Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi các bạn trẻ, ngày nay hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa

Hỡi các bạn trẻ, ngày nay hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa

Hỡi các bạn trẻ, ngày nay hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa

“Trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi”.—TRUYỀN 12:1.

1. Đối với những người trẻ thờ phượng Đức Giê-hô-va, Ngài cho thấy Ngài tin họ như thế nào?

Trước mắt Đức Giê-hô-va, những tín đồ trẻ của Đấng Christ được xem là quý giá và tươi mát như những giọt sương. Thật vậy, Ngài đã báo trước rằng trong “ngày quyền-thế” của Con Ngài, nhiều thanh niên và thiếu nữ sẽ “tình-nguyện” phục vụ trong thánh chức Đấng Christ đã giao (Thi 110:3). Lời tiên tri ấy được ứng nghiệm vào thời mà người ta nói chung đều không tin kính, bất phục tùng, chỉ nghĩ đến mình và tiền bạc. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va biết rằng những thanh thiếu niên phụng sự Ngài thì khác hẳn. Hỡi các bạn trẻ, Ngài tin cậy các bạn biết bao!

2. Việc tưởng nhớ Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì?

2 Hãy thử nghĩ, Đức Chúa Trời vui biết bao khi thấy những người trẻ tưởng nhớ Ngài là Đấng Tạo Hóa của họ (Truyền 12:1). Hiển nhiên, tưởng nhớ Đức Giê-hô-va không chỉ bao hàm việc nghĩ đến Ngài. Điều này đòi hỏi phải có hành động đi kèm—làm những điều đẹp lòng Ngài, để luật pháp và nguyên tắc của Ngài hướng dẫn chúng ta trong đời sống. Điều này cũng có nghĩa là tin cậy Đức Giê-hô-va, biết rằng Ngài rất quan tâm đến lợi ích của chúng ta (Thi 37:3; Ê-sai 48:17, 18). Đó có phải là cảm nghĩ của bạn về Đấng Tạo Hóa không?

“Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va”

3, 4. Chúa Giê-su biểu lộ lòng tin cậy Đức Giê-hô-va như thế nào, và ngày nay, tại sao tin cậy Đức Giê-hô-va là điều quan trọng?

3 Dĩ nhiên, Chúa Giê-su là gương xuất sắc nhất về lòng tin cậy Đức Chúa Trời. Ngài sống phù hợp với những lời nơi Châm-ngôn 3:5, 6: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. Không lâu sau khi Chúa Giê-su làm báp têm, Sa-tan đến gần ngài, cố gắng cám dỗ ngài nhận lấy quyền lực và sự vinh hiển của thế gian (Lu 4:3-13). Chúa Giê-su không bị mắc lừa. Ngài biết rằng “phần thưởng của sự khiêm-nhượng và sự kính-sợ Đức Giê-hô-va” là “sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng-sống” thật.—Châm 22:4.

4 Tính tham lam và ích kỷ lan tràn trong thế gian ngày nay. Trong một môi trường như thế, chúng ta khôn ngoan noi theo gương Chúa Giê-su. Cũng hãy nhớ rằng Sa-tan sẽ làm đủ mọi cách để dụ dỗ tôi tớ Đức Giê-hô-va rời bỏ con đường hẹp dẫn đến sự sống. Hắn muốn thấy mọi người đi vào con đường khoảng khoát dẫn đến sự hủy diệt. Đừng để bị hắn lừa! Thay vì vậy, hãy quyết tâm tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa, hoàn toàn tin cậy Ngài và cầm lấy “sự sống thật”. Sự sống ấy là chắc chắn và gần đến rồi.—1 Ti 6:19.

Hỡi các bạn trẻ, hãy khôn ngoan!

