độ tuổi để kết hôn. * Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy bạn sẽ nhận được lợi ích nếu chờ đến khi quá “tuổi bồng bột”, vì những ham muốn tình dục ở độ tuổi này rất mãnh liệt (1 Cô 7:36, Nguyễn Thế Thuấn). Tại sao? Lý do là những ham muốn ấy làm lệch lạc khả năng suy xét, khiến bạn quyết định thiếu khôn ngoan và có thể dẫn đến hậu quả đau lòng về sau. Hãy nhớ rằng: Lời khuyên khôn ngoan của Đức Giê-hô-va về hôn nhân được ghi trong Kinh Thánh có mục đích mang lại lợi ích và hạnh phúc cho bạn.—Đọc Ê-sai 48:17, 18.

Thiên chức làm cha mẹ

7. Một số cặp vợ chồng trẻ cảm nghiệm điều gì, và tại sao điều này làm cho mối quan hệ giữa vợ chồng trở nên nặng nề?

7 Một số cặp vợ chồng thấy rằng họ sắp có con khi còn quá trẻ. Họ còn chưa có đủ thời gian để hiểu nhau thì đứa bé đã chào đời, đòi hỏi cha mẹ phải chăm sóc cả ngày lẫn đêm. Hiển nhiên, người mẹ thường dành hầu hết thời gian cho đứa con mới sinh, điều đó có lẽ khiến người bố trẻ cảm thấy ghen tị. Hơn nữa, những đêm mất ngủ có thể gây căng thẳng và làm cho mối quan hệ giữa hai vợ chồng trở nên nặng nề. Bỗng dưng, họ nhận thấy mình mất nhiều tự do. Giờ đây, họ không còn tự do để làm những việc hoặc đi những nơi như trước kia. Họ nên có quan điểm nào về hoàn cảnh thay đổi này?

8. Chúng ta nên có quan điểm nào về thiên chức làm cha mẹ, và tại sao?

8 Khi bước vào hôn nhân, vợ chồng phải thể hiện tinh thần trách nhiệm. Cũng thế, thiên chức làm cha mẹ phải được xem là đặc ân và trách nhiệm Đức Chúa Trời giao phó. Khi có con, dù nảy sinh bất cứ xáo trộn nào trong đời sống, vợ chồng tín đồ Đấng Christ nên thể hiện tinh thần trách nhiệm, cố gắng hết sức để đối phó với những thay đổi này. Vì Đức Giê-hô-va ban cho loài người khả năng sinh sản, cha mẹ cần xem con cái là “cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra” (Thi 127:3). Cha mẹ tín đồ Đấng Christ cố gắng đảm đương bổn phận làm ‘cha mẹ trong Chúa’.—Ê-phê 6:1.

9. (a) Việc nuôi dạy con cái đòi hỏi điều gì? (b) Người chồng có thể làm gì để giúp vợ giữ vững tình trạng thiêng liêng?

9 Việc nuôi dạy con cái đòi hỏi cha mẹ phải thể hiện tinh thần hy sinh trong nhiều năm. Đó là một cuộc đầu tư lớn cần nhiều thời giờ và năng lực. Người chồng tín đồ Đấng Christ cần hiểu rằng sau khi sinh con khoảng vài năm, rất có thể người vợ bị phân tâm trong các buổi họp, ít có thời giờ học hỏi cá nhân và suy ngẫm Kinh Thánh. Điều này có thể ảnh hưởng đến tình trạng thiêng liêng của chị. Người chồng phải cố gắng hết sức để giúp vợ chăm sóc con, hầu làm tròn thiên chức làm cha. Tại các buổi họp, có lẽ người vợ không thể tiếp thu hết chương trình. Khi về nhà, anh cố gắng bù đắp sự mất mát này bằng cách chia sẻ những điểm người vợ có thể bỏ lỡ. Ngoài ra, anh cũng có thể chăm sóc con để vợ có dịp tham gia trọn vẹn trong công việc rao giảng về Nước Trời.—Đọc Phi-líp 2:3, 4.

10, 11. (a) Làm thế nào cha mẹ nuôi dạy con cái theo sự “khuyên-bảo của Chúa”? (b) Tại sao nhiều cha mẹ theo đạo Đấng Christ đáng được khen ngợi?

