Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Giăng

Những điểm nổi bật trong sách Giăng

Lời Đức Giê-hô-va là lời sống

Những điểm nổi bật trong sách Giăng

Giăng, “môn-đồ mà Đức Chúa Jêsus yêu”, là người cuối cùng ghi lại câu chuyện được Đức Chúa Trời soi dẫn về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su (Giăng 21:20). Sách Phúc âm của Giăng được viết vào năm 98 CN, lặp lại rất ít những chi tiết được ghi trong ba sách Phúc âm kia.

Sứ đồ Giăng có mục đích rõ ràng khi viết sách Phúc âm. Về những điều ông ghi lại, ông nói: “Các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:31). Thông điệp trong sách này thật sự rất có giá trị đối với chúng ta.—Hê 4:12.

“KÌA, CHIÊN CON CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI”

(Giăng 1:1–11:54)

Khi thấy Chúa Giê-su, Giăng Báp-tít khẳng định: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội-lỗi thế-gian đi” (Giăng 1:29). Khi Chúa Giê-su đi qua Sa-ma-ri, Ga-li-lê, Giu-đê và những vùng ở phía đông sông Giô-đanh để rao giảng, dạy dỗ và làm phép lạ thì ‘nhiều kẻ đến cùng Ngài và tin Ngài’.—Giăng 10:41, 42.

Một trong những phép lạ nổi bật của Chúa Giê-su là ngài làm cho La-xa-rơ sống lại. Nhiều người đặt đức tin nơi Chúa Giê-su khi thấy một người chết đã bốn ngày được sống lại. Tuy nhiên, các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si bày mưu giết Chúa Giê-su. Vì thế, ngài rời nơi đó và “đi trong miền gần đồng vắng, nơi một thành gọi là Ép-ra-im”.—Giăng 11:53, 54.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:35, 40—Ngoài Anh-rê, sứ đồ nào đứng với Giăng Báp-tít? Người viết sách Phúc âm này luôn ghi “Giăng” khi ám chỉ Giăng Báp-tít và không bao giờ nêu tên mình trong sách. Vì thế, sứ đồ không được nêu tên hiển nhiên là Giăng, người viết sách Phúc âm này.

2:20—Đền thờ nào ‘xây mất bốn mươi sáu năm’? Dân Do Thái nói đến đền thờ của Xô-rô-ba-bên do vua xứ Giu-đê là Hê-rốt xây lại. Theo sử gia Josephus, công việc này được bắt đầu từ năm thứ 18 của triều vua Hê-rốt, vào khoảng năm 18 hoặc 17 TCN. Chính điện của đền thờ và những kiến trúc khác được xây lại trong 8 năm. Tuy nhiên, công việc xây dựng khu đền thờ tiếp tục và kéo dài đến sau Lễ Vượt Qua năm 30 CN. Lúc đó, người Do Thái nói rằng đền thờ ấy xây mất 46 năm.

5:14—Phải chăng bệnh tật là hậu quả của việc phạm tội? Không hẳn vậy. Một người bị bệnh 38 năm đã được Chúa Giê-su chữa lành, bệnh ấy là do sự bất toàn di truyền (Giăng 5:1-9). Chúa Giê-su có ý nói rằng giờ đây người này đã được thương xót, ông phải theo đường lối cứu rỗi của Đức Chúa Trời và không phạm tội nữa; nếu không, ông sẽ lãnh hậu quả tệ hại hơn. Người đó có thể phạm tội không tha thứ được, đáng tội chết và không được sống lại.—Mat 12:31, 32; Lu 12:10; Hê 10:26, 27.

5:24, 25—Ai là những người “vượt khỏi sự chết mà đến sự sống”? Chúa Giê-su nói về những người đã từng chết về thiêng liêng nhưng khi nghe lời Chúa Giê-su phán thì tin ngài và từ bỏ con đường tội lỗi. Họ “vượt khỏi sự chết mà đến sự sống” theo nghĩa họ thoát khỏi bản án tử hình, và được ban cho hy vọng sống đời đời vì đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời.—1 Phi 4:3-6.

