Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lẻ loi nhưng không bị lãng quên

Lẻ loi nhưng không bị lãng quên

Lẻ loi nhưng không bị lãng quên

Sứ đồ Phao-lô được Đức Chúa Trời soi dẫn để ghi lại lời khuyên cho các anh em đồng đạo: “Hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin” (Ga 6:10). Ngày nay, chúng ta vẫn theo lời khuyên được soi dẫn đó và tìm cách làm điều lành cho anh em đồng đạo. Trong số những người cần và xứng đáng được hội thánh tín đồ Đấng Christ yêu thương cũng như quan tâm là những anh chị cao niên yêu quý đang sống trong viện dưỡng lão.

Thật vậy, ở một số nước, gia đình thường chăm sóc cha mẹ già tại nhà. Tuy nhiên, ở những nước khác, nhiều người cao niên thường được chăm sóc tại các viện dưỡng lão. Thế còn những tín đồ cao niên đang sống tại viện dưỡng lão thì sao? Họ gặp phải những khó khăn nào? Họ phải đối phó thế nào nếu không có gia đình chăm sóc? Hội thánh tín đồ Đấng Christ có thể giúp đỡ họ như thế nào? Và chúng ta có thể nhận được lợi ích nào khi đến thăm họ thường xuyên?

Khó khăn ở viện dưỡng lão

Khi vào viện dưỡng lão, những anh chị cao niên có thể nhận thấy rằng mình đang sống trong khu vực thuộc một hội thánh mà mình không quen biết. Vì lý do đó, có lẽ những anh chị ở hội thánh địa phương không nghĩ đến việc thăm viếng họ thường xuyên. Hơn nữa, trong viện dưỡng lão, chung quanh họ là những người thuộc các tôn giáo khác. Điều này có thể khiến các anh chị Nhân Chứng cao niên lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Chẳng hạn, tại vài nơi, viện dưỡng lão có tổ chức các nghi lễ tôn giáo ngay trong viện. Một nhân viên chăm sóc cho biết: “Có vài trường hợp, nhân viên cho các cụ Nhân Chứng ngồi xe lăn đến nơi dự lễ mà không hỏi ý kiến vì các cụ không nói được rõ ràng”. Hơn nữa, nhân viên viện dưỡng lão thường tổ chức cho những người sống trong viện ăn mừng sinh nhật, Giáng Sinh, hoặc Phục Sinh để thay đổi không khí sinh hoạt hằng ngày. Một vài Nhân Chứng tại viện dưỡng lão cũng được cho ăn những món mà lương tâm họ không cho phép (Công 15:29). Nếu thường xuyên viếng thăm các anh chị cao niên, chúng ta có thể giúp họ đối phó với những khó khăn đó.

Hội thánh giúp đỡ

Tín đồ Đấng Christ thời xưa đã ý thức được trách nhiệm đối với những anh chị cao niên không có gia đình giúp đỡ (1 Ti 5:9). Tương tự thế, các giám thị ngày nay cũng ý thức rằng cần phải chăm sóc những anh chị cao niên sống tại viện dưỡng lão trong khu vực của mình để họ không bị lãng quên. * Một trưởng lão tên Robert cho biết: “Nếu các anh giám thị đích thân đến thăm những anh chị cao niên để xem họ sống ra sao và cùng họ cầu nguyện là điều rất tốt. Hội thánh cũng có thể làm nhiều điều để giúp họ”. Nếu dành thời giờ đi thăm họ, chúng ta cho thấy mình hiểu rằng việc chăm sóc những người cần giúp đỡ là điều quan trọng biết bao trước mắt Đức Giê-hô-va!—Gia 1:27.

Nếu cần thiết, các trưởng lão nên sẵn lòng sắp đặt để giúp đỡ các anh chị trong viện dưỡng lão một cách thực tiễn. Anh Robert cho biết một cách để giúp đỡ họ có thể là: “Chúng ta nên khuyến khích các anh chị cao niên tham dự nhóm họp nếu họ có thể”. Tuy nhiên, đối với những người không thể đến Phòng Nước Trời được nữa, các trưởng lão có thể sắp đặt những cách khác. Một cụ là Jacqueline, nay đã ngoài 80 tuổi và bị chứng viêm khớp, được giúp để nghe các buổi họp qua điện thoại. Cụ nói: “Tôi rất thích nghe trực tiếp các buổi họp qua điện thoại. Dù với bất cứ giá nào, tôi cũng không bỏ lỡ một buổi!”.

Nếu tín đồ cao niên không thể nghe buổi họp qua điện thoại, các trưởng lão có thể sắp xếp để thu âm lại. Người giao băng hoặc đĩa cho các anh chị cao niên có thể nhân cơ hội đó trò chuyện và khích lệ họ. Một anh giám thị nói: “Khi cho họ biết tin tức về các anh chị trong hội thánh địa phương, họ sẽ cảm thấy họ vẫn thuộc về gia đình thiêng liêng”.