10 Trách nhiệm làm cha mẹ đòi hỏi nhiều hơn là việc chỉ lo cho con mình có cái ăn cái mặc, mái ấm và sức khỏe tốt. Đặc biệt trong thời kỳ cuối cùng đầy nguy hiểm này, con trẻ cần phải học những chuẩn mực đạo đức ngay từ thuở ấu thơ để áp dụng trong đời sống. Con cái cần được nuôi dạy theo “sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa” (Ê-phê 6:4). Sự “khuyên-bảo” bao hàm việc khắc ghi ý tưởng của Đức Giê-hô-va vào trí con trẻ từ lúc thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành.—2 Ti 3:14, 15.

11 Khi Chúa Giê-su truyền cho các môn đồ đi “dạy-dỗ muôn-dân”, hẳn ngài có ý nói cha mẹ nên dạy con cái trở thành môn đồ ngài (Mat 28:19, 20). Đó là một thách đố vì áp lực của thế gian này tác động mạnh đến con cái họ. Thế nên, cha mẹ nào trong hội thánh đã nuôi dạy con cái trở thành tín đồ Đấng Christ thật đáng được khen ngợi một cách nồng nhiệt. Là những bậc cha mẹ có tinh thần trách nhiệm, họ đã “thắng” được ảnh hưởng của thế gian nhờ đức tin và lòng trung thành.—1 Giăng 5:4.

Không có con hoặc sống độc thân vì mục tiêu cao quý

12. Tại sao một số tín đồ Đấng Christ muốn sống độc thân trong một thời gian?

12 Vì “thì-giờ ngắn-ngủi [“thời gian chẳng còn bao lâu”, Tòa Tổng Giám Mục]” và “hình-trạng thế-gian nầy qua đi”, Lời Đức Chúa Trời khuyến giục chúng ta hãy xem xét những thuận lợi của đời sống độc thân (1 Cô 7:29-31). Vì vậy, một số tín đồ Đấng Christ muốn sống độc thân suốt đời hoặc chưa vội kết hôn. Điều đáng khen là họ đã không tận dụng những thuận lợi của đời sống độc thân để theo đuổi lợi ích cá nhân. Nhiều người vẫn sống độc thân để phụng sự Đức Giê-hô-va mà “không phân-tâm” (Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:32-35). Một số tín đồ độc thân tham gia công việc tiên phong hoặc phụng sự ở nhà Bê-tên. Một số anh tận dụng thời gian còn độc thân để theo học Trường huấn luyện thánh chức nhằm phục vụ tổ chức của Đức Giê-hô-va. Thật thế, theo những người từng phụng sự trọn thời gian khi còn độc thân, kinh nghiệm có được trong những năm ấy rất hữu ích cho cuộc sống lứa đôi.

13. Tại sao một số cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ quyết định không sinh con?

13 Tuy nhiên, tại một số nơi trên thế giới, đời sống gia đình có sự thay đổi là nhiều cặp vợ chồng quyết định không sinh con. Có người làm thế vì lý do kinh tế, số khác thì muốn được tự do để theo đuổi sự nghiệp đầy triển vọng. Trong vòng tín đồ Đấng Christ cũng có những cặp quyết định không sinh con. Tuy nhiên, thường thì họ quyết định như vậy để có nhiều thời gian phụng sự Đức Giê-hô-va. Điều này không có nghĩa là đời sống hôn nhân của họ không bình thường. Hôn nhân của họ vẫn bình thường như bao người khác, nhưng họ sẵn lòng đặt quyền lợi Nước Trời lên trên những ân phước mà hôn nhân mang lại (1 Cô 7:3-5). Một số cặp vợ chồng phụng sự Đức Giê-hô-va và phục vụ anh em trong công việc vòng quanh, địa hạt hoặc tại nhà Bê-tên. Những người khác phục vụ với tư cách tiên phong hoặc giáo sĩ. Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ quên công việc và lòng yêu thương họ tỏ ra vì danh Ngài.—Hê 6:10.

“Khó-khăn về xác-thịt”

14, 15. Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ có thể phải trải nghiệm “nỗi gian truân khốn khổ” nào?

14 Sứ đồ Phao-lô nói với các cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ rằng họ sẽ có “khó-khăn về xác-thịt”, hoặc theo bản Tòa Tổng Giám Mục là họ phải chịu “nỗi gian truân khốn khổ” (1 Cô 7:28). Điều này có thể bao hàm vấn đề sức khỏe của hai vợ chồng, con cái hoặc cha mẹ già. Đó cũng bao hàm những khó khăn và nỗi đau trong việc nuôi dạy con cái. Như đã được đề cập nơi đầu bài, Kinh Thánh báo trước rằng trong “ngày sau-rốt” sẽ có “thời-kỳ khó-khăn”. Một trong số những khó khăn đó là con cái “nghịch cha mẹ”.—2 Ti 3:1-3.