5. Bạn nghĩ thế nào về tương lai của thế gian này?

5 Những bạn trẻ tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa thì khôn ngoan hơn các bạn đồng trang lứa. (Đọc Thi-thiên 119:99, 100). Nhờ có quan điểm của Đức Chúa Trời, họ hoàn toàn ý thức được viễn cảnh của thế gian này u ám như thế nào. Dù còn trẻ, chắc hẳn các bạn đã thấy người ta ngày càng sống trong sợ hãi và lo âu. Nếu còn đi học, rất có thể các bạn đã nghe về tình trạng ô nhiễm, hiện tượng trái đất nóng dần lên, nạn phá rừng và những vấn đề tương tự. Người ta rất quan tâm lo lắng đến những tình trạng này, nhưng chỉ có Nhân Chứng Giê-hô-va mới hoàn toàn hiểu được rằng đó là một phần của điềm chỉ về sự kết liễu của thế gian thuộc Sa-tan.—Khải 11:18.

6. Một số người trẻ đã bị lừa như thế nào?

6 Đáng buồn thay, một số tôi tớ trẻ của Đức Chúa Trời đã mất tinh thần cảnh giác và không còn ý thức rằng thế gian này chẳng tồn tại bao lâu nữa (2 Phi 3:3, 4). Một số khác bị cám dỗ phạm tội trọng vì kết hợp với bạn bè xấu và xem hình ảnh khiêu dâm (Châm 13:20). Thật đáng buồn khi mất ân điển của Đức Chúa Trời vì hiện nay chúng ta đang ở rất gần ngày cuối cùng! Thay vì thế, hãy rút kinh nghiệm từ việc đã xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên vào năm 1473 TCN, khi họ đóng trại ở đồng bằng Mô-áp, ngay ngưỡng cửa Đất Hứa. Chuyện gì đã xảy ra ở đấy?

Ngã gục khi gần đến đích

7, 8. (a) Sa-tan đã dùng mưu kế nào ở đồng bằng Mô-áp? (b) Ngày nay, Sa-tan dùng mánh khóe nào?

7 Vào thời đó, rõ ràng Sa-tan muốn cản trở dân Y-sơ-ra-ên nhận sản nghiệp mà Đức Chúa Trời đã hứa. Sau âm mưu dùng nhà tiên tri Ba-la-am để nguyền rủa dân Y-sơ-ra-ên bị thất bại, Sa-tan dùng một mưu kế xảo quyệt hơn; hắn cố làm cho dân Y-sơ-ra-ên không xứng đáng để nhận ân phước của Đức Giê-hô-va. Ma-quỉ đã dùng những phụ nữ Mô-áp có sức quyến rũ để dụ dỗ họ, và lần này hắn đã tương đối thành công. Dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu thông dâm cùng con gái Mô-áp và quì lạy trước thần Ba-anh-Phê-ô! Dù sắp nhận được di sản quý giá là Đất Hứa, khoảng 24.000 người Y-sơ-ra-ên đã mất mạng. Thật là một bi kịch!—Dân 25:1-3, 9.

8 Ngày nay, chúng ta đang nhanh chóng tiến gần đến một nơi tốt hơn Đất Hứa—thế giới mới. Y như rằng, Sa-tan lại dùng sự vô luân để làm cho dân của Đức Chúa Trời trở nên đồi bại. Tiêu chuẩn đạo đức trong thế gian này ngày càng xuống dốc, đến độ sự tà dâm được xem là chuyện bình thường và đồng tính luyến ái chỉ là vấn đề lựa chọn của cá nhân. Một nữ tín đồ Đấng Christ cho biết: “Chỉ có ở nhà và ở Phòng Nước Trời thì các con tôi mới được biết rằng đồng tính luyến ái và quan hệ tình dục bất chính là điều xấu xa trước mắt Đức Chúa Trời”.

9. Điều gì có thể xảy ra trong độ “tuổi bồng bột”, và người trẻ có thể đối phó với vấn đề này như thế nào?