5:26; 6:53—“Có sự sống trong mình” nghĩa là gì? Đối với Chúa Giê-su, điều này có nghĩa là ngài nhận được từ Đức Chúa Trời hai điều: thứ nhất là khả năng giúp loài người có vị thế tốt trước mặt Đức Giê-hô-va, thứ nhì là quyền năng ban sự sống qua việc làm người chết sống lại. Đối với môn đồ của Chúa Giê-su, “có sự sống trong mình” có nghĩa là họ được hưởng sự sống một cách trọn vẹn. Những tín đồ được xức dầu sẽ hưởng sự sống ấy khi sống lại và lên trời. Những người trung thành và có hy vọng sống trên đất sẽ hưởng sự sống trọn vẹn chỉ sau khi họ vượt qua được thử thách cuối cùng. Thử thách này sẽ diễn ra ngay sau khi Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ chấm dứt.—1 Cô 15:52, 53; Khải 20:5, 7-10.

6:64—Phải chăng ngay từ lúc Chúa Giê-su chọn Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, ngài biết là hắn sẽ phản ngài? Hiển nhiên là không. Tuy nhiên, nhân một dịp vào năm 32 CN, Chúa Giê-su nói với các sứ đồ: “Một người trong các ngươi là quỉ!”. Rất có thể đó là lúc Chúa Giê-su nhận thấy Giu-đa Ích-ca-ri-ốt bắt đầu đi theo đường lối sai trái, và điều này có nghĩa là “từ ban đầu” ngài biết hắn sẽ phản ngài.—Giăng 6:66-71.

Bài học cho chúng ta:

2:4. Chúa Giê-su ngụ ý nói với bà Ma-ri rằng ngài là Con Đức Chúa Trời và được xức dầu, ngài phải nghe theo chỉ thị của Cha ngài ở trên trời. Mặc dù Chúa Giê-su mới bắt đầu thi hành thánh chức nhưng ngài hoàn toàn ý thức được giờ hoặc thời điểm để chu toàn công việc được giao phó, kể cả việc ngài phải hy sinh làm giá chuộc. Thậm chí Chúa Giê-su cũng không để người thân trong gia đình như bà Ma-ri can thiệp vào việc ngài làm theo ý định của Đức Chúa Trời. Chúng ta nên quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va như thế.

3:1-9. Trường hợp của ông Ni-cô-đem, một người lãnh đạo dân Do Thái, dạy chúng ta hai bài học. Thứ nhất, ông đã thể hiện tính khiêm nhường, có sự thông sáng, và ý thức mình có nhu cầu thiêng liêng. Ông nhận biết con của người thợ mộc thấp hèn là thầy dạy đạo được Đức Chúa Trời sai xuống thế gian. Tính khiêm nhường rất cần cho tín đồ thật của Đấng Christ ngày nay. Thứ nhì, ông Ni-cô-đem chần chừ, ngại trở thành môn đồ của Chúa Giê-su. Có lẽ vì ông sợ loài người, sợ mất địa vị trong Tòa Công Luận hoặc muốn hưởng sự giàu sang của mình. Từ trường hợp này, chúng ta có thể rút ra một bài học quý báu là chớ để những khuynh hướng đó ngăn cản chúng ta vác cây khổ hình và tiếp tục theo Chúa Giê-su.—Lu 9:23.

4:23, 24. Để được Đức Chúa Trời chấp nhận, sự thờ phượng của chúng ta phải phù hợp với lẽ thật trong Kinh Thánh và phải được thánh linh hướng dẫn.

6:27. Để có được “đồ-ăn còn lại đến sự sống đời đời”, chúng ta phải gắng sức sao cho nhu cầu thiêng liêng của mình được thỏa nguyện. Chúng ta được phước khi làm thế.

6:44. Chính Đức Giê-hô-va chăm sóc chúng ta. Qua công việc rao giảng, Ngài kéo mỗi cá nhân chúng ta đến cùng Con ngài. Qua thánh linh, Ngài cũng giúp chúng ta hiểu và áp dụng lẽ thật của Kinh Thánh.

11:33-36. Biểu lộ cảm xúc không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối.

‘HÃY THEO NGÀI’

(Giăng 11:55–21:25)

Lễ Vượt Qua năm 33 CN đã đến gần, Chúa Giê-su trở về thành Bê-tha-ni. Vào ngày 9 tháng Ni-san, ngài cưỡi lừa con đến thành Giê-ru-sa-lem. Vào ngày 10, Chúa Giê-su lại đến đền thờ. Để nhậm lời ngài cầu nguyện cho danh Cha ngài được thánh, có tiếng từ trời phán rằng: “Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa!”.—Giăng 12:28.