Đừng quên trò chuyện với họ

Thông thường, nhiều người cao niên cảm thấy căng thẳng và hoang mang khi dọn vào viện dưỡng lão. Vì thế, một số có khuynh hướng thu mình lại. Tuy nhiên, nếu nhanh chóng đến thăm các anh chị cao niên sau khi họ vào viện dưỡng lão và cho biết chúng ta sẽ đến thăm họ thường xuyên thì họ sẽ cảm thấy vui vẻ và bình tâm trở lại.—Châm 17:22.

Nếu các anh chị cao niên không còn minh mẫn, hoặc bị lãng tai hoặc gặp những khó khăn khiến họ không thể trò chuyện, một số người có lẽ kết luận rằng đến thăm họ chỉ là vô ích. Tuy nhiên, khi tiếp tục cố gắng viếng thăm họ, dù khó trò chuyện đến mức nào đi nữa, chúng ta cho thấy mình luôn chủ động “kính-nhường” anh em đồng đạo (Rô 12:10). Nếu thấy họ có triệu chứng quên những chuyện gần đây, chúng ta có thể khuyến khích họ kể lại những kinh nghiệm thời xưa, ngay cả thời thơ ấu, hoặc cho chúng ta biết làm thế nào họ biết được lẽ thật của Kinh Thánh. Chúng ta có thể làm gì khi họ không tìm ra đúng từ để diễn tả ý tưởng? Hãy kiên nhẫn lắng nghe, và nếu thích hợp, hãy nhắc họ hai hoặc ba từ mà họ có vẻ đang cố nghĩ. Chúng ta cũng có thể tóm tắt ý của họ và khuyến khích họ nói tiếp. Nếu họ lẫn lộn khi kể chuyện hoặc phát âm không rõ và chúng ta thấy khó hiểu, hãy cố gắng hiểu họ bằng cách lắng nghe giọng nói của họ.

Nếu các anh chị cao niên không thể trò chuyện được nữa, chúng ta có những cách khác để giao tiếp. Chẳng hạn như chị Laurence, một người tiên phong thường thăm viếng một tín đồ 80 tuổi là cụ Madeleine. Cụ không nói được nữa. Chị Laurence cho biết cách chị trò chuyện với cụ Madeleine: “Tôi nắm tay cụ khi chúng tôi cầu nguyện chung với nhau. Trong lúc cầu nguyện, cụ bóp nhẹ tay tôi và chớp mắt để bày tỏ lòng cảm kích về những giây phút ấm lòng đó”. Nắm tay hoặc trìu mến ôm những anh chị cao niên là cách thật sự có thể giúp họ an tâm.

Sự hiện diện của bạn rất quan trọng

Việc bạn thường xuyên thăm viếng những anh chị cao niên có thể giúp họ được chăm sóc kỹ hơn. Chị Danièle, một tín đồ thường xuyên thăm viếng các anh chị đồng đạo tại viện dưỡng lão khoảng 20 năm, cho biết: “Khi nhân viên trong viện thấy một người được thăm viếng thường xuyên, họ sẽ chăm sóc người đó kỹ hơn”. Anh Robert, trưởng lão được đề cập ở trên, nói: “Y tá rất có thể sẽ chịu nghe ý kiến của những người đến thăm thường xuyên. Có thể họ không bày tỏ thái độ tôn trọng như thế đối với những người chỉ thỉnh thoảng đến thăm”. Vì y tá thường phải đối phó với những gia đình hay đòi hỏi, nên họ cảm thấy vui khi được người đến thăm bày tỏ lòng biết ơn. Ngoài ra, nếu chúng ta thân thiện với nhân viên y tế, có thể họ sẽ tôn trọng các tiêu chuẩn và niềm tin của những Nhân Chứng cao niên mà họ chăm sóc.

Chúng ta cũng có thể tạo mối quan hệ thân thiết với nhân viên bằng cách giúp họ làm những việc lặt vặt. Tại một vài nơi, vì tình trạng thiếu nhân viên có tay nghề xảy ra thường xuyên nên những người cao niên không được chăm sóc chu đáo. Một nữ y tá tên là Rébecca đề nghị: “Bận rộn nhất là những bữa ăn. Vì thế đó là lúc thuận tiện để đến thăm họ và giúp họ ăn”. Chúng ta không nên ngần ngại hỏi nhân viên xem chúng ta có thể giúp họ những gì.