9 Những người trẻ tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa biết rằng quan hệ mật thiết về tính dục là món quà thánh khiết liên quan đến sự sống và sinh sản. Vì thế, họ nhận thức rằng một người chỉ nên có mối quan hệ này theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời—quan hệ trong vòng hôn nhân (Hê 13:4). Tuy nhiên, trong độ “tuổi bồng bột”—thời kỳ mà lòng ham muốn tình dục rất mãnh liệt và có thể làm lệch lạc lối suy nghĩ của một người—việc giữ sự trong trắng là một điều khó khăn (1 Cô 7:36, Nguyễn Thế Thuấn). Bạn có thể làm gì khi những tư tưởng không đúng đắn xuất hiện trong tâm trí? Hãy tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, xin Ngài giúp để tập trung tư tưởng vào những điều lành mạnh. Đức Giê-hô-va luôn lắng nghe những ai chân thành hướng về Ngài. (Đọc Lu-ca 11:9-13). Những cuộc trò chuyện mang tính xây dựng cũng có thể giúp chúng ta chấn chỉnh lối suy nghĩ.

Hãy chọn mục tiêu một cách khôn ngoan

10. Chúng ta muốn tránh lối suy nghĩ tiêu cực nào, và chúng ta nên tự đặt những câu hỏi nào?

10 Một lý do khiến nhiều người trẻ trong thế gian sống buông thả và chỉ muốn thỏa mãn thú vui xác thịt là vì họ không có “sự mặc-thị”—không có sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời hoặc không có hy vọng chắc chắn về tương lai (Châm 29:18). Họ giống như dân Y-sơ-ra-ên vào thời Ê-sai, không vâng theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời nữa mà chỉ sống để “vui-mừng hớn-hở. . . ăn thịt, uống rượu” (Ê-sai 22:13). Thay vì ganh tị với những người như thế, sao chúng ta lại không ngẫm nghĩ về hy vọng quý giá mà Đức Giê-hô-va dành cho những người trung thành? Nếu là một người trẻ phụng sự Đức Chúa Trời, bạn có trông mong thế giới mới không? Bạn có cố gắng hết sức để “sống ở đời nầy theo tiết-độ. . . đương chờ-đợi sự trông-cậy hạnh-phước” mà Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta không? (Tít 2:12, 13). Câu trả lời sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu và những điều ưu tiên mà bạn đặt cho mình.

11. Tại sao những tín đồ còn ngồi ghế nhà trường phải cố gắng học hành chăm chỉ?

11 Thế gian muốn người trẻ dùng hết năng lực vào những mục tiêu ngoài đời. Hiển nhiên, bạn trẻ nào vẫn còn ngồi ghế nhà trường nên cố gắng học hành chăm chỉ để có trình độ học vấn cơ bản. Trên hết, mục tiêu của bạn không chỉ là tìm được một việc làm thích hợp mà còn phải trở nên một người hữu dụng trong hội thánh và là một người rao giảng hữu hiệu về Nước Trời. Để đạt mục tiêu đó, bạn phải có khả năng trình bày rõ ràng, suy nghĩ hợp lý và biết lý luận với người khác một cách điềm tĩnh và tôn trọng. Tuy nhiên, những người trẻ nào học và cố gắng áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống sẽ nhận được nền giáo dục tốt nhất, và đặt cho mình một nền tảng tốt đẹp hầu có một tương lai thành công và vĩnh cửu.—Đọc Thi-thiên 1:1-3. *

12. Những gia đình tín đồ Đấng Christ nên noi theo gương mẫu nào?

12 Ở xứ Y-sơ-ra-ên xưa, việc cha mẹ giáo dục con cái được đặt lên hàng đầu. Họ giáo dục con cái trong hầu hết mọi khía cạnh của đời sống, đặc biệt là những vấn đề thiêng liêng (Phục 6:6, 7). Vì vậy, những người trẻ Y-sơ-ra-ên nào vâng lời cha mẹ và những người lớn tuổi có lòng kính sợ Đức Chúa Trời thì không những có được tri thức mà còn có sự khôn ngoan, thông sáng và sự dẽ dặt hay khả năng nhận thức—những đức tính hiếm có nhờ sự giáo dục của Đức Chúa Trời (Châm 1:2-4; 2:1-5, 11-15). Giống như dân Y-sơ-ra-ên, những gia đình tín đồ Đấng Christ ngày nay nên chú ý đến nền giáo dục đó.