Trong khi Lễ Vượt Qua đang diễn ra, Chúa Giê-su nhắn nhủ các môn đồ vì ngài sắp lìa họ, và ngài cũng cầu nguyện cho họ. Sau khi bị bắt, xét xử và bị đóng đinh, Chúa Giê-su được sống lại.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

14:2—Chúa Giê-su ‘sắm-sẵn một chỗ’ ở trên trời cho các môn đồ trung thành như thế nào? Điều này bao gồm việc Chúa Giê-su làm cho giao ước mới có hiệu lực bằng cách ra mắt Đức Chúa Trời và dâng lên Cha ngài giá trị của huyết mình. Việc sắm sẵn đó cũng gồm cả việc Chúa Giê-su được ban cho vương quyền Nước Trời, và sau đó các môn đồ được xức dầu của ngài bắt đầu sống lại và lên trời.—1 Tê 4:14-17; Hê 9:12, 24-28; 1 Phi 1:19; Khải 11:15.

19:11—Phải chăng Chúa Giê-su ám chỉ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt khi ngài nói với Phi-lát về kẻ nộp ngài? Thay vì nói thẳng là Giu-đa hoặc bất cứ người nào khác, dường như Chúa Giê-su muốn ám chỉ đến tất cả những người chịu trách nhiệm về tội giết ngài. Trong số đó có Giu-đa, “các thầy tế-lễ cả và cả tòa công-luận”, thậm chí gồm cả đám đông bị xúi giục xin tha cho Ba-ra-ba.—Mat 26:59-65; 27:1, 2, 20-22.

20:17—Tại sao Chúa Giê-su bảo bà Ma-ri Ma-đơ-len chớ rờ đến hoặc níu lấy ngài? Hẳn bà Ma-ri đã níu lấy Chúa Giê-su vì nghĩ rằng ngài sắp lên trời và bà sẽ không bao giờ thấy ngài nữa. Để cam đoan với bà rằng ngài chưa lên trời, Chúa Giê-su bảo bà đừng níu lấy ngài nhưng hãy đi báo cho các môn đồ biết tin là ngài đã sống lại.

Bài học cho chúng ta:

12:36. Để trở nên “con-cái của sự sáng”, hoặc người mang sự sáng, chúng ta cần tiếp thu sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh. Rồi chúng ta phải dùng sự hiểu biết đó để giúp người ta ra khỏi sự tăm tối về thiêng liêng và đến với ánh sáng của Đức Chúa Trời.

14:6. Chúng ta không thể được Đức Chúa Trời chấp nhận nếu không qua Chúa Giê-su. Chỉ khi nào thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su và noi theo gương của ngài, chúng ta mới có thể đến gần Đức Giê-hô-va.—1 Phi 2:21.

14:15, 21, 23, 24; 15:10. Làm theo ý định của Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta giữ mình trong sự yêu thương của Ngài và của Con Ngài.—1 Giăng 5:3.

14:26; 16:13. Thánh linh của Đức Giê-hô-va đóng vai trò như một người thầy và người nhắc nhở. Thánh linh cũng hoạt động để giúp chúng ta hiểu lẽ thật. Vì vậy, thánh linh có thể giúp chúng ta gia tăng sự hiểu biết, khôn ngoan, thông sáng, phán đoán và khả năng suy xét. Vì thế, chúng ta nên bền lòng cầu nguyện, đặc biệt là xin Đức Chúa Trời ban thánh linh.—Lu 11:5-13.

21:15, 19. Chúa Giê-su hỏi Phi-e-rơ có yêu ngài hơn “những kẻ nầy [“những thứ này”, NW]”, tức những con cá trước mặt họ không. Vì thế, Chúa Giê-su nhấn mạnh việc Phi-e-rơ phải chọn theo ngài trọn thời gian thay vì theo đuổi nghề đánh cá. Sau khi xem xét những lời tường thuật trong Kinh Thánh, mong sao chúng ta càng quyết tâm yêu mến Chúa Giê-su hơn bất cứ điều gì khác, là những điều có thể làm chúng ta phân tâm. Thật vậy, chúng ta hãy hết lòng tiếp tục theo ngài.

[Hình nơi trang 31]

Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ trường hợp của ông Ni-cô-đem?