Khi thường xuyên đến thăm một viện dưỡng lão nào đó, chúng ta sẽ biết anh chị cao niên của chúng ta cần những gì và có thể chủ động giúp đỡ với sự chấp thuận của nhân viên y tế. Chẳng hạn, chúng ta có thể treo ảnh người thân của họ hoặc tranh vẽ của những em nhỏ để phòng ốc được sáng sủa. Vì quan tâm đến các anh chị cao niên, chúng ta có thể mang đến cho họ những tấm áo choàng ấm áp hoặc vài vật dụng cá nhân. Nếu nơi đó có vườn, chúng ta có thể đưa các cụ ra ngoài vườn để hít thở không khí trong lành không? Chị Laurence, người được đề cập ở trên, cho biết: “Cụ Madeleine trông mong tôi đến thăm mỗi tuần. Khi tôi dẫn các em nhỏ đến thăm cụ, cụ liền mỉm cười và đôi mắt rạng ngời niềm vui!”. Những cách tương tự mà chúng ta nghĩ ra cũng có thể giúp ích rất nhiều cho các cụ sống trong viện dưỡng lão.—Châm 3:27.

Lợi ích cho đôi bên

Việc thường xuyên đến thăm người cao niên có thể là một thử thách của “sự thành-thực của lòng yêu-thương” (2 Cô 8:8). Tại sao vậy? Vì thấy bạn mình ngày càng yếu dần là một điều đau buồn. Chị Laurence thừa nhận: “Lúc đầu, tôi không thể cầm được nước mắt mỗi khi đến thăm và thấy sức khỏe cụ Madeleine ngày càng tệ. Nhưng tôi nhận ra rằng lời cầu nguyện tha thiết có thể giúp chúng ta bớt lo sợ và mang lại niềm khích lệ cho người mình đến thăm”. Nhiều năm qua, anh Robert thường đến thăm một người đồng đạo tên Larry bị bệnh Parkinson. Anh nói: “Cụ Larry bệnh nặng đến nỗi tôi không còn hiểu cụ nói gì. Dù vậy, khi chúng tôi cầu nguyện chung với nhau, tôi vẫn cảm nhận được đức tin của cụ”.

Khi thăm viếng những anh chị cao niên, không những chúng ta có thể giúp đỡ họ mà còn mang lại lợi ích cho chính chúng ta. Chúng ta rút ra được bài học về đức tin và lòng can đảm khi thấy họ quyết tâm gần gũi Đức Giê-hô-va trong khi sống giữa những người khác niềm tin. Dù không thấy và không nghe rõ nhưng họ vẫn mong được nhận thức ăn thiêng liêng. Điều này cho thấy rõ rằng “người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Mat 4:4). Khi thấy các anh chị cao niên vui vẻ hài lòng với những điều bình thường như một nụ cười của trẻ thơ hoặc một bữa ăn chung với người khác, chúng ta nhớ là mình cần phải thỏa lòng với những gì mình có. Lòng quý trọng mối quan hệ của họ với Đức Giê-hô-va giúp chúng ta biết đặt những điều ưu tiên trong đời sống.

Thật vậy, toàn thể hội thánh được lợi ích khi giúp đỡ những anh chị cao niên. Tại sao? Vì những người đau yếu cần anh chị em đồng đạo nên hội thánh có dịp thể hiện lòng yêu thương nhiều hơn. Vì vậy, tất cả chúng ta nên xem việc chăm sóc những anh chị cao niên, dù trong một thời gian dài, là một cách để phục vụ lẫn nhau (1 Phi 4:10, 11). Nếu các trưởng lão nêu gương trong lãnh vực này, họ sẽ giúp những anh chị khác trong hội thánh thấy rằng chúng ta chớ bao giờ quên khía cạnh này của thánh chức tín đồ Đấng Christ (Ê-xê 34:15, 16). Qua việc sẵn lòng và yêu thương giúp đỡ các anh chị cao niên đồng đạo, chúng ta đoan chắc với họ rằng họ không bị lãng quên!

[Chú thích]

^ đ. 8 Khi hay tin một anh hay một chị trong hội thánh vào viện dưỡng lão ở khu vực khác, anh thư ký hội thánh nên báo cho các trưởng lão ở hội thánh trong khu vực đó biết ngay. Đó là một cách giúp đỡ thể hiện lòng yêu thương.

[Câu nổi bật nơi trang 28]

“Khi nhân viên trong viện thấy một người được thăm viếng thường xuyên, họ sẽ chăm sóc người đó kỹ hơn”

[Hình nơi trang 26]

Lời cầu nguyện chân thành của chúng ta có thể giúp người cao niên bình tâm trở lại

[Hình nơi trang 26]

Lời nói dịu dàng và trìu mến sẽ giúp các anh chị cao niên vững mạnh về đức tin