Hãy vâng lời những người yêu thương bạn

13. Một số người trẻ nhận được lời khuyên nào, và tại sao họ nên thận trọng trước lời khuyên đó?

13 Giới trẻ nhận được lời khuyên từ nhiều người, kể cả những nhà tư vấn học đường, là những người thường chỉ chú trọng đến sự thành công trong xã hội. Khi cân nhắc mọi lời khuyên, hãy cầu xin Đức Chúa Trời hướng dẫn, xem xét Kinh Thánh cũng như thức ăn thiêng liêng do lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan cung cấp. Nhờ học Kinh Thánh, bạn biết rằng những người trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm sẽ là mục tiêu chính của Sa-tan. Chẳng hạn, trong vườn Ê-đen, vì thiếu kinh nghiệm nên bà Ê-va đã nghe lời Sa-tan, một kẻ xa lạ chẳng thể hiện chút lòng yêu thương đối với bà. Nếu bà vâng lời Đức Giê-hô-va, Đấng đã thể hiện lòng yêu thương đối với bà qua nhiều cách, hẳn kết cuộc sẽ khác xa!—Sáng 3:1-6.

14. Tại sao chúng ta nên vâng lời Đức Giê-hô-va và cha mẹ tin kính?

14 Đấng Tạo Hóa cũng yêu thương các bạn và Ngài thể hiện lòng yêu thương ấy với động cơ hoàn toàn trong sạch. Ngài muốn bạn hạnh phúc mãi mãi, không chỉ ngay bây giờ! Vì vậy, với tính mềm mại của người cha đầy lòng quan tâm, Ngài nói với bạn và tất cả những người thờ phượng Ngài: “Nầy là đường đây, hãy noi theo!” (Ê-sai 30:21). Nếu có cha mẹ tin kính, là những người thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va, bạn có thêm một ân phước. Hãy tôn trọng lời khuyên của cha mẹ khi bạn đặt mục tiêu và lập những điều ưu tiên trong đời sống (Châm 1:8, 9). Suy cho cùng, họ muốn bạn nhận được sự sống, là điều có giá trị hơn hẳn vinh hoa phú quý trong thế gian này.—Mat 16:26.

15, 16. (a) Chúng ta có thể tin chắc điều gì nơi Đức Giê-hô-va? (b) Chúng ta rút ra được bài học quan trọng nào qua kinh nghiệm của Ba-rúc?

15 Những ai tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa đều giữ một lối sống đơn giản, tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ “chẳng lìa” và “chẳng bỏ” họ. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:5). Vì thái độ lành mạnh này trái ngược với lối suy nghĩ của thế gian, chúng ta phải cẩn thận, đừng để tinh thần thế gian chi phối mình (Ê-phê 2:2). Về vấn đề này, hãy xem trường hợp của Ba-rúc, thư ký của nhà tiên tri Giê-rê-mi. Ông Ba-rúc sống trong những ngày cuối cùng đầy khó khăn của thành Giê-ru-sa-lem, trước khi thành này bị hủy diệt vào năm 607 TCN.

16 Có lẽ Ba-rúc muốn có một đời sống sung túc hơn. Đức Giê-hô-va nhận thấy điều này và nhân từ cảnh báo ông chớ tìm “việc lớn” cho mình. Ông Ba-rúc tỏ ra khiêm nhường và khôn ngoan vì đã vâng lời Đức Giê-hô-va và được sống sót khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt (Giê 45:2-5). Trái lại, những người đồng thời với Ba-rúc đã đạt được “việc lớn” về vật chất, họ không xem trọng việc thờ phượng Đức Giê-hô-va, và không lâu sau bị dân Canh-đê (Ba-by-lôn) tước đoạt tất cả. Nhiều người cũng mất cả mạng sống (2 Sử 36:15-18). Kinh nghiệm của Ba-rúc giúp chúng ta nhận ra rằng mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời quan trọng hơn rất nhiều so với sự giàu sang và địa vị trong thế gian này.