15 Nuôi dạy con cái là một thách đố lớn đối với cha mẹ theo đạo Đấng Christ. Chúng ta không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tai hại trong “thời-kỳ khó-khăn” hiện nay. Vì vậy, cha mẹ phải luôn chống lại ảnh hưởng độc hại mà “thói-quen đời nầy” có thể tác động đến con cái họ (Ê-phê 2:2, 3). Và không phải trận chiến nào cũng thắng! Trong trường hợp một đứa con của gia đình tín đồ Đấng Christ ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va, điều đó thật là “nỗi gian truân khốn khổ” cho cha mẹ, những người đã cố gắng dạy dỗ con theo lẽ thật của Đức Chúa Trời.—Châm 17:25.

“Sẽ có hoạn-nạn lớn”

16. Chúa Giê-su tiên tri về cơn “cơn gian nan khốn khổ” nào?

16 Tuy nhiên, bất cứ “nỗi gian truân khốn khổ” nào trong phạm vi hôn nhân và trong việc nuôi dạy con cái cũng không thể so với một nỗi gian truân khác khốn khổ hơn nhiều. Trong lời tiên tri về sự hiện diện của ngài và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự, Chúa Giê-su phán: “Sẽ có hoạn-nạn lớn [“cơn gian nan khốn khổ”, TTGM], đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa” (Mat 24:3, 21). Sau đó, Chúa Giê-su cho biết sẽ có một đám đông được sống sót qua “cơn gian nan khốn khổ” này. Tuy nhiên, thế gian của Sa-tan sẽ tiếp tục tấn công Nhân Chứng hiền hòa của Đức Giê-hô-va trong một trận cuối cùng. Rõ ràng, đó sẽ là thời kỳ khó khăn cho tất cả chúng ta, người lớn cũng như con trẻ.

17. (a) Tại sao chúng ta hướng đến tương lai với lòng tin chắc? (b) Chúng ta nên để điều gì tác động đến quan điểm của mình về hôn nhân và thiên chức làm cha mẹ?

17 Dù vậy, chúng ta không nên quá sợ hãi khi hướng đến tương lai. Những bậc cha mẹ trung thành với Đức Giê-hô-va cùng với con cái họ có thể hy vọng được Ngài che chở. (Đọc Ê-sai 26:20, 21; Sô 2:2, 3; 1 Cô 7:14). Còn hiện nay, mong sao ý thức về thời kỳ khó khăn mà chúng ta đang sống sẽ tác động đến lối suy nghĩ của chúng ta về hôn nhân và thiên chức làm cha mẹ trong kỳ sau rốt này (2 Phi 3:10-13). Như thế, dù độc thân hay đã kết hôn, dù có con hay không, đời sống của chúng ta sẽ mang lại danh tiếng tốt cho hội thánh tín đồ Đấng Christ và tôn vinh Đức Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 5 Những ai đang đối phó với các vấn đề trong hôn nhân sẽ được vững mạnh nhờ những bài về hôn nhân đăng trong Tháp Canh ngày 15-9-2003Tỉnh Thức! tháng 7-9 năm 2001.

^ đ. 6 Xin xem bài “Tôi đã sẵn sàng để lập gia đình chưa?” nơi chương 30 của sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực.

Để ôn lại

• Tại sao tín đồ trẻ tuổi không nên vội kết hôn?

• Việc nuôi dạy con cái bao hàm điều gì?

• Tại sao nhiều tín đồ Đấng Christ sống độc thân? Nếu đã kết hôn, tại sao họ không sinh con?

• Cha mẹ tín đồ Đấng Christ có thể phải trải nghiệm “nỗi gian truân khốn khổ” nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 17]

Tại sao tín đồ trẻ tuổi đợi đến lúc trưởng thành mới kết hôn là điều khôn ngoan?

[Hình nơi trang 18]

Người chồng có thể làm nhiều việc để giúp vợ có cơ hội tham gia các hoạt động thiêng liêng

[Hình nơi trang 19]

Tại sao một số cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ quyết định không sinh con?