Hướng đến những gương xuất sắc

17. Tại sao Chúa Giê-su, Phao-lô và Ti-mô-thê là gương sáng cho tôi tớ Đức Giê-hô-va ngày nay?

17 Để giúp chúng ta đi trên con đường dẫn đến sự sống, Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta nhiều gương xuất sắc. Như Chúa Giê-su chẳng hạn, là người có tài năng nhất đã từng sống nhưng ngài tập trung vào điều giúp người ta mãi mãi, đó là tin mừng về Nước Trời (Lu 4:43). Để dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất, sứ đồ Phao-lô đã từ bỏ một nghề đầy hứa hẹn và dùng thời giờ cũng như sức lực để rao truyền tin mừng. Ti-mô-thê ‘là con thật của [Phao-lô] trong đức-tin’ cũng noi theo gương sáng của ông (1 Ti 1:2). Chúa Giê-su, Phao-lô và Ti-mô-thê có hối tiếc về lối sống của họ không? Hoàn toàn không! Thật vậy, Phao-lô nói rằng ông xem những điều thế gian cung hiến như “rơm-rác” khi so với đặc ân phụng sự Đức Chúa Trời.—Phi-líp 3:8-11.

18. Một anh Nhân Chứng đã có sự thay đổi lớn nào, và vì sao anh không hề hối tiếc?

18 Nhiều tín đồ trẻ ngày nay noi theo đức tin của Chúa Giê-su, Phao-lô và Ti-mô-thê. Chẳng hạn, một anh Nhân Chứng ở độ tuổi thanh niên từng có một nghề được trả lương cao đã viết như sau: “Nhờ sống theo các nguyên tắc Kinh Thánh nên không lâu sau tôi được thăng tiến trong nghề nghiệp. Dù được đãi ngộ về tài chính, tôi cảm thấy như mình đang theo luồng gió thổi. Khi tôi đến gặp ban giám đốc công ty để xin nghỉ việc và bày tỏ nguyện vọng muốn làm công việc rao giảng trọn thời gian, họ liền đề nghị tăng lương hậu hĩnh, mong rằng tôi sẽ đổi ý. Nhưng lòng tôi đã quyết. Nhiều người không hiểu nổi tại sao tôi lại bỏ một nghề kiếm được nhiều tiền để theo đuổi việc phụng sự trọn thời gian. Câu trả lời của tôi là tôi thật sự muốn sống theo lời hứa nguyện dâng mình cho Đức Chúa Trời. Vì giờ đây tập trung đời sống vào những điều thiêng liêng, tôi cảm nghiệm được niềm hạnh phúc và sự thỏa lòng mà không tiền bạc hoặc thanh thế nào có thể mang lại”.

19. Các bạn trẻ được khuyến khích nên có quyết định khôn ngoan nào?

19 Trên khắp thế giới, hàng ngàn người trẻ cũng quyết định khôn ngoan như thế. Vậy, hỡi các bạn trẻ, khi nghĩ về tương lai, hãy ghi nhớ ngày của Đức Giê-hô-va (2 Phi 3:11, 12). Đừng ganh tị với những người tận hưởng tối đa trong thế gian này. Thay vì thế, hãy nghe theo những người thật sự yêu thương bạn. Chứa “của-cải ở trên trời” là cuộc đầu tư bảo đảm nhất và là cuộc đầu tư duy nhất mang lại lợi ích lâu dài (Mat 6:19, 20; đọc 1 Giăng 2:15-17). Thật vậy, hãy tưởng nhớ đến Đấng Tạo Hóa. Khi làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ ban ân phước cho bạn.

[Chú thích]

^ đ. 11 Về vấn đề học lên cao và công ăn việc làm, xin xem Tháp Canh ngày 1-10-2005, trang 26-31.

Bạn trả lời thế nào?

• Chúng ta thể hiện lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời như thế nào?

• Nền giáo dục nào là tốt nhất?

• Chúng ta rút ra những bài học nào qua trường hợp của Ba-rúc?

• Những ai đã nêu gương sáng cho chúng ta, và tại sao?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 13]

Đức Giê-hô-va cung cấp nền giáo dục tốt nhất

[Hình nơi trang 15]

Ông Ba-rúc nghe lời Đức Giê-hô-va và được sống sót khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt. Bạn học được gì từ gương của ông?